Khái quát về hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển? Quy định về hợp đồng vận chuyển hàng hóa theo chứng từ vận chuyển?
Trong những năm qua, vận chuyển hàng hóa bằng đường biển đã không ngừng phát triển và đóng vai trò quan trọng đối với nền hàng hải thế giới. Ở Việt Nam, vận tải đường biển thực sự có ý nghĩa rất quan trọng. Sự ra đời của Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2015 đánh dấu bước phát triển mới trong thị trường vận chuyển hàng hóa quốc tế bằng đường biển ở Việt Nam. Trên cơ sở đó, các thương nhân Việt Nam đã có có sở pháp lý đầy đủ hơn cho việc ký kết các hợp đồng vận chuyển hàng hóa quốc tế bằng đường biển. Hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển được chia thành hai loại là hợp đồng vận chuyển theo chứng từ vận chuyển và hợp đồng vận chuyển theo chuyến. Trong bài viết dưới đây, Luật LVN Group sẽ tập trung phân tích và bình luận về hợp đồng vận chuyển theo chứng từ vận chuyển.
LVN Group tư vấn luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài: 1900.0191
Cơ sở pháp lý: Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 2015.
1. Khái quát về hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển?
Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 2015 đã đưa ra định nghĩa về hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, theo đó: “Hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển là thỏa thuận được giao kết giữa người vận chuyển và người thuê vận chuyển, theo đó người vận chuyển thu giá dịch vụ vận chuyển do người thuê vận chuyển trả và dùng tàu biển để vận chuyển hàng hóa từ cảng nhận hàng đến cảng trả hàng.” (Khoản 1, Điều 145). Từ quy định này, có thể hiểu hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng đường biển của Việt Nam mang tính dịch vụ, là hoạt động doanh nghiệp khai thác tàu biển của mình để vận chuyển hàng hóa từ cảng nhận đến cảng trả hàng và thu giá dịch vụ vận chuyển do người thuê vận chuyển trả. Người chuyên chở chính là người cung cấp dịch vụ vận tải hàng hóa bằng đường biển.
Trong kinh doanh hàng hải quốc tế hiện nay, có nhiều cách phân loại hợp đồng vận chuyển hàng hóa quốc tế bằng đường biển. Cách phân loại phổ biến hiện nay là dựa vào phương thức thuê tàu. Thực tiễn hàng hải quốc tế hiện nay có hai phương thức chủ yếu để các bên có thể thực hiện việc vận chuyển hàng hóa đó là phương thức chuyên chở hàng hóa bằng tàu chợ, phương thức chuyên chở hàng hóa bằng tàu chuyến và tương ứng với các phương thức này các bên có thể ràng buộc trách nhiệm với nhau thông qua hai loại hợp đồng vận chuyển hàng hóa chính là hợp đồng thuê tàu chợ theo chứng từ vận chuyển và hợp đồng chuyên chở hàng hóa bằng tàu chuyến. Pháp luật Việt Nam hiện nay cũng phân loại hợp đồng dựa trên cơ sở phương thức thuê tàu, theo đó, tại Điều 146, Bộ luật hàng hải cũng xác định hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển gồm có hai loại là: hợp đồng vận chuyển theo chứng từ vận chuyển và hợp đồng vận chuyển theo chuyến.
2. Quy định về hợp đồng vận chuyển hàng hóa theo chứng từ vận chuyển?
Theo giải thích tại Khoản 1, Điều 146 Bộ luật hàng hải: “Hợp đồng vận chuyển theo chứng từ vận chuyển là hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển được giao kết với điều kiện người vận chuyển không phải dành cho người thuê vận chuyển nguyên tàu hoặc một phần tàu cụ thể mà chỉ căn cứ vào chủng loại, số lượng, kích thước hoặc trọng lượng của hàng hóa để vận chuyển.” Chứng từ vận chuyển được nhắc đến trong hợp đồng vận chuyển theo chứng từ vận chuyển bao gồm vận đơn, vận đơn suốt đường biển, giấy gửi hàng đường biển và chứng từ vận chuyển khác. (Khoản 1, Điều 148).
Hợp đồng vận chuyển theo chứng từ vận chuyển hay còn gọi là hợp đồng thuê tàu chợ thường được áp dụng trong các trường hợp chủ hàng có khối lượng hàng hóa không lớn, chủ yếu là những lô hàng lẻ, giữa cảng đi và càng đến có tuyến đường tàu chợ. tàu chợ là tàu chạy thường xuyên trên một tuyến đường nhất định, ghé qua nhưng cảng nhất định theo một lịch trình định trước.
Do tàu chạy theo một luồng nhất định, có lịch trình định trước nên chủ hàng có thể dự kiến thời gian giao hàng đồng thời tính toán được chi phí vạn chuyển vì giá cước thuế tàu chợ đã được quy định sẵn trong biểu mẫu. Tuy nhiên, hợp đồng này khi thực hiện có nước điểm là nếu cảng xếp dỡ hàng nằm ngoài lịch trình quy định của tàu thì việc tổ chức chuyên chở thiếu linh hoạt. Nhờ hợp đồng này, chủ hàng có thể chủ động thuê chở bất cứ loại hàng hóa nào, không hạn chế số lượng, định thời gian giao hàng tại cảng và không phải lo việc xếp dỡ hàng hóa lên xuống tàu (trách nhiệm này thuộc về chủ tàu). Ngược lại, do chi phí xếp dỡ đã được tính trong biểu cước nên cước phí tàu chợ luôn ở mức cao và người thuê vận chuyển muốn giảm giá cước phải thông qua thương lượng đàm phán.
Hạn chế lớn nhất của loại phương thức này là người thuê vận chuyển không được tự do thỏa thuận các điều kiện chuyên chở mà thường phải chấp nhận các điều khoản do chủ tà in sẵn trong vận đơn đường biển.
Thủ tục ký kết hợp đồng thuê tàu chợ rất đơn giản và nhanh chóng. Để lưu khoang tàu chợ, thông thường người thuê chở hàng cho mình. Nếu người chuyên chở đồng ý thì giữa hai bên ký kết hợp đồng chuyên chở sơ bộ (Booking note) với mức cước nhất định.
Sau khi hàng hóa được xếp lên tàu, người vận chuyển hoặc đai diện của họ cấp phát cho người gửi hàng một chứng từ chuyên chở hàng hóa bằng đường biển gọi là vận đơn đường biển (Bill of Ladding). Đây là văn bản pháp lý điều chỉnh quan hệ giữa người vận chuyển và người gửi hàng. Mọi quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm liên quan đến việc vận chuyển giữa người thuê chở và người chuyên chở được điều chỉnh theo các điều khoản của vận đơn. Vận đơn là bằng chứng duy nhất xác định và chỉ rõ nội dung của hợp đồng chuyên chở hàng hóa bằng tàu chợ đã được ký kết. Chính vì vậy, có thể thấy rằng, chuyên chở hàng hóa bằng tàu chợ là chuyên chở theo vận đơn đường biên, Vận đơn đường biển là cơ sở pháp lý để giải quyết các tranh chấp xảy ra về sau giữa người phát hành vận đơn và người cầm giữ vận đơn.
Hợp đồng vận chuyển hàng hóa theo chứng từ được ký kết dưới hình thức do hai bên thỏa thuận lựa chọn nhưng thường là bằng văn bản hoặc hình thức tương đương văn bản.
Khi tìm hiểu về nội dung liên quan đến hợp đồng vận chuyển hàng hóa quốc tế bằng đường biển theo chứng từ vận chuyển, không thể không nhắc đến nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên trong hợp đồng, cụ thể:
– Nghĩa vụ và trách nhiệm của người gửi hàng:
Nghĩa vụ liên quan tới cung cấp hàng: Trong hợp đồng vận chuyển hàng hóa quốc tế, khi cung cấp hàng hóa, người giao hàng phải bảo đảm hàng hóa được đóng gói và đánh dấu ký, mã hiệu theo quy định.
Nghĩa vụ thanh toán tiến cước phí vận chuyển: Hợp đồng chuyển chở bằng đường biển là là một loại hợp đồng dịch vụ được ký kết giữa một bên là người cung cấp dịch vụ (bên vận chuyển) và một bên là người thuê dịch vụ (bên thuê vận chuyển). Điều 145 Bộ luật hàng hải quy định “người vận chuyển thu giá dịch vụ vận chuyển do người thuê vận chuyển trả“. Việc thanh toán tiền cước vận chuyển thuộc về trách nhiệm của bên thuê vận chuyển (người gửi hàng).
Nghĩa vụ và trách nhiệm cung cấp chứng từ về hàng hóa: Đây là nghĩa vụ quan trọng của người gửi hàng, vì các chứng từ này quy định khối lượng, trọng tải hàng hóa, những chỉ dẫn cần thiết đối với hàng hóa dễ nổ, dễ cháy, các loại hàng hóa nguy hiểm hoặc các loại hàng hóa cần phải có biện pháp đặc biệt trong bốc hàng, vận chuyển, tháo dở.
– Nghĩa vụ và trách nhiệm của người chuyên chở:
Hàng hóa chuyên chở trên biển có rất nhiều rủi ro đe dọa, do đó có nhiều nguyên nhân dẫn đến tổn thất, hư hỏng, mất mát đối với hàng hóa. Các quy định pháp lý trong Quy tắc Hague-Visby và quy tắc Hamburg 1978 là cơ sở pháp lý để giúp các bên xác định trách nhiệm của mình trong quá trình chuyên chở hàng hóa từ khâu nhận hàng và xếp hàng trước khi vận chuyển, trong quá trình vận chuyển cũng như lúc trả hàng tại cảng đích đối với chủ tàu đến thủ tục tố tụng giải quyết tranh chấp về hàng hóa ghi trên vận đơn đối với người giao hàng.
Trách nhiệm của người chuyên chở chủ yếu liên quan đến trách nhiệm đối với hàng hóa. Người chuyên chở phải chịu trách nhiệm về thiệt hại do mất mát, hư hỏng của hàng hóa và chậm giao hàng, nếu sự cố gây mất mát, hư hỏng hoặc chậm giao hàng diễn ra khi hàng hóa còn thuộc trách nhiệm của người chuyên chở, trừ khi người chuyên chở chứng minh được rằng anh ta, người làm công và đại lý của anh ta đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn ngừa sự cố xảy ra và hậu quả của nó (Điều 5 Quy tắc Humburg năm 1978).
Thực tế, các quy định về vận chuyển hàng hóa bằng đường biển theo chừng tự vận chuyển tại Bộ luật hàng hải hiện hành chưa thực sự rõ ràng mà cụ thể, việc nhắc đến và giải thích về loại hợp đồng này chỉ mang tính chất phân loại mà không thực sự có ý nghĩa quá nhiều nếu xem xét trong tổng thể các quy định vì không có bất cứ một quy định riêng biệt để áp dụng cơ chế này nữa. Nhưng theo thực tế thì đây vẫn là loại hợp đồng được các bên thường xuyên sử dụng trong vận chuyển hàng hóa bằng đường biển.