Tài sản do người chết để lại gồm những gì? Người thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại? Quy định về thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại?
Theo quy định của pháp luật, cụ thể là tại bộ luật dân sự năm 2015 đã quy định về thừa kế, nghĩa vụ của người thừa kế đối với di sản để lại của người chết. Như chúng ta có thể thấy việc thừa kế di sản không còn quá xa lạ mà ngay tại gia đình chúng ta cũng có thể thực hiện các thủ tục liên quan đến thừa kế. Và người được hưởng di sản sẽ phải thực hiện nghĩa vụ đối với phần di sản để lại đó theo phần mà mình được hưởng và không bằng hoặc vượt quá số di sản được hưởng.
Tư vấn pháp luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài: 1900.0191
1. Tài sản do người chết để lại gồm những gì?
Theo quy định của pháp luật thì di sản thừa kế là tài sản của người chết để lại cho những người còn sống. Điều 612 Bộ luật dân sự 2015 quy định “Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác”
Như vậy, di sản thừa kế là toàn bộ tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của người đã chết, quyền về tài sản của người đó. Quyền sở hữu tài sản là một trong những quyền cơ bản của công dân được nhà nước bảo hộ. Tại Điều 32 Hiến pháp 2013 có quy định mọi người đều có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác. Và các quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế sẽ được pháp luật bảo hộ.
Tất cả tài sản thuộc quyền sở hữu của người để lại thừa kế theo quy định của Hiến pháp đều là di sản. Di sản thừa kế bao gồm: Tài sản riêng của người chết; phần tài sản của người chết trong khối tài sản chung với người khác; quyền về tài sản do người chết để lại.
Tài sản riêng của người chết là tài sản do người đó tạo ra bằng thu nhập hợp pháp ( như tiền lương, tiền được trả công lao động, tiền thưởng, tiền nhuận bút, tiền trúng thưởng xổ số,..) tài sản được tặng cho, được thừa kế, tư liệu sinh hoạt riêng ( như quần áo, giường tủ, xe máy, ô tô, vô tuyến,..) nhà ở, tư liệu sản xuất các loại, vốn dùng để sản xuất kinh doanh.
Tài sản có thể là tiền, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý được dùng làm đồ trang sức hoặc được dùng làm của cải để dành. Là công trình trên đất như nhà ở; diện tích mà người có nhà ở cải tạo xã hội công nghiệp, được nhà nước để lại cho để ở và xác định là thuộc quyền sở hữu của người đó. Nhà do được thừa kế, tặng cho, mua, trao đổi hoặc tự xây dựng được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép và đã làm thủ tục sang tên, trước bạ.
Tài sản nộp vào mô hình góp vốn, kinh doanh như vốn, cổ phần, vật tư, tư liệu sản xuất của những người sản xuất cá thể hoặc của các tư nhân được sản xuất kinh doanh hợp pháp. Các dụng cụ máy móc của người làm công tác nghiên cứu.
Những hoa lợi, lợi tức từ việc trồng cây cối mà người được giao sử dụng đất trồng và hưởng lợi trên đất đó.
Đối với di sản là tài sản chung với chủ thể khác thì tài sản để lại sẽ là những tài sản thuộc phần sở hữu của người đó trong khối tài sản chung.
2. Người thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại?
Trong một số trường hợp chúng ta có thể thấy, khi cá nhân chết thì nghĩa vụ của họ cũng chấm dứt. Lấy căn cứ tại khoản 8 Điều 372 Bộ luật dân sự 2015 thì nghĩa vụ dân sự chấm dứt trong trường hợp bên có nghĩa vụ là cá nhân mà nghĩa vụ đó phải do chính cá nhân thực hiện. Tức là đối với loại nghĩa vụ này chỉ thỏa thuận giữa hai bên chỉ phát sinh và có trách nhiệm với duy nhất một người thực hiện, nếu người đó chết mà nghĩa vụ đó chưa hoàn thành xong cũng sẽ bị chấm dứt nghĩa vụ vì không thể phát sinh ra người thứ hai thực hiện theo thỏa thuận từ trước. Từ đó, nếu không phải là những nghĩa vụ thuộc loại nghĩa vụ nói trên thì có thể suy luận là nghĩa vụ này không chấm dứt khi người có nghĩa vụ chết.
Theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 thì người thừa kế là người phát sinh ngĩa vụ và trách nhiệm với số tài sản do người chết để lại. Thười điểm tồn tại để hưởng thừa kế và thực hiện nghĩa vụ là người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Đối với trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế được quy định cụ thể tại Điều 613 của Bộ luật dân sự năm 2015.
3. Quy định về thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại?
Căn cứ theo quy định tại Điều 614 Bộ luật dân sự 2015, kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại. Dựa theo quy định tại Điều 658 Bộ luật Dân sự 2015, có thể nhận thấy một số nghĩa vụ tài sản cần thanh toàn đối với người thừa kế như sau:
+ Về các khoản chi phí theo tập quán liên quan đến việc mai táng cho người đã chết.
+ Tiền cấp dưỡng còn thiếu của người chết đối với đối tượng được cấp dưỡng còn sống.
+ Chi phí cho việc bảo quản di sản cho tới thời điểm mở thừa kế.
+ Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ, tiền công lao động.
+ Tiền bồi thường thiệt hại, tiền nộp thuế và các khoản phải nộp khác vào ngân sách nhà nước.
+ Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân như tiền phạt.
Tiếp theo, lấy căn cứ thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại theo khoản 1 Điều 615 Bộ luật dân sự 2015 quy định của pháp luật thì “Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.” . Theo đó, những người được hưởng di sản theo di chúc sẽ phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ do người chết để lại và họ chỉ phải thực hiện nghĩa vụ này trong phạm vi di sản mà người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác, ở đây trường hợp thỏa thuận khác có thể là những người thừa kế đồng ý thanh toán hết khoản nợ của người đã khuất mặc dù khoản nợ đó vượt quá phạm vi di sản thừa kế….đây là thỏa thuận giữa những người hưởng thừa kế.
– Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.
Người quản lý di sản là người được chỉ định trong di chúc hoặc do những người thừa kế cử ra. Trường hợp di chúc không chỉ định người quản lý di sản và những người thừa kế chưa cử được người quản lý di sản thì người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản tiếp tục quản lý di sản đó cho đến khi những người thừa kế cử được người quản lý di sản. Trường hợp chưa xác định được người thừa kế và di sản chưa có người quản lý theo quy định thì di sản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý.
– Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Việc thực hiện nghĩa vụ đối với tài sản do người chết để lại là việc làm bắt buộc đối với những người được hưởng di sản trừ những trường hợp mà khi chết nghĩa vụ cũng chấm dứt theo. Tuy nhiên, khi thực hiện nghĩa vụ phải căn cứ vào số tài sản mà người chết để lại để chia ra thực hiện chứ không thể thực hiện bằng toàn bộ số tài sản mà mình được nhận.
– Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân. Tức là đối với việc thừa kế theo di chúc thì do không phải thừa kế phân theo hàng thừa kế, bắt buộc phải là người thân có quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân hoặc nuôi dưỡng mà ở đây người thừa kế có thể là cá nhân hoặc là tổ chức. Chính vì vậy, trường hợp này thì nếu người thừa kế là tổ chức thì tổ chức đó phải thực hiện nghĩa vụ tài sản mà người chết để lại như cá nhân thực hiện.
Căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành, người thừa kế hoặc người quản lý di sản có có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ tài sản của người để lại di sản trong phạm vi di sản do người chết để lại. Tuy nhiên, trường hợp các bên có thỏa thuận khác, thì người thừa kế hoặc người quản lý di sản có thể dùng tài sản của mình để thực hiện nghĩa vụ của người chết nếu di sản của người chết không đủ để thực hiện nghĩa vụ.
Như vậy, từ nội dung trên có thể thấy đối với người thừa kế theo quy định pháp luật hoặc theo di chúc, là cá nhân hay tổ chức thì đều phải thực hiện nghĩa vụ tài sản của người chết để lại căn cứ theo số tài sản mà họ được hưởng. Hoặc trong trường hợp có thỏa thuận khác giữa những người thừa kế thì có thể thực hiện bằng một phần tài sản hoặc không cần thực hiện nghĩa vụ.