Nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban tài chính, ngân sách

Về Ủy ban Tài chính, ngân sách? Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Tài chính, ngân sách?

Quốc hội nước ta được tổ chức theo mô hình là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Với tính chất hoạt động theo chế độ hội nghị, trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội nước ta cần có Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Hiện nay, thì Quốc hội có Hội đồng dân tộc và 9 Ủy ban, và Ủy ban Tài chính, ngân sách là ủy ban trong số 9 Ủy ban đó. Bài viết dưới đây chúng tôi sẽ cung cấp các thông tin về Ủy ban Tài chính, ngân sách cũng như nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban này.

LVN Grouptư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.0191

1. Về Ủy ban Tài chính, ngân sách

Ủy ban Tài chính, ngân sách là Ủy ban thường trực của Quốc hội. Ủy ban này hoạt động thường xuyên, liên tục trong suốt nhiệm kỳ của mình và đóng vai trò là các cơ quan của Quốc hội, hỗ trợ Quốc hội trong lĩnh vực tài chính, ngân sách thuộc chức năng của Quốc hội. Các cơ quan trong bộ máy hành pháp và tư pháp đều phải chịu sự giám sát của Ủy ban này.

Ủy ban Tài chính, ngân sách cũng như các Ủy ban khác và Hội đồng dân tộc là cơ quan thường trực do Quốc hội thành lập, giữ vai trò như một cơ quan giúp việc, thư ký cho Quốc hội, giữ vai trò là đầu mối liên hệ giữa Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và cơ quan nhà nước khác trong việc giải quyết công việc của Quốc hội một cách thường xuyên, liên tục.

Gọi Ủy ban Tài chính, ngân sách là Ủy ban thường trực do sự tồn tại qua nhiều nhiệm kỳ của Ủy ban này đồng thời cũng nhằm phân biệt với Ủy ban lâm thời- những Ủy ban được Quốc hội lập ra khi xét thấy cần thiết để nghiên cứu thẩm tra một dự án hoặc điều tra về một vấn đề nhất định, sau khi hoàn thành nhiệm vụ,  Ủy ban này sẽ giải thể.

Tổ chức của Ủy ban Tài chính, ngân sách cũng như các Ủy ban khác của Quốc hội, đó chính là gồm có Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách và các Ủy viên khác;  Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội do Quốc hội bầu; các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách và các Ủy viên khác của Ủy ban do Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn.

Ủy ban Tài chính, ngân sách cũng có Ủy ban thường trực bao gồm Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm và các Ủy viên thường trực. Bộ phận thường trực bao gồm những thành viên hoạt động chuyên trách, hoạt động thường xuyên trong Ủy ban. Các thành viên còn lại là các thành viên hoạt động kiêm nhiệm, trên thực tế họ đang đảm nhiệm chức danh, thực thi nhiệm vụ ở nhiều lĩnh vực, thuộc các cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, đoàn thể… ở trung ương, địa phương như Bộ Tài chính, Kiểm toán nhà nước,…và thực hiện nhiệm vụ này thực tế mới là nhiệm vụ chính của họ.

Ủy ban Tài chính tham mưu, tư vấn sâu về tài chính, ngân sách, kiểm toán nhà nước cho Quốc hội, Đại biểu Quốc hội. Quốc hội là một tập thể lớn gồm hàng trăm đại biểu, với nhiệm vụ, quyền hạn lớn, liên quan đến tất cả các mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa,… của quốc gia. Ủy ban Tài chính cung cấp cho các đại biểu Quốc hội kiến thức chuyên sâu, các thông tin được phân tích, chứng minh, lập luận về tài chính, ngân sách, kiểm toán nhà nước để từ đó, đại biểu Quốc hội có cơ sở trong việc hình thành quan điểm, ý kiến cá nhân, từ đó phát biểu, thảo luận và quyết định các vấn đề về tài chính, ngân sách, kiểm toán nhà nước.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Tài chính, ngân sách

Vị trí, vai trò của các Ủy ban Quốc hội nói chung và Ủy ban Tài chính, ngân sách nói riêng được thể hiện thông qua lĩnh vực lập pháp, giám sát. Hiện nay, nhiệm vụ quyền hạn của Ủy ban Tài chính, ngân sách được thể hiện trong Điều 73 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, sửa đổi bổ sung năm 2019. Cụ thể các nhiệm vụ, quyền hạn như sau:

Thứ nhất, thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh thuộc lĩnh vực tài chính, ngân sách, kiểm toán nhà nước và các dự án khác do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao. 

Hoạt động thẩm tra dự án luật, pháp lệnh thuộc lĩnh vực tài chính, ngân sách, kiểm toán nhà nước trước khi trình Quốc hội của Ủy ban Tài chính, ngân sách là công đoạn mang tính bắt buộc trong quy trình lập pháp. Quy định này cũng hoàn toàn phù hợp với quy trình ban hành luật, pháp lệnh theo quy định của Luật Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Là cơ quan chuyên môn về tài chính, ngân sách, Ủy ban Tài chính, ngân sách sẽ đưa ra những tham mưu, góp ý hợp lý về những dự án luật, pháp lệnh để cơ quan xây dựng tiến hành chỉnh lý, đồng thời, báo cáo kết quả thẩm tra cũng chính là căn cứ để các đại biểu Quốc hội tham khảo, tạo tiền đề quyết định thông qua hay không thông qua dự án luật, pháp lệnh thuộc lĩnh vực tài chính, ngân sách, kiểm toán nhà nước đó.

Thứ hai, thẩm tra chính sách cơ bản về tài chính quốc gia, việc phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, mức giới hạn an toàn nợ quốc gia, nợ công, nợ chính phủ; chủ trì thẩm tra dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương và tổng quyết toán ngân sách nhà nước.

Tương tự như việc thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh, thì việc thẩm định các chính sách về tài chính quốc gia cũng nhằm đánh giá tính hợp pháp, hợp lý và khả năng thi hành trên thực tế của các chính sách đó. Một quốc gia có ổn định hay không phụ thuộc rất nhiều vào nền tài chính quốc gia đó, vì vậy, các chính sách về tài chính quốc gia phải đảm bảo sự duy trì ổn định không được vượt qua các giới hạn nợ, nhằm mục tiêu phát triển bền vững làm cơ sở để phát triển kinh tế.

Ngân sách nhà nước được coi như “nguồn sống” của đất nước, nhằm thực hiện các nhiệm vụ của đất nước cũng như phát triển đất nước. Việc sử dụng ngân sách phải đảm bảo sử dụng đúng mục đích, sử dụng tiết kiệm, đủ cho các nhiệm vụ, tránh các trường hợp lãng phí, chi tiêu không hợp lý. Ủy ban Tài chính, ngân sách tiến hành kiểm tra các dự toán ngân sách để kiểm tra sự hợp lý của các nhiệm vụ tiêu dùng, các khoản dự thu ngân sách, kiểm tra quyết toán ngân sách để kiểm tra việc sử dụng các khoản ngân sách có lãng phí, có thất thoát ngân sách, hay xảy ra tham nhũng hay không,….

Thứ ba, giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội thuộc lĩnh vực tài chính, ngân sách, kiểm toán nhà nước; giám sát hoạt động của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện dự toán ngân sách nhà nước và việc thực hiện chính sách tài chính, ngân sách. (Khoản 3)

Giám sát cũng là một nhiệm vụ của Ủy ban Tài chính, ngân sách. Các văn bản luật, pháp lệnh, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn có tính bắt buộc thi hành. Ủy ban Tài chính, ngân sách đóng vai trò giám sát việc thực hiện các quy định này của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, các cơ quan ở địa phương. Hoạt động giám sát có thể thực hiện qua nhiều cách khác nhau như yêu cầu báo cáo tổng kết, kiểm tra đột xuất,… Bên cạnh việc thực thi pháp luật thì Ủy ban Tài chính, ngân sách còn có trách nhiệm giám sát việc thực hiện dự toán ngân sách nhà nước của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ. Việc giám sát này cũng nhằm mục đích phòng tránh tham nhũng, thất thoát ngân sách, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước. Chính phủ là cơ quan tiến hành xây dựng dự toán, tiến hành thực hiện dự toán, nên cần phải có cơ quan thực hiện giám sát quá trình này, mà Quốc hội là hoạt động không thường xuyên, nên việc Ủy ban Tài chính ngân sách- cơ quan thường trực của Quốc hội thực hiện việc giám sát thực hiện dự toán là hoàn toàn hợp lý.

Thứ tư, giám sát văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách (Khoản 4). Hoạt động giám này nhằm đảm bảo sự phù hợp của các văn bản do các cơ quan, chủ thể này ban hành với các văn bản luật, pháp lệnh, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời phù hợp với chính sách về tài chính, ngân sách, kiểm toán nhà nước đã được thông qua. Khi nhận thấy có sự sai lệch, thiết sót thì tiến hành đề nghị sửa đổi, bổ sung, hoặc bãi bỏ kịp thời.

Thứ năm, trình dự án luật trước Quốc hội, dự án pháp lệnh trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về lĩnh vực Ủy ban phụ trách. Bên cạnh nhiệm vụ thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh cho các cơ quan khác xây dựng, thì Ủy ban Tài chính, ngân sách cũng tiến hành xây dựng các văn bản luật, pháp luật khi được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ quốc hội giao nhiệm vụ, hoặc sau khi kiến nghị ban hành luật được thông qua. 

Thứ sáu, kiến nghị các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của các cơ quan hữu quan và các vấn đề về tài chính, ngân sách, kiểm toán nhà nước. Thông qua quá trình giám sát, nhận thấy tổ chức, hoạt động của các cơ quan hữu quan có những điểm chưa thực sự phù hợp với thực tế thì Ủy ban Tài chính tiến hành đề nghị với các cơ quan này, để các cơ quan này biết và quyết định điều chỉnh cho phù hợp.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com