Khái quát về hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển? Các quy định khác về hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển?
Với nền kinh tế mua bán hàng hóa ngày càng phát triển, việc vận chuyển hàng hóa được thực hiện bằng nhiều phương tiện khác nhau, trong đó có hình thức vận chuyển hàng hóa bằng hàng biển. Đây là hình thức vận chuyển được sử dụng khá nhiều do tải trọng của phương thức này lớn, phù hợp với các hợp đồng vận chuyển lớn. Vậy quy định về hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển được Bộ Luật hàng hải quy định như thế nào. Bài viết dưới đây của Luật LVN Group sẽ đi vào tìm hiểu các quy định liên quan để giúp người đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này.
LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.0191
1. Khái quát về hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển?
Hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển được quy định tại Điều 145 Bộ luật hàng hải Việt Nam 2015 như sau:
– Khái niệm Hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển: Hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển là thỏa thuận được giao kết giữa người vận chuyển và người thuê vận chuyển, theo đó người vận chuyển thu giá dịch vụ vận chuyển do người thuê vận chuyển trả và dùng tàu biển để vận chuyển hàng hóa từ cảng nhận hàng đến cảng trả hàng.
– Hàng hóa là đối tượng của Hợp đồng vận chuyển hàng hóa là các đối tượng như: máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu, nhiên liệu, hàng tiêu dùng và các động sản khác, kể cả động vật sống, container hoặc công cụ tương tự do người giao hàng cung cấp để đóng hàng được vận chuyển theo hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển. Như vậy, có thể thấy đối tượng của Hợp đồng vận chuyển hàng hóa là các hàng hóa được các bên thỏa thuận trong hợp đồng vận chuyển, các hàng hóa này là hàng hóa được phép mua bán và vận chuyển, không vi phạm luật cấm về vận chuyển hàng hóa.
Các loại hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển được quy định tại Điều 146 Bộ luật hàng hải Việt Nam 2015 như sau:
– Hợp đồng vận chuyển theo chứng từ vận chuyển:
Đây là một loại hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, đặc điểm cơ bản của hợp đồng vận chuyển theo hình thức này là nó được giao kết với điều kiện người vận chuyển không phải dành cho người thuê vận chuyển nguyên tàu hoặc một phần tàu cụ thể mà chỉ căn cứ vào chủng loại, số lượng, kích thước hoặc trọng lượng của hàng hóa để vận chuyển. Cũng như các loại hợp đồng khác thì Hợp đồng vận chuyển theo chứng từ vận chuyển được các bên thỏa thuận với nhau về hình thức giao kết hợp đồng theo ý chí của cả hai bên.
– Hợp đồng vận chuyển theo chuyến:
Đây là hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển được giao kết với điều kiện cơ bản đặc trưng của hợp đồng này là người vận chuyển dành cho người thuê vận chuyển nguyên tàu hoặc một phần tàu cụ thể để vận chuyển hàng hóa theo chuyến. Hai bên giao kết hợp đồng có thể thỏa thuận về việc thuê theo chuyến cụ thể như thế nào, thuê phần nào của con tàu để thực hiện vận chuyển.
Về hình thức của hợp đồng vận chuyển theo chuyến thì theo quy định của pháp luật hợp đồng này phải được giao kết bằng văn bản.
Các bên liên quan đến hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển được quy định tại Điều 147 Bộ luật hàng hải Việt Nam 2015 như sau:
– Người thuê vận chuyển: người thuê vận chuyển trong hợp đồng vận chuyển bằng đường biển là người tự mình hoặc ủy quyền cho người khác giao kết hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển với người vận chuyển nhằm thực hiện một hợp đồng vận chuyển, thực hiện quyền và nghĩa vụ của người thuê vận chuyển.
Người thuê vận chuyển trong hợp đồng vận chuyển theo chứng từ vận chuyển được gọi là người giao hàng.
– Người vận chuyển: trong hợp đồng vận chuyển hàng hóa theo đường biển thì người vận chuyển là người tự mình hoặc ủy quyền cho người khác giao kết hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển với người thuê vận chuyển, người vận chuyển sẽ chịu các trách nhiệm vận chuyển hàng hóa theo quy định theo quy định của hợp đồng vận chuyển đã thỏa thuận ký kết với nhau.
– Người vận chuyển thực tế: trong hợp đồng vận chuyển hàng hóa theo đường biển thì người vận chuyển thực tế được hiểu là người được người vận chuyển ủy thác thực hiện toàn bộ hoặc một phần việc vận chuyển hàng hóa bằng đường biển. Người vận chuyển thực tế có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ vận chuyển hàng hóa theo thỏa thuận được ủy thác.
– Người giao hàng: trong hợp đồng vận chuyển hàng hóa theo đường biển thì người giao hàng là người tự mình hoặc được người khác ủy thác giao hàng cho người vận chuyển theo hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển theo quy định của pháp luật.
– Người nhận hàng: trong hợp đồng vận chuyển hàng hóa theo đường biển là người có quyền nhận hàng theo thỏa thuận của hợp đồng vận chuyển hàng hóa theo đường biển.
2. Các quy định khác về hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển?
Miễn trách nhiệm của người vận chuyển được quy định tại Điều 147 Bộ luật hàng hải Việt Nam 2015 như sau:
– Người vận chuyển không phải chịu trách nhiệm bồi thường đối với mất mát, hư hỏng hàng hóa trong các trường hợp sau đây:
Mất mát, hư hỏng hàng hóa do việc tàu biển không đủ khả năng đi biển, nếu đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về chuẩn bị tàu biển có đủ khả năng đi biển, có thuyền bộ thích hợp, được cung ứng đầy đủ trang thiết bị và vật phẩm dự trữ nhằm đáp ứng các trường hợp bất trắc; các hầm hàng, hầm lạnh và khu vực khác dùng để vận chuyển hàng hóa có đủ các điều kiện nhận, vận chuyển và bảo quản hàng hóa phù hợp với tính chất của hàng hóa.. các điều kiện này được chuẩn bị đầy đủ để đảm bảo cho tàu biển vận chuyển một cách an toàn. Khi đó, người vận chuyển có nghĩa vụ chứng minh đã thực hiện những nhiệm vụ này một cách mẫn cán, tức đã cố hết sức để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ nhưng tàu biển vẫn không đủ khả năng đi biển và gây thiệt hại cho hàng hóa thì người vận chuyển không phải chịu trách nhiệm đối với trường hợp này.
– Người vận chuyển được miễn hoàn toàn trách nhiệm, nếu tổn thất hàng hóa xảy ra trong trường hợp sau đây:
+ Trong quá trình vận chuyển nếu thuyền trưởng, thuyền viên, hoa tiêu hàng hải hoặc người làm công của người vận chuyển có lỗi trong quá trình điều khiển hoặc quản trị tàu, dẫn đến việc tổn thất hàng hóa được vận chuyển thì trường hợp này người vận chuyển được miễn hoàn toàn trách nhiệm đối với các thiệt hại xảy ra;
+ Trong quá trình vận chuyển hàng hóa, nếu có xảy ra hỏa hoạn và gây thiệt hại cho hàng hóa, nhưng hỏa hoạn không do người vận chuyển gây ra thì người vận chuyển không phải chịu trách nhiệm đền bù;
+ Trong quá trình vận chuyển hàng hóa trên biển, không tránh khỏi các yếu tố từ tự nhiên như thảm họa hoặc tai nạn hàng hải trên biển, vùng nước cảng biển, khi các thiên tai này gây thiệt hại mà các thiệt hại này xảy ra khi tàu biển được phép hoạt động thì người vận chuyển không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại;
+ Thiệt hại do thiên tai;
+ Thiệt hại do chiến tranh;
+ Thiệt hại về hàng hóa xảy ra từ nguyên nhân các hành động xâm phạm trật tự và an toàn công cộng mà bản thân người vận chuyển không gây ra thì sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại;
+ Thiệt hại về hàng hóa xảy ra từ nguyên nhân do hành động bắt giữ của người dân hoặc cưỡng chế của Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thì người vận chuyển sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường đối với số hàng hóa này;
+ Thiệt hại về hàng hóa do quá trình phòng dịch;
+ Thiệt hại về hàng hóa xảy ra do hành động hoặc do sự sơ suất của người giao hàng, chủ sở hữu hàng, đại lý hoặc đại diện của họ làm cho hàng hóa bị thiệt hại thì người vận chuyển sẽ không phải bồi thường;
– Liên quan đến vấn đề chậm trả hàng, có thể hiểu chậm trả hàng là việc hàng hóa được vận chuyển theo quy định của hợp đồng mà không được trả trong khoảng thời gian đã thỏa thuận theo hợp đồng hoặc trong khoảng thời gian hợp lý cần thiết mà đáng ra người vận chuyển mẫn cán tức đã thực hiện các nghĩa vụ hết khả năng, hết sức nỗ lực để có thể trả hàng đối với trường hợp không có thỏa thuận. Thì như vậy, đối với trường hợp này, người vận chuyển hàng hóa bằng đường biển không phải chịu trách nhiệm đối với việc chậm trả hàng, cụ thể là các trường hợp sau đây:
+ Tàu chở hàng hóa theo hợp đồng đi chệch tuyến đường khi đã có sự chấp thuận của người giao hàng;
+ Do các nguyên nhân bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh…mà hàng hóa bị giao chậm so với thỏa thuận của hợp đồng;
+ Do trong quá trình vận chuyển, người vận chuyển gặp tình huống phải cứu người hoặc trợ giúp tàu khác đang gặp nguy hiểm khi tính mạng con người trên tàu có thể bị đe dọa dẫn đến việc giao hàng chậm thì người vận chuyển không phải chịu trách nhiệm bồi thường;
+ Khi xảy ra trường hợp thuyền viên hoặc người trên tàu bị thương hoặc các trường hợp khác cần thời gian để cấp cứu cho thuyền viên hoặc người trên tàu.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật LVN Group về hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển cũng như các nội dung liên quan.