Nội dung của một hợp đồng cung ứng dịch vụ nói chung và một hợp đồng cung ứng dịch vụ quốc tế nói riêng tùy thuộc vào từng loại hình dịch vụ.
Việc giao kết hợp đồng cung ứng dịch vụ quốc tế được thực hiện với điều kiện và trình tự như các hợp đồng kinh doanh quốc tế nói chung. Nội dung của một hợp đồng cung ứng dịch vụ nói chung và một hợp đồng cung ứng dịch vụ quốc tế nói riêng tùy thuộc vào từng loại hình dịch vụ. Một số điều khoản phổ biến thường được quy định là: đối tượng của hợp đồng, phí (giá cả) dịch vụ, phương thức và thời hạn thanh toán, quyền và nghĩa vụ của các bên, phạt vi phạm, các trường hợp miễn trách, luật áp dụng, giải quyết tranh chấp, hiệu lực của hợp đồng.
Trong các điều khoản nói trên, với đặc thù của hợp đồng cung ứng dịch vụ so với hợp đồng mua bán hàng hóa, hai điều khoản sau đây cần được lưu ý khi soạn thảo:
Điều khoản về dịch vụ và chất lượng của dịch vụ
Vì dịch vụ là vô hình, khó nắm bắt nên một trong các điều khoản quan trọng của hợp đồng cung ứng dịch vụ, đó là điều khoản về dịch vụ (công việc) phải thực hiện và chất lượng dịch vụ. Điều khoản này sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để giải quyết các tranh chấp phát sinh giữa các bên trong hợp đồng.
Việc quy định điều khoản này tùy thuộc vào từng loại hình dịch vụ và tính chất của dịch vụ.
Ví dụ, đối với dịch vụ tư vấn pháp lý, cần quy định rõ mục đích và nội dung tư vấn (tư vấn về vấn đề gì, nhằm mục đích gì?), giới hạn vấn đề tư vấn (chỉ tư vấn những mảng cụ thể như: thành lập doanh nghiệp, tư vấn đầu tư, tư vấn về hợp đồng…)
Đối với dịch vụ quảng cáo, cần nêu rõ đối tượng cần quảng cáo (hàng hóa hay dịch vụ gì), phương tiện quảng cáo (tờ rơi, báo, truyền hình, phát thanh, quảng cáo điện tử…), nội dung của thông điệp quảng cáo, phương pháp quảng cáo, hình thức quảng cáo, thời hạn và tiến độ thực hiện các dịch vụ quảng cáo, phạm vi quảng cáo.
Đối với dịch vụ vận chuyển hàng hóa, cần quy định rõ về hàng hóa được chuyên chở, phương tiện chuyên chở, phương thức chuyên chở (có chuyển tải hay không), thời gian thực hiện việc chuyên chở, việc xếp hàng lên phương tiện vận chuyển và dỡ hàng khỏi phương tiện vận chuyển.
Đối với hợp đồng môi giới bất động sản, cần nêu rõ đối tượng của hợp đồng (bất động sản), phạm vi của dịch vụ môi giới (tìm người mua, hỗ trợ việc đàm phán, ký kết hợp đồng, công chứng hợp đồng và các thủ tục cần thiết khác), các yêu cầu khác (giá bán tối thiểu, thời hạn của hợp đồng).
Đối với hợp đồng cung ứng dịch vụ xây dựng thì các dịch vụ là đối tượng của hợp đồng có thể là thiết kế, tư vấn thiết kế, tư vấn xây dựng; cung ứng vật tư, thiết bị xây dựng; thi công xây dựng; giám sát thi công, quản lý dự án… và các loại dịch vụ khác. Đối với mỗi loại dịch vụ, cần quy định rõ những công việc phải thực hiện. Ví dụ, đối với dịch vụ thi công xây dựng thì đối tượng hợp đồng là thực hiện việc thi công một phần hoặc toàn bộ công trình theo thiết kế xây dựng công trình.
Về chất lượng dịch vụ, đối với trường hợp nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ là nghĩa vụ theo kết quả công việc thì phải quy định rõ các kết quả mong muốn đạt được. Ví dụ, trong hợp đồng chuyên chở quy định cụ thể tỷ lệ % giao hàng đúng thời gian, tỷ lệ cho phép hàng bị tổn thất trong mỗi chuyến là bao nhiêu,… Trong trường hợp nghĩa vụ theo nỗ lực và khả năng cao nhất, các bên có thể thỏa thuận dịch vụ phải có chất lượng cao nhất của một nhà cung ứng dịch vụ chuyên nghiệp, hay người cung ứng dịch vụ phải cần mẫn hợp lý trong việc cung ứng dịch vụ. Thông thường các bên có thể lấy tiêu chuẩn của ngành để đánh giá, hoặc hai bên có thể thỏa thuận riêng về tiêu chuẩn dịch vụ.
Nhìn chung, điều khoản này cần được quy định càng rõ ràng, càng chi tiết càng tốt.
>>> LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.0191
Điều khoản về phương thức cung ứng dịch vụ
Phương thức cung ứng dịch vụ là khác nhau tùy vào loại hợp đồng.
Đối với hợp đồng xây dựng, việc xây dựng có thể được cung ứng theo phương thức trọn gói, hoặc theo đơn giá, theo thời gian, hay theo tỷ lệ phần tram. Hợp đồng cũng cần phải quy định rõ việc sử dụng các nhà thầu phụ, việc chỉ định các nhà thầu phụ, các công việc có thể thầu lại, trách nhiệm cụ thể của mỗi bên (nhà thầu chính, nhà thầu phụ).
Đối với hợp đồng chuyên chở thì phương thức cung ứng có thể là chuyên chở và giao hàng một lần/nhiều lần, có chuyển tải hay không, sử dụng một phương thức vận chuyển hay nhiều phương thức vận chuyển…
Đối với dịch vụ tư vấn thì việc cung ứng dịch vụ có thể là qua điện thoại, qua trao đổi bằng thư, hoặc là bằng việc gửi chuyên gia tư vấn trực tiếp đến công ty để xem xét tài liệu, trao đổi các vấn đề trước khi tiến hành tư vấn trực tiếp.
Đối với dịch vụ đào tạo, việc cung ứng dịch vụ có thể được tiến hành trực tiếp thông qua việc giảng viên đến tận cơ sở đào tạo để thực hiện việc đào tạo, hoặc học viên đến cơ sở đào tạo để tham gia vào các lớp học; hoặc đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến…