Quy định lập, nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường

Khái niệm báo cáo đánh giá tác động môi trường? Đối tượng phải thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường? Nội dung chính của báo cáo đánh giá tác động môi trường? Quy trình lập báo cáo đánh giá tác động môi trường?

Hiện nay, việc phát triển kinh tế – xã hội luôn phải đi đôi với bảo vệ môi trường. Đây là một trong những chủ trương của nhà nước ta và đã đem đến những hiệu quả quan trọng, đặc biệt khi môi trường ngày càng bị suy thoái cũng như sức khỏe con người bị ảnh hưởng. Điều này đòi hỏi rằng khi xây dựng, đầu tư dự án cần thực hiện một số thủ tục nhất định với mục đích nhằm bảo vệ sự trong lành cho môi trường, trong đó đánh giá tác động môi trường là một trong những thủ tục bắt buộc. Vậy việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cần đáp ứng những điều kiện gì và trình tự thủ tục như thế nào? Bài viết dưới đây Luật LVN Group sẽ giúp người đọc tìm hiểu quy định lập, nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

LVN Group tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.0191

1. Khái niệm báo cáo đánh giá tác động môi trường:

Theo quy định tại Khoản 23 Điều 3 Luật bảo vệ môi trường 2014 đánh giá tác động môi trường được hiểu là việc phân tích, dự báo tác động đến môi trường của dự án đầu tư cụ thể để đưa ra biện pháp bảo vệ môi trường khi triển khai dự án đó.

Theo đó lập báo cáo đánh giá tác động môi trường là cơ sở quan trọng được sử dụng nhằm để doanh nghiệp biết rõ hơn về tình trạng chất lượng môi trường của doanh nghiệp mình từ đó đề ra những biện pháp giảm thiểu ô nhiễm hiệu quả, đạt tiêu chuẩn môi trường theo quy định. Đây là một việc làm cần thiết và bắt buộc để biết được tầm ảnh hưởng của dự án đến môi trường xung quanh so với mức quy định. Thông qua đó, sẽ là căn cứ xem xét phê duyệt cấp phép cho dự án. Ngoài ra, đây cũng là bước ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp, tạo sự chủ động trong vấn đề bảo vệ môi trường tại nơi hoạt động dự án, doanh nghiệp.

2. Đối tượng phải thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường:

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì các chủ thể phải thực hiện việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường bao gồm các chủ thể sau:

– Dự án có thứ tự từ mục 1 đến mục 113 Phụ lục II và Phụ lục III của Nghị định số 18/2015/NĐ-CP của Chính Phủ; dự án có tên gọi khác nhưng có tính chất, quy mô tương đương các dự án có thứ tự từ mục 1 đến mục 113 Phụ lục II Nghị định số 18/2015/NĐ-CP của Chính Phủ phải thực hiện việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.

– Dự án cải tạo, mở rộng, nâng cấp, nâng công suất của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đang hoạt động đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc đăng ký, xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường hoặc xác nhận bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường hoặc phê duyệt, xác nhận đề án bảo vệ môi trường tới mức tương đương với các đối tượng từ mục 1 đến mục 113 Phụ lục II Nghị định số 18/2015/NĐ-CP của Chính Phủ phải thực hiện việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.

– Đối tượng quy định tại Điều 18 của Luật bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 phải thực hiện việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.

– Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải thực hiện việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.

– Dự án có sử dụng đất của khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, khu di tích lịch sử – văn hóa, khu di sản thế giới, khu dự trữ sinh quyển, khu danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng phải thực hiện việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.

– Dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường phải thực hiện việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Theo đó bao gồm các dự án sau đây:

+ Nhóm các dự án về xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng.

+ Nhóm các dự án về giao thông

+ Nhóm các dự án về năng lượng, phóng xạ, điện tử

+ Nhóm các dự án về thủy lợi, khai thác rừng, trồng trọt

+ Nhóm các dự án về khai thác, chế biến khoáng sản; khai thác tài nguyên

+ Nhóm các dự án về dầu khí+ Nhóm các dự án về xử lý, tái chế chất thải

+ Nhóm các dự án về cơ khí, luyện kim

+ Nhóm các dự án về chế biến gỗ, sản xuất thủy tinh, gốm sứ

+ Nhóm các dự án về sản xuất, chế biến thực phẩm.

+ Nhóm các dự án về chế biến nông sản.

+ Nhóm các dự án về chăn nuôi và chế biến thức ăn chăn nuôi.

+ Nhóm các dự án về sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

+ Nhóm các dự án về hóa chất, dược phẩm, mỹ phẩm, nhựa, chất dẻo.

+ Nhóm các dự án về sản xuất giấy và văn phòng phẩm.

+ Nhóm các dự án về dệt nhuộm và may mặc.

+ Nhóm các dự án khác.

Như vậy, chủ dự án thuộc các đối tượng nêu trên phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường tại cơ quan có thẩm quyền và chỉ được triển khai thực hiện hoặc xây dựng dự án sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

3. Nội dung chính của báo cáo đánh giá tác động môi trường:

Theo quy định tại Điều 23 Luật bảo vệ môi trường 2014, một báo cáo đánh giá tác động môi trường phải bao gồm các nội dung sau đây:

– Xuất xứ của dự án, chủ dự án, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án; phương pháp đánh giá tác động môi trường.

– Đánh giá việc lựa chọn công nghệ, hạng mục công trình và các hoạt động của dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường.

– Đánh giá hiện trạng môi trường tự nhiên, kinh tế – xã hội nơi thực hiện dự án, vùng lân cận và thuyết minh sự phù hợp của địa điểm lựa chọn thực hiện dự án.

– Đánh giá, dự báo các nguồn thải và tác động của dự án đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.

– Đánh giá, dự báo, xác định biện pháp quản lý rủi ro của dự án đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.

– Biện pháp xử lý chất thải.

– Các biện pháp giảm thiểu tác động đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.

– Kết quả tham vấn.

– Chương trình quản lý và giám sát môi trường.

– Dự toán kinh phí xây dựng công trình bảo vệ môi trường và thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường.

– Phương án tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường.

Phương án tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường bao gồm: Phương án thu gom, quản lý và xử lý chất thải phát sinh trong quá trình thi công xây dựng dự án (chất thải rắn, khí thải, chất thải nguy hại, rác thải sinh hoạt, nước thải sinh hoạt, các loại chất thải lỏng khác như hóa chất thải, hóa chất súc rửa đường ống,…), bảo đảm theo quy định về bảo vệ môi trường; Kế hoạch xây lắp các công trình bảo vệ môi trường, thiết bị xử lý chất thải, thiết bị quan trắc nước thải và khí thải tự động, liên tục đối với trường hợp phải lắp đặt theo quy định; kế hoạch tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường khác phục vụ giai đoạn vận hành của dự án đó.

4. Quy trình lập báo cáo đánh giá tác động môi trường:

Quy trình lập báo cáo đánh giá tác động môi trường được quy định như sau:

– Theo quy định của pháp luật thì đối với dự án mở rộng quy mô, nâng công suất hoặc thay đổi công nghệ của cơ sở, khu công nghiệp đang hoạt động, trong báo cáo đánh giá tác động môi trường phải có thêm một phần đánh giá về tình hình hoạt động và thực hiện công tác bảo vệ môi trường của cơ sở, khu công nghiệp hiện hữu; đánh giá tổng hợp tác động môi trường của cơ sở, khu công nghiệp hiện hữu và dự án mở rộng quy mô, nâng công suất hoặc thay đổi công nghệ của dự án mới.

– Đối với các dự án đầu tư xây dựng khu công nghiệp và các dự án thuộc loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường được quy định cụ thể tại Phụ lục IIa Mục I Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 18/2015/NĐ-CP của Chính Phủ thì, trong báo cáo đánh giá tác động môi trường phải có phương án phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường đối với khí thải; phương án phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường đối với nước thải theo quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP.

– Còn đối với dự án khai thác khoáng sản, trong báo cáo đánh giá tác động môi trường phải có phương án cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định cụ thể tại Điều 6 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP của Chính Phủ. Còn đối với dự án khai thác cát, sỏi và khoáng sản khác trên sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa và vùng cửa sông, ven biển phải có nội dung đánh giá tác động tới lòng, bờ, bãi sông theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước.

Quy trình lập báo cáo đánh giá tác động môi trường bao gồm các bước sau:

Bước 1: Đánh giá hiện trạng môi trường khu vực xung quanh dự án và khảo sát môi trường của dự án: điều kiện địa lý – địa chất, môi trường tự nhiên – kinh tế – xã hội liên quan đến dự án.

Bước 2: Xác định các nguồn có thể gây ô nhiễm như khí thải, nước thải, chất thải rắn, tiếng ồn. Xác định các loại chất thải có thể phát sinh trước và sau quá trình xây dựng và hoạt động của dự án.

Bước 3: Thu thập các mẫu khí thải, chất thải đã xác định từ trước đó sau đó đem phân tích tại phòng thí nghiệm.

Bước 4: Đánh giá mức độ tác động ảnh hưởng của các nguồn ô nhiễm trên đến các yếu tố tài nguyên, môi trường, xã hội và con người xung quanh khu vực dự án.

Bước 5: Xây dựng các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm trong giai đoạn xây dựng dự án, các biện pháp quản lý môi trường trong hoạt động và dự phòng sự cố môi trường.

Bước 6: Đề xuất phương án xử lý nước thải, khí thải, phương án thu gom và xử lý chất thải rắn từ hoạt động của dự án.

Bước 7: Tiến hành tham vấn ý kiến Uỷ ban nhân dân và Uỷ ban mặt trận tổ quốc phường nơi thực hiện dự án.

Bước 8: Xây dựng chương trình quản lý và giám sát môi trường.

Bước 9: Nộp lên cơ quan có thẩm quyền và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo tác động môi trường được chủ dự án gửi đến cơ quan nhà nước, bao gồm:

– Một văn bản đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường thực hiện theo mẫu được quy định sẵn.

– Một bản báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc báo cáo kinh tế – kỹ thuật của dự án đầu tư hoặc các tài liệu tương đương;

– Bảy bản báo cáo đánh giá tác động môi trường. Trong trường hợp số lượng thành viên hội đồng thẩm định nhiều hơn bảy người, chủ dự án phải cung cấp thêm số lượng báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Hình thức gửi báo cáo đánh giá tác động môi trường:

– Nộp trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền.

– Gửi bằng đường bưu điện.

– Gửi bản điện tử thông qua trang dịch vụ công.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com