Nhập, chuyển tài sản riêng của vợ chồng vào tài sản chung

Khái quát về nhập tài sản riêng của vợ chồng vào tài sản chung? Quy định của pháp luật về nhập tài sản riêng của vợ chồng vào tài sản chung?

Bên cạnh việc điều chỉnh quan hệ nhân thân, pháp luật Hôn nhân và gia đình cũng dành nhiều quy định điều chỉnh quan hệ tài sản giữa các thành viên trong gia đình hay các thành viên với các chủ thể khác trong xã hội, trong đó, chế định tài sản của vợ chồng được xây dựng thành một chế định riêng, cơ bản, quan trọng nhất trong Luật Hôn nhân và gia đình qua tất cả các thời kỳ. Pháp luật hiện hành ghi nhận và bảo hộ quyền có tài sản riêng của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân, góp phần tạo hành lang pháp lý cho phép vợ, chồng chủ động tham gia vào các quan hệ pháp luật khác. Điều này có nghĩa là vợ, chồng có quyền định đoạt tài sản riêng đó kể cả việc nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung. Trong bài viết dưới đây, Luật LVN Group sẽ lấy đề tài: Nhập, chuyển tài sản riêng của vợ chồng vào tài sản chung là nội dung chính để phân tích và bình luận.

Dịch vụ LVN Group tư vấn pháp luật qua điện thoại: 1900.0191

Cơ sở pháp lý:

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

1. Khái quát về nhập tài sản riêng của vợ chồng vào tài sản chung?

Theo xu thế phát triển của xã hội hiện nay, việc quy định về tài sản riêng của vợ, chồng là vô cùng cần thiết và là bước tiến bộ vượt bậc. Song song với sự phát triển của nền kinh tế thì khối lượng tài sản trong xã hội cũng ngày càng tăng cao, điều đó thúc đẩy việc hình thành ý thức xác lập khối tài sản riêng của mỗi cá nhân. Điều này hoàn toàn phù hợp với tâm lý mong muốn sở hữu tài sản độc lập của con người, được chủ động sử dụng tài sản phục vụ nhu cầu cá nhân.

Trong Luật hôn nhân và gia đình không đưa ra khái niệm về tài sản riêng của vợ, chồng mà chỉ liệt lê các loại tài sản thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng. Theo đó, tại Khoản 1, Điều 43 quy định: “Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

Dựa trên quy định của pháp luật, có thể hiểu, tài sản riêng của vợ, chồng là tài sản thuộc quyền sở hữu của một mình vợ hoặc chồng, do có trước khi kết hôn, được thừa kế  riêng, được tặng cho riêng, được hình thành từ tài sản riêng của mỗi người và được pháp luật công nhận về quyền sở hữu nhằm đảm bảo lợi ích và đáp ứng nhu cầu của vợ, chồng.

Cũng giống như tài sản riêng của vợ, chồng, khái niệm về tài sản chung của vợ, chồng cũng không được giải thích trong Luật Hôn nhân và gia đình mà chỉ nêu dưới dạng liệt kê, theo đó, tại Khoản 1, Điều 33 có quy định: “Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung….” Tài sản chung của vợ chồng được phát sinh và tồn tại trong suốt thời kỳ hôn nhân.

Nhập tài sản riêng của vợ chồng vào tài sản chung là quyền của vợ hoặc chồng được thực hiện dựa trên cơ sở thỏa thuận của vợ chồng làm thay đổi tình trạng pháp lý của tài sản từ tài sản riêng thành tài sản chung, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ khác đối với tài sản đó so với trước đây.

Quy định về việc nhập tài sản riêng và tài sản chung là do tôn trọng ý chí của vợ chồng, xuất phát từ thực tế là cần phải có tài sản chung để đáp ứng yêu cầu cuộc sống, xuất phát từ sự gắn bó tình cảm vợ chồng, từ quan niệm không phân biệt rạch ròi tài sản  giữa hai bên, vợ chồng có thể tự nguyện nhập tài sản riêng của mình vào khối tài sản chung và Luật Hôn nhân và gia đình cũng quy định nó là tài sản chung của vợ chồng.

2. Quy định của pháp luật về nhập tài sản riêng của vợ chồng vào tài sản chung?

Vơ chồng có quyền sở hữu riêng về tài sản theo các căn cứ do pháp luật quy định hoặc do thỏa thuận. Khi xác định tài sản chung hoặc riêng thì vợ chồng phải chứng minh đó là tài sản riêng, trường hợp không có đủ căn cứ chứng minh là tài sản riêng thì là tài sản chung.

Trong thời kỳ hôn nhân vợ chồng có thể thỏa thuận nhập tài sản riêng của mình vào tài sản chung. Việc sáp nhập tài sản có thể thực hiện bằng hành vi như vợ hoặc chồng sử dụng tài sản riêng vào việc chung của gia đình hoặc đưa tài sản tiêng cho chồng hoặc vợ định đoạt, chi tiêu chung hoặc vợ chồng thỏa thuận bằng lời nói là sử dụng tài sản riêng và định đoạn, chi tiêu chung, Đối với tài sản là bất động sản thì việc nhập tài sản bằng văn bản có công chứng, chứng thức.

Dưới đây là những minh chứng cụ thể:

Nhập tài sản riêng của vợ chồng xuất phát từ quyền định định đoạt của vợ chồng, đối với tài sản riêng được quy định tại Khoản 1, Điều 44, Luật Hôn nhân và gia đình, cụ thể: “Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình; nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung.“. Tuy nhiên, tại Khoản 1, Điều 46 lại quy định rằng: “Việc nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung được thực hiện theo thỏa thuận của vợ chồng.” Như vậy, mặc dù là quyền chủ động, nhưng việc nhập tài sản riêng vào tài sản chung phải thực hiện thỏa thuận nhằm đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên cũng như thống nhất được ý kiến về việc số tài sản hay các nội dung cụ thể khác. Thông thường, việc nhập tài sản riêng sẽ do vợ, chồng có tài riêng muốn nhập quyết định và bên còn lại cũng chẳng cần phải làm gì để tác động vào ý chí đó cả.

Khoản 2, Điều 46 còn khẳng định rằng: “Tài sản được nhập vào tài sản chung mà theo quy định của pháp luật, giao dịch liên quan đến tài sản đó phải tuân theo hình thức nhất định thì thỏa thuận phải bảo đảm hình thức đó.”  Với những tài sản là nhà ở, quyền sử dụng đất và các tài sản khác có giá trị lớn hoặc những tài sản riêng do chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân thì việc thỏa thuận nhập tài sản riêng và tài sản chung phải được lập thành văn bản, có chữ ký của cả vợ và chồng, một số trường hợp pháp luật quy định thì văn bản đó phải được công chứng, chứng thực. Văn bản thỏa thuận nhập tài sản riêng vào tài sản chung nhằm trốn tránh các nghĩa vụ về tài sản thì sẽ bị vô hiệu.

Trên thực tế, những trường hợp như sau có thể được coi là vợ chồng đã thỏa thuận nhập tài sản riêng vào tài sản chung. Đó là: vợ chồng bán tài sản riêng để góp vào mua một tài sản mới, khi mua không có sự phân biệt tỷ lệ đóng góp sau đó vợ chồng đã đưa vào sử dụng chung; bên có tài sản riêng trong quá trình sử dụng, kê khai cấp giấy chứng nhận đã ghi tên cả hai vợ chồng trong đơn xin đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, cần khẳng định rằng không phải mặc nhiên những trường hợp như vừa nêu khi giải quyết tranh chấp đều đương nhiên xác định đó là tài sản chung của vợ chồng, khi xét xử Tòa án cần yêu cầu vợ chồng cung cấp các chứng cứ để đánh giá ý thức chủ quan của người có tài sản riêng, từ đó mới có cơ sở xác định đó là tài sản chung hay tài sản riêng.

Khi đã nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung: ” Nghĩa vụ liên quan đến tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung được thực hiện bằng tài sản chung, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.” (Khoản 3, Điều 46). Quy định này đã tạo nên trên thực tế việc nhập tài sản riêng vào tài sản chung để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ.  Nghĩa vụ liên quan đến tài sản riêng thường là nghĩa vụ thanh toán mà vợ hoặc chồng phải thực hiện đối với người thứ ba.

Thực tế, pháp luật quy định về nội dung nhập tài sản riêng và tài sản chung là cực kỳ ngắn gọn, hầu như tôn trọng ý chí và sự thỏa thuận của vợ chồng đối với tài sản mà mình có ý định nhập. Bản chất của việc nhập tài sản riêng là quyền định đoạt của vợ hoặc chồng đối với tài sản chung, do đó với tư cách là chủ sở hữu thì người có tài sản riêng sẽ là người chủ động rông việc nhập tài sản. Đồng thời, việc nhập tài sản riêng thành tài sản chung sẽ thay đổi tình trạng pháp lý của tài sản, nếu sau này có ly hôn và phân chia tài sản thì đây sẽ được coi là tài sản chung và sẽ tính đến việc chia đôi mà không kể đến việc đã từng là tài sản riêng và người có tài sản riêng không có quyền đòi lại nó như còn giá trị tài sản riêng ban đầu, điều này là hoàn toàn hợp lí và là lẽ đương nhiên.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com