Đình công là quyền của người lao động. Bộ luật lao động 2019 quy định cụ thể về trình tự thủ tục đình công, theo đó mà người lao động khi thực hiện định công không được vi phạm. Người lao động cũng nên lưu ý về các công việc, nơi sử dụng lao động không được đình công.
1. Các công việc, nơi sử dụng lao động không được đình công:
Theo điều 198 Bộ luật Lao động 2019, đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của người lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động và do tổ chức đại diện người lao động có quyền thương lượng tập thể là một bên tranh chấp lao động tập thể tổ chức và lãnh đạo.
Điều 199, tổ chức đại diện người lao động là bên tranh chấp lao động tập thể về lợi ích có quyền tiến hành thủ tục quy định tại các điều 200, 201 và 202 của Bộ luật này để đình công trong các trường hợp sau:
1. Hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải quy định tại khoản 2 Điều 188 của Bộ luật này mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải.
2. Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc thành lập nhưng không ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc người sử dụng lao động là bên tranh chấp không thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động.
Như vậy, việc đình công phải do tổ chức đại diện người lao động là bên tranh chấp lao động tập thể về lợi ích tiến hành. Người lao động có quyền tham gia đình công chứ không được đứng ra tổ chức đình công.
Bộ luật Lao động 2019 không quy định cụ thể về các ngành nghề không được phép đình công, chỉ quy định tại điều 209 về Nơi sử dụng lao động không được đình công.
Theo đó, “không được đình công ở nơi sử dụng lao động mà việc đình công có thể đe dọa đến quốc phòng, an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe của con người”. Điều luật này cũng giao cho Chính phủ quy định danh mục nơi sử dụng lao động không được đình công, và việc giải quyết tranh chấp lao động tại nơi sử dụng lao động không được đình công quy định tại khoản 1 điều này.
Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động đã ban hành Danh mục nơi sử dụng lao động không được đình công gồm những doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp mà việc đình công có thể đe dọa đến quốc phòng, an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe con người theo Phụ lục VI ban hành kèm theo.
Cụ thể:
I. Sản xuất, truyền tải, điều độ hệ thống điện:
1. 3 đơn vị thuộc Công ty mẹ – Tập đoàn Điện lực Việt Nam, gồm: Công ty Thủy điện Hòa Bình; Công ty Thủy điện Sơn La; Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia.
2. Công ty Nhiệt điện Duyên Hải thuộc Tổng Công ty Phát điện 1.
3. Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ thuộc Tổng Công ty Phát điện 3.
4. Các Công ty truyền tải điện thuộc Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia.
II. Thăm dò, khai thác, sản xuất, cung cấp dầu khí:
1. Công ty Điều hành đường ống Tây Nam thuộc Công ty mẹ – Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
2. 2 đơn vị thuộc Tổng công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí, gồm: Công ty điều hành Thăm dò khai thác Dầu khí trong nước; Công ty liên doanh điều hành Vietgazprom.
3. 8 đơn vị thuộc Tổng công ty Khí Việt Nam, gồm: Công ty Chế biến khí Vũng Tàu; Công ty Vận chuyển khí Đông Nam Bộ; Công ty kinh doanh sản phẩm khí; Công ty khí Cà Mau; Công ty đường ống khí Nam Côn Sơn; Công ty cổ phần LPG Việt Nam; Công ty cổ phần kinh doanh khí Miền Nam; Công ty cổ phần Phân phối khí thấp áp Dầu khí Việt Nam.
4. Liên doanh Việt – Nga Vietsopetro.
III. Bảo đảm an toàn hàng không, an toàn hàng hải:
1. Các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay thuộc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam.
2. Các cảng hàng không thuộc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, gồm: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh, Cần Thơ.
3. Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc.
4. Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam.
5. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hoa tiêu hàng hải TKV.
6. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam.
IV. Cung cấp hạ tầng thông tin và truyền thông:
1. Tổng Công ty Hạ tầng mạng thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam.
2. Tổng Công ty Mạng lưới Viettel thuộc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội.
V. Các doanh nghiệp cung cấp nước sạch, thoát nước, vệ sinh môi trường trực tiếp phục vụ cho các thành phố trực thuộc Trung ương
VI. Trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh
Đây là các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp quốc phòng, an ninh.
2. Giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích tại nơi sử dụng lao động không được đình công:
Căn cứ theo quy định tại điều 107. Giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích tại nơi sử dụng lao động không được đình công Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động quy định cụ thể:
” 1. Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
2. Giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích của hòa giải viên lao động
a) Giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích của hòa giải viên lao động được thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 196 của Bộ luật Lao động;
b) Trường hợp hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải quy định tại khoản 2 Điều 188 của Bộ luật Lao động mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải hoặc một trong các bên không thực hiện thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành thì các bên tranh chấp có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết.
3. Giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích của Hội đồng trọng tài lao động
a) Giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích của Hội đồng trọng tài lao động thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 197 của Bộ luật Lao động;
b) Trường hợp hết thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 197 của Bộ luật Lao động mà Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc hết thời hạn quy định tại khoản 3 Điều 197 của Bộ luật Lao động mà Ban trọng tài không ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc một trong hai bên không thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động thì một trong các bên có quyền yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết vụ việc tranh chấp.
Trong thời gian Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích, các bên không được đồng thời đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết.
4. Giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
a) Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân công Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất giải quyết tranh chấp;
b) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân công tiến hành giải quyết tranh chấp lao động, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm phối hợp với Liên đoàn Lao động cấp tỉnh và cơ quan có liên quan tìm hiểu vụ việc, hướng dẫn các bên tranh chấp tiến hành thương lượng giải quyết vụ việc tranh chấp. Trường hợp các bên tranh chấp đạt được thỏa thuận thì Sở Lao động – Thương binh và Xã hội lập biên bản có chữ ký của đại diện các bên tranh chấp và có văn bản báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thông báo kết quả thỏa thuận giải quyết tranh chấp lao động. Trường hợp khi hết thời hạn 10 ngày làm việc mà các bên tranh chấp không đạt được thỏa thuận thì trong thời hạn 05 ngày làm việc tiếp theo, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Liên đoàn Lao động cấp tỉnh và cơ quan có liên quan đề xuất phương án giải quyết tranh chấp lao động, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định;
c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được phương án giải quyết tranh chấp lao động do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì cuộc họp mời các bên tranh chấp, đại diện Liên đoàn Lao động cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức có liên quan cho ý kiến về phương án giải quyết tranh chấp và ra quyết định giải quyết tranh chấp lao động.
Quyết định giải quyết tranh chấp lao động của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là quyết định cuối cùng mà các bên tranh chấp phải chấp hành.
Như vậy có thể thấy căn cứ theo Điều 107 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ, đối với trường hợp nơi sử dụng lao động không được đình công thì có 03 chủ thể có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động, bao gồm hòa giải viên lao động, Hội đồng trọng tài lao động và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cụ thể đó là thẩm quyền của hòa giải viên lao động là cá nhân do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm để thực hiện nhiệm vụ giải quyết tranh chấp lao động, tranh chấp liên quan đến hợp đồng đào tạo nghề, và hỗ trợ phát triển quan hệ lao động.
Ngoài ra pháp luật còn quy định về hội đồng trọng tài lao động là tổ chức được thành lập theo nhiệm kỳ bởi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Các thành viên trong Hội đồng trọng tài lao động cũng được bổ nhiệm bởi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để thực hiện nhiệm vụ giải quyết tranh chấp lao động, tranh chấp liên quan đến hợp đồng học nghề và hỗ trợ phát triển quan hệ lao động. Theo đó đối với tranh chấp lao động tập thể về lợi ích nói chung, các bên tranh chấp chỉ có thể chọn Hội đồng trọng tài lao động sau khi đã giải quyết tranh chấp lao động qua hòa giải viên lao động và không thành, do chỉ có 02 chủ thể có quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích.
Cơ sở pháp lý:
Bộ luật lao động 2019
Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động