Nghĩa vụ là gì? Quy định về thời gian và địa điểm thực hiện nghĩa vụ?
Theo như quy định của pháp luật Viện Nam hiện hành thì đối với một người khi mới được sinh ra thì gắn liền với đó là các quyền và nghĩa vụ của người đó. Do đó, đối với mỗi trường hợp khác nhau thì sẽ có những quy định về quyền và nghĩa vụ khác nhau. Trong quy định của Bộ luật dân sự cũng thế bên cạnh việc quy định quyền của cá nhân, tổ chức thì đi kèm với đó là những nghĩa vụ không thể tách rời. Mà trong các quan hệ dân sự khi các bên thực hiện giao dịch dân sự thì việc xác định nghĩa vụ của các bên là không thể tránh khỏi, việc xác định nghĩa vụ cũng là phần được các bên quan tâm nhất ví dụ như: đối với hợp đồng, nghĩa vụ bồi thường, nghĩa vụ nộp phạt,….Mặc dù, nghĩa vụ của cá nhân và tổ chức là rất phổ biến nhưng không phải ai cũng có thể hiểu hết về các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về thời gian và địa điểm thực hiện nghĩa vụ được xác định như thế nào?
Chính vì vậy, mà trong bài viết dưới đây Luật LVN Group sẽ gửi tới quy bạn đọc về nội dung phân tích về thời gian và địa điểm thực hiện nghĩa vụ trong dân sự của cá nhân, tổ chức.
LVN Group tư vấn pháp luật qua tổng đài trực tuyến 24/7: 1900.0191
Cơ sở pháp lý:
– Bộ luật Dân sự năm 2015.
1. Nghĩa vụ là gì?
Theo Bộ luật dân sự năm 2015 quy định, có thể hiểu, nghĩa vụ là việc mà theo đó, một hoặc nhiều chủ thể phải chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá, thực hiện công việc hoặc không được thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác. Ngoài ra, thì nghĩa vụ có thể được hiểu là một bộ phận không tách rời với các quy định về quyền trong nội dung của một quan hệ pháp luật dân sự. Theo đó, nghĩa vụ được xác định là những hành vi mà một bên chủ thể phải thực hiện vì lợi ích của chủ thể bên kia như chuyển giao tài sản, thực hiện một công việc hoặc không được thực hiện một công việc đã được các bên tham gia quan hệ đó hoặc pháp luật xác định,….. Bởi lẽ đó mà bên có nghĩa vụ phải thực hiện các nghĩa vụ trước quyền yêu cầu của phía bên kia.
Không những thế mà ở một góc độ khác thì nghĩa vụ còn được hiểu là một quan hệ pháp luật, trong đó quyền dân sự và các nghĩa vụ dân sự của các bên chủ thể phát sinh từ quan hệ đó phải được thực hiện dưới sự đảm bảo của pháp luật. Tuy nhiên, thuật ngữ “nghĩa vụ” sử dụng trong các văn bản quy phạm pháp luật được hiểu là những xử sự bắt buộc mà một hoặc nhiều chủ thể phải làm. Cơ chế bảo đảm tối đa cho việc bắt buộc phải thực hiện là các biện pháp cưỡng chế của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Một quan hệ nghĩa vụ được xác định là quan hệ pháp luật dân sự khi hàm chứa được 3 yếu tố: Chủ thể, khách thể và nội dung của quan hệ pháp luật dân sự. Dựa trên cơ sở xác định đó thì nghĩa vụ tại Điều 274 Bộ luật Dấn sự năm 2015 cũng được xác định rất rõ bởi ba yếu tố trên, cụ thể: Đầu tiên, các quy định về chủ thể được xác định bằng việc bên mang quyền và bên mang nghĩa vụ trong quan hệ nghĩa vụ luôn được xác định cụ thể. Trong đó, chủ thể mang quyền cũng như mang nghĩa vụ có thế là một hoặc nhiều chủ thể. Mặc khác quy định về khách thể trong quan hệ nghĩa vụ lợi ích vật chất hoặc lợi ích tinh thần mà các bên chủ thể tham gia hướng tới được xác định thông qua hành vi thực hiện nghĩa vụ nhất định của bên mang nghĩa vụ đối với bên mang quyền. Mặt khác nghĩa vụ theo như quy định này thì có nội dung nhắc đến các quan hệ pháp luật dân sự luôn hàm chứa sự thỏa thuận hoặc quy định của pháp luật tạo ra quyền và nghĩa vụ tương xứng của các bên chủ thể. Đối với quan hệ nghĩa vụ, việc thực hiện một hoạt động cụ thể như: Chuyển giao vật, chuyển giao quyền… của một bên luôn nhằm hướng đến thỏa mãn nhu cầu, lợi ích của bên còn lại.
2. Quy định về thời gian và địa điểm thực hiện nghĩa vụ
2.1. Địa điểm thực hiện nghĩa vụ ở đâu?
Trên cơ sở quy định tại Điều 277 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về địa điểm thực hiện nghĩa vụ trong các quan hệ dân sự. Địa điểm thực hiện nghĩa vụ được nhắc đến ở đây thì được xác định là vị trí không gian xác định để các bên chủ thể trong quan hệ nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ của mình. Mặc dù, được hiểu là như thế những dựa theo quy định của pháp luật này về địa điểm thực hiện nghĩa vụ của các bên được quy định cụ thể:
“Điều 277. Địa điểm thực hiện nghĩa vụ
1. Địa điểm thực hiện nghĩa vụ do các bên thỏa thuận.
2. Trường hợp không có thỏa thuận thì địa điểm thực hiện nghĩa vụ được xác định như sau:
a) Nơi có bất động sản, nếu đối tượng của nghĩa vụ là bất động sản;
b) Nơi cư trú hoặc trụ sở của bên có quyền, nếu đối tượng của nghĩa vụ không phải là bất động sản.
Khi bên có quyền thay đổi nơi cư trú hoặc trụ sở thì phải báo cho bên có nghĩa vụ và phải chịu chi phí tăng lên do việc thay đổi nơi cư trú hoặc trụ sở, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.
Như vậy, có thể thấy rằng Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định về địa điểm thực hiện nghĩa vụ của các bên trong quá trình giao kết các giao dịch dân sự đã phần nào đó giải quyết được thắc mắc về địa điểm thực hiện nghĩa vụ là gì và ở đâu? Từ đó, trên cơ sở quy định này thì tại khoản 1 Điều này có nhắc đến địa điểm thực hiện nghĩa vụ là nơi các bên thỏa thuận. Địa điểm thực hiện nghĩa vụ theo thỏa thuận của các bên phải là nơi có thể tiến hành việc thực hiện nghĩa vụ, tránh trường hợp các bên xác định địa điểm không thể tiến hành thực hiện nghĩa vụ như những địa điểm quân sự, địa điểm không còn tồn tại…
Bên cạnh việc pháp luật quy định để cho các bên tự thỏa thuận về địa điểm thực hiện nghĩa vụ để tạo điều kiện thuận tiện cho các bên trong việc thực hiện nghĩa vụ của mình nhưng các bên trong giao kết này không tự thỏa thuận được thì địa điểm thực hiện sẽ do pháp luật dự liệu và các bên phải thực hiện nghĩa vụ của mình tại địa điểm mà pháp luật này quy định như sau:
Nơi có bất động sản, nếu đối tượng của quan hệ nghĩa vụ là bất động sản theo như quy định xác định bất động sản tại Điều 107 Bộ luật dân sự năm 2015. Và nơi cư trú hoặc trụ sở của bên có quyền, nếu đối tượng của nghĩa vụ không phải là bất động sản. Nơi cư trú nếu bên có quyền là cá nhân – việc xác định nơi cư trú phải phù hợp với Bộ luật dân sự và Luật Cư trú năm 2006, sửa đổi bổ sung 2013. Trụ sở – nếu bên có quyền là pháp nhân, chủ thể khác. Việc xác định trụ sở của pháp nhân thường gắn liền với hoạt động đăng ký hoặc thay đổi đăng ký kinh doanh, cấp phép hoạt động. Trụ sở này được ghi trên giấy phép hoạt động của chủ thể loại này.
2.2. Thời hạn thực hiện nghĩa vụ
Bên cạnh việc quy định về địa điểm thực hiện nghĩa vụ thì pháp luật cũng có quy định về thời gian thực hiện nghĩa vụ của các bên. theo đó thì thời hạn thực hiện nghĩa vụ được hiểu là giới hạn điểm đầu và điểm kết thúc về mặt thời gian. Trong quan hệ pháp luật dân sự, thời hạn được xác định là một sự kiện pháp lý mà khi xuất hiện, quyền, nghĩa vụ của các chủ thể trong quan hệ đó sẽ phát sinh, thay đổi, hoặc chấm dứt. Đối với quan hệ nghĩa vụ, thời hạn thực hiện được quy định tại Điều 278 Bộ luật dân sự 2015:
“Điều 278. Thời hạn thực hiện nghĩa vụ
1. Thời hạn thực hiện nghĩa vụ do các bên thỏa thuận, theo quy định của pháp luật hoặc theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
2. Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
Trường hợp bên có nghĩa vụ đã tự ý thực hiện nghĩa vụ trước thời hạn và bên có quyền đã chấp nhận việc thực hiện nghĩa vụ thì nghĩa vụ được coi là đã hoàn thành đúng thời hạn.
3. Trường hợp không xác định được thời hạn thực hiện nghĩa vụ theo quy định tại khoản 1 Điều này thì mỗi bên có thể thực hiện nghĩa vụ hoặc yêu cầu thực hiện nghĩa vụ vào bất cứ lúc nào nhưng phải thông báo cho bên kia biết trước một thời gian hợp lý”.
Từ quy định trên có thể thấy, pháp luật quy định về thời gian thực hiện nghĩa vụ còn tùy thuộc vào tính chất, nội dung của quan hệ nghĩa vụ cũng như điều kiện, hoàn cảnh của mình mà các bên có thể thỏa thuận về thời hạn thực hiện nghĩa vụ. Giới hạn thời gian để các bên thực hiện nghĩa vụ của mình thông thường do các bên chủ thể thỏa thuận. Tuy nhiên, trong trường hợp pháp luật quy định hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền ấn định khoảng thời gian này, các bên chủ thể sẽ phải thực hiện theo. Khi thời hạn đã xác định theo thỏa thuận thì các bên phải thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn đó.
Tuy nhiên, trong trường hợp pháp luật quy định hoặc quyết định cư cơ quan có thẩm quyền ấn định khoảng thời gian này, các bên chủ thể sẽ phải thực hiện theo. Về nguyên tắc, bên có nghĩa vụ phải thực hiện đúng nghĩa vụ của mình trừ trường Bộ luật Dân sự hoặc luật khác có liên quan quy định khác. Điều này có nghĩa là, khi pháp luật quy định bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ trước hoặc sau thời hạn nhất định thì lúc đó các bên trong quan hệ nghĩa vụ phải thực hiện theo ngoại lệ nguyên tắc này.
Thời hạn thực hiện nghĩa vụ cũng có ý nghĩa quan trọng, Trong nhiều trường hợp, hợp đồng dân sự chỉ đáp ứng được quyền lợi cho các bên nếu nó được người có nghĩa vụ thực hiện đúng thời hạn. Đồng thời, thời hạn thực hiện nghĩa vụ còn là mốc thời gian để xác định thời hạn khởi kiện của các bên khi có tranh chấp về việc thực hiện nghĩa vụ. Ngoài ra, thông quan thời hạn thực hiện nghĩa vụ để xem xét hành vi vi phạm và xác định trách nhiệm dân sự đối với người vi phạm nghĩa vụ.