Thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là gì? Chủ thể nào có thẩm quyền xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ?
Quyền sở hữu trí tuệ là một trong những quyền năng được pháp luật ghi nhận và bảo hộ cho tác giả và chủ sở hữu các quyền này Tuy nhiên, quyền sở hữu trí tuệ lại là quyền năng dễ bị xâm phạm trong đời sống nhất, khi có nhiều hình thức cũng như mức độ khác nhau. Các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được xử lý theo quy định của pháp luật bởi các cơ quan, chủ thể có thẩm quyền.
LVN Grouptư vấn pháp luật qua tổng đài trực tuyến 24/7: 1900.0191
* Cơ sở pháp lý:
– Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017;
– Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
– Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, sửa đổi bổ sung năm 2019;
– Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012;
– Nghị định số 105/2006/NĐ- CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 do Chính phủ ban hành quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 119/2010/NĐ- CP;
– Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 08 năm 2013 do Chính phủ ban hành quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp;
– Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 28/2017/NĐ- CP.
1. Thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là gì?
Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được hiểu là hành vi cố ý hoặc vô ý của các cá nhân, tổ chức vi phạm bất kỳ quyền nào thuộc quyền sở hữu trí tuệ đang được pháp luật bảo hộ và phải chịu những hậu quả pháp lý bất lợi. Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là xử sự thực tế (cố ý hoặc vô ý) của các cá nhân, tổ chức xâm phạm các đối tượng thuộc phạm vi bảo hộ của quyền sở hữu trí tuệ. Hành vi xâm phạm này không chỉ gây tổn hại cho chủ thể quyền đối với đối tượng sở hữu trí tuệ bị xâm phạm mà còn có thể gây tổn hại cho lợi ích xã hội. Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tác động tiêu cực đến các quyền này, làm suy giảm một phần hoặc toàn bộ các quyền này.
Chủ thể có hành vi phạm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải gánh chịu trách nhiệm pháp lý đối với hành vi xâm phạm của mình, trừ trường hợp chủ thể này không có năng lực trách nhiệm pháp lý (người mất năng lực hành vi dân sự). Các cá nhân, tổ chức có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chịu trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự, thậm chí là trách nhiệm hình sự đối với hành vi xâm phạm của mình.
Dưới góc độ pháp lý, thẩm quyền được hiểu là “tổng hợp các quyền và nghĩa vụ hành động, quyết định của các cơ quan tổ chức thuộc bộ máy nhà nước theo luật định.” Dưới góc độ này, khái niệm thẩm quyền bao hàm hai nội dung chính là quyền xem xét và quyền quyết định. Quyền xem xét là quyền được làm những công việc nhất định, còn quyền quyết định là khi thực hiện công việc của mình chủ thể có những quyền hạn khi giải quyết công việc đó theo quy định của pháp luật. Như vậy, thì có thể hiểu thẩm quyền là quyền của một chủ thể nhất định ,là quyền được thực hiện những hành vi pháp lý mà pháp luật gia cho một tổ chức hoặc nhân viên nhà nước.
Xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được hiểu là việc áp dụng các biện pháp luật định lên các chủ thể có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bắt buộc các chủ thể này chịu trách nhiệm pháp luật theo quy định.
Như vậy, có thể hiểu thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ chính là quyền được thực hiện việc áp dụng các biện pháp cần thiết để bắt buộc các chủ thể có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ chịu những trách nhiệm pháp lý nhất định.
2. Chủ thể nào có thẩm quyền xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ?
Tại Khoản 1 Điều 200 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, sửa đổi bổ sung năm 2019 quy định về thẩm quyền xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ như sau:
“1. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các cơ quan Tòa án, Thanh tra, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an, Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.”
Quy định này đã xác định cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đó chính là các cơ quan Tòa án, Thanh tra, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an, Ủy ban nhân dân các cấp. Đây chính là các cơ quan được Nhà nước trao quyền lực để xử lý các hành vi vi phạm này. Thẩm quyền của các cơ quan này được phân chia theo các biện pháp áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
2.1. Chủ thể có thẩm quyền áp dụng biện pháp dân sự, hình sự:
Tại Khoản 2 Điều 200 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, sửa đổi bổ sung năm 2019 quy định:
“2. Việc áp dụng biện pháp dân sự, hình sự thuộc thẩm quyền của Tòa án. Trong trường hợp cần thiết, Tòa án có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật.”
Khi chủ thể quyền sở hữu trí tuệ phát hiện chủ thể vi phạm đã có hành vi xâm phạm một hoặc một số quyền sở hữu trí tuệ, thì chủ thể quyền có quyền lựa chọn phương thức kiện ra Tòa án áp dụng các biện pháp dân sự đối với chủ thể vi phạm. Thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được quy định cụ thể tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Tại Khoản 4 Điều 26, khoản 2 Điều 30 của Bộ luật đã xác định các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ sẽ thuộc thẩm quyền của Tòa án. Các cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp dân sự ở đây được hiểu chính là các cơ quan giải quyết tranh cấp, mà tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã xác định cả Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân tối cao sẽ có thẩm quyền áp dụng các biện pháp dân sự đối với các chủ thể có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tòa án thường đưa ra một loạt chế tài nhằm đền bù cho chủ thể quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm, như việc đền bù thiệt hại, lệnh của tòa, lệnh kê khai lợi nhuận, lệnh giao nộp hàng hóa xâm phạm,…
Còn về các biện pháp hình sự, thì một cá nhân, pháp nhân chỉ bị coi là có tội và có trách nhiệm hình sự khi có bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án có thẩm quyền. Hiểu đơn giản thì Tòa án là cơ quan duy nhất bắt buộc được các chủ thể có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói riêng và tội phạm nói chung chịu trách nhiệm hình sự và áp dụng các biện pháp hình sự. Điều này đã được ghi nhận tại Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2019. Các biện pháp này có thể là phạt tù, phạt tiền,…
Trong quá trình giải quyết các yêu cầu dân sự, vụ án hình sự về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ khi nhận thấy cần thiết Tòa án sẽ áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời.
2.2. Chủ thể có thẩm quyền áp dụng biện pháp hành chính:
Khoản 3 Điều 200 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, sửa đổi bổ sung năm 2019 quy định:
“3. Việc áp dụng biện pháp hành chính thuộc thẩm quyền của các cơ quan Thanh tra, Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Ủy ban nhân dân các cấp. Trong trường hợp cần thiết, các cơ quan này có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.”
Khi các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ khi không bị khởi kiện dân sự ra Tòa án hoặc khi chưa đến mức bị xử lý hình sự sẽ bị xử lý hành chính. Các biện pháp hành chính ở đây có thể hiểu đó chính việc xử phạt như cảnh cáo, phạt tiền,… và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả. Các cơ quan Thanh tra, Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Ủy ban nhân dân các cấp chính là các cơ quan quản lý trật tự xã hội, quản lý trực tiếp đến các hoạt động đời sống xã hội.
Thẩm quyền của các cơ quan này được quy định cụ thể tại Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 08 năm 2013 do Chính phủ ban hành quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp và Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 28/2017/NĐ- CP. Cụ thể các cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp hành chính sẽ bao gồm: Thanh tra Khoa học và Công nghệ; Thanh tra Thông tin và Truyền thông; Thanh tra văn hóa, thể thao và du lịch; Thanh tra Cục Hàng không, Thanh tra Cục Hàng hải; Quản lý thị trường; Hải quan; Công an nhân dân; Ủy ban nhân dân cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh…
2.3. Chủ thể có thẩm quyền áp dụng biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu:
Khoản 4 Điều 200 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, sửa đổi bổ sung năm 2019 quy định:
” Việc áp dụng biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ thuộc thẩm quyền của cơ quan hải quan.”
Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu khi muốn đi vào lãnh thổ Việt Nam, hay ra khỏi lãnh thổ Việt Nam thì phải đi qua cơ quan Hải quan. Do đó, cơ quan Hải quan có trách nhiệm kiểm soát các hàng hóa này ngay từ biên giới quốc gia là hoàn toàn hợp lý. Thẩm quyền của cơ quan Hải quan được quy định tại Chương 5 của Nghị định số 105/2006/NĐ- CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 do Chính phủ ban hành quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 119/2010/NĐ- CP.