Dựa theo cách phân loại các ngành dịch vụ của WTO, có thể chia các hợp đồng cung ứng dịch vụ thành nhiều loại hợp đồng khác nhau.
Pháp luật Việt Nam không đưa ra khái niệm cũng như cách phân loại hợp đồng cung ứng dịch vụ quốc tế mà chỉ quy định về quyền cung ứng và sử dụng dịch vụ khác nhau tại Khoản 1 và 2 Điều 75 Luật Thương mại 2005, theo đó, thương nhân có các quyền cung ứng dịch vụ sau đây:
“Điều 75. Quyền cung ứng và sử dụng dịch vụ của thương nhân
1. Trừ trường hợp pháp luật hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác, thương nhân có các quyền cung ứng dịch vụ sau đây:
a) Cung ứng dịch vụ cho người cư trú tại Việt Nam sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam;
b) Cung ứng dịch vụ cho người không cư trú tại Việt Nam sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam;
c) Cung ứng dịch vụ cho người cư trú tại Việt Nam sử dụng trên lãnh thổ nước ngoài;
d) Cung ứng dịch vụ cho người không cư trú tại Việt Nam sử dụng trên lãnh thổ nước ngoài.
2. Trừ trường hợp pháp luật hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác, thương nhân có các quyền sử dụng dịch vụ sau đây:
a) Sử dụng dịch vụ do người cư trú tại Việt Nam cung ứng trên lãnh thổ Việt Nam;
b) Sử dụng dịch vụ do người không cư trú tại Việt Nam cung ứng trên lãnh thổ Việt Nam;
c) Sử dụng dịch vụ do người cư trú tại Việt Nam cung ứng trên lãnh thổ nước ngoài;
d) Sử dụng dịch vụ do người không cư trú tại Việt Nam cung ứng trên lãnh thổ nước ngoài.”
Dựa theo cách phân loại các ngành dịch vụ của WTO, có thể chia các hợp đồng cung ứng dịch vụ thành:
– Hợp đồng cung ứng dịch vụ kinh doanh (như dịch vụ máy tính, dịch vụ nghiên cứu và triển khai (R&D), các dịch vụ cho thuê máy móc…).
– Hợp đồng cung ứng dịch vụ truyền thông (dịch vụ bưu điện, các dịch vụ viễn thông, các dịch vụ truyền thông…).
– Hợp đồng cung ứng dịch vụ xây dựng và kỹ sư công trình (dịch vụ thiết kế, dịch vụ xây dựng, dịch vụ lắp đặt và lắp ráp…).
– Hợp đồng cung ứng dịch vụ phân phối (dịch vụ đại lý, dịch vụ thương mại bán buôn, dịch vụ bán lẻ, dịch vụ cấp quyền kinh doanh…).
– Hợp đồng cung ứng dịch vụ giáo dục (có thể bao gồm dịch vụ giáo dục tiểu học, trung học, đại học hay các dịch vụ giáo dục khác…).
– Hợp đồng cung ứng các dịch vụ môi trường (dịch vụ thoát nước, dịch vụ thu gom rác, dịch vụ vệ sinh…)
– Hợp đồng cung ứng dịch vụ tài chính (dịch vụ bảo hiểm, các dịch vụ ngân hàng và dịch vụ tài chính khác…).
>>> LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.0191
– Hợp đồng cung ứng dịch vụ xã hội và liên quan đến sức khỏe (các dịch vụ bệnh viện, các dịch vụ y tế, các dịch vụ xã hội…).
– Hợp đồng cung ứng dịch vụ du lịch và lữ hành (dịch vụ khách sạn và nhà hàng, dịch vụ đại lý lữ hành và các dịch vụ hướng dẫn tour, các dịch vụ hướng dẫn du lịch…).
– Hợp đồng cung ứng các dịch vụ văn hóa và giải trí (các dịch vụ giải trí, các dịch vụ đại lý bán báo, thư viện, lưu trữ, bảo tang, thể thao…).
– Hợp đồng cung ứng các dịch vụ vận tải (các dịch vụ vận tải biển, dịch vụ vận tải đường thủy nội địa, các dịch vụ vận tải đường hàng không, vận tải vũ trụ, các dịch vụ vận tải đường sắt, các dịch vụ vận tải đường bộ, vận tải theo đường ống dẫn, các dịch vụ phụ trợ cho tất cả các loại vận tải…).