Quy định về thẩm quyền chấp nhận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ? Trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ?
Các chủ thể là nhà đầu tư khi tham gia hoạt động đầu tư kinh doanh sẽ có nhiều hình thức đầu tư để lựa chọn. Tuy nhiên dù nhà đầu tư có chọn hình thức nào thì nhà đầu tư cũng cần phải có một kế hoạch, một dự án đầu tư mà đã chuẩn bị sẵn. Trong quá trình muốn tiến hành dự án thì có nhiều thủ tục mà nhà đầu tư phải thực hiện. Nếu mà dự án dự định đầu tư thuộc loại phải xin quyết định chủ trương đầu tư của các cơ quan tương ứng bao gồm Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì nhà đầu tư sẽ phải được sự chấp nhận phê duyệt của các cơ quan này cho phép đăng ký dự án đầu tư. Bài viết dưới đây Luật LVN Group sẽ giúp người đọc tìm hiểu quy định về thẩm quyền, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng.
LVN Group tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.0191
1. Quy định về thẩm quyền chấp nhận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ:
Theo Điều 31 Luật đầu tư năm 2020 quy định về thẩm quyền chấp nhận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ với nội dung như sau:
“Điều 31. Thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ
Trừ các dự án đầu tư quy định tại Điều 30 của Luật này, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư sau đây:
1. Dự án đầu tư không phân biệt nguồn vốn thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Dự án đầu tư có yêu cầu di dân tái định cư từ 10.000 người trở lên ở miền núi, từ 20.000 người trở lên ở vùng khác;
b) Dự án đầu tư xây dựng mới: cảng hàng không, sân bay; đường cất hạ cánh của cảng hàng không, sân bay; nhà ga hành khách của cảng hàng không quốc tế; nhà ga hàng hóa của cảng hàng không, sân bay có công suất từ 01 triệu tấn/năm trở lên;
c) Dự án đầu tư mới kinh doanh vận chuyển hành khách bằng đường hàng không;
d) Dự án đầu tư xây dựng mới: bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt; bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên thuộc cảng biển loại I;
đ) Dự án đầu tư chế biến dầu khí;
e) Dự án đầu tư có kinh doanh đặt cược, ca-si-nô (casino), trừ kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài;
g) Dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị trong các trường hợp: dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất từ 50 ha trở lên hoặc có quy mô dưới 50 ha nhưng quy mô dân số từ 15.000 người trở lên tại khu vực đô thị; dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất từ 100 ha trở lên hoặc có quy mô dưới 100 ha nhưng quy mô dân số từ 10.000 người trở lên tại khu vực không phải là đô thị; dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi bảo vệ của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt;
h) Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất;
2. Dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng, trồng rừng, xuất bản, báo chí;
3. Dự án đầu tư đồng thời thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của từ 02 Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trở lên;
4. Dự án đầu tư khác thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc quyết định đầu tư của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật.”
Như vậy, ta nhận thấy, so với Luật đầu tư cũ năm 2014 thì Luật đầu tư năm 2020 đã có những quy định sau đây:
– Luật đầu tư năm 2020 được ban hành đã bãi bỏ quy định thủ tướng chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án có quy mô vốn từ 5.000 tỷ đồng, dự án đầu tư sản xuất thuốc lá điếu, dự án xây dựng và kinh doanh sân gôn.
– Luật đầu tư năm 2020 được ban hành đã bổ sung thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ đối với dự án đầu tư đồng thời thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của từ hai Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trở lên và dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua) khu đô thị trong các trường hợp sau đây:
+ Dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất từ 50ha trở lên hoặc có quy mô dưới 50ha, nhưng quy mô dân số từ 15.000 người trở lên tại khu vực đô thị.
+ Dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất từ 100 ha trở lên hoặc có quy mô dưới 100ha nhưng quy mô dân số từ 10.000 người trở lên tại khu vực không phải là đô thị.
+ Dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi bảo vệ của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt.
2. Trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ:
Theo Điều 35 Luật Đầu tư 2020 và tại Điều 32 Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư năm 2020 quy định trình tự, thủ tục thực hiện chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ quy định nội dung như sau:
– Trong thời hạn ba ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi hồ sơ lấy ý kiến thẩm định của cơ quan nhà nước có liên quan đến nội dung thẩm định quy định tại Điều 33 của Luật đầu tư 2020.
Đối với dự án đầu tư có đề xuất chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, chuyển mục đích sử dụng rừng, thủ tục lấy ý kiến thực hiện với quy định như sau:
+ Đối với dự án có đề xuất chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang các mục đích khác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, cơ quan có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi dự kiến thực hiện dự án về sự phù hợp của dự án với quy hoạch sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; các chỉ tiêu sử dụng đất được phân bổ còn lại đến thời điểm đề xuất dự án; hiện trạng sử dụng đất (các loại đất, đối tượng sử dụng đất); dự kiến sơ bộ phương án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (nếu có); việc tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai trong trường hợp nhà đầu tư đang sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư khác.
+ Đối với dự án có đề xuất chuyển mục đích sử dụng rừng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến thẩm định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi dự kiến thực hiện dự án về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp. Trường hợp hồ sơ đề nghị quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đã được lập và thẩm định theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác (đối với trường hợp thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ), đồng thời gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác (đối với trường hợp thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh), đồng thời gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.
– Trong thời hạn mười năm ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan được lấy ý kiến có ý kiến thẩm định về nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
– Trong thời hạn 40 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định hồ sơ và lập báo cáo thẩm định gồm các nội dung thẩm định quy định tại Điều 33 của Luật đầu tư 2020 trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.
+ Đối với dự án đầu tư đồng thời thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của từ hai Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trở lên và có đề xuất lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Ủy ban nhân dân cấp tỉnh của một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương có liên quan tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư hoặc đề xuất giao một bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương có liên quan tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
– Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư gồm các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 3 của Luật đầu tư 2020 (mục tiêu, địa điểm, quy mô, tiến độ, thời hạn thực hiện dự án; nhà đầu tư hoặc hình thức lựa chọn nhà đầu tư và các cơ chế, chính sách đặc biệt (nếu có) để thực hiện dự án đầu tư).
– Đối với Dự án đầu tư đồng thời thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của từ 02 Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trở lên, Thủ tướng Chính phủ chỉ định cơ quan đăng ký đầu tư của một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho toàn bộ dự án.
– Trong thời hạn bảy ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư. Nội dung bao gồm:
+ Nhà đầu tư thực hiện dự án.
+ Tên, mục tiêu, quy mô, vốn đầu tư của dự án, thời hạn thực hiện dự án.
+ Địa điểm thực hiện dự án đầu tư.
+ Tiến độ thực hiện dự án đầu tư. Như tiến độ góp vốn và huy động các nguồn vốn. Tiến độ xây dựng cơ bản và đưa công trình vào hoạt động (nếu có). Tiến độ thực hiện từng giai đoạn đối với dự án đầu tư có nhiều giai đoạn.
+ Công nghệ áp dụng.
+ Ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và điều kiện áp dụng (nếu có).
+ Thời hạn hiệu lực của quyết định chủ trương đầu tư.
Trên đây là quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục thực hiện chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Quy định trên được ban hành là hoàn toàn hợp lý góp phần quan trọng đảm bảo vai trò của Thủ tướng Chính phủ.