Bài văn tả cảnh mùa xuân – Văn mẫu lớp 5 chọn lọc siêu hay

Dàn bài tả cảnh mùa xuân? Bài văn mẫu số 1? Bài văn mẫu số 2? Bài văn mẫu số 3? Những kỹ năng quan trọng khi viết bài văn tả?

Mùa xuân là một mùa khởi đầu của năm. Cũng là khởi đầu của sự sống và tình yêu. Mùa xuân luôn mang đến cho con người những điều mới lạ và những cảm xúc khó quên. Chính vì vậy, tả cảnh mùa xuân là một đề bài không còn xa lạ. 

Dưới đây, chúng tôi sẽ cung cấp cho các bạn hướng dẫn cách làm bài tả cảnh mùa xuân và sưu tập những bài văn siêu hay!

1. Dàn bài tả cảnh mùa xuân:

Mở bài:

– Giới thiệu về mùa xuân là mùa đẹp nhất trong năm.

Thân bài:

Tả quang cảnh mùa xuân: Mùa xuân khiến cho vạn vật trở nên như thế nào?

– Bầu trời trở nên trong xanh hơn, không còn mây mù.

– Tiết trời trở nên ấm áp; ánh nắng xuân sưởi ấm vạn vật.

– Những làn mây nhẹ nhàng, bồng bềnh trên nền trời xanh ngắt

– Cây cối bắt đầu nảy nở. đâm chồi

–  Gió xuân đã về tuy vẫn còn mang chút lạnh giá; không còn những cơn gió rét mướt dai dẳng.

Tả cảnh vật mùa xuân:

– Những cây lớn bắt đầu trổ ra những lộc non xanh mướt, những nụ lộc còn e ấp,

–  Hoa bắt đầu tung nở những cánh hoa vàng đỏ, đủ sắc màu, khoe thắm cả góc trời xuân.

– Chim chóc bắt đầu trở về và ca hát mừng đón nàng xuân. Tả hoạt động con người

– Con người như được tiếp thêm sinh khí trong mùa xuân.

–  Mọi người vui vẻ hơn, nhộn nhịp hơn.

– Trẻ con vui hơn khi được chuẩn bị những bộ quần áo mới trong mùa xuân để đón tết và khoe với mọi người.

Kết bài:

Nêu cảm nghĩ của em về mùa xuân

2. Bài văn mẫu số 1:

Mùa xuân chính là mùa tươi đẹp nhất trong năm. Sau những ngày đông lạnh lẽo thì mùa xuân đến như thổi vào cuộc sống những luồng sinh khí mới, dào dạt mà thiết tha. Những cơn mưa xuân làm cho vạn vật tràn trề nhựa sống, vạn vật đua nở, trăm hoa khoe sắc

Mùa xuân là mùa em yêu thích nhất trong năm. Đối với em, mùa xuân trên quê hương chính là một tuyệt tác của đất trời, tuy đó chỉ là những cảnh vật đơn sơ của một làng quê nghèo nhưng những thứ thân thương dường như đã hóa thành những điều kì vĩ. Đó là một nơi vô cùng tươi đẹp, bởi ở đó có sự hài hòa giữa thiên nhiên và cuộc sống của con người, đặc biệt vào những ngày xuân, khung cảnh ấy như tươi mới hơn, nhựa sống tràn trề. Khung cảnh làng em xuân về cũng như khoác lên mình một chiếc áo mới, những cây cổ thụ đầu làng không còn trơ trụi lá sau những đợt gió ào ào quét trụi lá. Trên những cành cây ấy đã nảy mầm những nhựa sống mới, sắc xanh bao trùm không gian của làng khiến cho khung cảnh tươi mới, rực rỡ. Những khóm hoa ven nhà cũng bắt đầu trổ hoa, những bông hoa khoe sắc dưới ánh nắng mặt trời càng điểm tô thêm không khí đầy náo nức, vui tươi của ngày xuân. Đó là những đóa hoa hồng, hoa cúc, hoa đào đỏ thắm…tất cả như gọi mùa xuân về. 

Mùa xuân cũng náo nức, vui tươi hơn bởi chính con người quê hương em, cảnh vật như thổi vào mỗi tâm hồm mỗi người dân quê những luồng sức sống mạnh mẽ mới, căng tràn hạnh phúc. Mọi người đều vui mừng hân hoan trước không khí của mùa xuân. Theo quan niệm của người dân quê em thì mùa xuân là mùa của sự sống, mùa của những niềm vui tươi và hạnh phúc xum họp. Dẫu làm ăn xa thì vào dịp tết nguyên đán mọi người đều trở về quê ăn tết cùng gia đình, cùng những người thân yêu đón một năm mới an lành, hạnh phúc

Mùa xuân trên quê hương em rất đẹp, không chỉ đẹp ở cảnh sắc, vạn vật mà đây cũng là thời điểm lòng người vui tươi, rộn rã nhất. Bởi vậy, mùa xuân là mùa em yêu thích nhất.

3. Bài văn mẫu số 2:

Xuân về rực thắm cánh đào

Đung đưa trong nắng đón chào Tết sang

Họa mi vui hót rộn ràng

Hương hoa tỏa ngát mênh mang đất trời…”

“Xuân sang” – Liên Phạm  

 

Chỉ cần nghe những câu thơ ấy thôi là không khí Tết cổ truyền – Tết Nguyên Đán lại ùa về trong lòng em. Cảm giác đó thật khó tả, khiến lòng người sao xuyến khôn nguôi. Lại một năm cũ đã qua và phải chăng mùa xuân trên quê hương em đã đến!

Hôm nay, sáng sớm ngày mùng 1 Tết, không khí thủ đô bỗng yên ắng lạ thường, vừa tỉnh giấc, cũng như mọi ngày, em ra ngoài ban công vươn vai và hít một hơi căng lồng ngực. Em cảm nhận được cái se se lạnh, không khí rất thích hợp cho một ngày mới du xuân. Cái lạnh ấy bao trùm lên mọi cảnh vật: cây cối, chim muông không còn lạnh đến thấu xương nữa mà đã dịu ngọt hơn.

Ngước mắt lên nhìn bầu trời trong xanh, dường như mọi cảnh vật xung quanh đã có một làn mưa nào đó gội rửa, vòm trời cao và sạch bóng hơn. Những đám mây dày trôi thong rong như đang còn ngái ngủ, nhưng cũng như lười biếng một chút trong những ngày đầu năm mới. Đâu đó một vài tia nắng yếu ớt len lỏi giữa đám mây chiếu rọi xuống trần gian, làm cho tiết trời bừng sáng, ấm áp và tô hồng đôi má của những đứa bé đi chơi xuân với cùng gia đình.

Em đưa mắt quanh một vòng nhìn khắp phố. Con đường em đi hàng ngày được các cô lao công dọn dẹp ngày hôm qua thật gọn gàng, sạch sẽ, nó như một chàng trai cường tráng, tràn đầy sức sống, vừa được nàng tiên xuân ban tặng một chiếc áo mới. Chàng trai ấy được điểm tô bằng một vài cành lộc xanh mơn mởn, nhú ra từ những cành bàng trơ trụi, khẳng khiu đứng đầu phố, còn là âm thanh của những chú chim non tập chuyền cành, hót ríu rít như đang chờ đợi rất lâu một câu chuyện đón mùa xuân về, những hàng khẩu hiệu, băng rôn đủ sắc màu đỏ, vàng được treo khắp đó đây chào mừng năm mới, là tiếng cười nói rộn ràng, lời chúc tụng hân hoan của những người đi chơi Tết. Tất cả đã vẽ nên một bức tranh mùa xuân đầy âm thanh, hình ảnh cho con đường nơi em ở.

Lúc này, không khí ngoài trời bỗng trở nên ồn ào, tấp nập hơn bởi tiếng người, tiếng xe cộ. Mọi người nô nức du xuân, chúc Tết vào ngày đầu năm mỗi lúc một đông, ai ai cũng dạng ngời, tràn đầy tươi vui. Có lẽ mọi lo lắng, muộn phiền của cuộc sống được khép lại sau cánh cửa giao thừa từ đêm hôm qua. Giờ đây chỉ có niềm hân hoan đón chào những điều tốt đẹp sắp đến cho một năm mới. Những em bé xúng xính trong bộ áo váy mới, tươi cười với gương mặt dạng ngời, nhận những phong lì xì màu đỏ chứa đựng niềm may mắn cho năm mới. Ngày xuân cũng chính là dịp mọi người đoàn tụ bên gia đình, sum vầy quanh mâm cỗ tất niên. Đó là những khoảnh khắc đẹp đẽ, thiêng liêng nhất vào mùa xuân trên quê hương em.

Em ước gì thời gian ngừng lại để em có thể thả hồn vào khung cảnh đẹp đến mê hồn này thật nhiều và thật lâu hơn nữa! Em mong ước cả một năm sẽ luôn nhộn nhịp và tươi vui như ngày đầu xuân này.

 4. Bài văn mẫu số 3:

“Én có gì lạ, báo mùa xuân sang
Nắng có gì lạ, mà cánh hoa hồng tươi”

Nghe hai câu thơ dường như trong mỗi chúng ta lại rạo rực lên bóng hình của mùa xuân – mùa khởi đầu một năm mới với biết bao điều thú vị. Những cánh én chao nghiêng trời bầu trời chính là những tín hiệu đầu tiên báo hiệu mùa xuân đã về.

Mùa xuân, thiên nhiên, đất trời dần dần đổi thay. Những cơn gió bấc, những ngày mưa dầm dề dưới tiết trời lạnh giá đến cắt da cắt thịt dần nhường chỗ cho những cơn mưa phùn và cả những tia nắng ấm áp. Nắng mùa xuân không phải là cái nắng oi ả, nóng nực của mùa hè mà là những tia nắng nhẹ nhàng, làm xua tan đi cái giá lạnh của mùa đông và ủ ấm cho vạn vật đâm chồi, nảy lộc. Nhắc đến mùa xuân, người ta còn không quên gợi nhớ tới cả những cánh hoa đào, hoa mai và đặc biệt là những cây mận trắng xóa cả rừng hoa.

Và có lẽ, điều đặc biệt nhất của mùa xuân, chính là dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Có thể nói đây chính là dịp để cả gia đình sum vầy, đoàn tụ, cùng nhìn lại một năm đã qua với biết bao niềm vui, nỗi buồn. Mùa xuân đến, người người nhà nhà đều vui vẻ, hạnh phúc ngập tràn, cùng trao cho nhau bao yêu thương, bao lời chúc tốt đẹp để bắt đầu một năm mới với vạn điều tốt lành. 

Mỗi độ xuân về dường như vạn vật và mọi người đều thay đổi, ai nấy đều trở nên vui vẻ, rạng rỡ và tươi vui hơn. Em rất yêu thích mùa xuân, bởi lẽ, nó là mùa của sự khởi đầu, mùa của đoàn tụ và mùa của yêu thương.

5. Những kỹ năng quan trọng khi viết bài văn tả:

Văn tả là một trong những dạng văn phổ biến trong chương trình học lớp 5. Do vậy, việc nắm vững những kỹ năng viết văn tả sẽ giúp các em có thể dễ dàng hơn để hoàn thiện một vài văn hay:

    Kỹ năng quan sát, ghi chép.

Đa số đối tượng miêu tả trong các bài văn là những hình ảnh quen thuộc, gần gũi trong cuộc sống: hình ảnh cô giáo, không khí giờ ra chơi, con đường tới trường, buổi bình minh,… Tuy vậy, các em học sinh vẫn hay bị lúng túng khi bắt tay vào viết bài. Nguyên nhân là do các em ít có sự quan sát tỉ mỉ, không có thói quen để ý các sự vật, sự việc, hiện tượng quanh diễn ra xung quanh mình. 

Kỹ năng tưởng tượng: 

Văn miêu tả nói riêng không thể chấp nhận kiểu sao chép hiện thực cuộc sống một cách máy móc, khô khan. Nếu chỉ có quan sát và ghi chép y nguyên những điều mà chúng ta đã quan sát được thì bức tranh miêu tả quá trần trụi, thiếu sức hấp dẫn. Vì vậy, để bức tranh có những điểm mới thể hiện sự sáng tạo thì đòi hỏi chúng ta cần có sự tưởng tượng tạo thêm những hình ảnh phù hợp, làm cho bức tranh miêu tả trở nên phong phú và sinh động hơn.

Kỹ năng so sánh:

So sánh chính là hệ quả của quá trình liên tưởng, tưởng tượng. Khi tập trung quan sát vào một đối tượng nào đó, hình ảnh của đối tượng ấy thường gợi cho người quan sát nghĩ tới những hình ảnh khác có chung một số nét tương đồng đối với hình ảnh đang quan sát. Chính sự liên tưởng, so sánh này làm cho những câu văn miêu tả trở lên hay hơn và đối tượng miêu tả hiện lên rõ nét hơn, đẹp hơn, hấp dẫn hơn bao giờ hết.

Kỹ năng nhận xét: 

Đối với một bài văn miêu tả thì bao giờ người viết cũng để lại dấu ấn chủ quan của mình ở trong từng câu văn. Dấu ấn chủ quan ấy chính là sự cảm nhận, cách biểu lộ thái độ, tình cảm riêng của mỗi người đối với đối tượng được đang được miêu tả. 

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com