Cảng cạn là gì? Vai trò, chức năng của cảng cạn? Các quy định của pháp luật về cảng cạn?
Khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu cũng như khối lượng hàng hóa chuyên chở bằng container ở Việt Nam ngày càng phát triển mạnh, từ đó đòi hỏi nhu cầu sử dụng cảng cạn ngày càng lớn. Tuy nhiên, cảng cạn không chỉ phục vụ cho thực tiễn đó mà còn mang nhiều chức năng, vai trò quan trọng, điều này đã tác động và buộc hệ thống pháp luật hàng hải phải có các quy định chặt chẽ, cụ thể hơn để xây dựng, quản lý và phát triển hệ thống cảng cạn quốc gia.
Dịch vụ LVN Group tư vấn pháp luật qua điện thoại: 1900.0191
Cơ sở pháp lý:
Bộ luật Hàng hải năm 2015.
Nghị định 38/2017/NĐ-CP về đầu tư xây dựng, quản lý khai thác cảng cạn.
1. Cảng cạn là gì?
Khái niệm đầu tiên về cảng cạn được đưa ra trong một văn bản của Liên Hợp quốc năm 1982, theo đó, trong văn bản này sử dụng thuật ngữ là cảng nội địa, là nơi mà tại đó các hãng tàu phát hành vận đơn cho hàng hóa xuất khẩu và chịu toàn bộ trách nhiệm đối với hàng hóa nhập khẩu tới cảng với các chi phí và các điều khoản trong vận đơn do mình phát hành. Sau này, với sự phát triển nhanh chóng của quá trình container hóa, khái niệm cảng cạn thay đổi và trở nên toàn diện hơn.
Khái niệm về cảng cạn được luật hóa và ghi nhận trong Bộ luật Hàng hải, Nghị định 38/2017/NĐ-CP, cả hai văn bản này đều thống nhất đưa ra quan điểm: “Cảng cạn là một bộ phận thuộc kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, là đầu mối tổ chức vận tải gắn liền với hoạt động của cảng biển, cảng hàng không, cảng đường thủy nội địa, ga đường sắt, cửa khẩu đường bộ, đồng thời có chức năng là cửa khẩu đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bằng đường biển.“. Ngày từ trong định nghĩa này, ta đã dễ dàng thấy được ví trí và vai trò của cảng cạn trong mối quan hệ với các hoạt động vận tải và các cảng khác theo quy định của pháp luật.
2. Vai trò, chức năng của cảng cạn:
Mặc dù có nhiều cách định nghĩa khác nhau về cảng cạn, từ pháp luật quốc tế đến pháp luật quốc gia, nhưng nhìn chung, vai trò, chức năng của cảng cạn đều được các nước thống nhất trong cùng một quan điểm.
Chức năng của cảng cạn được quy định tại Điều 100 Bộ luật hàng hải, theo đó, cảng cạn có 7 chức năng cơ bản:
Thứ nhất, nhận và gửi hàng hóa được vận chuyển bằng container. Đây là chức năng điển hình, quan trọng và thường xuyên được nhắc đến nhất của cảng cạn và cũng mang đúng bản chất nhất về “cảng”.
Thứ hai, đóng hàng hóa vào và dỡ hàng hóa ra khỏi container. Đây là chức năng vận tải của cảng cạn. Chức năng này gắn liền với với hoạt động vận chuyển, việc đóng hàng, dỡ hàng hóa có thể để thực hiện chức năng nhận hoặc gửi hàng hóa được vận chuyển.
Thứ ba, tập kết container để vận chuyển đến cảng biển và ngược lại. Đây là chức năng giao thông của cảng cạn. Ở chức năng này, cảng cạn được xem như một không gian rộng lớn, là điểm gộp và phân phối container và hàng hóa nói chung.
Thứ tư, kiểm tra và hoàn tất thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Đây là chức năng thuộc nhóm chức năng cảng quốc tế. Ở đây, cảng cạn được xem như một “cửa khẩu’ và các cá nhân có thẩm quyền phải thực hiện các thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật.
Thứ năm, gom và chia hàng hóa lẻ đối với hàng hóa có nhiều chủ trong cùng container. Đây là chức năng về logistic kho vận. Cảng cạn mang chức năng này thể hiện ở chỗ tập kết hàng container xuất để chuyển ra cảng và ngược lại nhận hàng container nhập từ cảng về để rút hàng lẻ giao cho các chủ hàng, có thể bao gồm các hoạt động như cân, kiểm tra niêm phong và kiêm tra tổn thất, nhãn dán và kiểm soát độ an toàn. Cảng cạn còn có chức năng tổng hợp và phân phối hàng hóa nếu container dược gửi trực tiếp hoặc bị từ chối nhận hàng tại nơi nhận hàng cuối cùng.
Thứ sáu, tạm chứa hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và container. Chức năng này khiến cho cảng cạn gần như trở thành một kho bãi lưu trữ với diện tích lớn, an toàn và hiệu quả.
Thứ bảy, sửa chữa và bảo dưỡng container. Đây là chức năng thuộc nhóm các chức năng khác của cảng cạn, việc sửa chữa và bảo dưỡng container cũng là chức năng khá thường xuyên, gắn liền với các hoạt động vận tải bằng container diễn ra phố biến và liên quan đến cảng cạn.
Cảng cạn đem lại nhiều lợi ích khác nhau, có vai trò khác nhau đối với từng nền kinh tế cũng như đối với sự phát triển của các ngành liên quan.
– Vai trò đối với nền kinh tế.
Tổ chức vận tải hiệu quả hơn và góp phần phát triển vận tải đa phương thức.
Phát triển chuỗi cung ứng và dịch vụ logistics.
Tăng khả năng thông qua tại các cảng biển.
– Vai trò đối với môi trường và xã hội.
Giảm lượng khí thải nhà kính thông qua sự thay đổi phương thức vận tải tại cảng cạn.
Giảm ùn tắc giao thông do giảm lượng xe vận chuyển hàng hóa chạy trên đường.
Nhìn chung, vai trò của cảng cạn đã được phân tích trong rất nhiều các tài liệu và ngay trong đề án phát triển cảng cạn, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng đã nêu rõ vai trò của cảng cạn trong sự phát triển kinh tế- xã hội gắn với bảo vệ môi trường.
3. Các quy định của pháp luật về cảng cạn:
Với việc ban hành Nghị định 38/2017/NĐ-CP, các quy định về cảng cạn ngày càng chi tiết và trở thành cơ sở pháp lý quan trọng cho việc đầu tư phát triển và quản lý cảng cạn. Các quy định về cảng cạn cũng được thể hiện trong Bộ luật Hàng hải nhưng chỉ mang tính khái quát và được thể hiện tại các Điều 100, 101, 102, 104. Chính vì có phạm vi rộng, do đó, các vấn đề pháp lý mà tác giả nêu dưới đây là những vấn đề trọng tâm, quan trọng khi nghiên cứu về cảng cạn.
Thứ nhất, các tiêu chí xác định cảng cạn.
Theo Điều 101 Bộ luật Hàng hải, có 5 tiêu chí để xác định cảng cạn:
Một là, phải phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn đã được phê duyệt. Quy hoạch luôn là tiêu chí đầu tiên để được xác định đối với mọi công trình, việc phù hợp với quy hoạch phát triển là cách để nhà nước quản lý hiệu quả sự ra đời của các cảng cạn tại các vị trí thực sự cần thiết.
Hai là, gắn với các hành lang vận tải chính, kết nối tới cảng biển phục vụ phát triển kinh tế vùng. Đây là tiêu chí nhằm đảm bảo các chức năng của cảng cạn, đảm bảo tính thuận tiện, hiệu quả của cảng cạn trong mối quan hệ thống nhất với hành lang vận tải và cảng biển.
Ba là, phải có ít nhất hai phương thức vận tải để tạo điều kiện tổ chức vận tải đa phương thức hoặc kết nối trực tiếp với một phương thức vận tải có năng lực cao. Vận tải đa phương thức là việc sử dụng nhiều hình thức vận tải kết hợp trong cùng một người vận tải hay người khai thác vận tải. Việc xác định cảng cạn theo tiêu chí này nhằm tận dụng tối đa vai trò, chức năng của cảng cạn, để cảng cạn trở thành nơi có thể thực hiện được hết các đầu mối mà nó có thể đảm nhận
Bốn là, bảo đảm đủ diện tích để bố trí nơi làm việc cho các cơ quan, tổ chức hữu quan. Ở tiêu chí này, Nghị định 38/2017/NĐ-CP còn quy định thêm tiêu chí “đủ quỹ đất để đáp ứng nhu cầu phát triển lâu dài; có diện tích tối thiểu 05 ha đối với các cảng cạn hình thành mới.” Điều này cũng dễ hiểu, bởi sự vận hành và phát triển, cũng như thực hiện các chức năng của cảng cạn được thực hiện thông qua các cá nhân trong các cơ quan, tổ chức.
Năm là, bảo đảm yêu cầu về phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Đây là tiêu chí cơ bản trong việc đảm bảo an toàn cho tính mạng, sức khỏe, tài sản tại cảng cạn và chiến lược phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.
Thứ hai, đầu tư xây dựng, quản lý khai thác cảng cạn.
Nội dung này được quy định tại Điều 103 Bộ luật hàng hải, theo đó:
“1. Đầu tư xây dựng cảng cạn phải phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn, quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Tổ chức, cá nhân được đầu tư xây dựng và khai thác cảng cạn theo quy định của pháp luật.“
Cụ thể hóa cho quy định này, Nghị định 38/2017/NĐ-CP đã dành hẳn cả Chương II để quy định về nội dung này. Với các quy định đó, hoạt động xây dựng, quản lý khai thác cảng cạn trở nên hiệu quả hơn bao giờ hết, là cơ sở pháp lý quan trọng để chủ thể có thẩm quyền, cá nhân, tổ chức hoạt động liên quan đến cảng cạn phải có nghĩa vụ tuân thủ và thực hiện triệt để, phát huy được vai trò, chức năng tối ưu nhất của cảng cạn.