Kinh doanh đa cấp là gì? Dấu hiệu tổ chức kinh doanh đa cấp lừa đảo? Quy định về các mô hình kinh doanh đa cấp tại Việt Nam?
Bán hàng đa cấp là một phương thức bán hàng trực tiếp trong đó hàng hóa được bán từ cá nhân đến cá nhân, không thông qua địa điểm bán lẻ cố định mà thông qua mạng lưới người tham gia độc lập gồm nhiều cấp, nhiều nhánh khác nhau. Những năm gần đây, chúng ta không còn xa lạ với phương thức bán hàng này. Vì vậy, pháp luật về bán hàng đa cấp lại là một lĩnh vực pháp luật nhanh chóng thu hút được sự quan tâm nghiên cứu.
LVN Group tư vấn pháp luật qua tổng đài trực tuyến 24/7: 1900.0191
1. Kinh doanh đa cấp là gì?
Trong Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp do Chính phủ ban hành, tại Điều 3 đã định nghĩa:
‘Kinh doanh theo phương thức đa cấp là hoạt động kinh doanh sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả kinh doanh của mình và của những người khác trong mạng lưới.’
Bán hàng đa cấp là một hình thức bán hàng trực tiếp tới người tiêu dùng thông qua mạng lưới các nhà phân phối gồm nhiều tầng, nhiều nhánh. Các nhà phân phối này được trả hoa hồng/thu nhập từ kết quả bán hàng của bản thân họ và kết quả bán hàng của những người do họ bảo trợ.
Bán hàng đa cấp “biến tướng”: bên cạnh những đặc điểm của bán hàng đa cấp nói chung, bán hàng đa cấp bất chính còn có thêm những đặc điểm hàm chứa yếu tố “ bất chính ”. Đó là việc các doanh nghiệp thực hiện các hành vi trái pháp luật nhằm thu lợi bất chính từ việc tuyển người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp.
Pháp luật không ngăn cấm mà luôn tạo ra một hành lang pháp lý để kiểm soát hoạt động bán hàng đa cấp. Còn đối với hành vi bán hàng đa cấp bất chính, đây là hành vi luôn gây ra những tác động xấu và tiêu cực, do đó cần phải ngăn cấm triệt để mà không có miễn trừ.
Ra đời vào đầu thập niên 90, bán hàng đa cấp đã nhanh chóng tạo nên cơn sốt mạnh mẽ trên toàn cầu. Trong giai đoạn bùng nổ (từ năm 1979 – 1990), hàng trăm công ty đa cấp được thành lập mỗi ngày. “Sức nóng” của bán hàng đa cấp mạnh mẽ đến mức các công ty kinh doanh truyền thống như Ford, Colgate, Coca-Cola cũng dần áp dụng phương thức này vào việc phân phối sản phẩm.
Tại Việt Nam, kinh doanh đa cấp bắt đầu bước chân vào thị trường Việt Nam vào khoảng đầu thế kỷ 21. Kinh doanh đa cấp có nhiều công ty lừa đảo núp bóng và một bộ phận không nhỏ nhà phân phối sai trái đã làm cho dư luận bắt đầu lên tiếng phản đối kinh doanh đa cấp.
Đến thời điểm cuối năm 2004, tại Việt Nam đã có khoảng 20 Công ty bán hàng đa cấp phân phối sản phẩm chủ yếu về ngành chăm sóc sức khoẻ và sắc đẹp.
Đầu tháng 10, năm 2009, Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam được thành lập. Hiệp hội được thành lập và bổ nhiệm bà Trương Thị Nhi (Tổng giám đốc công ty TNHH TM Lô Hội, nhà đại diện tại Việt Nam của tập đoàn Forever Living Products Hoa Kỳ) là chủ tịch nhiệm kỳ 2009-2014.
Tính đến tháng 6/2011, theo báo cáo của Bộ Công Thương, nước Việt Nam đã có 63 doanh nghiệp được cấp giấy đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp.
Tính tới năm 2013, Việt Nam có hơn 1 triệu người bán hàng đa cấp
Đa cấp hay kinh doanh đa cấp tiếng Anh là Multi-Level Marketing.
Bán hàng đa cấp có thể đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng như: mua được hàng trực tiếp từ nhà sản xuất nên tránh được hàng giả, hàng kém chất lượng.
Đối với doanh nghiệp, bán hàng đa cấp tiết kiệm được chi phí quảng cáo, cắt giảm được hàng loạt các chi phí khác như chi phí thuê mặt bằng trưng bày, chi phí vận chuyển, mặt khác do mạng lưới phân phối được tổ chức để đưa hàng hóa trực tiếp đến người tiêu dùng nên có nhiều thuận lợi trong việc quảng bá hàng hóa một cách trực tiếp và hữu hiệu.
Hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp chỉ được thực hiện đối với hàng hóa. Mọi hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp với đối tượng không phải là hàng hóa đều bị cấm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Những hàng hóa sau không được kinh doanh theo phương thức đa cấp:
– Hàng hóa là thuốc; trang thiết bị y tế; các loại thuốc thú y (bao gồm cả thuốc thú y thủy sản); thuốc bảo vệ thực vật; hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn hạn chế sử dụng và cấm sử dụng trong lĩnh vực gia dụng và y tế và các loại hóa chất nguy hiểm;
– Sản phẩm nội dung thông tin số.
2. Quy định về mô hình kinh doanh đa cấp tại Việt Nam:
Trên thực tế, bán hàng đa cấp không hề xấu, nó còn được thế giới công nhận là mô hình kinh doanh có hiệu quả cao.
Theo mô hình kinh doanh truyền thống, “con đường” sản phẩm tới tay người tiêu dùng sẽ trải qua các giai đoạn như:
Nhà sản xuất => Nhà Phân Phối => Đại lý cấp 1 => Đại lý cấp 2 => Cửa hàng bán lẻ => Người tiêu dùng.
Ngoài những khâu trung gian như vậy, nhà sản xuất còn phải bỏ thêm chi phí marketing sản phẩm, khuyến mãi, nhân viên…
Đối với mô hình kinh doanh đa cấp, quá trình phân phối trở nên đơn giản hơn rất nhiều.
Nhà sản xuất => Người tiêu dùng.
Theo lý thuyết, người tham gia hệ thống kinh doanh đa cấp vừa là khách hàng của công ty, vừa là một thành viên của công ty đó. Công ty kinh doanh đa cấp vừa bán được dịch vụ/ sản phẩm nhưng lại không phải trả lương cho người tham gia.
Marketing trong mô hình kinh doanh đa cấp chính là marketing truyền miệng. Do đó giá thành sản phẩm sẽ được giảm xuống, và người hưởng lợi chính là khách hàng.
Nghị định 40/2018/NĐ-CP cấm doanh nghiệp bán hàng đa cấp thực hiện những hành vi sau đây:
a) Yêu cầu người khác phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp;
b) Yêu cầu người khác phải mua một số lượng hàng hóa nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp;
c) Cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc giới thiệu người khác tham gia vào hoạt động bán hàng đa cấp mà không phải từ việc mua, bán hàng hóa của người được giới thiệu đó;
d) Từ chối chi trả không có lý do chính đáng các khoản hoa hồng, tiền thưởng hay lợi ích kinh tế khác mà người tham gia bán hàng đa cấp có quyền hưởng;
đ) Cung cấp thông tin gian dối về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;
e) Cung cấp thông tin gian dối, gây nhầm lẫn về tính năng, công dụng của hàng hóa hoặc hoạt động của doanh nghiệp thông qua báo cáo viên, đào tạo viên tại hội nghị, hội thảo, đào tạo hoặc thông qua tài liệu của doanh nghiệp;
g) Duy trì nhiều hơn một hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, vị trí kinh doanh đa cấp, mã số kinh doanh đa cấp hoặc các hình thức khác tương đương đối với cùng một người tham gia bán hàng đa cấp;
h) Thực hiện khuyến mại sử dụng mạng lưới gồm nhiều cấp, nhiều nhánh mà trong đó người tham gia chương trình khuyến mại có nhiều hơn một vị trí, mã số hoặc các hình thức tương đương khác;
i) Tổ chức các hoạt động trung gian thương mại theo quy định của pháp luật thương mại nhằm phục vụ cho việc duy trì, mở rộng và phát triển mạng lưới bán hàng đa cấp;
k) Tiếp nhận hoặc chấp nhận đơn hoặc bất kỳ hình thức văn bản nào khác của người tham gia bán hàng đa cấp, trong đó, người tham gia bán hàng đa cấp tuyên bố từ bỏ một phần hoặc toàn bộ các quyền của mình theo quy định của Nghị định này hoặc cho phép doanh nghiệp không phải thực hiện nghĩa vụ đối với người tham gia bán hàng đa cấp theo quy định của Nghị định này;
l) Kinh doanh theo phương thức đa cấp đối với đối tượng không được phép theo quy định tại Điều 4 Nghị định này;
m) Không sử dụng hệ thống quản lý người tham gia bán hàng đa cấp đã đăng ký với cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp để quản lý người tham gia bán hàng đa cấp;
n) Mua bán hoặc chuyển giao mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp cho doanh nghiệp khác, trừ trường hợp mua lại, hợp nhất hoặc sáp nhập doanh nghiệp.
3. Dấu hiệu tổ chức kinh doanh đa cấp lừa đảo:
Mặc dù hiện nay Việt Nam đã có nhiều văn bản pháp luật quy định về việc kinh doanh đa cấp, nhưng chưa có luật đủ mạnh để xử lý những mô hình như vậy. Dưới đây là một số dấu hiệu để xác định hoạt động kinh doanh đa cấp lừa đảo.
- Yêu cầu người khác đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp.
- Yêu cầu người khác phải mua một số lượng hàng hóa nhất định để được ký hợp đồng.
- Không cam kết mua lại hàng hóa trong thời gian luật qui định và không cam kết mua lại với giá tối thiểu là 90% mức đã bán.
- Lợi nhuận không đến từ việc bán sản phẩm mà đến từ việc lôi kéo được nhiều người tham gia hệ thống
- Buộc và hối thúc người khác tham gia mua hàng mặc dù biết không bán được hàng gây rối người tiêu dùng.
- Khuyến khích, dạy người khác tuyển người bằng việc hứa trả tiền thưởng.
- Không quan tâm tới hàng hóa hoặc hàng hóa chỉ để tượng trưng, không có giá trị sử dụng như mong muốn và khó tìm thấy để so sánh trên thị trường.
- Thông tin sai lệch về lợi ích tham gia mạng lưới và hàng hóa để dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp.
- Tốt nhất là tham gia từ lúc ban đầu, càng vào sau cơ hội của bạn càng thấp.
Kết luận: Kinh doanh đa cấp thực chất là hình thức kinh doanh rất hiệu quả, tiết kiệm chi phí trung gian. Tuy nhiên do các hình thức biến tướng hiện nay mà người tiêu dùng và người tham gia hệ thống bán hàng này phải hết sức lưu ý để tránh rủi ro tối đa.