Sử dụng nguồn vốn kết dư cho việc điều chỉnh thiết kế xây lắp. Giá gói thầu được xác định trên cơ sở tổng mức đầu tư hoặc dự toán đối với dự án.
Sử dụng nguồn vốn kết dư cho việc điều chỉnh thiết kế xây lắp. Giá gói thầu được xác định trên cơ sở tổng mức đầu tư hoặc dự toán đối với dự án.
Tóm tắt câu hỏi:
Hiện tại dự án của chúng tôi đang triển khai thi công xây lắp. Kinh phí dự phòng còn 500.000.000 đồng. Kết dư trong đấu thầu (do nhà thầu giảm giá) còn 5 tỷ đồng. Trong quá trình thi công phải điều chỉnh thiết kế và phải bổ sung 2 tỷ đồng. Cho hỏi làm nào để sử dụng nguồn vốn kết dư trên cho việc điều chỉnh thiết kế xây lắp (do dự phòng chỉ còn 500 triệu) và không phải điều chỉnh Tổng mức đầu tư.
LVN Group tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT LVN. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT LVN xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 35 Luật Đấu thầu 2013 , giá gói thầu được xác định trên cơ sở tổng mức đầu tư hoặc dự toán (nếu có) đối với dự án; dự toán mua sắm đối với mua sắm thường xuyên. Giá gói thầu được tính đúng, tính đủ toàn bộ chi phí để thực hiện gói thầu, kể cả chi phí dự phòng, phí, lệ phí và thuế. Giá gói thầu được cập nhật trong thời hạn 28 ngày trước ngày mở thầu nếu cần thiết.
Như vậy, theo quy định nêu trên thì giá gói thầu ghi trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải bao gồm cả chi phí dự phòng (chi phí cho các yếu tố rủi ro và chi phí trượt giá có thể xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng).
Tuy nhiên, đối với loại hợp đồng theo đơn giá cố định, giá gói thầu để làm cơ sở xét duyệt trúng thầu bao gồm chi phí dự phòng trượt giá nhưng không bao gồm chi phí cho các yếu tố rủi ro có thể xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Về nguyên tắc, nếu trong quá trình thực tế thực hiện hợp đồng có phát sinh khối lượng thì tổng giá trị thanh toán cho nhà thầu (đã bao gồm chi phí phát sinh) không được vượt giá gói thầu ghi trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã duyệt. Trường hợp dự án gồm nhiều gói thầu thì tổng giá trị thanh toán hợp đồng của các gói thầu không được vượt tổng mức đầu tư của dự án.
Đối với một dự án đầu tư xây dựng công trình, kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu xây lắp thường được lập, phê duyệt ngay sau khi phê duyệt dự án đầu tư. Tại thời điểm phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu chưa có hồ sơ thiết kế, dự toán được duyệt nên việc xác định giá gói thầu tại thời điểm này căn cứ vào tổng mức đầu tư của dự án đã được người có thẩm quyền phê duyệt. Theo đó, mức chi phí dự phòng cho từng gói thầu xây lắp trong giai đoạn này được tính theo mức dự phòng chung của dự án. Sau khi có hồ sơ thiết kế, dự toán được duyệt thì dự toán gói thầu sẽ thay thế giá gói thầu ghi trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Chi phí dự phòng của từng gói thầu cụ thể phải được xác định dựa trên cơ sở chi phí xây dựng, địa điểm xây dựng, thời gian thi công, tiến độ bỏ vốn và các yếu tố liên quan khác (nếu có) có thể ảnh hưởng trực tiếp đến việc thi công gói thầu đó.
Như vậy, giá gói thầu ghi trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với tất cả các loại gói thầu đều phải bao gồm chi phí dự phòng (dự phòng trượt giá; dự phòng cho các yếu tố rủi ro có thể xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng, trong đó bao gồm cả dự phòng cho khối lượng công việc phát sinh), mà không phụ thuộc vào loại hợp đồng áp dụng cho gói thầu đó. Tuy nhiên, khi xác định giá gói thầu làm căn cứ xét duyệt trúng thầu, tức là xác định mức “giá trần” để quyết định trúng thầu, chúng ta cần phải xem xét trên cơ sở phù hợp với từng loại hợp đồng cụ thể. Theo đó:
– Đối với loại hợp đồng trọn gói, Điểm b Khoản 1 Điều 62 Luật Đấu thầu 2013 quy định: khi áp dụng hợp đồng trọn gói, giá gói thầu để làm căn cứ xét duyệt trúng thầu phải bao gồm chi phí cho các yếu tố rủi ro có thể xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng, chi phí dự phòng trượt giá. Giá dự thầu phải bao gồm tất cả chi phí cho các yếu tố rủi ro và chi phí trượt giá có thể xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Khi lập hồ sơ dự thầu (HSDT), nhà thầu phải căn cứ vào yêu cầu của gói thầu để tự tính toán mọi chi phí cho các yếu tố rủi ro và chi phí trượt giá có thể xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng. Mức giá trần mà chủ đầu tư dùng để so sánh cũng phải bao gồm các chi phí nêu trên. Trường hợp được công nhận trúng thầu và ký kết hợp đồng thì giá hợp đồng cũng sẽ bao gồm các chi phí cho các yếu tố rủi ro và chi phí trượt giá mà nhà thầu đã tính toán; nhà thầu sẽ được hưởng toàn bộ khoản chi phí này mà không phụ thuộc vào việc thực tế trong thời gian thực hiện hợp đồng có xảy ra những rủi ro cũng như trượt giá như nhà thầu đã tính toán trong HSDT hay không. Như vậy, giá hợp đồng trọn gói đã phản ảnh được đúng bản chất “lời ăn lỗ chịu” của loại hợp đồng này.
– Đối với loại hợp đồng theo đơn giá cố định, đơn giá điều chỉnh, mặc dù trong Luật Đấu thầu năm 2013 và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP không có quy định cụ thể về cách xác định giá gói thầu làm căn cứ xét duyệt như đối với loại hợp đồng trọn gói nhưng căn cứ vào tính chất của từng loại hợp đồng, hoàn toàn có thể xác định được giá gói thầu làm căn cứ xét duyệt trúng thầu, cụ thể như sau:
+ Thứ nhất, đối với loại hợp đồng theo đơn giá cố định:
Hợp đồng theo đơn giá cố định là hợp đồng có đơn giá cố định trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng, giá trị thanh toán hợp đồng sẽ bằng đơn giá cố định nêu trong hợp đồng nhân với khối lượng thực tế hoàn thành được nghiệm thu. Như vậy, đối với loại hợp đồng này, do đơn giá không được thay đổi, nên khi tham dự thầu nhà thầu cần tính toán để đưa các yếu tố trượt giá có thể xảy ra như trượt giá vật liệu, thay đổi chi phí nhân công… vào trong giá dự thầu.
>>> LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.0191
Bên cạnh đó, do khối lượng chưa được xác định chính xác tại thời điểm ký kết hợp đồng nên chủ đầu tư cần có (dự phòng) một khoản tiền nhất định để thanh toán các khối lượng phát sinh hoặc các rủi ro phát sinh khác (nếu có) so với hợp đồng đã ký kết; khoản tiền này chính là chi phí cho các yếu tố rủi ro có thể xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Vì vậy, đối với gói thầu áp dụng loại hợp đồng theo đơn giá cố định, giá gói thầu làm căn cứ xét duyệt trúng thầu phải bao gồm dự phòng trượt giá và không bao gồm chi phí cho các yếu tố rủi ro có thể xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng. Nhà thầu sẽ được hưởng toàn bộ khoản chi phí dự phòng trượt giá mà không phụ thuộc vào việc thực tế trong thời gian thực hiện hợp đồng xảy ra mức trượt giá cao hơn hay thấp hơn hoặc bằng mức mà nhà thầu đã tính toán trong HSDT.
+ Thứ hai, đối với loại hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh:
Hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh là hợp đồng có đơn giá được điều chỉnh theo quy định trong hợp đồng, giá trị thanh toán hợp đồng sẽ bằng đơn giá được điều chỉnh theo quy định trong hợp đồng nhân với khối lượng thực tế hoàn thành được nghiệm thu.
Như vậy, đối với loại hợp đồng này thì đơn giá có thể được điều chỉnh trong quá trình thực hiện hợp đồng khi xuất hiện yếu tố trượt giá. Do đó, khi tham dự thầu nhà thầu không cần tính toán chi phí liên quan đến các yếu tố trượt giá có thể xảy ra như trượt giá vật liệu, thay đổi chi phí nhân công… vào trong giá dự thầu. Chủ đầu tư cần có (dự phòng) một khoản tiền nhất định để thanh toán cho nhà thầu trong trường hợp có thay đổi (tăng) đơn giá so với hợp đồng đã ký kết; khoản tiền này chính là chi phí dự phòng trượt giá.
Đối với khối lượng phát sinh, cũng giống như loại hợp đồng theo đơn giá cố định, chủ đầu tư cần có (dự phòng) khoản chi phí cho các yếu tố rủi ro có thể xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng để thanh toán cho nhà thầu trong trường hợp có phát sinh khối lượng so với hợp đồng đã ký kết.
Theo đó, đối với gói thầu áp dụng loại hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh, giá gói thầu làm căn cứ xét duyệt trúng thầu không bao gồm chi phí cho các yếu tố rủi ro có thể xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng và chi phí dự phòng trượt giá.
Bạn có thể tham khảo thêm một số bài viết có liên quan khác của LVN Group:
– Xét duyệt trúng thầu đối với đấu thầu mua sắm hàng hoá
– Quy định về loại hợp đồng áp dụng trong đấu thầu
– Đảm bảo công bằng minh bạch trong đấu thầu
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của LVN Group: 1900.0191 để được giải đáp.
——————————————————–
THAM KHẢO CÁC DỊCH VỤ CÓ LIÊN QUAN CỦA LUẬT LVN:
– Tư vấn đấu thầu trực tuyến qua điện thoại
– Tư vấn pháp luật về thuế trực tuyến miễn phí
– Tư vấn pháp luật doanh nghiệp trực tuyến miễn phí