Quy định về tàu thuyền đến cảng biển? Quy định về tàu thuyền rời cảng biển?
Theo quy định của pháp luật hàng hải Việt Nam, tàu thuyền đến cảng biển và rời cảng biển phải tuân thủ theo các nguyên tắc, yêu cầu và quy định nhất định. Điều này là hoàn toàn hợp lý, tàu thuyền không phân biệt quốc tịch khi đi vào cảng biển là việc đi qua vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, do đó, hoạt động này phải là hoạt động có kiểm soát, ngược lại nếu đã vào được và sau đó rời đi, thì chế định về tàu thuyền rời đi có ý nghĩa trong việc quản lý và giám sát chặt chẽ. Vậy pháp luật hiện hành quy định như thế nào về tàu thuyền đến cảng biển và rời cảng biển? Hãy cũng Luật LVN Group tìm kiếm câu trả lời trong bài viết dưới đây.
LVN Group tư vấn pháp luật miễn phí qua điện thoại 24/7: 1900.0191
Cơ sở pháp lý:
Bộ luật Hảng hải Việt Nam năm 2015.
Nghị định 58/2017/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải.
Trước khi đi vào phân tích, bình luận về các quy định của pháp luật, tác giả sẽ giải thích một số khái niệm liên quan:
– Thứ nhất, tàu thuyền là gì?
Theo giải thích tại Khoản 1 Điều 4 Bộ luật Hàng hải: “Tàu thuyền là phương tiện hoạt động trên mặt nước hoặc dưới mặt nước bao gồm tàu, thuyền và các phương tiện khác có động cơ hoặc không có động cơ.” Như vậy, khái niệm tàu thuyền là rất rộng và phù hợp với tính đa dạng của các loại tàu thuyền trên thực tế.
– Thứ hai, cảng biển là gì?
Khái niệm về cảng biện được ghi nhận tại Khoản 1, Điều 73 Bộ luật hàng hải, theo đó: “Cảng biển là khu vực bao gồm vùng đất cảng và vùng nước cảng, được xây dựng kết cấu hạ tầng, lắp đặt trang thiết bị cho tàu thuyền đến, rời để bốc dỡ hàng hóa, đón trả hành khách và thực hiện dịch vụ khác. Cảng biển có một hoặc nhiều bến cảng. Bến cảng có một hoặc nhiều cầu cảng.”. Như vậy, chức năng chính của cảng biển là cho tàu thuyền đến, rời để thực hiện các dịch vụ.
Có thể nhận định rằng, quy định về tàu thuyền đến cảng biển hay rời cảng biển được quy định rất cụ thể, chặt chẽ trong các văn bản pháp luật, đặc biệt là đối với tàu thuyền nước ngoài, tàu quân sự nước ngoài.
1. Quy định về tàu thuyền đến cảng biển?
Nội dung quy định về tàu thuyền đến cảng biển được xem xét dưới các khía cạnh sau:
Thứ nhất, yêu cầu đối với tàu thuyền đến cảng biển.
Điều 94 Bộ luật hàng hai đưa ra 3 yêu cầu cơ bản đối với tàu thuyền đến cảng biển:
– Một là, tất cả các loại tàu thuyền không phân biệt quốc tịch, trọng tải và mục đích sử dụng chỉ được phép đến cảng biển khi có đủ điều kiện an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, lao động hàng hải, bảo vệ môi trường và các điều kiện khác theo quy định của pháp luật.
An toàn hàng hải, an ninh hàng hải, lao động hàng hải, bảo vệ môi trường là nội dung trong tâm được quy định tại Chương V Bộ luật hàng hải, trong đó an toàn hàng hải được hiểu là việc thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của trong hoạt động hảng hải; an ninh hàng hải bao gồm an ninh an ninh tàu biển và an ninh cảng biển, là sự quản lý của nhà nước đối với tàu thuyền chở khách, chở hàng mang quốc tịch Việt Nam hoặc quốc tịch nước ngoài; lao động hàng hải là điều kiện áp dụng đối với các thuyền viên, người lao động làm việc trên các tàu thuyền đến cảng biển; và điều kiện về bảo vệ môi trường là quy định về thiết bị và kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu và hóa chất độc hại. Việc đảm bảo các điều kiện trên nhằm tạo nên một môi trường hàng hải vừa mang tính mở rộng vừa mang tính quản lý chặt chẽ.
– Hai là, tàu thuyền chỉ được hoạt động tại cảng biển, bến cảng, cầu cảng đã được công bố đưa vào sử dụng và phù hợp với công năng của cảng biển, bến cảng, cầu cảng đó.
Đây là yêu cầu trước hết nhằm giúp cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt được thông tin về các cảng biển, bến cảng hay cầu cảng có tàu thuyền đến, đồng thời các cảng biển, bến cảng, cầu cảng đã được công bố đưa vào sử dụng đã đáp ứng các điều kiện về an toàn, an ninh và bảo vệ môi trường; việc hoạt động phù hợp với công năng của cảng biển, bến cảng hay cầu cảng là nghĩa vụ nhằm đảm bảo tình trạng vật chất bền vững của các đối tượng này.
– Ba là, trường hợp tàu thuyền nước ngoài vào hoạt động tại vùng biển Việt Nam không thuộc vùng nước cảng biển, phải tiến hành thủ tục tàu thuyền đến, rời cảng biển tại Cảng vụ hàng hải quản lý khu vực đó. Cảng vụ hàng hải có trách nhiệm giám sát hoạt động của tàu thuyền bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường.
Yêu cầu này chỉ đặt ra đối với tàu thuyền nước ngoài, điều này là rất quan trọng bởi tính chất pháp lý của các vùng biển chủ quyền theo tinh thần của pháp luật quốc tế cũng như pháp luật quốc gia. Yêu cầu này đề cao nghĩa vụ của tàu thuyền nước ngoài, đồng thời đề cao trách nhiệm của Cảng vụ hàng hải trong việc quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động của tàu thuyền này phù hợp với các quy định về đảm bảo an toàn hàng hải, an ninh hải và bảo vệ môi trường.
Thứ hai, các thủ tục liên quan khi tàu thuyền đến cảng biển.
Thủ tục quan trọng nhất khi tàu thuyền đến cảng biển là thủ tục thông báo. Chủ thể tiếp nhận thông báo là Cảng vụ hàng hải nơi tàu đến, thời gian thông báo là chậm nhất 08 giờ trước khi tàu đến vị trí dự kiến đến cảng; trường hợp tàu thuyền di chuyển giữa các cảng biển Việt Nam hoặc khu vực hàng hải không quá 20 hải lý thì chậm nhất 02 giờ trước khi tàu thuyền đến vị trí đến cảng. (Điểm b, Khoản 1, Điều 87 Nghị định 57/2017/NĐ-CP). Sau khi thông báo, chậm nhất là 02 giờ kể từ khi tàu thuyền đã vào neo đậu tại cầu cảng người có trách nhiệm phải làm thủ tục cho tàu thuyền đến cảng biển (các thủ tục về nhập cảnh, đặc biệt đối với thuyền viên).
Chậm nhất là 01 giờ kể từ khi người làm thủ tục đã nộp, xuất trình đủ các giấy tờ theo quy định thì Cảng vụ hàng hải phải quyết định việc cho tàu thuyền đến cảng biển (Khoản 2 Điều 96 Bộ luật hàng hải). Có thể thấy, nội dung về thủ tục chủ yếu liên quan đến thời hạn là chính yếu, các quy định dường như chỉ tập trung vào thời hạn thông báo, thời hạn làm thủ tục, điều này có nghĩa việc sai với thời hạn đó sẽ khiến tàu thuyền không thể đến cảng biển.
2. Quy định về tàu thuyền rời cảng biển?
Nhìn chung các quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời hạn làm thủ tục giữa tàu thuyền đến càng và tàu thuyền rời cảng có nhiều nét tương đồng, nếu không nói là gần như nhau. Vì vậy, trong phần này, tác giả chỉ tập trung phân tích quy định về nguyên tắc tàu thuyền rời cảng biển, đây sẽ là nội dung chi phối các quy định khác về tàu thuyền rời cảng biển:
Quy định về nguyên tắc tàu thuyền rời cảng biển được ghi nhận tại Điều 98 Bộ luật hàng hải, Điều 71 Nghị định 58/2017/NĐ-CP, theo đó, có 3 nguyên tắc cụ thể:
Một là, tàu thuyền chỉ được phép rời cảng biển khi bảo đảm các điều kiện an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường theo quy định và sau khi đã hoàn thành thủ tục, được Giám đốc Cảng vụ hàng hải cấp Giấy phép rời cảng, trừ trường hợp tàu thuyền vào cảng và chỉ lưu lại cảng trong khoảng thời gian không quá 12 giờ.
Nếu như việc đảm bảo các điều kiện kỹ thuật, bảo vệ môi trường cũng là một trong những yêu cầu khi tàu thuyền đến cảng biển thì khi rời đi tàu thuyền cũng phải đảm bảo các điều kiện này, điều này là hoàn toàn cần thiết và hợp lý. Đồng thời, việc phải hoàn thành các thủ tục luật định trước khi rời đi là bắt buộc, trong đó có thủ tục thông báo và thủ tục xuất cảnh. Đối với trường hợp, tàu thuyền vào cảng và lưu lại cảng trong khoảng thời gian không quá 12 giờ thì được làm thủ tục nhập cảng và xuất cảng cùng một lúc, do đó, không cần đáp ứng điều kiện “sau khi đã hoàn thành thủ tục“.
Hai là, tàu thuyền không được rời cảng trong các trường hợp sau đây:
– Không có đủ các điều kiện về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, lao động hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường theo quy định. Đây là trường hợp cụ thể hóa cho nguyên tắc 1, việc không đảm bảo các điều kiện sẽ dẫn đến những hệ lụy, hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra mà khả năng khắc phục là điều không cần thiết bởi có thể phòng ngừa.
– Chưa thanh toán xong các khoản phí, lệ phí hàng hải trong thời hạn quy định. Đây là các khoản tiền nhất định mà tàu thuyền khi nhập cảng phải thực hiện, chủ yếu liên quan đến các thủ tục mà tàu thuyền đã thực hiện. Việc chưa thanh toán xong các khoán phí, lệ phí dẫn đến tàu thuyền đã chưa đáp ứng được nghĩa vụ tài chính trước khi rời cảng.
– Phát hiện có nguy cơ khác đe dọa sự an toàn của tàu thuyền, người, hàng hóa ở trên tàu thuyền và môi trường biển. Việc xác định nguy cơ phải có căn cứ và được đánh giá bởi cơ quan có chuyên môn, nhằm đảm bảo tính mạng, tài sản cho thuyền viên cũng như bảo vệ môi trường biển nước ta.
– Đã có lệnh bắt giữ, tạm giữ tàu thuyền theo quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Đây là việc tàu thuyền có hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam và đã được cơ quan có thẩm quyền theo trình tự, thủ tục luật định tiến hành bắt giữ, tạm giữ tàu thuyền phù hợp với pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế.
– Mớn nước thực tế cao hơn giới hạn mớn nước cho phép hoặc tàu nghiêng hơn 06 độ trong trạng thái nổi tự do hoặc vỏ tàu không kín nước. Điều kiện này liên quan đến yếu tố kỹ thuật, thể hiện mức độ an toàn của tàu trước khi rời cảng.
– Tàu thuyền chở hàng rời, ngũ cốc hoặc hàng siêu trường, siêu trọng, hàng nguy hiểm, hàng xếp trên boong mà chưa có đủ biện pháp phòng hộ cần thiết, phù hợp với nguyên tắc vận chuyển những loại hàng đó. Đây là nguyên tắc nhằm đảm bảo cho hàng hóa trong quá trình vận chuyển, bởi đây là các hàng hóa có khả năng xảy ra rủi ro cao đối với hoạt động vận chuyển, và nếu xảy ra thì khả năng thu hồi là không thể.
– Tàu thuyền chưa được sửa chữa, bổ sung các điều kiện về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường theo yêu cầu của Cảng vụ hàng hải, thanh tra hàng hải hoặc yêu cầu, đề nghị của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành khác theo quy định. Điều kiện này cũng nhằm đảm bảo tính an toàn về mọi mặt cho tàu thuyền, thể hiện sự quan tâm, sát sao của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với tàu thuyền, cũng như môi trường biển trước thực tế tàu thuyền đang gặp phải.