Mục đích và nội dung của đánh giá xếp loại viên chức? Tiêu chí xếp loại chất lượng viên chức?
Viên chức theo quy định của pháp luật, trong quá trình làm việc sẽ được đánh giá xếp loại theo quy định. Vậy mục đích và nội dung của đánh giá xếp loại viên chức được pháp luật quy định như thế nào. Bài viết dưới đây của Luật LVN Group sẽ đi vào tìm hiểu các quy định liên quan để giúp người đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Tư vấn luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại: 1900.0191
Cơ sở pháp lý:
– Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2010 sửa đổi 2019;
– Nghị định 90/2020/NĐ-CP về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.
1. Mục đích và nội dung của đánh giá xếp loại viên chức?
Mục đích của đánh giá viên chức được quy định tại Điều 39 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2010 sửa đổi 2019.
Theo quy định tại Điều luật này thì mục đích của việc đánh giá viên chức để làm căn cứ tiếp tục bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chế độ, chính sách đối với viên chức.
Căn cứ đánh giá viên chức được quy định tại Điều 40 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2010 sửa đổi 2019.
Việc đánh giá viên chức được thực hiện dựa trên các căn cứ sau:
– Các cam kết trong hợp đồng làm việc mà viên chức đã ký kết với cơ quan sử dụng viên chức;
– Dựa trên các quy định về đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xứ của viên chức được quy định theo quy định của pháp luật.
Đây là hai căn cứ cơ bản để thực hiện việc đánh giá viên chức khi cơ quan sử dụng viên chức thực hiện đánh giá viên chức theo quy định.
Nội dung đánh giá viên chức được quy định tại Điều 41 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2010 sửa đổi 2019.
Theo quy định tại Điều luật này thì việc đánh giá viên chức được xem xét theo các nội dung sau đây:
– Đánh giá viên chức với các nội dung người này có chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị hay không. Đây là tiêu chí để đánh giá việc thực hiện pháp luật, đường lối của Đảng.
– Đánh giá viên chức dựa trên nội dung kết quả thực hiện công viêc. Kết quả thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ dùng để đánh giá viên chức được dựa theo hợp đồng làm việc đã ký kết, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao cho viên chức đó cũng như dựa trên tiến độ, chất lượng thực hiện nhiệm vụ.
Cần lưu ý khi đánh giá viên chức qua nội dung này, việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của viên chức phải gắn với vị trí việc làm, thể hiện thông qua công việc, sản phẩm cụ thể mà viên chức được giao, đảm bảo thực hiện đánh giá đúng với thực tế năng lực hoàn thành công việc của viên chức.
– Việc thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp cũng là một trong những nội dung đánh giá viên chức. Cụ thể thì đạo đức nghề nghiệp là một thước đo để đánh giá viên chức quan trọng, do viên chức được bổ nhiệm cũng phải đáp ứng các điều kiện về đạo đức nghề nghiệp để đảm bảo viên chức có đủ đạo đức để thực hiện công việc.
– Viên chức còn được đánh giá về các tiêu chí tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân, tinh thần hợp tác với đồng nghiệp và việc thực hiện quy tắc ứng xử của viên chức bởi viên chức phải đảm bảo các quy định về tinh thần cũng như thái độ làm việc khi tiếp xúc và làm việc với nhân dân cũng như đồng nghiệp.
– Ngoài các tiêu chí trên thì viên chức còn được đánh giá về các tiêu chí liên quan đến việc thực hiện các nghĩa vụ khác của viên chức.
Bên cạnh các tiêu chí nêu trên thì viên chức quản lý còn được đánh giá theo các nội dung sau đây:
– Năng lực quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của viên chức trong quá trình làm việc, đảm nhiệm chức vụ tại cơ quan.
– Đánh giá viên chức qua kế hoạch làm việc theo năm, quý, tháng của cơ quan giao cho viên chức và đánh giá qua kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, kết quả này sẽ thể hiện mức độ hoàn thành công việc của viên chức; việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của cá nhân phải gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp phụ trách mới phản ánh được chính xác mức độ hoàn thành công việc của viên chức. Mức xếp loại chất lượng của cá nhân không cao hơn mức xếp loại chất lượng của cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp phụ trách, đây là quy định thể hiện tính tương quan về xếp loại, đánh giá viên chức.
– Việc đánh giá viên chức được thực hiện như sau:
Đánh giá viên chức được thực hiện vào các thời điểm như sau: Đánh giá hàng năm; đánh giá trước khi kết thúc thời gian tập sự, ký kết tiếp hợp đồng làm việc, thay đổi vị trí việc làm; đánh giá trước khi xét khen thưởng, kỷ luật, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, quy hoạch. Qua các thời điểm này, nhằm nắm bắt được năng lực, mức độ hoàn thành công việc của viên chức, đánh giá viên chức phù hợp hay không phù hợp với vị trí công việc.
Đánh giá viên chức được thực hiện căn cứ vào đặc thù công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức ban hành để đánh giá được chính xác các tiêu chí đánh giá viên chức. Việc ban hành các quy định về đánh giá viên chức còn có thể được giao người đứng đầu cơ quan, tổ chức trực tiếp sử dụng viên chức ban hành quy định đánh giá viên chức theo quý, tháng hoặc tuần, các quy định đánh giá viên chức này phải phù hợp với đặc thù công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình, bảo đảm công khai, dân chủ, khách quan, định lượng bằng kết quả, sản phẩm cụ thể; kết quả đánh giá là căn cứ để thực hiện đánh giá viên chức quy định nêu trên, đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật về đánh giá viên chức.
2. Tiêu chí xếp loại chất lượng viên chức?
Nghị định 90/2020/NĐ-CP về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức quy định về đánh giá viên chức ở mức hoàn thành nhiệm vụ như sau:
Viên chức quản lý đạt được các tiêu chí sau đây thì xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ:
– Đáp ứng các tiêu chí quy định về đánh giá viên chức;
– Viên chức quản lý cần phải đáp ứng các tiêu chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết với cơ quan sử dụng viên chức, đáp ứng các tiêu chí theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao đều hoàn thành, trong đó có không quá 20% tiêu chí chưa bảo đảm chất lượng, tiến độ hoặc hiệu quả thấp mới được coi là hoàn thành nhiệm vụ;
– Viên chức quản lý cần phải đáp ứng tiêu chí hoàn thành trên 70% các chỉ tiêu, nhiệm vụ đơn vị hoặc lĩnh vực công tác được giao phụ trách;
– Viên chức quản lý cần phải đáp ứng tiêu chí có ít nhất 70% đơn vị thuộc thẩm quyền phụ trách, quản lý trực tiếp được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ trở lên để đảm bảo hoàn thành vai trò quản lý của mình.
Tiêu chí xếp loại chất lượng viên chức ở mức không hoàn thành nhiệm vụ được quy định tại Điều 15 Nghị định 90/2020/NĐ-CP về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức như sau:
Viên chức không giữ chức vụ quản lý có một trong các tiêu chí sau đây thì xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ:
– Viên chức được đánh giá có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa theo đánh giá của cấp có thẩm quyền. Viên chức có các biểu hiện này không đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn đạo đức đối với viên chức.
– Viên chức khi được đánh giá có trên 50% các tiêu chí được giao chưa bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả. Các tiêu chí được đánh giá này là các tiêu chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể ;
– Viên chức khi được đánh giá có hành vi vi phạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ bị xử lý kỷ luật trong năm đánh giá.
Viên chức quản lý có một trong các tiêu chí sau đây thì xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ:
– Viên chức quản lý có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa theo đánh giá của cấp có thẩm quyền. Viên chức quản lý khi bị đánh giá các yếu này không đủ tư cách để đáp ứng các tiêu chuẩn của một viên chức.
– Viên chức quản lý có trên 50% các tiêu chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao chưa bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả.
– Đơn vị hoặc lĩnh vực công tác được giao phụ trách của Viên chức quản lý hoàn thành dưới 50% các chỉ tiêu, nhiệm vụ thì sẽ được xem không hoàn thành nhiệm vụ.
– Đơn vị thuộc thẩm quyền phụ trách, quản lý trực tiếp của Viên chức quản lý có liên quan đến tham ô, tham nhũng, lãng phí và bị xử lý theo quy định của pháp luật, điều này thể hiện Viên chức quản lý đã không hoàn thành đúng vai trò quản lý của mình.
– Viên chức quản lý có hành vi vi phạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ bị xử lý kỷ luật trong năm đánh giá thì sẽ được coi là không hoàn thành nhiệm vụ ở năm đánh giá đó.
Trên đây là các nội dung tư vấn của Luật LVN Group về các nội dung Mục đích và nội dung của đánh giá xếp loại viên chức theo quy định của pháp luật.