Về hợp đồng xây dựng- chuyển giao? Vai trò của hợp đồng BT? Quy định pháp luật về hợp đồng BT?
Để thực hiện các dự án xây dựng, thì Nhà nước thông thường ký kết hợp đồng theo phương thức đối tác công tư với các đối tác tư nhân. Hiện có rất nhiều dạng hợp đồng được kí kết theo phương thức này, trong đó có dạng hợp đồng xây dựng- chuyển giao, hay còn gọi là hợp đồng BT. Bài viết dưới đây Luật LVN Group sẽ cung cấp các thông tin về loại hợp đồng này.
Tổng đàiLVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7: 1900.0191
1. Về hợp đồng xây dựng- chuyển giao
Hình thức “Xây dựng- Chuyển giao” (BT) là hình thức đầu tư trong đó đối tác tư nhân tiến hành xây dựng công trình, sau khi hoàn thành sẽ chuyển giao ngay cho Nhà nước. Đầu tư theo hợp đồng BT là một hình thức đầu tư theo Hợp đồng dự án, được ký kết giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và đối tác tư nhân để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng ; sau khi xây dựng xong, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho Nhà nước; Nhà nước sẽ tạo điều kiện cho nhà đầu tư tư nhân thực hiện dự án khác để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận hoặc thanh toán cho nhà đầu tư theo thỏa thuận trong hợp đồng.
Đặc điểm chính của hình thức đầu tư theo hợp đồng BT là :
+ Với hình thức đầu tư theo hợp đồng BT, nhà đầu tư chỉ xây dựng và chuyển giao đối tượng của hợp đồng cho Nhà nước hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền mà không được quyền kinh doanh chính những công trình hoặc dịch vụ công đó. Vì vậy, những thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ của hai bên trong hợp đồng cũng như các cam kết thực hiện sẽ ít hơn so với hai hình thức đầu tư theo hợp đồng BOT, BTO nhưng vẫn phải đảm bảo lợi ích kinh tế của nhà đầu tư.
+ Về thời điểm và phương thức chuyển giao, sau khi xây dựng xong công trình, nhà đầu tư sẽ phải chuyển giao ngay công trình cho Nhà nước hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
+ Lợi ích mà nhà đầu tư tư nhân được hưởng từ dự án đầu tư theo hợp đồng BT là lợi ích từ một dự án khác mà Nhà nước đã cam kết dành cho họ và tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện dự án đó để thu hồi vốn và có lợi nhuận hợp lý. Hay nói cách khác, việc thực hiện dự án đầu tư này cần phải đảm bảo sự kết hợp hài hòa giữa chính sách đầu tư của Nhà nước, hiệu quả kinh tế, xã hội của những dự án đầu tư đồng thời vẫn đảm bảo cho nhà đầu tư có được lợi nhuận gián tiếp từ chính dự án đầu tư của mình. Đây cũng là điểm khác biệt căn bản so với hình thức đầu tư theo hợp đồng BOT, BTO.
2. Vai trò của hợp đồng BT
Đầu tư theo hình thức BT hay các hình thức khác thuộc PPP nói chung thể hiện vai trò rất lớn trong việc mang lại lợi ích cho cả nhà nước và khu vực tư nhân cũng như người dân sử dụng dịch vụ- sản phẩm
Về vai trò của đầu tư theo hợp đồng BT đối với Nhà nước:
Thứ nhất, tạo điều kiện tốt để Nhà nước xây dựng cơ sở hạ tầng: Đi cùng với xây dựng kiến trúc thượng tầng là xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp, đảm bảo cung ứng công cộng đầy đủ, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, việc duy trì phương thức đầu tư truyền thống là Nhà nước sử dụng ngân sách, tự thiết kế, xây dựng và quản lý các công trình công cộng sẽ gây ra sự lãng phí lớn và chắc chắn không hiệu quả, do những lối mòn trong tư duy xây dựng và quản lý, chưa kể những hậu quả nghiêm trọng khác như tham nhũng, nợ công tăng cao…
Nếu áp dụng các hình thức đối tác công ty mà phổ biến nhất là đầu tư theo hợp đồng BT, PPP trong xây dựng các công trình công cộng, Nhà nước sẽ không chỉ giảm áp lực về Ngân sách đầu tư ban đầu, mà còn tận dụng được những lợi thế từ khu vực tư nhân, từ quá trình nghiên cứu thiết kế cho đến quá trình khai thác quản lý công trình. Hơn nữa, Nhà nước không trực tiếp tham gia xây dựng mà chỉ tham gia giám sát và quản lý. Như vậy, đầu tư theo hợp đồng BT sẽ giúp Nhà nước tiết kiệm thời gian, do đó cùng lúc có thể xây dựng nhiều công trình công cộng khác nhau, đồng thời đảm bảo tính đồng bộ trong quy hoạch, kiến trúc.
Thứ hai, phân bổ và quản lý rủi ro tốt hơn cho các bên tham gia ký kết hợp đồng.
Chìa khóa thành công cho các hình thức đầu tư theo mô hình PPP là việc chia sẻ rui nhằm thiết lập cán cân lợi ích cân bằng giữa các bên. Khi tham gia các dự án PPP, Nhà nước sẽ chia sẻ được những rủi ro liên quan đến huy động, quản lý và sử dụng vốn cho nhà đầu tư tư nhân. Đây chính là một trong những thế mạnh của khu vực tư nhân. Đổi lại, bản thân Nhà nước cũng chia sẻ với Nhà đầu tư tư nhân các rủi ro liên quan đến thể chế, cộng đồng hay bảo lãnh vay vốn.
– Thứ ba, tiết kiệm chi phí đầu tư
Với việc kết hợp hai giai đoạn thiết kế và xây dựng trong cùng một hợp đồng, hình thức đầu tư theo hợp đồng BT cho phép đơn vị thiết kế và đơn vị xây dựng thiết lập mối liên hệ gần gũi và sâu sắc hơn. So với việc ký hợp đồng riêng biệt cho phần thiết kế và xây dựng, sự kết hợp này trước hết giúp cho việc thiết kế có tính sáng tạo cao hơn, tiết kiệm được nhiều chi phí hơn, đồng thời cũng giúp giảm thời gian của quá trình xây dựng, để dịch vụ sớm được đưa vào sử dụng hơn, qua đó cũng giúp tiết giảm chi phí.
Thứ tư, góp phần cải thiện chất lượng dịch vụ cung ứng
Các dự án đầu tư theo hợp đồng BT phần lớn dựa vào nguồn vốn cũng như kinh nghiệm quản lý của nhà đầu tư tư nhân, mà bản thân các nhà đầu tư này vốn không hoạt động dựa vào ngân sách, nên họ biết cách quản lý và tận dụng hiệu quả nguồn vốn, tránh xảy ra tham nhũng, lãng phí. Hơn hết, khi tham gia vào các dự án đầu tư theo hợp đồng BT, nhà đầu tư tư nhân chịu sự ràng buộc về các cam kết hiệu suất, nên đây chính là động lực để họ thực hiện tốt nhất các nghĩa vụ của mình, kéo theo chất lượng dịch vụ cung ứng cũng được đảm bảo hơn
Vai trò của đầu tư theo hợp đồng BT đối với đối tác tư nhân
Thứ nhất, tạo cơ hội phát triển dài hạn cho khu vực tư nhân
Do bản chất các hợp đồng BT là hợp đồng dài hạn nên khi tham gia ký kết, các nhà đầu tư tư nhân bị ràng buộc thực hiện các cam kết trong một thời gian tương đối dài, đổi lại sẽ được thanh toán dựa trên hiệu suất thi công. Vì vậy, hình thức đầu tư theo hợp đồng BT sẽ tạo cơ hội đầu tư dài hạn và an toàn cho nhà đầu tư tư nhân. Tính an toàn được thể hiện trong các cam kết của Nhà nước khi giao kết hợp đồng BT: cam kết về thanh toán, bồi thường, ưu đãi đầu tư, cung cấp đầy đủ các dịch vụ công cộng có liên quan như điện, nước… Việc ký kết các hợp đồng đầu tư theo hợp đồng BT sẽ góp phần tạo sự tăng trưởng ổn định cho khu vực tư nhân, góp phần phát triển địa phương thông qua cơ hội việc làm cho lao động, tận dụng các lợi thế tài nguyên sẵn có.
Thứ hai, tăng tính cạnh tranh và năng động cho khu vực tư nhân
Vì thời gian kéo dài và tiềm ẩn nhiều rủi ro, nên Nhà nước thường lựa chọn ký kết hợp đồng với các nhà đầu tư tư nhân có kinh nghiệm và đặc biệt khi họ chứng minh được năng lực tài chính, chuyên môn vững mạnh. Các nhà đầu tư sẽ phải cạnh tranh thông qua đấu thầu trước khi giao kết hợp đồng BT. Đây sẽ là động lực để các nhà đầu tự trau dồi thêm kinh nghiệm, tăng cường năng lượng cạnh tranh.
3. Quy định pháp luật về hợp đồng BT
Pháp luật về đầu tư theo hợp đồng BT là hệ thống các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận điều chỉnh các mối quan hệ phát sinh trong quá trình ký kết, thực hiện, vận hành dự án theo hợp đồng BT giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân.
Theo quy định trước đây, thì đầu tư theo hợp đồng BT là bộ phận của pháp luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Pháp luật đầu tư theo hợp đồng BT bao gồm các nội dung cơ bản:
– Các quy định về chủ thể của đầu tư theo hợp đồng BT: hợp đồng BT là một trong hình thức phổ biến của đầu tư theo hình thức đối tác công tư với hai chủ thể đặc trưng là đối tác công và đối tác tư nhân, mà cụ thể đó chính là các tổ chức, cá nhân và bên còn lại là Nhà nước
– Các quy định về lĩnh vực đầu tư, phân loại dự án và nguồn vốn thực hiện dự án. Pháp luật đã có những quy định cụ thể về các nội dung này trong các văn bản quy phạm pháp luật.
– Các quy định về trình tự thực hiện dự án bao gồm các bước: lập, thẩm định, phê duyệt và công bố dự án; lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi; tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, đàm phán, kí kết thỏa thuận đầu tư, hợp đồng dự án; thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư và thành lập doanh nghiệp dự án; triển khai thực hiện dự án; quyết toán và chuyển giao công trình.
– Các quy định về ưu đãi và đảm bảo đầu tư;
– Các quy định về quản lý nhà nước theo hình thức đầu tư BT.
Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020 hay còn gọi là “Luật PPP” ra đời để quy định về đầu tư theo phương thức đối tác công tư và theo quy định tại luật này thì đầu tư theo phương thức đối tác công tư bao gồm 7 hình thức là BOT, BTO, BOO, O&M, BTL, BLT và hợp đồng hỗn hợp. Như vậy, thì chúng ta đã nhận thấy đầu tư theo hình thức BT đã không còn được quy định trong luật này cũng như các luật hiện hành. Điều này đã cho thấy pháp luật Việt Nam không ghi nhận hình thức đầu tư BT.
Việc không còn tiếp tục ghi nhận hình thức đầu tư BT xuất phát từ thực tiễn thực hiện những dự án này, mặc dù dự án có những ưu điểm riêng nhưng đi kèm với nó đó chính là quá nhiều sai phạm khi thực hiện, dẫn đến việc thực hiện các dự án không đạt được mục đích ban đầu, sai phạm nghiêm trọng, gây ra hậu quả sâu rộng đến ngân sách nhà nước, đến tình hình chính trị cũng như các vấn đề khác. Do vậy, các nhà lập pháp đã quyết định bỏ hình thức đầu tư này ra khỏi những quy định của pháp luật.