Phiên tòa dân sự sơ thẩm? Thủ tục chuẩn bị và khai mạc phiên tòa dân sự sơ thẩm?
Theo quy định của pháp luật về cả hình sự, dân sự hay hành chính thì đều được quy định cấp xét xử đầu tiên là cấp sơ thẩm, đây là cấp xét xử trung tâm để đưa ra kết luận đầu tiên của vụ án, nếu như xử đúng với những chứng cứ chứng minh đưa ra, kết luận tội danh đúng với hành vi thì vụ án đã được giải quyết. Đối với một phiên tòa diễn ra phải được điều khiển dưới thẩm quyền của Hội đồng xét xử theo đúng trình tự pháp luật.
LVN Group tư vấn pháp luật qua tổng đài trực tuyến 24/7: 1900.0191
1. Phiên tòa dân sự sơ thẩm?
Phiên tòa sơ thẩm vụ án dân sự là phiên xét xử vụ án dân sự lần đầu tiên của một vụ án.
Hoạt động xét xử của Tòa án tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra với mục đích để cơ quan nhà nước nhân danh đất nước thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan xét xử, thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Chính vì vậy, hoạt động này được tiến hành tốt sẽ làm tăng thêm sự tin tưởng của công dân đối với cơ quan, tăng thêm tác dụng của công tác giáo dục chính trị, giáo dục pháp luật. Ngược lại nếu phiên tòa sơ thẩm tiến hành không tốt trường hợp xảy ra kháng cáo, kháng nghị, có nhiều sai sót thì kết quả của công tác giáo dục sẽ bị hạn chế, gây ảnh hưởng xấu, làm cho mọi người thiếu tin tưởng vào hoạt động xét xử của Tòa án.
Theo đó, tại phiên tòa sơ thẩm tòa án sẽ quyết định giải quyết các vấn đề của vụ án, xác định quyền và nghĩa vụ của các đương sự làm cơ sở cho việc thi hành án sau khi Tòa án tiến hành phiên tòa sơ thẩm việc giải quyết vụ án dân sự kết thúc.
Quá trình diễn ra phiên tòa được pháp luật quy định như sau:
Thứ nhất, là quy định về những người tham gia tố tụng gồm có Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa, Kiểm sát viên, đương sự hai bên tham gia và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cùng với thời gian, địa điểm phiên tòa diễn ra.
Thứ hai, đối với quá trình xét xử phiên tòa sơ thẩm thì Hội đồng xét xử sẽ lần lượt thực hiện việc xét xử thông qua việc nghe các bên trình bày, tranh luận tại phiên tòa, kiểm tra xác minh các tài liệu, chứng cứ của vụ án một cách toàn diện, khách quan, áp dụng đúng pháp luật giải quyết vụ án. Tại phiên tòa sơ thẩm Tòa án phải giải quyết tất cả các vấn đề của vụ án.
Theo điều 15 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 việc xét xử của tòa án được tiến hành công khai, trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, bí mật nghề nghiệp kinh doanh, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, bí mật đời tư của cá nhân theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì tòa án xét xử kín nhưng khi tuyên án thì phải tuyên án công khai.
Hội đồng xét xử quyết định giải quyết mọi vấn đề thuộc về nội dung vụ án cũng như thủ tục tố tụng bằng việc biểu quyết theo đa số. Minh họa Phiên tòa sơ thẩm là phiên xét xử lần đầu tiên nhưng có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc giải quyết vụ án dân sự. Tại phiên tòa sơ thẩm tòa án sẽ quyết định giải quyết các vấn đề của vụ án, xác định quyền và nghĩa vụ của các đương sự làm căn cứ cho việc thi hành án.
Như vậy, theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 chủ thể tham gia phiên tòa gồm có người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng. Những người tiến hành tố tụng được quy định tại điều 63 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, gồm một thẩm phán và hai hội thẩm nhân dân. Trong trường hợp đặc biệt thì có thể gồm hai thẩm phán và ba hội thẩm nhân dân. Việc thay thế thành viên của hội đồng xét xử trong trường hợp đặc biệt không thể tham gia xét xử vụ án được quy định tại điều 266 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và phiên tòa được xét xử lần đầu tiên trong vụ án từ khi đương sự nộp đơn khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết.
2. Thủ tục chuẩn bị và khai mạc phiên tòa dân sự sơ thẩm?
Căn cứ theo Điều 237 của Bộ luật dân sự năm 2015 đã quy định các bước chuẩn bị khai mạc phiên tòa sơ thẩm vụ án dân sự như sau:
Thứ nhất, trước khi khai mạc phiên tòa, Thư ký phiên tòa phải tiến hành các công việc sau đây:
– Phổ biến nội quy phiên tòa.
+ Khi vào phòng xử án, mọi người đều phải chấp hành việc kiểm tra an ninh của lực lượng có trách nhiệm bảo vệ phiên tòa
+ Những vật cấm khi vào trong phiên Tòa: vũ khí, hung khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, đồ vật cấm lưu hành, truyền đơn, khẩu hiệu và tài liệu, đồ vật khác ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của phiên tòa.
+ Đối với những phiên tòa mà có nhà báo tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa phải tuyệt đối chấp hành sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa về khu vực tác nghiệp. Đối với những hoạt đọng khác của nhà báo như việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa. Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của đương sự, người tham gia tố tụng khác phải được sự đồng ý của họ.
+ Các loại giấy tờ cần có khi tham gia phiên tòa: xuất trình giấy triệu tập, giấy mời, các giấy tờ có liên quan khác cho Thư ký phiên tòa tại bàn thư ký, trương hợp đến muộn thì xuất trình cho lực lượng bảo vệ phiên tòa.
+ Yêu cầu chung đối với người tham gia: có trang phục nghiêm chỉnh; có thái độ tôn trọng Hội đồng xét xử, giữ trật tự, không đội mũ, nón, đeo kính màu trong phòng xử án, không sử dụng điện thoại di động, không hút thuốc, không ăn uống trong phòng xử án.
– Thứ hai, Thư ký tiến hành kiểm tra, xác định sự có mặt, vắng mặt của những người tham gia phiên tòa theo đề nghị người tham gia phải xuất trình các giấy triệu tập, giấy báo của Tòa án; trong trường hợp có người vắng mặt thì phải làm rõ lý do vắng mặt của người đó bởi lẽ việc vắng mặt sẽ gây ảnh hưởng đến việc tiến hành giải quyết của phiên tòa.
– Thứ ba, cũng giống như nội quy của phiên tòa, trước khi Hội đồng xét xử vào phòng xử án thì Thư ký phải yêu cầu tất cả những người có mặt trong phòng xử án ổn định trật tự, ổn định chỗ ngồi đúng với vị trí đã được bố trí theo quy định. Và khi Hội đồng xét xử vào phòng xử án yêu cầu mọi người trong phòng xử án đứng dậy.
Trong quá trình xét xử đối với vấn đề đưa ra ý kiến thì phải tuân thủ theo sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa tức là chỉ những người được Hội đồng xét xử đồng ý mới được hỏi, trả lời hoặc phát biểu. Người hỏi, trả lời hoặc phát biểu phải đứng dậy, trừ trường hợp vì lý do sức khỏe được chủ tọa phiên tòa đồng ý cho ngồi để hỏi, trả lời, phát biểu.
Căn cứ theo Điều 239 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định đối với hoạt động khai mạc phiên tòa theo trình tự các bước như sau:
– Thứ nhất: Sau phần chuẩn bị phiên tòa khi hội đồng xét xử bước vào phòng xử án thì Chủ tọa phiên tòa tiến hành khai mạc phiên tòa và đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử gồm thời gian diễn ra, nội dung vụ án,…. .
– Thứ hai: Căn cứ vào nội dung đã chuẩn bị trước khi khai mạc phiên tòa thì Thư ký phiên tòa tiến hành báo cáo Hội đồng xét xử về sự có mặt, vắng mặt của những người tham gia phiên tòa theo giấy triệu tập, giấy báo của Tòa án và lý do vắng mặt của những người không tham gia.
– Thứ ba: Theo báo cáo của Thư ký phiên tòa, Chủ tọa phiên tòa tiếp tục kiểm tra lại một lần nữa sự có mặt của những người tham gia phiên tòa theo giấy triệu tập, giấy báo của Tòa án và kiểm tra căn cước của đương sự, người tham gia tố tụng khác có liên quan trong vụ án bởi lẽ sự có mặt của người tham gia là yếu tố quan trọng diễn ra phiên tòa này..
– Thứ tư: Đối với những người tham gia phiên tòa thì đều được pháp luật xác lập quyền và nghĩa vụ nên trong phần khai mạc phiên tòa Chủ tọa phiên tòa phổ biến quyền, nghĩa vụ của đương sự và của người tham gia tố tụng khác.
– Thứ năm: Chủ tọa phiên tòa giới thiệu họ, tên những người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch cho toàn bộ phòng xử án được biết để đánh giá trình độ giải quyết vụ án của những người tiến hành tố tụng đó.
– Thứ sáu: Trước khi tiến hành giải quyết vụ án thì Chủ tọa phiên tòa hỏi những người có quyền yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch xem họ có yêu cầu thay đổi ai không. Bởi lẽ khi xác định được các căn cứ chứng minh người tiến hành tố tụng thuộc trường hợp không được phép tham gia giải quyết thì người có quyền yêu cầu thay đổi để phù hợp với quy định pháp luật.
– Thứ bảy: Chứng cứ trong vụ án là yếu tố quan trọng để giải quyết vụ án vì vậy việc đưa ra chứng cứ phải đảm bảo đúng với vụ án nên Chủ tọa phiên tòa yêu cầu người làm chứng cam kết khai báo đúng sự thật, nếu khai không đúng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trừ trường hợp người làm chứng là người chưa thành niên. Yêu cầu người giám định, người phiên dịch cam kết cung cấp kết quả giám định chính xác, phiên dịch đúng nội dung cần phiên dịch.
Như vậy, đối với các thủ thục trước khi diễn ra phiên tòa sơ thẩm vụ án dân sự được Bộ luật dân sự quy định gồm có chuẩn bị phiên tòa và khai mạc phiên tòa với mục đích là để nêu nội quy tiến hành cho những người tham gia phiên tòa được phiên và tuân theo sự điều kiện của Hội đồng xét xử để tiến hành theo đúng quy định pháp luật.