Biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thị trường chứng khoán

Sự cần thiết quy định về biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thị trường chứng khoán? Các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thị trường chứng khoán?

Để bảo đảm an ninh, an toàn thị trường chứng khoán, pháp luật chứng khoán đã quy định các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thị trường chứng khoán và thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan quản lý về chứng khoán và thị trường chứng khoán trong việc thực hiện các biện pháp đó. Vậy pháp luật quy định những biện pháp đó như thế nào? Bài viết dưới đây Luật LVN Group sẽ cung cấp các thông tin về biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thị trường chứng khoán.

1. Sự cần thiết quy định về biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thị trường chứng khoán:

Thị trường chứng khoán luôn là thị trường mang lại những rủi ro cao kể cả đối với các nhà đầu tư cũng như các chủ thể khác hoạt động trên thị trường chứng khoán. Không những vậy, thị trường chứng khoán có khả năng ảnh hưởng rộng lớn đến nền kinh tế quốc dân, từ đó gây ảnh hưởng đến nhiều chủ thể khác. Do vậy, bảo đảm an ninh, an toàn trên thị trường chứng khoán là việc vô cùng cần thiết.

Việc quy định các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thị trường chứng khoán để phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo cơ sở pháp lý cũng như xác định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý thị trường chứng khoán trong việc thực hiện các biện pháp mang tính phòng ngừa cũng như kịp thời khắc phục, xử lý các sự cố, biến động bất thường của thị trường chứng khoán làm ảnh hưởng đến hoạt động giao dịch bình thường của thị trường giao dịch chứng khoán.

2. Các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thị trường chứng khoán:

Hiện nay, các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thị trường chứng khoán được quy định tại Điều 7 Luật Chứng khoán năm 2019 và được hướng dẫn áp dụng tại Chương IX Nghị định số 155/2020/NĐ- CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán. Theo đó, thì các biện pháp bo đảm an ninh, an toàn thị trường chứng khoán bao gồm:

* Giám sát an ninh, an toàn thị trường chứng khoán. Đây là biện pháp đầu tiên được đề cập đến trong tổng số 07 biện pháp. Theo quy định của luật, thì giám sát an ninh, an toàn thị trường chứng khoán được hiểu là hoạt động do các chủ thể có thẩm quyền thực hiện. Các chủ thể này bao gồm Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán, Tổng công ty lưu lý và bù trừ chứng khoán là những chủ thể chính trong hoạt động này. Ngoài ra có thể còn có sự tham gia của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công an và các cơ quan khác tham gia theo thẩm quyền. Các cơ quan có nhiệm vụ chính tiến hành thu thập, phân tích thông tin trên thị trường chứng khoán nhằm xác định nguy cơ, rủi ro hệ thống đe dọa đến an ninh, an toàn của thị trường chứng khoán. Từ việc xác định các nguy cơ, rủi ro đó, thì các chủ thể này sẽ đưa ra những phương án, biện pháp nhằm bảo đảm tính ổn định, an ninh, an toàn của thị trường chứng khoán.

Pháp luật cũng đã có những quy định dự trù về các trường hợp, dấu hiệu mang lại  nguy cơ, rủi ro hệ thống bao gồm các trường hợp:

– Một công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán quy mô lớn hoặc một số công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán ngừng hoạt động hoặc giải thể, phá sản;

– Khi xảy ra hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình hoạt động của thị trường hoặc khi có biến động đáng kể của một hoặc một số yếu tố sau ở quy mô toàn thị trường: tổng giá trị vốn hóa, tổng giá trị giao dịch/phiên, tổng giá trị vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài trên thị trường chứng khoán, tổng giá trị cho vay giao dịch ký quỹ tại các công ty chứng khoán, tổng giá trị danh mục ủy thác đầu tư tại các công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán;

– Có sự kiện ảnh hưởng tiêu cực đến việc vận hành một cách ổn định, trật tự, thông suốt của thị trường chứng khoán hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân ở quy mô toàn thị trường. (Khoản 2 Điều 301 Nghị định 155/2020/NĐ- CP).

* Ứng phó, khắc phục sự cố, sự kiện, biến động ảnh hưởng đến an toàn, ổn định và tính toàn vẹn của thị trường chứng khoán. Nếu như biện pháp giám sát an ninh, an toàn thị trường chứng khoán được thực hiện nhằm đề phòng những sự cố trên thị trường chứng khoán thì biện pháp này mang tính khắc phục những hậu quả khi có sự cố xảy ra trên thị trường chứng khoán. Tương tự như biện pháp trên, thì ở biện pháp này Ủy ban Chứng khoán Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc áp dụng biện pháp này, bên cạnh đó không thể thiếu đi sự tham gia của Sở giao dịch chứng khoán, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán- đây là những chủ thể chính hoạt động trên thị trường chứng khoán. 

Việc ứng phó, khắc phục sự cố được thực hiện thông qua một loại các hoạt động cụ thể khác nhau, cụ thể đó chính là việc tiến hành xem xét, kiểm tra phát hiện, xác định những sự cố, sự kiện, biến động thị trường chứng khoán mà gây ảnh hưởng đến an toàn, ổn định và tính toàn vẹn của thị trường chứng khoán;

Sau khi phát hiện có những sự cố, thì các chủ thể có thẩm quyền đã liệt kê ở trên tiến hành xác minh, phân tích, đánh giá và phân loại sự cố, sự kiện, biến động thị trường chứng khoán. Tiếp theo là tiến hành thực hiện các biện pháp nhằm giới hạn phạm vi ảnh hưởng, hạn chế thiệt hại do sự cố gây ra, tức không để xảy ra trường hợp tất các các chủ thể trên thị trường đều bị ảnh hưởng bởi sự cố đó. 

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cùng Sở Giao dịch chứng khoán và các công ty triển khai phương án ứng phó, khắc phục những thiệt hại trên thị trường chứng khoán. Một sự cố, sự kiện, biến động thị trường chứng khoán có thể gây nên những ảnh hưởng khác nhay, đó có thể gây ảnh hưởng tới toàn thị trường hoặc toàn bộ hoạt động, gây ảnh hưởng tới phần lớn thị trường hoặc gây ảnh hưởng đến phần lớn hoạt động, một phần thị trường hoặc một phần hoạt động;

Sau khi đã ứng phó, khắc phục thì các chủ thể cần tiến hành xác minh nguyên nhân gây ra những sự cố, sự kiện, biến động thị trường chứng khoán, các chủ thể này có thể trực tiếp xử lý hoặc báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền xử lý những trường hợp vi phạm theo thẩm quyền. 

* Tạm ngừng, đình chỉ giao dịch đối với một hoặc một số chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán;

Hoạt động này do Sở giao dịch chứng khoán trực tiếp thực hiện và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đóng vai trò quản lý, giám sát việc thực hiện này của Sở giao dịch chứng khoán.

Biện pháp này được Sở giao dịch chứng khoán áo dụng khi Sở giao dịch chứng khoán nhận thấy hợp giá, khối lượng giao dịch chứng khoán có biến động bất thường, hoặc trường hợp các tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch không có biện pháp khắc phục nguyên nhân dẫn đến việc chứng khoán bị đưa vào diện cảnh báo, kiểm soát, hạn chế giao dịch Sở giao dịch chứng khoán cũng có thể áp dụng biện pháp này nếu Sở giao dịch chứng khoán nhận thấy cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và bảo đảm ổn định, an toàn của thị trường chứng khoán. Việc áp dụng biện pháp này được quy định cụ thể tại quy chế của Sở giao dịch chứng khoán.

* Tạm ngừng, đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoặc khôi phục hoạt động giao dịch của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con.

Khác với biện pháp trên, biện pháp này sẽ do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quyết định.

Việc tạm ngừng, đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động của Sở giao dịch chứng khoán được áp dụng khi thực tiễn xảy ra chiến tranh, hay xảy ra thảm họa tự nhiên như sóng thần,…hoặc có những biến động lớn của nền kinh tế hoặc xảy ra những sự cố hệ thống giao dịch hoặc các sự kiện bất khả kháng khác làm ảnh hưởng đến hoạt động giao dịch bình thường của thị trường giao dịch chứng khoán hoặc khi thị trường giao dịch chứng khoán có biến động bất thường.

Còn việc khôi phục một phần hoặc toàn bộ hoạt động của Sở giao dịch chứng khoán được thực hiện khi những nguyên nhân dẫn đến việc tạm ngừng, tạm đình chỉ không còn.

*  Tạm ngừng, đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoặc khôi phục hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ, thanh toán chứng khoán của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.

Biện pháp này cũng do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước áp dụng. Thời hạn để áp dụng biện pháp này là dưới 05 ngày làm việc. Tuy nhiên, pháp luật cũng quy định về việc gia hạn thời gian áp dụng biện pháp này khi có sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Tài chính, thời gian gia hạn thêm mỗi lần không quá 05 ngày làm việc.

* Cấm đảm nhiệm chức vụ tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam, công ty đu tư chứng khoán có thời hạn hoặc vĩnh viễn, cấm thực hiện các hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán có thời hạn hoặc vĩnh viễn do thực hiện hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán;

Biện pháp này được áp dụng đối với các cá nhân làm việc trong thị trường chứng khoán khi có những hành vi vi phạm pháp luật. Việc áp dụng hình thức này mang tính trừng trị hợp lý các trường hợp vi phạm.

* Phong tỏa tài khoản chứng khoán, yêu cầu người có thẩm quyền phong tỏa tài khoản tiền có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán. 

Biện pháp này được áp dụng đối với các nhà đầu tư chứng khoán, có thể là tổ chức hoặc cá nhân.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com