Điều kiện xin trở lại quốc tịch Việt Nam? Hồ sơ và thủ tục xin trở lại quốc tịch Việt Nam?
Hiện nay, tình trạng xin trở lại quốc tịch Việt Nam diễn ra khá phổ biến, do đó, Luật quốc tịch Việt Nam cho phép trở lại quốc tịch Việt Nam đối với các đối tượng là những người đã xin thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài nhưng không được nhập quốc tịch nước ngoài. Đây là quy định thể hiện nhân đạo của pháp luật Việt Nam nói chung và Luật Quốc tịch 2008 nói riêng, bởi lẽ các đối tượng nêu trên nếu không được trở lại quốc tịch Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng không quốc tịch. Vậy điều kiện, hồ sơ và thủ tục xin trở lại quốc tịch Việt Nam được quy định như thế nào? Bài viết dưới đây của Luật LVN Group sẽ cung cấp cho bạn đọc nội dung liên quan đến: ” Điều kiện, hồ sơ và thủ tục xin trở lại quốc tịch Việt Nam”
LVN Group tư vấn pháp luật qua tổng đài trực tuyến 24/7: 1900.0191
– Cơ sở pháp lý:
+ Luật quốc tịch Việt Nam 2008.
+ Nghị định 16/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quốc tịch Việt Nam
1. Điều kiện xin trở lại quốc tịch Việt Nam.
– Tại khoản 2 Điều 23 Luật Quốc tịch 2008 ghi nhận rõ, đối với các trường hợp xin trở lại quốc tịch Việt Nam, nếu xét thấy sự trở lại quốc tịch của người đó có thể “làm phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam” thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền xem xét và từ chối giải quyết. Quy định này của Luật Quốc tịch 2008 xuất phát từ yêu cầu phải kết hợp hài hòa giữa quyền có quốc tịch của cá nhân và quyền, lợi ích của Nhà nước bởi mối quan hệ quốc tịch là mối quan hệ mang tính hai chiều.
– Đối với những người đã từng bị tước quốc tịch mà có đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam, Luật Quốc tịch 2008 tại khoản 3 Điều 23 ghi nhận: “người bị tước quốc tịch Việt Nam xin trở lại quốc tịch Việt Nam thì phải ít nhất sau 5 năm, kể từ ngày bị tước quốc tịch mới được xem xét cho trở lại quốc tịch Việt Nam”. Tước quốc tịch là một biện pháp trừng phạt của quốc gia áp dụng đối với công dân nước mình, khi họ có hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật quốc gia. Như vậy, tước quốc tịch là một biện pháp chế tài của
Nhà nước nhằm thực hiện quyền lực chính trị của mình đối với công dân. Tuy nhiên, xuất phát từ truyền thống nhân đạo đó là pháp luật phải nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ và tạo điều kiện để các chủ thể ngày càng hoàn thiện hơn, cho nên, việc cho phép người đã bị tước quốc tịch được trở lại quốc tịch Việt Nam sau 5 năm là hợp lý, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho những người đã từng bị tước quốc tịch Việt Nam có cơ hội được trở lại quốc tịch Việt Nam và yên tâm ổn định, làm ăn sinh sống tại Việt Nam.
– Về một số trường hợp được trở lại quốc tịch Việt Nam nhưng không phải thôi quốc tịch nước ngoài: Để đảm bảo nguyên tắc một quốc tịch (Điều 4 Luật Quốc tịch 2008) và hạn chế tình trạng công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài, Điều 23 Luật Quốc tịch 2008 đã ghi nhận: “người được trở lại quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước ngoài”. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, khi được Chủ tịch nước cho phép, người xin trở lại quốc tịch Việt Nam được phép giữ lại quốc tịch nước ngoài của họ, cụ thể:
– Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam;
– Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam
– Có lợi ích cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quy định này đã đáp ứng được nhu cầu cũng như phản ánh được mong muốn của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, bởi vì một trong những điểm đặc thù của đối tượng này là phần lớn trong số họ hiện đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài, hưởng các chế độ về trợ cấp, phúc lợi xã hội gắn liền với quốc gia mà họ mang quốc tịch. Do đó, bên cạnh nhu cầu được trở lại quốc tịch Việt Nam, họ vẫn còn nguyện vọng được giữ lại quốc tịch của nước họ đang cư trú với mong muốn tiếp tục được hưởng các ưu đãi mà các quốc gia này dành cho họ với tư cách là công dân. Thiết nghĩ, đây cũng là quyền lợi chính đáng của kiều bào ta và trong một số trường hợp đặc biệt, điều này hoàn toàn có thể hiểu và chấp nhận được. Tuy nhiên, những trường hợp trở lại quốc tịch Việt Nam mà không phải thôi quốc tịch nước ngoài sẽ là không phổ biến, vì bản thân người xin trở lại quốc tịch phải thỏa mãn một số điều kiện nhất định và phải được đích thân Chủ tịch nước cho phép.
2. Hồ sơ và thủ tục xin trở lại quốc tịch Việt Nam.
– Thứ nhất về thành phần hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam:
+ Đơn có nguyện vọng trở lại quốc tịch Việt Nam;
+ Bản sao có chứng thực hoặc bản photo kèm bản chính để đối chiếu Giấy khai sinh, Hộ chiếu hoặc giấy tờ khác có giá trị thay thế;
+ Bản khai lý lịch;
+ Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với thời gian người có nguyện vọng trở lại quốc tịch Việt Nam cư trú ở Việt Nam, Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp đối với thời gian người có nguyện vọng trở lại quốc tịch Việt Nam cư trú ở nước ngoài. Phiếu lý lịch tư pháp phải là phiếu được cấp không quá 90 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ;
+ Giấy tờ chứng minh người có nguyện vọng trở lại quốc tịch Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam (Các giấy tờ chứng minh người xin trở lại quốc tịch Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam là một trong các giấy tờ sau đây: bản sao Giấy khai sinh; bản sao Quyết định cho thôi quốc tịch Việt Nam hoặc Giấy xác nhận mất quốc tịch Việt Nam; giấy tờ khác có ghi quốc tịch Việt Nam hoặc có giá trị chứng minh quốc tịch Việt Nam trước đây của người đó);
+ Giấy tờ chứng minh đủ điều kiện trở lại quốc tịch Việt Nam (Xin hồi hương về Việt Nam; Có vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ là công dân Việt Nam; Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam; Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Thực hiện đầu tư tại Việt Nam; Đã thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài, nhưng không được nhập quốc tịch nước ngoài; giấy tờ chứng minh người xin trở lại quốc tịch Việt Nam đang làm thủ tục xin hồi hương về Việt Nam hoặc bản sao giấy tờ chứng nhận việc đầu tư tại Việt Nam).
+ Con chưa thành niên cùng trở lại quốc tịch Việt Nam theo cha mẹ thì phải nộp bản sao Giấy khai sinh của người con hoặc giấy tờ khác chứng minh quan hệ cha con, mẹ con. Trường hợp chỉ cha hoặc mẹ trở lại quốc tịch Việt Nam mà con chưa thành niên sống cùng người đó cùng trở lại quốc tịch Việt Nam theo cha hoặc mẹ thì phải nộp văn bản thoả thuận của cha mẹ về việc trở lại quốc tịch Việt Nam của con.
– Số lượng hồ sơ: 03 bộ.
– Thứ hai, về trình tự, thủ tục xin trở lại quốc tịch Việt Nam: bao gồm 6 bước
– Bước 1: Nộp hồ sơ: người có nguyện vọng trở lại quốc tịch Việt Nam tiến hành nộp hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở Tư pháp (nếu cư trú ở trong nước, người có nguyện vọng trở lại quốc tịch Việt Nam)
– Bước 2: Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ: Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả Sở Tư pháp tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra tính hợp lệ và đầy đủ của các giấy tờ có trong hồ sơ và nếu hồ sơ hợp lệ và đầy đủ theo quy định thì cấp Biên nhận hồ sơ, ngược lại nếu hồ sơ chưa đầy đủ hoặc chưa hợp lệ, công chức được phân công tiếp nhận hướng dẫn bằng văn bản cho người nộp hồ sơ bổ sung và hoàn thiện hồ sơ theo quy định của pháp luật.
– Bước 3: Xử lý hồ sơ:
+ Sở Tư pháp gửi văn bản đề nghị Công an Thành phố xác minh về nhân thân của người có nguyện vọng trở lại quốc tịch Việt Nam trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận hồ sơ đầy đủ và hợp lệ của người có nguyện vọng xin trở lại quốc tịch Việt Nam.
+ Trong thời gian 20 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp, Công an Thành phố xác minh và gửi kết quả về Sở Tư pháp. Trong thời gian này, Sở Tư pháp tiến hành thẩm tra giấy tờ trong hồ sơ có nguyện vọng trở lại quốc tịch Việt Nam.
+ Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả thẩm tra của Công an Thành phố, Sở Tư pháp hoàn tất hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố.
+ Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, kết luận và đề nghị ý kiến gửi Bộ Tư pháp.
– Bước 3: Bộ Tư pháp
+ Đối với người có nguyện vọng trở lại quốc tịch Việt Nam không thuộc trường hợp được giữ quốc tịch nước ngoài:
Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố, Bộ Tư pháp kiểm tra lại hồ sơ của người có nguyện vọng trở lại quốc tịch Việt Nam có đủ điều kiện được trở lại quốc tịch Việt Nam thì gửi thông báo bằng văn bản cho người đó để làm thủ tục thôi quốc tịch nước ngoài.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được giấy xác nhận thôi quốc tịch nước ngoài của người có nguyện vọng trở lại quốc tịch Việt Nam, Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.
+ Đối với người có nguyện vọng trở lại quốc tịch Việt Nam thuộc trường hợp được giữ quốc tịch nước ngoài hoặc người không quốc tịch.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề xuất của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố, Bộ Tư pháp kiểm tra lại hồ sơ, người có nguyện vọng trở lại quốc tịch Việt Nam có đủ điều kiện được trở lại quốc tịch Việt Nam báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.
Trong trường hợp cần thiết phải xác minh về nhân thân của người có nguyện vọng trở lại quốc tịch Việt Nam, Bộ Tư pháp có văn bản đề nghị Bộ Công an xác minh.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản của Bộ Tư pháp, Bộ Công an xác minh và trả lời kết quả cho Bộ Tư pháp.
– Bước 4: Văn phòng Chủ tịch nước: Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước xem xét, quyết định.
– Bước 5: Thông báo kết quả giải quyết:
+ Bộ Tư pháp có trách nhiệm thông báo cho người có nguyện vọng trở lại quốc tịch Việt Nam về kết quả giải quyết việc trở lại quốc tịch Việt Nam và đăng trên Trang thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.
+ Văn phòng Chủ tịch nước có trách nhiệm gửi đăng Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam.
– Bước 6: Người đề nghị căn cứ ngày hẹn trên biên nhận đến nhận kết quả giải quyết tại Bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ của Sở Tư pháp như sau:
+ Lần 1: Nhận thông tin hồ sơ được Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, kết luận và đề nghị gửi Bộ Tư pháp.
+ Lần 2: Nhận thông báo để làm thủ tục thôi quốc tịch nước ngoài (Đối với người có nguyện vọng trở lại quốc tịch Việt Nam không thuộc trường hợp được giữ quốc tịch nước ngoài).
+ Lần 3: Nhận thông tin cho trở lại quốc tịch Việt Nam hoặc văn bản từ chối.