Nhận lại người lao động sau khi hết thời hạn tạm hoãn hợp đồng

Khái quát về tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động? Quy định về nhận lại người lao động sau khi hết thời hạn tạm hoãn hợp đồng?

Hợp đồng lao động là văn bản được người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận và giao kết với nhau trong quá trình tham gia mối quan hệ lao động. Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, nếu các bên phải tạm hoãn hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật lao động thì sau khi kết thúc thời hạn tạm hoãn, người sử dụng lao động sẽ phải nhận lại người lao động quay trở lại làm việc theo quy định của pháp luật. Vậy việc nhận lại người lao động sau khi hết thời hạn tạm hoãn hợp đồng theo quy định của Bộ luật lao động được pháp luật quy định cụ thể như thế nào?

LVN Group tư vấn luật miễn phí qua tổng đài điện thoại: 1900.0191

Cơ sở pháp lý: Bộ luật lao động 2019.

1. Khái quát về tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động:

Tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động là một sự kiện pháp lí đặc biệt. Nó là biểu hiện là sự tạm thời không thực hiện các quyền và nghĩa vụ của hai bên trong một thời hạn nhất định. Như vậy, ở đây hợp đồng lao động không phải bị hủy bỏ hay hết hiệu lực. Hết thời gian tạm hoãn, nói chung hợp dùng lại được tiếp tục thực hiện. Theo đó tạm hoãn hợp đồng lao động là sự kiên pháp lí nhằm tạm dụng trong thời gian nhất định việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ vụ của hai bên trong quan hệ lao động.

Như vậy, về phương diện lí luận tạm hoãn hợp đồng lao động được hiểu là sự tạm dừng việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ pháp lý trong hợp đồng lao động giữa hai bên trong thời gian nhất định. Do đó, có thể hiểu trong thời gian tạm hoãn hợp đồng lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động nói chung không phát sinh các quyền và nghĩa vụ lao động

Các trường hợp tạm hoãn hợp đồng lao động được quy định tại Điều 30 Bộ luật lao động 2019 như sau:

Các trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động bao gồm:

+ Người lao động thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ thì được tạm hoãn hợp đồng lao động để hực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ, thực hiện nghĩa vụ của pháp luật.

+ Người lao động bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự để tiến hành điều tra, truy tố và xét xử thì sẽ phải tạm hoãn hợp đồng lao động để tiến hành thực hiện các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

+ Người lao động phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc cơ sở giáo dục bắt buộc sẽ phải tạm hoãn hợp đồng lao động để chấp hành các quyết định này.

+ Lao động nữ mang thai nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi;

+ Người lao động được bổ nhiệm làm người quản lý doanh nghiệp của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;

+ Người lao động được ủy quyền để thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp thì sẽ phải tạm hoãn hợp đồng lao động để thực hiện trách nhiệm đại diện của mình.

+ Người lao động được ủy quyền để thực hiện quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với phần vốn của doanh nghiệp đầu tư tại doanh nghiệp khác;

+ Trường hợp khác do người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận.

Trong thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động không được hưởng lương và quyền, lợi ích đã giao kết trong hợp đồng lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.

2. Nhận lại người lao động sau khi hết thời hạn tạm hoãn hợp đồng:

Nhận lại người lao động hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động được quy định tại Điều 31 Bộ luật lao động 2019 như sau:

“Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động phải có mặt tại nơi làm việc và người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm công việc theo hợp đồng lao động đã giao kết nếu hợp đồng lao động còn thời hạn, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.”

Quy định này có thể hiểu như sau, trong trường hợp người sử dụng lao động và người lao động không có thỏa thuận nào khác, thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động thì người lao động phải quay lại để tiếp tục thực hiện hợp đồng, trường hợp sau thời hạn này mà người lao động không quay lại để tiếp tục làm việc thì sẽ được xem như không tiếp tục hợp đồng, lúc này người sử dụng lao động có thể chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động.

Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động khi không được nhận lại làm việc sau khi tạm hoãn hợp đồng lao động thì pháp luật đã đưa ra một quy phạm về xử lý vi phạm đối với người sử dụng lao động. Cụ thể tại Điểm b Khoản 2 Điều 10 Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 01/3/2020 về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định hành vi vi phạm quy định về thực hiện hợp đồng lao động của người sử dụng lao động như sau:

“2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

b) Không nhận lại người lao động trở lại làm việc sau khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, trừ trường hợp người sử dụng lao động và người lao động có thỏa thuận khác;”

Có thể hiểu đối với hành vi không nhận người lao động trở lại làm việc mà không phải lỗi do người lao động, tức ý chí không nhận lại người lao động quay trở lại làm việc xuất phát từ người sử dụng lao động, sau khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động mà người sử dụng lao động vẫn không cho người lao động quay trở lại làm việc thì người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng và phải nhận người lao động quay trở lại làm việc theo quy định của pháp luật.

– Cụ thể hơn tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 01/3/2020 quy định mức phạt tiền đối với các “hành vi vi phạm quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV của Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 Điều 6; khoản 3, 4, 6 Điều 12; khoản 2 Điều 24; khoản 1 Điều 25; khoản 1, 5, 6, 7 Điều 26; khoản 5 Điều 40; các khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 41; khoản 2, 4 Điều 42; khoản 1, 2 Điều 43; các khoản 1, 2, 3 Điều 44; các khoản 1, 2, 3, 4 Điều 45 của Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân”. Dẫn chiếu theo điều này thì đối với người sử dụng lao động có hành vi Không nhận lại người lao động trở lại làm việc sau khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động thì sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng. Theo điều này thì mức phạt tiền đối với tổ chức sẽ gấp 02 lần cá nhân khi bị phạt khi không nhận người lao động trở lại làm việc sau khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.

Ngoài ra, người sử dụng lao động còn phải bồi thường cho người lao động một khoản tiền tương ứng với những ngày mà người lao động không được quy trở lại làm việc cũng như phải chi trả các khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, liên quan đến những ngày mà người lao động không được quay trở lại làm việc theo quy định của Bộ Luật lao động 2019. Nếu người lao động không đồng ý quay trở lại làm việc sau khi người sử dụng lao động vi phạm thì người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và người sử dụng lao động vẫn phải chi trả cho người lao động các khoản tiền tương ứng nêu trên và vẫn phải chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động theo đúng quy định của Bộ Luật lao động. Người sử dụng lao động không thực hiện các nghĩa vụ này thì người lao động có thể khiếu nại tới Thanh tra lao động của Sở Thương Binh Lao động và Xã hội để được giải quyết quyền lợi.

Như vậy, người sử dụng lao động và người lao động sẽ thực hiện tạm hoãn hợp đồng lao động khi thuộc các trường hợp quy định của pháp luật phải tạm hoãn hợp đồng lao động. Pháp luật cũng quy định rõ ràng về nghĩa vụ nhận lại người lao động trở lại làm việc sau khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động của người sử dụng lao động, bảo đảm quyền lợi của  người lao động. Người sử dụng lao động nếu không nhận người lao động trở lại làm việc sau khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động thì sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com