Quy định về phát hành trái phiếu Chính phủ mới nhất năm 2015. Phát hành trái phiếu Chính phủ được quy định lại như thế nào?
Quy định về phát hành trái phiếu Chính phủ mới nhất năm 2015. Phát hành trái phiếu Chính phủ được quy định lại như thế nào?
Từ ngày 15/09/2015, việc phát hành trái phiếu Chính phủ tại thị trường trong nước được thực hiện theo Thông tư 111/2015/TT-BTC do Bộ trưởng Bộ Tài chính mới ban hành hướng dẫn phát hành trái phiếu chính phủ tại thị trường trong nước. Trong đó, có những quy định mới cần chú ý như sau:
1. Kì hạn trái phiếu:
– Tín phiếu kho bạc có các kỳ hạn chuẩn là 13 tuần, 26 tuần và 52 tuần;
– Trái phiếu kho bạc và công trái xây dựng tổ quốc có các kỳ hạn chuẩn là 2 năm, 3 năm, 5 năm, 7 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm và 30 năm;
Bộ Tài chính quy định việc phát hành các kỳ hạn chuẩn khác của trái phiếu trong trường hợp cần thiết. Căn cứ quy định trên và mục tiêu quản lý ngân quỹ, Kho bạc Nhà nước quy định các kỳ hạn cụ thể của trái phiếu cho từng đợt phát hành.
2. Mệnh giá trái phiếu:
Trái phiếu có mệnh giá là một trăm nghìn (100.000) đồng. Các mệnh giá khác là bội số của một trăm nghìn (100.000) đồng. Bộ Tài chính quy định cụ thể mệnh giá của trái phiếu ngoại tệ đối với mỗi đợt phát hành theo Đề án phát hành trái phiếu ngoại tệ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
3. Phương thức và hình thức phát hành:
Trái phiếu được phát hành theo các phương thức phát hành sau: đấu thầu phát hành, bảo lãnh phát hành, đại lý phát hành và bán lẻ qua hệ thống Kho bạc Nhà nước.
Với phương thức đấu thầu và bảo lãnh, trái phiếu được phát hành theo hình thức bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử; còn với phương thức đại lý phát hành và bán lẻ, trái phiếu được phát hành theo hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử.
4. Lãi suất danh nghĩa trái phiếu:
Thông tư nêu rõ, lãi suất danh nghĩa trái phiếu có thể là lãi suất cố định hoặc lãi suất thả nổi theo thông báo của Kho bạc Nhà nước tại thời điểm phát hành; trường hợp lãi suất danh nghĩa của trái phiếu là lãi suất thả nổi, Bộ Tài chính thông báo lãi suất tham chiếu và cách xác định giá bán trái phiếu tại từng đợt phát hành.
5. Thanh toán lãi, gốc trái phiếu:
Đối với trái phiếu thanh toán lãi định kỳ phát hành theo phương thức đấu thầu và bảo lãnh phát hành, tiền lãi trái phiếu được thanh toán sau theo định kỳ sáu (06) tháng một lần hoặc mười hai (12) tháng một lần và tiền gốc trái phiếu được thanh toán một lần vào ngày trái phiếu đáo hạn;
– Đối với trái phiếu không thanh toán lãi định kỳ phát hành theo phương thức đấu thầu và bảo lãnh phát hành, chủ thể phát hành không thanh toán lãi định kỳ mà chỉ thanh toán một lần cả gốc và lãi tại ngày đáo hạn;
– Đối với trái phiếu phát hành theo phương thức đại lý phát hành và bán lẻ thông qua hệ thống Kho bạc Nhà nước, tiền lãi trái phiếu được thanh toán sau theo định kỳ sáu (06) tháng một lần hoặc mười hai (12) tháng một lần; tiền gốc trái phiếu được thanh toán một lần vào ngày đáo hạn hoặc thanh toán trước hạn theo quy định của từng đợt phát hành.
6. Phát hành bổ sung trái phiếu:
Kho bạc Nhà nước quyết định việc phát hành bổ sung trái phiếu nhằm đảm bảo thanh khoản cho thị trường. Kỳ hạn còn lại của mã trái phiếu tại thời điểm phát hành bổ sung phải từ một (01) năm trở lên.
7. Lãi suất phát hành trái phiếu:
Bộ Tài chính quy định khung lãi suất phát hành trái phiếu trong từng thời kỳ hoặc từng đợt phát hành. Căn cứ vào khung lãi suất quy định trên, Kho bạc Nhà nước lựa chọn và quyết định lãi suất phát hành trái phiếu đối với từng đợt phát hành trái phiếu.
8. Quy trình, thủ tục tổ chức đấu thầu:
– Tối thiểu 04 ngày làm việc trước ngày tổ chức phát hành trái phiếu, Sở Giao dịch chứng khoán (Sở GDCK) gửi thông báo phát hành trái phiếu tới toàn bộ thành viên đấu thầu và công bố thông tin trên trang tin điện tử.
>>> LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.0191
– Chậm nhất vào 10 giờ 30 phút ngày tổ chức phát hành, các thành viên đấu thầu gửi Sở GDCK thông tin dự thầu theo quy trình và mẫu đăng ký dự thầu do Sở GDCK quy định.
Mỗi thành viên đấu thầu và mỗi khách hàng của thành viên đấu thầu dự thầu cạnh tranh lãi suất được phép đặt tối đa 05 mức dự thầu trên một phiếu dự thầu.
Đối với trường hợp mua trái phiếu cho khách hàng, thành viên đấu thầu phải cung cấp đầy đủ tên khách hàng, mức lãi suất và khối lượng dự thầu tương ứng của mỗi khách hàng.
– Chậm nhất 15 phút sau thời gian đăng ký dự thầu cuối cùng Sở GDCK mở thầu, tổng hợp thông tin gửi cho Kho bạc Nhà nước.
Hàng năm, căn cứ vào chỉ tiêu huy động vốn cho ngân sách nhà nước và cho đầu tư phát triển đã được Quốc hội phê duyệt, kế hoạch điều hành ngân sách nhà nước, Kho bạc Nhà nước xây dựng và thông báo kế hoạch phát hành trái phiếu dự kiến cho cả năm.