Thẩm định dự án đầu tư công trình xây dựng? Hướng dẫn một số nội dung về thẩm định, phê duyệt dự án? Quy định về thời gian thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng?
Hiện nay, với sự phát triển của công nghiệp hóa, hiện đại hóa các công trình cũng xuất hiện nhiều hơn để phục vụ nhu cầu cho con người. Nhằm mục đích để có được một công trình hoàn thiện và đúng theo quy định của pháp luật để đảm bảo an toàn tránh rủi ro cho các dự án xây dựng, thì cần qua các thủ tục thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng theo quy định. Việc thẩm định, phê duyệt dự án trong giai đoạn hiện nay có những vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bài viết dưới đây Luật LVN Group sẽ giúp người đọc tìm hiểu quy định về hướng dẫn một số nội dung về thẩm định, phê duyệt dự án trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
LVN Group tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.0191
1. Thẩm định dự án đầu tư công trình xây dựng:
Thẩm định dự án đầu tư công trình xây dựng được hiểu là công tác tổ chức đánh giá xem xét và phân tích một cách khách quan trung thực và toàn diện về các nội dung trong dự án xây dựng nhằm đảm bảo dự án mang lại hiệu quả cao cho chủ đầu tư và xã hội cũng như phân tích tham tra thiết kế toàn diện đề án thiết kế cơ sở nhằm đảm bảo tính khả thi của dự án trước khi tiến hành triển khai thi công xây dựng.
Lợi ích của công tác thẩm định dự án đầu tư công trình xây dựng bao gồm các lợi ích sau đây:
– Công tác thẩm định dự án đầu tư công trình xây dựng giúp đánh giá phân tích tổng thể từng phương án đầu tư giúp chủ đầu tư lựa chọn một giải pháp chất lượng và hiệu quả nhất.
– Công tác thẩm định dự án đầu tư công trình xây dựng giúp đánh giá sự cần thiết của dự án liên quan đến các vấn để: Kinh tế, xã hội, công nghệ sử dụng, vệ sinh môi trường.
– Công tác thẩm định dự án đầu tư công trình xây dựng giúp đánh giá các phương án tài chính, khả năng thu hồi vốn nhằm giúp các nhà tài trợ dự án có quyết định đúng đắn và chính xác nhất về quyết định có cho vay vốn hay không.
2. Hướng dẫn một số nội dung về thẩm định, phê duyệt dự án:
Pháp luật quy định cụ thể về nội dung về thẩm định, phê duyệt dự án như sau:
– Cơ quan chuyên môn về xây dựng cấp tỉnh theo quy định tại khoản 4 Điều 109 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP của Chính Phủ bao gồm:
+ Sở Xây dựng đối với dự án, công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng dân dụng; dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, khu nhà ở; dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu chức năng; dự án đầu tư xây dựng công nghiệp nhẹ, công nghiệp vật liệu xây dựng, hạ tầng kỹ thuật và đường bộ trong đô thị (trừ đường quốc lộ qua đô thị).
+ Sở Giao thông vận tải đối với dự án, công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông (trừ dự án, công trình do Sở Xây dựng quản lý quy định tại điểm a khoản 4 Điều 109 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP).
+ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với dự án, công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn.
+ Sở Công Thương đối với dự án, công trình thuộc thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình công nghiệp (trừ dự án, công trình do Sở Xây dựng quản lý quy định tại điểm a khoản 4 Điều 109 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP).
+ Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh đối với các dự án, công trình được đầu tư xây dựng trong Khu kinh tế Nhơn Hội, các khu công nghiệp được Ủy ban nhân dân tỉnh giao Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh quản lý (trừ các dự án do Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã quyết định đầu tư và các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước không được Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư).
– Cơ quan chuyên môn về xây dựng cấp huyện: Phòng Quản lý đô thị hoặc Phòng Kinh tế hạ tầng (tùy điều kiện cụ thể của từng địa phương).
– Cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư được giao chủ trì thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi, Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng (cơ quan chủ trì thẩm định): Là cơ quan, tổ chức có chuyên môn phù hợp với tính chất, nội dung của dự án và được người quyết định đầu tư giao nhiệm vụ chủ trì thẩm định. Người quyết định đầu tư được giao cơ quan chuyên môn về xây dựng làm cơ quan chủ trì thẩm định trong trường hợp có cơ quan chuyên môn về xây dựng trực thuộc.
– Dự án đầu tư xây dựng công trình chỉ cần yêu cầu lập Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng (theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP) gồm:
+ Dự án đầu tư xây dựng sử dụng cho mục đích tôn giáo.
+ Dự án đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng (không bao gồm tiền sử dụng đất).
+ Dự án đầu tư xây dựng có nội dung chủ yếu là mua sắm hàng hóa, cung cấp dịch vụ, lắp đặt thiết bị công trình hoặc dự án sửa chữa, cải tạo không ảnh hưởng đến an toàn chịu lực công trình có giá trị chi phí phần xây dựng dưới 10% tổng mức đầu tư và không quá 05 tỷ đồng (trừ dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư).
– Công trình ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng là các công trình được đầu tư xây dựng mới và các công trình được cải tạo, sửa chữa làm thay đổi quy mô, công suất, công năng, kết cấu chịu lực chính thuộc danh mục quy định tại Phụ lục X Nghị định số 15/2021/NĐ-CP.
– Đối với dự án hỗn hợp gồm nhiều loại công trình khác nhau, thẩm quyền thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng cấp tỉnh được xác định theo chuyên ngành quản lý nêu tại điểm 2 mục I đối với công năng phục vụ của công trình chính của dự án hoặc công trình chính có cấp cao nhất trong trường hợp dự án có nhiều công trình chính.
Trong trường hợp dự án có nhiều công trình cùng loại với nhiều cấp khác nhau, cơ quan thẩm định là cơ quan có trách nhiệm thẩm định công trình có cấp cao nhất của dự án.
– Thẩm quyền thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng theo mục II Hướng dẫn.
– Thẩm quyền thẩm định, phê duyệt thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở theo mục III Hướng dẫn.
– Thẩm quyền thẩm định, phê duyệt Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng theo mục IV Hướng dẫn.
– Thẩm quyền thẩm định, phê duyệt dự toán chuẩn bị dự án theo mục V Hướng dẫn.
– Xử lý chuyển tiếp được thực hiện theo quy định tại Điều 110 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP của Chính Phủ.
Trong quá trình thực hiện, nếu có nội dung còn vướng mắc, thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh phản ảnh kịp thời về Sở Xây dựng để hướng dẫn giải quyết. Đối với những trường hợp vượt thẩm quyền, Sở Xây dựng sẽ báo cáo đề xuất Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xem xét quyết định.
Việc thẩm định, phê duyệt dự án là vô cùng quan trọng và có những ý nghĩa to lớn trong quá trình thực hiện đối với dự án đầu tư xây dựng. Việc thẩm định dự án đầu tư đối với nhà đầu tư có những ý nghĩa sau đây: Giúp nhà đầu tư thấy được các nội dung của dự án có đầy đủ hay còn thiếu hoặc sai sót ở nội dung nào, từ đó có căn cứ để chỉnh sửa hoặc bổ sung một cách đầy đủ. Xác định được tính khả thi về mặt tài chính, qua đó biết được khả năng sinh lời cao hay thấp. Thông qua đó, nhà đầu tư sẽ biết được những rủi ro có thể xảy ra trong tương lai và từ đó nhà đầu tư chủ động có những giải pháp nhằm mục đích để ngăn ngừa hoặc hạn chế rủi ro một cách thiết thực và có hiệu quả nhất.
3. Quy định về thời gian thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng:
Tại Điều 59 Luật xây dựng 2020 quy định về thời gian thẩm định dự án đầu tư xây dựng có nội dung như sau:
“Thời gian thẩm định dự án được tính từ ngày cơ quan, tổ chức thẩm định nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cụ thể như sau:
1. Thời gian thẩm định dự án không quá 90 ngày đối với dự án quan trọng quốc gia;
2. Thời gian thẩm định dự án không quá 40 ngày đối với dự án nhóm A;
3. Thời gian thẩm định dự án không quá 30 ngày đối với dự án nhóm B;
4. Thời gian thẩm định dự án không quá 20 ngày đối với dự án nhóm C và dự án chỉ cần lập Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng;
5. Trường hợp cần gia hạn thời gian thẩm định thì cơ quan, tổ chức thẩm định phải báo cáo cơ quan cấp trên xem xét, quyết định việc gia hạn; thời gian gia hạn không quá thời gian thẩm định tương ứng được quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này.”
Như vậy, tùy thuộc vào dự án mà các chủ thể muốn thẩm định là gì thì sẽ có thời hạn tương ứng và lưu ý đối với trường hợp cần gia hạn thời gian thẩm định thì cơ quan, tổ chức thẩm định phải báo cáo cơ quan cấp trên xem xét, quyết định việc gia hạn; thời gian gia hạn không quá thời gian thẩm định tương ứng được quy định cụ thể được nêu trên.