Cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân cấp phường? Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân phường?
Trong hệ thống phân cấp tổ chức đơn vị hành chính ở nước ta ở cùng một cấp thì tổ chức theo đơn vị hành chính phường chính là một cách tổ chức chính quyền địa phương. Đơn vị hành chính phường cũng được tổ chức bao gồm Hội đồng nhân dân phường và Ủy ban nhân dân phường. Bài viết dưới đây Luật LVN Group sẽ giới thiệu về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ quyền hạn của Hội đồng nhân dân phường.
Tư vấn luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại: 1900.0191
1. Cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân cấp phường
Tổ chức cấp chính quyền gần dân nhất phải luôn bám sát nguyên tắc xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Đã là chính quyền “của dân” thì bộ máy chính quyền đó phải do dân bầu, dân quyết định, dân giám sát bằng việc tự mình lựa chọn người đại diện, lựa chọn người đảm đương các công việc thực thi quyền lực nhà nước và giám sát, kiểm tra, đánh giá được hoạt động của bộ máy đó.
Tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2019 quy định về tổ chức của Hội đồng nhân dân phường như sau:
“1. Hội đồng nhân dân phường gồm các đại biểu Hội đồng nhân dân do cử tri ở phường bầu ra.
Việc xác định tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân phường được thực hiện theo nguyên tắc sau đây:
a) Phường có từ mười nghìn dân trở xuống được bầu hai mươi mốt đại biểu;
b) Phường có trên mười nghìn dân thì cứ thêm năm nghìn dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá ba mươi đại biểu.”
Như vậy, việc thành lập ra Hội đồng nhân dân phương chính là do trực tiếp nhân dân bầu ra, theo đúng nguyên tắc Nhà nước do dân. Người dân chính là người thường ngày tiếp xúc với các cử tri bầu Hội đồng nhân dân phường, từ đó lựa chọn được cử tri mình tin tưởng, đại diện cho mình trong Hội đồng nhân dân. Số lượng đại biểu của Hội đồng nhân dân phụ thuộc và số dân của phường. Theo quy định trên của luật, thì số lượng đại biểu tối đa của phường có 10.000 dân trở xuống là 21 đại biểu. Còn ở phường có trên 10.000 dân thì tổng số đại biểu tối đa không quá 30 đại biểu, con số này đã được thay đổi tại Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019 so với luật năm 2015 nhằm đảm bảo sự tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy nhà nước.
Tại Khoản 2, khoản 3 Điều 60 Luật Chính quyền địa phương năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2019 quy định:
“2. Thường trực Hội đồng nhân dân phường gồm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, một Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân và các Ủy viên là Trưởng ban của Hội đồng nhân dân phường. Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân phường là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách.
3. Hội đồng nhân dân phường thành lập Ban pháp chế, Ban kinh tế – xã hội. Ban của Hội đồng nhân dân phường gồm có Trưởng ban, một Phó Trưởng ban và các Ủy viên. Số lượng Ủy viên của các Ban của Hội đồng nhân dân do Hội đồng nhân dân phường quyết định. Trưởng ban, Phó Trưởng ban và các Ủy viên của các Ban của Hội đồng nhân dân phường hoạt động kiêm nhiệm.”
Tại Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003 thì việc tổ chức bộ máy Hội đồng nhân dân cấp xã (Xã, phường, thị trấn) chỉ có Thường trực Hội đồng nhân dân với hai người (chủ tịch, phó chủ tịch), không có các ban; chủ tịch Hội đồng nhân dân thường là bí thư hoặc phó bí thư đảng ủy kiêm nhiệm. Hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã chủ yếu chỉ do phó chủ tịch chuyên trách đảm nhiệm; bộ máy giúp việc là công chức văn phòng- thống kê và phần lớn chỉ có một người, do vậy hiệu quả hoạt động không có, trong khi đây là cấp cơ sở, gần và sát dân nhất. Nhiều đại phương cho rằng, từ quy định của Hiến pháp 1992 đến thực tiễn hoạt động của Hội đồng nhân dân còn là một khoảng cách khá xa, là cơ quan quyền lực nhưng Hội đồng nhân dân nhiều khi không thực quyền.
Còn tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2019 thì có sự đổi mới căn bản đó là Hội đồng nhân dân phường được thành lập các Ban bao gồm hai ban là Ban pháp chế và Ban kinh tế- xã hội. Chính sự thay đổi căn bản như vậy nhằm mục đích nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã nói chung và Hội đồng nhân dân phường nói riêng. Và theo tinh thần của của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2014 là việc bố trí đội ngũ cán bộ thuộc các Ban hoạt động kiêm nhiệm tức là các thành viên Hội đồng nhân dân đồng thời thành viên các Ban. Quy định như vậy nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, cũng như tinh thần trách nhiệm của các thành viên Hội đồng nhân dân.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân phường
Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân phường được quy định tại Điều 61 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2019. Theo đó, thì Hội đồng nhân dân phường có nhiệm vụ, quyền hạn như sau:
Thứ nhất, ban hành nghị quyết về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân phường. Là cơ quan quyền lực nhà nước, Hội đồng nhân dân phường có quyền hạn ban hành các văn bản pháp luật. Văn bản pháp luật này có thể là những văn bản hướng dẫn các văn bản pháp luật của cấp trên, các văn bản quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, ….. Hội đồng nhân dân phường hoạt động theo đa số, do đó Hội đồng nhân dân phường ban hành các văn bản pháp luật dưới dạng Nghị quyết. Việc ban hành các văn bản của Hội đồng nhân dân phường được ban hành theo hình thức và trình tự theo Luật Xây dựng Văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ hai, bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng ban, Phó Trưởng ban của Hội đồng nhân dân phường; bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và các Ủy viên Ủy ban nhân dân phường. Là cơ quan quyền lực nên Hội đồng nhân dân có quyền bầu nhân sự của Ủy ban nhân dân. Là cơ quan có quyền bầu nên Hội đồng nhân dân cũng có quyền miễn nhiệm các cá nhân do mình bầu khi không đủ các điều kiện đảm nhiệm các chức danh đó.
Thứ ba, thông qua kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hằng năm của phường trước khi trình Ủy ban nhân dân quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt. Hội đồng nhân dân là cơ quan có quyền quyết định các vấn đề quan trọng nhất của địa phương, do vậy kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội cũng phải được Hội đồng nhân dân phường phê duyệt rồi mới được gửi lên cơ quan cấp trên.
Hội đồng nhân dân phường quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách phường; điều chỉnh dự toán ngân sách phường trong trường hợp cần thiết; phê chuẩn quyết toán ngân sách phường. Dự toán ngân sách là vấn đề vô cùng quan trọng của địa phương. Hoạt động dự toán thu, chi ngân sách được thực hiện theo luật ngân sách nhà nước và hoạt động này phải do cơ quan quyền lực của địa phương quyết định. Và Hội đồng nhân dân phường có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án trên địa bàn phường theo thẩm quyền được pháp luật quy định.
Hội đồng nhân dân phường giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương, việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân phường; giám sát hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp, Ban của Hội đồng nhân dân cấp mình; giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân cùng cấp. Giám sát việc thực hiện pháp luật nhằm để đảm bảo việc thực hiện pháp luật, giám sát để có thể phát hiện ra những sai phạm, xử lý kịp thời. Việc giám sát đó cũng nhằm nâng cao khả năng thực thi pháp luật và thượng tôn pháp luật, nâng cao tinh thần thực hiện pháp luật của các chủ thể thực hiện pháp luật đó.
Hội đồng nhân dân phường thực hiện lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân phường bầu theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Việc lấy phiếu tín nhiệm nhằm lấy ý kiến của dân về các thành viên của hội đồng, vì Hội đồng nhân dân phường do dân bầu ra, và cũng do dân giám sát, kiểm tra. Việc dân giám sát, kiểm tra được thể hiện qua cách lấy phiếu tín nhiệm, thông qua lá phiếu tín nhiệm, người dân sẽ thể hiện sự hài lòng, đánh giá của của mình đối với đại biểu Hội đồng nhân dân phường.
Hội đồng nhân dân phường bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân phường và chấp nhận việc đại biểu Hội đồng nhân dân phường xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu. Các đại biểu Hội đồng nhân dân làm việc trực tiếp trong Hội đồng nhân dân, các đại biểu khác dựa trên năng lực thực tế và quá trình làm việc của đại biểu để đánh giá, xem xét xem các đại biểu có thực hiện tốt vai trò của Hội đồng nhân dân hay không, khi không đủ năng lực thì sẽ bị bãi nhiệm theo quy định.
Hội đồng nhân dân phường có thẩm quyền bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường. Đối với các văn bản trái pháp luật thì phải được bãi bỏ kịp thời, thì ngoài chủ thể ban hành văn bản trái pháp luật bãi bỏ thì Hội đồng nhân dân phường cũng có thẩm quyền bãi bỏ những văn bản trái pháp luật đó theo thẩm quyền.