Khái quát về xử lý vi phạm đối với hành vi hành nghề công chứng bất hợp pháp? Quy định về xử lý vi phạm đối với hành vi hành nghề công chứng bất hợp pháp?
Hành nghề công chứng là hoạt động nghề nghiệp có điều kiện, nhằm đảm bảo được tính chất lượng, chuyên môn khi cá nhân làm việc trong các tổ chức hành nghề công chứng. Tức là, nếu cá nhân, tổ chức hoạt động mà không đáp ứng đủ điều kiện đó thì được coi là hành nghề công chứng bất hợp pháp. Từ đó, pháp luật công chứng đặt ra quy định về xử lý vi phạm, là cơ sở để chủ thể có thẩm quyền xác định và áp dụng. Để hiểu rõ hơn về nội dung này, Luật LVN Group sẽ có những phân tích, bình luận cụ thể trong bài viết dưới đây.
Tư vấn pháp luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài: 1900.0191
Cơ sở pháp lý:
Luật Công chứng năm 2014.
Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
1. Khái quát về xử lý vi phạm đối với hành vi hành nghề công chứng bất hợp pháp?
Tìm hiểu các tài liệu liên quan đến xử lý vi phạm đối với hành vi hành nghề công chứng bất hợp pháp, tác giả nhận thấy rằng, đây là nội dung chưa được nhiều học giả, các nhà bình luận khoa học pháp lý quan tâm, vì vậy các vấn đề mà tác giả nêu dưới đây dựa trên việc tìm hiểu quy định của pháp luật, cùng với sự chiêm nghiệm thực tế của bản thân để xây dựng nên. Trước khi giải thích thế nào là xử lý vi phạm đối với hành vi hành nghề công chứng bất hợp pháp, tác giả sẽ lần lượt giải thích các thuật ngữ sau:
– Thứ nhất, công chứng là gì? Hành nghề công chứng là gì?
Theo giải thích tại Khoản 1, Điều 2, Luật Công chứng: “Công chứnglà việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.” Khái niệm này đã có sự thay đổi so với khái niệm được quy định trong Luật Công chứng năm 2006.
Hành nghề công chức là việc một cá nhân, tổ chức đáp ứng điều kiện luật định về hành nghề công chứng, thực hiện hoạt động công chứng một cách thương xuyên, mang lại thu nhập từ hoạt động công chứng, đảm bảo được cuộc sống cho cá nhân và duy trì được sự phát triển của tổ chức.
– Thứ hai, hành nghề công chứng bất hợp pháp là gì? Hành vi hành nghề công chứng bất hợp pháp là hành vi được thực hiện bởi cá nhân, tổ chức không đủ điều kiện hành nghề công chứng theo luật định mà thực hiện hành vi công chứng dưới bất kỳ hình thức công chứng nào.
– Thứ ba, xử lý vi phạm là gì? Bản chất của xử lý vi phạm là việc chủ thể có thẩm quyền áp dụng các hình thức xử phạt (chế tài) và các biện pháp cưỡng chế do pháp luật quy định đối với cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật.
Từ những phân tích trên, có thể đưa ra khái niệm về xử lý vi phạm đối với hành vi hành nghề công chứng bất hợp pháp như sau: Xử lý vi phạm đối với hành vi hành nghề công chứng bất hợp pháp là việc chủ thể có thẩm quyền áp dụng các hình thức xử phạt và biện pháp cưỡng chế do pháp luật quy định đối với cá nhân, tổ chức không đủ điều kiện hành nghề công chứng mà hành nghề công chứng dưới bất kỳ hình thức nào.
2. Quy định về xử lý vi phạm đối với hành vi hành nghề công chứng bất hợp pháp?
Xử lý vi phạm đối với hành vi hành nghề công chứng bất hợp pháp được quy định tại Điều 74 Luật Công chứng, cụ thể:
“1. Cá nhân không đủ điều kiện hành nghề công chứng mà hành nghề công chứng dưới bất kỳ hình thức nào thì phải chấm dứt hành vi vi phạm, bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức không đủ điều kiện hành nghề công chứng mà hành nghề công chứng dưới bất kỳ hình thức nào thì phải chấm dứt hành vi vi phạm, bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.“
Như vậy, theo quy định hành, xử lý vi phạm đối với hành vi hành nghề công chứng bất hợp pháp được áp dụng đối với cả cá nhân và tổ chức. Vì vậy, tác giả cũng sẽ dựa vào sự phân chia này để phân tích rõ hơn.
Thứ nhất, xử lý vi phạm đối với cá nhân hành nghề công chứng bất hợp pháp.
Hành vi được mô tả trong quy định là “không đủ điều kiện hành nghề công chứng mà hành nghề công chứng dưới bất kỳ hình thức nào”. Vậy, như thế nào là không đủ điều kiện hành nghề công chứng?
Cá nhân để hành nghề công chứng phải là công chứng viên, theo đó, tiêu chuẩn trở thành công chứng viên được quy định tại Điều 8 Luật Công chứng bao gồm:
– Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt.
– Có bằng cử nhân luật;
– Có thời gian công tác pháp luật từ 05 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng cử nhân luật;
– Tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng quy định tại Điều 9 của Luật này hoặc hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề công chứng quy định tại khoản 2 Điều 10 của Luật này;
– Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng;
– Bảo đảm sức khỏe để hành nghề công chứng.
Như vậy, nếu thiếu một trong các tiêu chuẩn này thì cá nhân được xem là không đủ điều kiện để hành nghề công chứng.
Khi bị phát hiện hành vi vi phạm pháp luật này, cá nhân bị cưỡng chế buộc chấm dứt hành vi vi phạm, trước hết, họ sẽ bị áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính, theo đó, tại Điểm a, Khoản 6, Điều 15 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định rằng:
“6. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Hành nghề công chứng khi không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 5 Điều này;“
Bên cạnh đó, cá nhân vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tuy nhiên việc phát hiện và xử ly hình sự đối với cá nhân trong trường hợp này rất khó và thực tế cũng rất ít các vụ việc xảy ra.
Gắn với hành vi vi phạm mà phát sinh thiệt hại cho bất kỳ cá nhân nào thì cá nhân vi phạm phải tiến hành bồi thường thiệt hại (trách nhiệm dân sự), nhưng trách nhiệm này chỉ đặt ra khi phải chứng minh được có thiệt hại thực tế xảy ra.
Thứ hai, xử lý vi phạm đối với tổ chức hành nghề công chứng bất hợp pháp.
Cũng tương tự như cá nhân, hành vi được mô tả trong quy định là “không đủ điều kiện hành nghề công chứng mà hành nghề công chứng dưới bất kỳ hình thức nào”. Vậy như thế nào là không đủ điều kiện hành nghề công chứng trong đối với tổ chức?
Tổ chức muốn hành nghề công chứng phải là tổ chức hành nghề công chứng được nhà nước công nhận, bao gồm Phòng công chứng và Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật Công chứng và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Điều kiện hành nghề công chứng giữa Phòng Công chứng và Văn phòng Công chứng là khác nhau, được quy định lần lượt tại Các Điều 19, Điều 22 Luật Công chứng, mà khi không đủ các điều kiện đó thì tổ chức được cho là hành nghề công chứng bất hợp pháp.
Trách nhiệm pháp lý mà tổ chức hành nghề công chứng bất hợp pháp phải gánh chịu cũng tương tự như cá nhân, đó là trách nhiệm hành chính, hình sự và dân sự, trong đó trách nhiệm hành chính là điển hình nhất, dễ áp dụng và xử lý nhanh chóng nhất.
Theo quy định tại Khoản 6 Điều 16 Nghị định 82/2020/NĐ-CP:
“6. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không phải là tổ chức hành nghề công chứng mà hoạt động công chứng dưới bất kỳ hình thức nào;
b) Cho công chứng viên không đủ điều kiện hành nghề hoặc người không phải là công chứng viên hành nghề tại tổ chức mình.“
Biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp này là: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Có thể thấy rằng, quy định tại Điều 74 Luật Công chứng chỉ mang tính chất khái quát, nền tảng, xác định hành vi và các loại trách nhiệm pháp lý mà tổ chức, cá nhân hành nghề công chứng bất hợp pháp có thể gánh chịu. Để xác định được cụ thể hành vi, mức xử phạt, hình thức xử phạt thì cần phải có sự phối hợp áp dụng của các văn bản khác. Hơn nữa, các văn bản quy định về xử lý vi phạm cũng ngày càng hoàn thiện, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm đối với xã hội, là cơ sở pháp lý quan trọng để cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng, góp phần giải quyết vấn nạn hành nghề công chứng bất hợp pháp, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người công chứng, cho xã hội và trật tự pháp luật công chứng nước ta.