Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan của Chính phủ, thực hiện các chức năng quản lý nhà nước về báo chí; xuất bản, in, phát hành; bưu chính; viễn thông; tần số vô tuyến điện; công nghệ thông tin, điện tử; phát thanh và truyền hình, thông tin điện tử, thông tấn, thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở và quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.

Ngoài những nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu, tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP, Bộ thông tin và Truyền thông còn thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Nghị định số 48/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông. 

Trước đây, Nghị định số 17/2017/NĐ-CP của Chính phủ cũng đã đưa ra quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Thông tin và Truyền thông. Tuy nhiên, hiện nay do tình hình phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông – quảng cáo đã đòi hỏi phải bổ sung thêm nhiệm vụ của cơ quan này. Mục đích chủ yếu của việc bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn cho Bộ Thông tin và Truyền thông là việc tăng cường quản lý của Nhà nước trong các lĩnh vực trên trong tình hình hội nhập kinh tế quốc tế.

Việc bổ sung quy định về nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung ở các lĩnh vực sau: Quảng cáo; Chuyển đổi số quốc gia; Giao dịch điện tử; Dịch vụ sự nghiệp công.

 

1. Thẩm quyền trong lĩnh vực quảng cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông

Theo quy định tại Khoản 8 Điều 2 của Nghị định số 117/2017/NĐ-CP, về lĩnh vực quảng cáo Bộ Thông tin và Truyền thông có nhiệm vụ sau:

Thứ nhất: Thực hiện các nhiệm vụ về quản lý quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng, trên xuất bản phẩm và quảng cáo tích hợp trên các sản phẩm, dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin theo quy định của pháp luật;

Thứ hai: Cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, thu hồi giấy phép ra kênh, chương trình quảng cáo đối với báo nói, báo hình; thông báo ra phụ trương chuyên quảng cáo đối với báo in;

Ngoài hai nhiệm vụ trên Nghị định số 48/2022/NĐ-CP đã bổ sung thêm nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động tiếp nhận thông báo hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam; tiếp nhận, xử lý thông báo về quảng cáo xuyên biên giới vi phạm pháp luật và thực hiện biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật. 

Trong tình hình hội nhập kinh tế quốc tế, hoạt động thương mại đã vượt qua khỏi phạm vi lãnh thổ của từng quốc gia, cùng với mạng lưới Internet toàn cầu đã đem hoạt động quảng cáo phổ biến trên khắp thế giới. Do đó, chúng ta cần có một cơ chế quản lý hoạt động quảng cáo xuyên biên giới. Trong cơ chế quản lý đó, cần kiểm soát về mặt nội dung, đảm bảo đáp ứng quy định của pháp luật Việt Nam. Từ đó, đưa ra những biện pháp ngăn chặn kịp thời đối với những nội dung không phù hợp, những nội dung vi phạm các điều kiện về hoạt động quảng cáo tại Việt Nam.

 

2. Thẩm quyền trong lĩnh vục chuyển đổi số quốc gia của Bộ Thông tin và Truyền thông

Trước đây, theo quy định tại Nghị định 17/2017/NĐ-CP vấn đề về chuyển đổi số đơn giản trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng chính phủ điện tử. Trong đó, nổi bật là các nội dung sau:

Thứ nhất: Về hướng dẫn, tổ chức và kiểm tra thực hiện các chính sách về ứng dụng công nghệ thông tin; quy chế quản lý đầu tư, đánh giá hiệu quả đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng vốn nhà nước; hỗ trợ doanh nghiệp và cộng đồng ứng dụng công nghệ thông tin;

Thứ hai: Xây dựng hệ thống kết nối thông tin, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước; Triển khai và quản lý nội dung ứng dụng công nghệ thông tin với các cơ quan nhà nước; Hướng dẫn triển khai kế hoạc ứng dụng công nghệ thông tin;

Thứ ba: Tổ chức, xây dựng vận hành chính phủ điện tử góp phần công cuộc cải cách hành chính.

Hiện nay, theo quy định tại Nghị định số 48/2022/NĐ-CP, bên cạnh những nhiệm vụ nêu trên, Bộ Thông tin và Truyền thông còn có hoạt động liên quan đến hướng dẫn, tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách, pháp luật, chiến lược, kế hoạch, chương rình, đề án quốc gia về phát triển kinh tế số, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Như vậy, ngoài nhiệm vụ, thẩm quyền trong việc phát triển Chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ trong quản lý hành chính nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông đã được bổ sung thêm nhiệm vụ về phát triển đề án kinh tế số, chuyển đổi số doanh nghiệp là 2 lĩnh vực quan trọng, nhằm bắt kịp với quá trình hội nhập kinh tế, quốc tế và cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Bên cạnh đó, Nghị định số 48/2022/NĐ-CP còn đưa ra nhiệm vụ về hướng dẫn, tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật về xã hội số và tuân thủ các quy tắc ứng xử trên môi trường số trong cộng đồng. Sau khi ban hành, Bộ quy tăc ứng xử trên mạng xã hội theo quyết định 874/QĐ-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông, việc áp dụng và tuân thủ quy tắc trên đã và đang được quản lý, kiểm soát để đảm bảo được hiệu quả cao nhất, phù hợp với mục tiêu xây dựng xã hội số. 

 

3. Nhiệm vụ, quyền hạn trong lĩnh vực giao dịch điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông

Trước đây, Nghị định 17/2017/NĐ-CPchưa có quy định cụ thể về việc quản lý giao dịch điện tử mà chỉ có nội dung liên quan đến phối hợp, quản lý ứng dụng chữ ký số. Nhưng đến Nghị định số 48/2022/NĐ-CP Bộ Thông tin và Truyền thông đã được giao nhiệm vụ về lĩnh vực này, bao gồm một số hoạt động sau:

Thứ nhất: Hướng dẫn, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chiến lược, kế hoạch và chính sách phát triển, ứng dụng giao dịch điện tử theo thẩm quyền;

Thứ hai: Trình cấp có thẩm quyền ban hành, công nhận hoặc ban hành, công nhận theo thẩm quyền các tiêu chuẩn trong giao dịch điện tử;

Thứ ba: Quản lý các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan đến giao dịch điện tử thuộc thẩm quyền quản lý của bộ theo quy định của pháp luật; Quản lý hạ tầng công nghệ cho hoạt động giao dịch điện tử theo quy định của pháp luật.

Hiện nay, mạng lưới thương mại điện tử ngày càng nở rộ theo sự phát triển của khoa học, công nghệ. Những giao dịch trong hoạt động thương mại quốc tế là nhu cầu của hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. Những xu thế đó đòi hỏi ứng dụng công nghệ thông tin để tiến hành giao dịch trực tuyến. Tuy nhiên, sự xuất hiện của mạng lưới thương mại điện tử cần phải kèm theo sự kiểm soát bằng pháp luật và ứng dụng công nghệ thông tin. Nhiệm vụ này được giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan tiên phong trong lĩnh vực này. Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để kiểm soát hoạt động giao dịch điện tử.