Số sổ hồng là gì? Cách đọc các thông tin trên sổ hồng chuẩn? Cách đọc các thông tin trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đúng?
Sổ hồng là tên gọi chúng ta thường dùng để chỉ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Khi một chủ thể thực hiện mua bán, chuyển nhượng đều phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để chứng minh tài sản là đất đai đó thuộc quyền sở hữu của chủ thể đó.
Cơ sở pháp lý: Luật đất đai 2013
LVN Group tư vấn pháp luật qua tổng đài trực tuyến 24/7: 1900.0191
1. Số sổ hồng là gì?
Sổ hồng là từ ngữ để người dân thường dùng để gọi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dựa theo màu sắc của Giấy chứng nhận; pháp luật đất đai từ trước tới nay không quy định về Sổ đỏ, Sổ hồng. Tùy theo từng giai đoạn, ở Việt Nam có các loại Giấy chứng nhận như:
+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
+ Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở;
+ Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.
Hiện nay, Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành kế thừa tên gọi Giấy chứng nhận mới. Khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai 2013 nêu rõ: “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.”
Như vậy, sổ hồng là cách gọi phổ biến của người dân dùng để chỉ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất dựa theo màu sắc của Giấy chứng nhận
2. Cách đọc các thông tin trên sổ hồng chuẩn:
2.1. Thông tin người sử dụng đất:
2.1.1. Cá nhân trong nước:
Điểm a khoản 1 Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 4 Điều 6 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT quy định thông tin người được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đó là các cá nhân trong nước như sau: “Cá nhân trong nước thì ghi “Ông” (hoặc “Bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân (nếu có), địa chỉ thường trú. Giấy tờ nhân thân là Giấy chứng minh nhân dân thì ghi “CMND số:…”; trường hợp Giấy chứng minh quân đội nhân dân thì ghi “CMQĐ số:…”; trường hợp thẻ Căn cước công dân thì ghi “CCCD số:…”; trường hợp chưa có Giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân thì ghi “Giấy khai sinh số…”
2.1.2. Hộ gia đình sử dụng đất:
Theo điểm c khoản 1 Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT, thông tin khi cấp Giấy chứng nhận cho Hộ gia đình sử dụng đất như sau:
– Ghi “Hộ ông” (hoặc “Hộ bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số của giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình; địa chỉ thường trú của hộ gia đình.
– Nếu chủ hộ gia đình không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình.
– Trường hợp chủ hộ gia đình hay người đại diện khác của hộ gia đình có vợ hoặc chồng cùng có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi cả họ tên, năm sinh của người vợ hoặc chồng đó.
2.1.3. Nhà đất là tài sản chung của vợ chồng:
Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT, trường hợp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của hai vợ chồng thì ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân, địa chỉ thường trú của cả vợ và chồng.
2.1.4. Tổ chức trong nước:
Khi cấp Giấy chứng nhận cho tổ chức trong nước thì ghi tên tổ chức; tên giấy tờ, số và ngày ký, cơ quan ký giấy tờ pháp nhân (là giấy tờ về việc thành lập, công nhận tổ chức hoặc Giấy chứng nhận hoặc giấy phép, về đầu tư, kinh doanh theo quy định của pháp luật); địa chỉ trụ sở chính của tổ chức (theo điểm đ khoản 1 Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT).
2.2. Thông tin về thửa đất:
Theo quy định tại Điều 6 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT quy định thông tin về thửa đất được thể hiện tại trang 2 của Giấy chứng nhận gồm: Thửa đất số, tờ bản đồ số, địa chỉ thửa đất, diện tích, hình thức sử dụng, mục đích sử dụng, thời hạn sử dụng, nguồn gốc sử dụng. Trong đó cần lưu ý một số thông tin sau:
2.2.1. Hình thức sử dụng:
Theo khoản 5 Điều 6 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT, hình thức sử dụng được ghi như sau:
– Ghi “Sử dụng riêng” nếu toàn bộ diện tích thửa đất thuộc quyền sử dụng của một người sử dụng đất (một cá nhân hoặc một hộ gia đình, hai vợ chồng, một cộng đồng dân cư, một tổ chức trong nước, một cơ sở tôn giáo, một cá nhân nước ngoài, một người Việt Nam định cư ở nước ngoài,…).
– Ghi “Sử dụng chung” nếu toàn bộ diện tích thửa đất thuộc quyền sử dụng của nhiều người sử dụng đất.
2.2.2. Mục đích sử dụng đất:
Khi nhận chuyển nhượng thì mục đích sử dụng đất rất quan trọng vì người dân phải sử dụng đúng mục đích sử dụng đất, nếu tự ý chuyển mục đích sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu.
2.2.3 Thời hạn sử dụng đất:
Theo khoản 7 Điều 6 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT, thời hạn sử dụng đất được ghi nhận rõ trong Giấy chứng nhận như sau:
TT |
Thời hạn sử dụng đất |
Trường hợp |
1 |
Thời hạn sử dụng đất đến ngày …/…/… (ghi ngày tháng năm hết hạn sử dụng | Sử dụng đất có thời hạn |
2 |
Lâu dài | Thời hạn sử dụng đất là ổn định lâu dài. Ví dụ: Đất ở do hộ gia đình, cá nhân sử dụng |
3 |
Theo quyết định giao đất, cho thuê đất; trường hợp được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất | Được Nhà nước giao đất, cho thuê đất |
Trường hợp thửa đất ở có vườn, ao mà diện tích đất ở được công nhận là một phần thửa đất thì ghi thời hạn sử dụng đất theo từng mục đích sử dụng đất “Đất ở: Lâu dài; Đất… (ghi tên mục đích sử dụng theo hiện trạng thuộc nhóm đất nông nghiệp đối với phần diện tích vườn, ao không được công nhận là đất ở): Sử dụng đến ngày …/…/… (ghi ngày tháng năm hết hạn sử dụng). |
2.3. Thông tin về nhà ở:
Thông tin về nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được ghi tại trang 2 của Giấy chứng nhận và được thể hiện như sau:
2.3.1. Nhà ở riêng lẻ:
– Loại nhà ở: Ghi loại nhà ở cụ thể theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Ví dụ: “Nhà ở riêng lẻ”; “Nhà biệt thự”.
– Diện tích xây dựng: Ghi diện tích mặt bằng chiếm đất của nhà ở tại vị trí tiếp xúc với mặt đất theo mép ngoài tường bao của nhà, bằng số Ả Rập, theo đơn vị mét vuông, được làm tròn số đến một chữ số thập phân. Ví dụ: 68,5m2.
– Diện tích sàn: Ghi bằng số Ả Rập theo đơn vị mét vuông, được làm tròn số đến một chữ số thập phân. Đối với nhà ở một tầng thì ghi diện tích mặt bằng sàn xây dựng của nhà đó. Đối với nhà ở nhiều tầng thì ghi tổng diện tích mặt bằng sàn xây dựng của các tầng.
– Hình thức sở hữu: ghi “Sở hữu riêng” đối với trường hợp nhà ở thuộc sở hữu của một chủ; ghi “Sở hữu chung” đối với trường hợp nhà ở thuộc sở hữu chung của nhiều chủ; trường hợp nhà ở có phần sở hữu riêng và có phần sở hữu chung thì ghi lần lượt từng hình thức sở hữu và diện tích kèm theo.
– Cấp (hạng) nhà ở: Ví dụ: Cấp IV.
– Thời hạn được sở hữu:
+ Nếu mua nhà ở có thời hạn thì ghi ngày tháng năm hết hạn được sở hữu theo hợp đồng mua bán hoặc theo quy định của pháp luật về nhà ở.
+ Nếu được sở hữu nhà ở trên đất thuê, mượn của người sử dụng đất khác thì ghi ngày tháng năm kết thúc thời hạn thuê, mượn.
+ Các trường hợp còn lại không xác định thời hạn và ghi bằng dấu “-/-“.
2.3.2. Căn hộ chung cư:
– Loại nhà ở: Ghi “Căn hộ chung cư số…”.
– Tên nhà chung cư: Ghi tên hoặc số hiệu của nhà chung cư, nhà hỗn hợp theo dự án đầu tư hoặc thiết kế, quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
– Diện tích sàn: Ghi diện tích sàn xây dựng căn hộ, diện tích sử dụng căn hộ theo hợp đồng mua bán căn hộ và phù hợp với quy định của pháp luật về nhà ở.
– Hình thức sở hữu: Ghi “Sở hữu riêng” đối với trường hợp căn hộ thuộc sở hữu của một chủ; ghi “Sở hữu chung” đối với trường hợp căn hộ thuộc sở hữu chung của nhiều chủ; trường hợp căn hộ có phần sở hữu riêng và có phần sở hữu chung thì ghi lần lượt từng hình thức sở hữu và diện tích kèm theo.
2.4. Thông tin sang tên, thế chấp:
Khoản 3 Điều 188 Luật Đất đai 2013 quy định: “Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính”
Như vậy, khi chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế, thế chấp…phải đăng ký biến động và chỉ có hiệu lực kể từ thời điểm vào sổ địa chính.