Điều kiện cấp thẻ thường trú cho người nước ngoài? Thủ tục cấp thẻ thường trú?
Người nước ngoài khi đến Việt Nam có thể vì nhiều lý do khác nhau như đến du lịch, công tác, làm việc, kết hôn,… Với những lý do khác nhau đó mà việc sinh sống của người nước ngoài cũng khác nhau, có người chỉ ở lại vài ngày, có người ở lại một vài năm, có người ở lại cả cuộc đời. Để quản lý việc cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, pháp luật Việt Nam đã đặt ra các thiết chế quản lý cư trú của người nước ngoài như tạm trú, thường trú. Bài viết dưới đây Luật LVN Group sẽ cung cấp các thông tin về điều kiện, thủ tục cấp thẻ thường trú cho người nước ngoài tại Việt Nam.
Dịch vụ LVN Group tư vấn pháp luật qua điện thoại
* Cơ sở pháp lý:
– Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014, sửa đổi bổ sung năm 2019;
– Thông tư số 31/2015/TT- BCA hướng dẫn một số nội dung về cấp thị thực, cấp thẻ tạm trú, cấp giấy phép xuất nhập cảnh, giải quyết thường trú cho người nước ngoài tại Việt Nam;
1. Điều kiện cấp thẻ thường trú cho người nước ngoài
Về điều kiện chủ thể, thì trước tiên chủ thể được cấp thẻ thường trú tại Việt Nam phải là người nước ngoài. Người nước ngoài đề cập đến ở đây có thể là người mang một quốc tịch hoặc nhiều quốc tịch nhưng không mang quốc tịch Việt Nam hoặc là người không có quốc tịch. Tuy nhiên, không phải đối tượng chủ thể nào là người nước ngoài cũng được cấp thẻ thường trú. Theo quy định tại Điều 39 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014, sửa đổi bổ sung năm 2019 thì các chủ thể là nước ngoài thuộc đối tượng được cấp thẻ thường trú bao gồm:
– Thứ nhất: người nước ngoài có công lao, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam được nhà nước Việt Nam tặng huân chương hoặc danh hiệu vinh dự nhà nước. Việc xét thường trú cho nhóm chủ thể này thể hiện sự cảm kích, sự biết ơn của Nhà nước Việt Nam đối với những người đã bỏ công sức cho công cuộc cách mạng, xây dựng nhà nước Việt Nam.
– Thứ hai, người nước ngoài là nhà khoa học, chuyên gia đang tạm trú tại Việt Nam. Các nhà khoa học, chuyên gia khi nghiên cứu tại Việt Nam có sự đóng góp tích cực cho sự phát triển của khoa học nước nhà. Việc xét thường trú cho nhóm đối tượng này nhằm tạo sự khuyến khích về chỗ ở, nơi sinh sống, tính ổn định về cư trú cho các chủ thể này tại Việt Nam để các chủ thể có thể ở lại Việt Nam lâu dài.
– Thứ ba, nhóm người nước ngoài được cha, mẹ, vợ, chồng, con là công dân Việt Nam đang thường trú tại Việt Nam bảo lãnh. Việc xét thường trú trong trường hợp này dựa trên quan hệ hôn nhân gia đình của người nước ngoài và công dân Việt Nam đang thường trú tại Việt Nam, khi để người nước ngoài được thường trú tại Việt Nam nhằm mục đích để gia đình của người nước ngoài đó được sinh sống quây quần bên nhau, thực hiện các trách nhiệm, nghĩa vụ chăm sóc gia đình, để gia đình vững mạnh, khi gia đình vững mạnh sẽ tạo nên sự vững mạnh của xã hội.
– Thứ tư, nhóm người không quốc tịch đã tạm trú liên tục tại Việt Nam từ năm 2000 trở về trước. Đây là nhóm chủ thể đã sinh sống ổn định lâu dài tại Việt Nam, việc xét thường trú cho họ giúp cho các cá nhân này có sự ổn định về nơi sinh sống, và đây cũng trở thành một trong các căn cứ để xác định các năng lực pháp luật của cá nhân này, đặc biệt là đối với các năng lực dân sự của cá nhân.
Bên cạnh việc thỏa mãn điều kiện về đối tượng chủ thể được xét thường trú, thì pháp luật Việt Nam còn quy định về điều kiện riêng của từng nhóm đối tượng để được xét thường trú. Quy định về các điều kiện này được thể hiện tại Điều 40 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014, sửa đổi bổ sung năm 2019, cụ thể:
– Đối tất cả bốn nhóm người nước ngoài nêu trên xét cho thường trú nếu có chỗ ở hợp pháp và có thu nhập ổn định bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam. (Khoản 1) Việc quy định này là hợp lý, nếu các cá nhân này không có chỗ ở, không có thu nhập ổn định mà được xét thường trú tại Việt Nam sẽ làm tăng nên gánh nặng của nhà nước để đảm bảo cuộc sống cho các cá nhân này.
– Đối với người nước ngoài là chuyên gia, nhà khoa học đang nghiên cứu tại Việt Nam phải được Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quản lý nhà nước về lĩnh vực chuyên môn của người đó đề nghị (khoản 2). Về cơ bản thì các nhà khoa học hoàn toàn có thể di chuyển đến các quốc gia khác để thực hiện hoạt động nghiên cứu, tuy nhiên, khi họ có nhu cầu thường trú và quyết định thường trú tại Việt Nam thì việc sinh sống của họ sẽ được Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ đề nghị, thể hiện sự chắc chắn trong quyết định của họ.
– Người nước ngoài được cha, mẹ, vợ, chồng, con là công dân Việt Nam đang thường trú tại Việt Nam bảo lãnh đã tạm trú tại Việt Nam liên tục từ 03 năm trở lên (Khoản 3). Việc quy định thời hạn 03 năm chính là một khoảng thời gian cần thiết để người nước ngoài đó xác định xem liệu rằng họ có thực sự phù hợp, mong muốn sinh sống tai Việt Nam, đồng thời đây cũng là thời gian cần thiết để họ đã có thể hòa nhập, thích ứng với đời sống tại Việt Nam.
2. Thủ tục cấp thẻ thường trú
Để được cấp thẻ thường trú, thì cá nhân phải tiến hành thực hiện chuẩn bị hồ sơ đề nghị cấp thẻ thường trú. Theo quy định tại Điều 41 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014, sửa đổi bổ sung năm 2019 thì hồ sơ đề nghị xét thường trú bao gồm:
– Đơn xin thường trú;
– Lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước mà người đó là công dân cấp;
– Công hàm của cơ quan đại diện của nước mà người đó là công dân đề nghị Việt Nam giải quyết cho người đó thường trú;
– Bản sao hộ chiếu có chứng thực;
– Giấy tờ chứng minh đủ điều kiện được xét cho thường trú. Các giấy tờ có thể kể đến như chứng minh quyền sở hữu nhà ở, hay hợp đồng thuê nhà, giấy xác nhận công việc, thu nhập tai nơi làm việc,…
– Giấy bảo lãnh đối với người nước ngoài trong trường hợp được cha, mẹ, vợ, chồng, con là công dân Việt Nam đang thường trú tại Việt Nam bảo lãnh.
Đối với hồ sơ của người không quốc tịch xin thường trú thì giấy tờ của họ đơn giản hơn, bao gồm Đơn xin thường trú và giấy tờ chứng minh đã tạm trú liên tục tại Việt Nam từ trước năm 2000 và đủ điều kiện (Khoản 1 Điều 42 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014, sửa đổi bổ sung năm 2019). Giấy tờ chứng minh đã tạm trú liên tục tại Việt Nam từ trước năm 2000 ở đây có thể là giấy chứng nhận cư trú tạm thời; sổ đăng ký tạm trú; đơn giải trình về thời gian đã tạm trú tại Việt Nam, có xác nhận của công an xã, phường, thị trấn nơi người không quốc tịch tạm trú. (Điểm b, khoản 2 Điều 5, Thông tư số 31/2015/TT- BCA).
Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định trên, thì các chủ thể đề nghị xét thường trú sẽ nộp hồ sơ này đến cơ quan có thẩm quyền xét thường trú. Theo quy định tại Khoản 3, Điều 5 Thông tư số 31/2015/TT- BCA quy định thì đối với xét thường trú cho nhóm người nước ngoài thứ nhất và thứ hai (ở mục 1) thì cơ quan có thẩm quyền đó chính là Cục Quản lý xuất nhập cảnh; còn xét thường trú cho hai nhóm chủ thể còn lại thì cơ quan có thẩm quyền là Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi xin thường trú.
Trình tự thủ tục xét thường trú được quy định tại Điều 41 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014, sửa đổi bổ sung năm 2019 như sau:
“2. Trong thời hạn 04 tháng kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, quyết định cho thường trú; trường hợp xét thấy cần phải thẩm tra bổ sung thì có thể kéo dài thêm nhưng không quá 02 tháng.
3. Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh có trách nhiệm thông báo bằng văn bản kết quả giải quyết cho người xin thường trú và Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi người nước ngoài xin thường trú.
4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi người nước ngoài xin thường trú thông báo người nước ngoài được giải quyết cho thường trú.
5. Trong thời hạn 03 tháng kể từ khi nhận được thông báo giải quyết cho thường trú, người nước ngoài phải đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi xin thường trú để nhận thẻ thường trú.”
Theo quy trình này, thì khi nhận được hồ sơ đề nghị xét thường trú, cơ quan có thẩm quyền sẽ kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và yêu cầu sửa đổi, bổ sung trong trường hợp cần thiết. Thời hạn để giải quyết xét thường trú là 04 tháng, có thể gia hạn thời hạn này nhưng không gia hạn quá 02 tháng. Sau khi nhận được hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành các hoạt động cần thiết nhằm thẩm tra điều kiện của người đề nghị xét thường trú. Cần lưu ý rằng, dù việc nộp hồ sơ đề nghị xét thường trú tại hai cơ quan khác nhau, nhưng cơ quan có thẩm quyền thẩm tra, quyết định cho thường trú tại Việt Nam là Bộ Công an. Trong hoạt động xét thường trú này, thì có sự phối hợp giữa cơ quan quản lý xuất nhập cảnh và Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi người nước ngoài xin thường trú về việc thông báo kết quả giải quyết. Người được xét thường trú phải đến Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi xin thường trú trong vòng 03 tháng từ khi nhận được thông báo của cơ quan này để nhận thẻ thường trú.