Nguyên tắc, cấp độ và nội dung quy hoạch bảo vệ môi trường

Quy hoạch bảo vệ môi trường? Nội dung quy hoạch bảo vệ môi trường?

Môi trường hiện đang trở thành một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu. Môi trường là nơi chứa đựng các chất phế thải được con người tạo ra trong cuộc sống và hoạt động sản xuất của mình. Môi trường cũng là nơi giảm nhẹ các tác động có hại của thiên nhiên tới con người và sinh vật trên trái đất. Không những thế, môi trường còn là nơi lưu trữ và cung cấp thông tin cho con người. Việc quy hoạch bảo vệ môi trường có những ý nghĩa và vai trò quan trọng đối với mỗi quốc gia. Bài viết dưới đây Luật LVN Group sẽ giúp người đọc tìm hiểu quy định về nguyên tắc, cấp độ và nội dung quy hoạch bảo vệ môi trường trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

LVN Group tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.0191

1. Quy hoạch bảo vệ môi trường:

1.1. Quy hoạch bảo vệ môi trường là gì?

Nhằm mục đích để tránh sự chồng chéo, trùng lặp giữa quy hoạch bảo vệ môi trường và các hoạt động quy hoạch khác, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 được ban hành đã đưa ra khái niệm về quy hoạch bảo vệ môi trường. Theo đó, quy hoạch bảo vệ môi trường là việc phân vùng môi trường để bảo tồn, phát triển và thiết lập hệ thống hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường gắn với hệ thống giải pháp bảo vệ môi trường trong sự liên quan chặt chẽ với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội nhằm bảo đảm phát triển bền vững theo quy định cụ thể tại khoản 21 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.

1.2. Nguyên tắc, cấp độ, kỳ quy hoạch bảo vệ môi trường:

Theo Điều 8 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định về nguyên tắc, cấp độ, kỳ quy hoạch bảo vệ môi trường có nội dung như sau:

“1. Quy hoạch bảo vệ môi trường phải bảo đảm các nguyên tắc sau:

a) Phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội; chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh; chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia bảo đảm phát triển bền vững;

b) Bảo đảm thống nhất với quy hoạch sử dụng đất; thống nhất giữa các nội dung cơ bản của quy hoạch bảo vệ môi trường;

c) Bảo đảm nguyên tắc bảo vệ môi trường quy định tại Điều 4 của Luật này.

2. Quy hoạch bảo vệ môi trường gồm 02 cấp độ là quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia và quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh.

3. Kỳ quy hoạch bảo vệ môi trường là 10 năm, tầm nhìn đến 20 năm.”

Như vậy, căn cứ theo quy định của pháp luật thì quy hoạch bảo vệ môi trường phải đảm bảo các nguyên tắc quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 cụ thể sau đây:

– Một là, quy hoạch bảo vệ môi trường phải phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội; chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh; chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia bảo đảm phát triển bền vững.

– Hai là, quy hoạch bảo vệ môi trường phải bảo đảm thống nhất với quy hoạch sử dụng đất; thống nhất giữa các nội dung cơ bản của quy hoạch bảo vệ môi trường.

– Ba là, quy hoạch bảo vệ môi trường phải bảo đảm các nguyên tắc bảo vệ môi trường đã được quy định tại Điều 4 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.

Cũng căn cứ theo quy định của pháp luật thì quy hoạch bảo vệ môi trường gồm hai cấp độ là quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia và quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 8 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014).

Kỳ quy hoạch bảo vệ môi trường là mười năm, tầm nhìn đến hai mươi năm. Như vậy, ta nhận thấy, quy hoạch môi trường không tiến hành hàng năm được quy định tại khoản 3 Điều 8 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Tuy nhiên, quy hoạch bảo vệ môi trường sẽ phải được định kỳ xem xét, rà soát, đánh giá quá trình thực hiện để kịp thời điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội trong từng giai đoạn. Thời hạn rà soát định kỳ đối với quy hoạch bảo vệ môi trường được pháp luật quy định là năm năm kể từ ngày quy hoạch bảo vệ môi trường được phê duyệt. Việc điều chỉnh quy hoạch bảo vệ môi trường được thực hiện khi có sự điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh của quốc gia, của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được quy định cụ thể tại Điều 12 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.

Nhằm mục đích để cụ thể hóa quy định này của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường đã quy định rõ như sau: Quy hoạch bảo vệ môi trường được lập phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội với kỳ đầu cho giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2040 theo hai cấp độ là quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia và quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh.

2. Nội dung quy hoạch bảo vệ môi trường:

Theo Điều 9 Luật bảo vệ môi trường năm 2014 quy định về nội dung cơ bản của quy hoạch bảo vệ môi trường có nội dung cụ thể như sau:

“1. Quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia gồm các nội dung cơ bản sau:

a) Đánh giá hiện trạng môi trường, quản lý môi trường, dự báo xu thế diễn biến môi trường và biến đổi khí hậu;

b) Phân vùng môi trường;

c) Bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường rừng;

d) Quản lý môi trường biển, hải đảo và lưu vực sông;

đ) Quản lý chất thải;

e) Hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường; hệ thống quan trắc môi trường;

g) Các bản đồ quy hoạch thể hiện nội dung quy định tại các điểm b, c, d, đ và e khoản này;

h) Nguồn lực thực hiện quy hoạch;

i) Tổ chức thực hiện quy hoạch.

2. Nội dung quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh được thực hiện phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương bằng một quy hoạch riêng hoặc lồng ghép vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”

Như vậy, theo quy định của pháp luật thì nội dung chính của quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia bao  gồm: Diễn biến, mục tiêu quản lý môi trường; Thực trạng môi trường biển và các giải pháp bảo tồn; Thực trạng phát thải khí và giải pháp quy hoạch đối với các hoạt động có nguồn phát thải khí lớn; Thực trạng suy thoái, ô nhiễm môi trường đất; Thực trạng ô nhiễm môi trường nước; Thực trạng thu gom, xử lý và các mục tiêu quản lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và chất thải nguy hại; Thực trạng mạng lưới quan trắc và giám sát môi trường; Phân vùng môi trường theo các mục tiêu phát triển với biến đổi khí hậu; Các chương trình, dự án bảo vệ môi trường; Các bản đồ, sơ đồ liên quan đến vùng quy hoạch; Nguồn lực thực hiện quy hoạch bảo vệ môi trường, trách nhiệm của tổ chức thực hiện và kiểm tra; Tổ chức thực hiện quy hoạch.

Còn nội dung chính của quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh theo quy định của pháp luật bao gồm: Đối với quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh dưới hình thức báo cáo riêng, phải thể hiện được các nội dung chính giống như quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia với yêu cầu chi tiết hơn gắn với vị trí địa lý, điều kiện môi trường tự nhiên, kinh tế – xã hội đặc thù của địa phương lập quy hoạch; Quy hoạch bảo vệ môi trường dưới hình thức lồng ghép vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội cấp tỉnh cũng có hình thức giống lập theo báo cáo riêng, trong đó, các nội dung về nguồn lực thực hiện quy hoạch bảo vệ môi trường, trách nhiệm tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch bảo vệ môi trường được lồng ghép vào các nội dung tương ứng của quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội.

Việc quy hoạch bảo vệ môi trường hiện nay đang có vai trò chủ đạo trong việc định hướng các giải pháp khai thác sử dụng tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ, bảo tồn và bố trí hạ tầng xử lý môi trường phù hợp với quá trình thực hiện các phương án phát triển, đảm bảo phát triển bền vững.

Trong những năm gần đây, các cá nhân và cơ quan nhà nước có thẩm quyền ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của quy hoạch về môi trường, đã có rất nhiều ngành, lĩnh vực và địa phương tiến hành lập Quy hoạch môi trường hoặc Quy hoạch bảo vệ môi trường. Các quy hoạch về môi trường được ban hành đã đóng góp hữu hiệu trong quản lý và là nền tảng để Bộ tài nguyên và môi trường xây dựng phương pháp luật về Quy hoạch bảo vệ môi trường phù hợp với điều kiện phát triển trong giai đoạn tới của Việt Nam.

Trên thực tế, ta nhận thấy, việc đưa Quy hoạch bảo vệ môi trường vào Luật bảo vệ môi trường năm 2014 có vai trò chủ đạo trong việc thực hiện quản lý, giám sát, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và bố trí hạ tầng xử lý môi trường gắn kết chặt chẽ với thực trạng môi trường và các hoạt động phát triển trong vùng quy hoạch. Các nội dung quy hoạch bảo vệ môi trường cũng đã được quy định rất cụ thể và đóng góp những vai trò rất quan trọng đối với quá trình quy hoạch bảo vệ môi trường.

Việc thực hiện quy hoạch bảo vệ môi trường sẽ tạo điều kiện để nâng cao hiệu quả của đánh giá môi trường chiến lược trong vai trò là công cụ phân tích, dự báo các tác động đến môi trường của các quy hoạch phát triển trong quá trình lập quy hoạch và đánh giá mức độ phù hợp của các định hướng, mục tiêu, giải pháp phát triển với các yêu cầu về quản lý và bảo vệ môi trường nhằm mục đích để đảm bảo phát triển bền vững.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com