Ngày nay nhiều tranh chấp về lĩnh vực lao động xảy ra mà các bên không thể tự thoả thuận giải quyết với nhau được nên đã lựa chọn việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thay cho việc khởi kiện ra Toà án. Vậy để giải quyết tranh chấp thì Hội đồng trọng tài lao động do ai thành lập? Trong hội đồng thì có tất cả bao nhiêu trọng tài viên?
1. Quy định pháp luật về trọng tài lao động:
Trọng tài lao động được hiểu là một phương thức giải quyết khi có tranh chấp về lao động xảy ra. Theo đó, phương thức này được thực hiện bởi trọng tài viên hoặc Hội đồng trọng tài có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động dựa trên cơ sở các nguyên tắc nhất định theo sự thoả thuận hợp pháp của các bên tranh chấp hoặc căn cứ theo quy định của pháp luật.
Phán quyết của trọng tài lao động có giá trị thi hành bắt buộc với các bên. Các bên phải dựa vào nội dung phán quyết của trọng tài lao động để thực hiện giải quyết.
2. Hội đồng trọng tài lao động do ai thành lập?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 101 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành quy định về điều kiện lao động và quan hệ lao động thì việc thành lập Hội đồng trọng tài do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập. Hội đồng trọng tài được thành lập và hoạt động với nhiệm kỳ 05 năm với các chức vụ, thành viên được bổ nhiệm như sau:
– Chủ tịch Hội đồng trọng tài lao động: Lãnh đạo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội được bổ nhiệm làm trọng tài viên lao động và làm việc theo chế độ kiêm nhiệm;
– Thư ký Hội đồng trọng tài lao động: Công chức làm việc tại Sở Lao động- Thương binh và Xã hội được bổ nhiệm làm trọng tài viên lao động, là thường trực của Hội đồng trọng tài lao động và làm việc theo chế độ chuyên trách;
– Các thành viên khác của Hội đồng trọng tài lao động: các trọng tài viên còn lại và được làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.
Theo quy định trên thì có thể thấy các thành viên của Hội đồng trọng tài lao động đều là các công chức, người lao động làm việc tại Sở Lao động – Thương binh và Xã hội. Sở dĩ việc phân công những cá nhân này làm trọng tài viên là vì đây là những cá nhân có chuyên môn và kinh nghiệm trong lĩnh vực lao động, hiểu biết được cụ thể được những vấn đề tranh chấp trong lao động và có hướng giải quyết phù hợp.
Như vậy, Hội đồng trọng tài là do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thành lập và hoạt động theo nhiệm vụ chuyên trách của trọng tài lao động với nhiệm kỳ 05 năm và sử dụng con dấu riêng của Hội đồng.
3. Trách nhiệm chung của Hội đồng trọng tài lao động:
Căn cứ theo quy định tại Điều 101 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP thì Hội đồng trọng tài lao động có trách nhiệm thực hiện các vấn đề sau:
Hội đồng trọng tài lao động có trách nhiệm giải quyết tranh chấp trong quan hệ lao động theo quy định tại Điều 189 Bộ luật Lao động năm 2019, Điều 193 Bộ luật Lao động năm 2019 và Điều 197 Bộ luật Lao động năm 2019;
Hội đồng trọng tài lao động có trách nhiệm giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích ở nơi sử dụng lao động không được đình công căn cứ theo quy định về danh mục nơi sử dụng lao động không được đình công và việc giải quyết tranh chấp lao động tại nơi sử dụng lao động không được đình công tại Mục 3 Chương XI Nghị định số 145/2020/NĐ-CP;
Hội đồng trọng tài lao động có trách nhiệm giải quyết tranh chấp lao động khác theo quy định của pháp luật hiện hành về lĩnh vực lao động và trọng tài lao động;
– Hội đồng trọng tài lao động có trách nhiệm thực hiện hỗ trợ phát triển quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh theo quy chế hoạt động của Hội đồng trọng tài lao động;
– Có trách nhiệm báo cáo với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và thông báo cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động cấp tỉnh và tổ chức đại diện người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh kết quả hoạt động của Hội đồng trọng tài lao động trong một năm qua.
4. Số lượng trọng tài viên trong Hội đồng trọng tài lao động:
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 185 Bộ luật Lao động năm 2019 thì số lượng trọng tài viên trong Hội đồng trọng tài do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định khi thành lập Hội đồng trọng tài lao động. Tuy nhiên, số lượng trọng tài viên trong Hội đồng phải ít nhất là 15 người và được đề cử từ thành viên của các cơ quan có liên quan trong địa bàn tỉnh/ thành phố trực thuộc trung ương. Cụ thể như sau:
– Có tối thiểu 05 thành viên do cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đề cử (Sở Lao động- Thương binh và Xã hội). Trong đó Chủ tịch của Hội đồng trọng tài lao động được xác định là đại diện bên lãnh đạo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội; Thư ký của Hội đồng trọng tài lao động được xác định là công chức làm việc tại Sở Lao động- Thương binh và Xã hội thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh;
– Có tối thiểu 05 thành viên do công đoàn (Liên đoàn lao động) cấp tỉnh/ thành phố trực thuộc trung ương đề cử;
– Có tối thiểu 05 thành viên do các tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong địa bàn tỉnh/ thành phố trực thuộc trung ương thống nhất đề cử.
Như vậy, Hội đồng trọng tài lao động được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định phải đảm bảo tối thiểu 15 người. Dù là chủ tịch Hội đồng trọng tài lao động hay thư ký Hội đồng hay các chức danh khác thì các thành viên này đều phải là trọng tài viên.
5. Quy định của pháp luật hiện hành về trọng tài viên:
5.1. Tiêu chuẩn và điều kiện trở thành trọng tài viên trong Hội đồng trọng tài lao động:
Căn cứ theo quy định tại Điều 98 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành quy định về điều kiện lao động và quan hệ lao động, để trở thành trọng tài viên trong Hội đồng trọng tài lao động thì cá nhân đó cần đáp ứng điều kiện và tiêu chuẩn cụ thể như sau:
– Trọng tài viên là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định tại Điều 19 và Điều 20 Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Về sức khoẻ và phẩm chất đạo đức của trọng tài viên: đảm bảo sức khoẻ đạt theo quy định của pháp luật và có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tin trong công việc và công tâm trong giải quyết tranh chấp lao động;
– Điều kiện về trình độ học vấn: đảm bảo có trình độ đại học (cử nhân) trở lên; có kiến thức hiểu biết về pháp luật, đặc biệt là pháp luật về lao động và phải đảm bảo có ít nhất 05 năm làm việc trong lĩnh vực có liên quan đến quan hệ lao động;
– Người được phân công làm trọng tài viên không thuộc diện đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang trong thời gian chấp hành bản án hình sự hoặc người này đã chấp hành xong bản án hình sự nhưng chưa được xoá án tích;
– Phải được Sở Lao động- Thương binh và Xã hội hoặc Liên đoàn Lao động cấp tỉnh hoặc Tổ chức đại diện người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh đề cử làm trọng tài lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 185 Bộ luật Lao động năm 2019 đã được phân tích tại mục 4;
Lưu ý, trọng tài viên trong Hội đồng trọng tài lao động không phải là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, chấp hành viên hoặc công chức làm việc tại Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan Thi hành án và Cơ quan điều tra.
Như vậy, nếu cá nhân đáp ứng được đầy đủ điều kiện và tiêu chuẩn được phân tích trên thì có thể được phân công giữ vị trí trọng tài viên trong Hội đồng trọng tài lao động.
5.2. Trách nhiệm của trọng tài viên trong Hội đồng trọng tài lao động:
Cá nhân được phân công làm vị trí trọng tài viên trong Hội đồng trọng tài lao động có trách nhiệm thực hiện các công việc được quy định tại Điều 101 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành. Theo đó, trách nhiệm của trọng tài viên được quy định như sau:
Trọng tài viên lao động có trách nhiệm tham gia công việc và thực hiện nhiệm vụ của Ban trọng tài lao động được quy định tại Điều 102 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động;
Trọng tài viên lao động còn phải thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy chế hoạt động do Hội đồng trọng tài lao động ban hành và thực hiện theo nhiệm vụ do Chủ tịch Hội đồng trọng tài phân công.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Bộ luật Lao động năm 2019;
– Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 14 tháng 12 năm 2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.