Mục đích phát hành trái phiếu Chính phủ? Các loại trái phiếu Chính Phủ? Quy định về phát hành trái phiếu Chính Phủ? Ưu và nhược điểm của trái phiếu Chính phủ?
Chính phủ phát hành trái phiếu để nhà nước tiến hành vay vốn, theo đó nhà nước có nghĩa vụ trả nợ đối với người sở hữu trái phiếu. Có thể thấy, trái phiếu Chính phủ là kênh đầu tư khá an toàn, ổn định và hấp dẫn với các tổ chức, cá nhân. Vậy Chính phủ phát hành trái phiếu như vậy nhằm mục đích gì?
Căn cứ pháp lý:
– Nghị định 01/2011/NĐ-CP về phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương.
– Nghị định 95/2018/NĐ-CP quy định về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán.
LVN Group tư vấn luật miễn phí qua tổng đài điện thoại: 1900.0191
1. Mục đích phát hành trái phiếu Chính phủ:
Chính phủ thường phát hành trái phiếu để đáp ứng nhu cầu chi tiêu của ngân sách nhà nước. Mục đích Chính phủ phát hành trái phiếu nhằm huy động vốn để bù đắp thiếu hụt ngân sách nhà nước. Hoặc đầu tư xây dựng các công trình, dự án trọng điểm,…Nguồn thanh toán trái phiếu chính phủ được lấy từ ngân sách nhà nước hoặc lấy từ nguồn vốn thu hồi trực tiếp từ các công trình được đầu tư, từ nguồn vốn phát hành trái phiếu chính phủ mang lại. Bởi vì được đảm bảo trả nợ bằng nguồn vốn của ngân sách nhà nước nên trái phiếu chính phủ có tính an toàn cao.
Căn cứ vào kỳ hạn và mục đích phát hành, có những loại trái phiếu chính phủ sau: Trái phiếu kho bạc, Tín phiếu kho bạc, trái phiếu công trình, trái phiếu ngoại tệ,..
Mục đích phát hành trái phiếu Chính phủ được quy định tại Điều 4, Nghị định 01/2011/NĐ-CP về phát hành trái phiếu Chính phủ như sau:
+ Đầu tư phát triển kinh tế – xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước;
+ Bù đắp thiếu hụt tạm thời của ngân sách nhà nước từ vay trái phiếu ngắn hạn;
+ Cơ cấu lại khoản nợ, danh mục nợ Chính phủ;
+ Cho doanh nghiệp, tổ chức tài chính, tín dụng, chính quyền địa phương vay lại theo quy định của pháp luật;
+ Các mục đích khác nhằm bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.
Toàn bộ số tiền thu được từ phát hành trái phiếu Chính phủ đều phải tập trung vào ngân sách trung ương để sử dụng theo đúng mục đích phát hành, quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật liên quan.
2. Các loại trái phiếu Chính Phủ:
Căn cứ vào kỳ hạn và mục đích phát hành, có những loại trái phiếu sau: Trái phiếu kho bạc, Tín phiếu kho bạc, trái phiếu công trình, trái phiếu ngoại tệ, …Các loại trái phiếu chính phủ bao gồm 3 loại chính đó là: tín phiếu kho bạc, trái phiếu kho bạc và công trái xây dựng Tổ quốc.
+ Tín phiếu kho bạc: Đây là loại trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn 13 tuần, 26 tuần hoặc 52 tuần và đồng tiền phát hành là đồng Việt Nam. Các kỳ hạn khác của tín phiếu kho bạc không được vượt quá 52 tuần tùy theo nhu cầu sử dụng vốn và tình hình thị trường, kỳ hạn tín phiếu do Bộ Tài chính quyết định.
+ Trái phiếu kho bạc: Đây là loại trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn từ một (01) năm trở lên và đồng tiền được phát hành cũng là đồng tiền Việt Nam hoặc ngoại tệ tự do chuyển đổi.
+ Công trái xây dựng Tổ quốc; Đây là loại trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn từ một (01) năm trở lên, công trái xây dựng Tổ quốc được phát hành nhằm huy động nguồn vốn để đầu tư xây dựng những công trình quan trọng quốc gia và các công trình thiết yếu khác phục vụ sản xuất, đời sống, tạo cơ sở vật chất, kỹ thuật cho đất nước, đồng tiền phát hành là đồng Việt Nam.
3. Quy định về phát hành trái phiếu Chính Phủ:
Chủ thể tổ chức phát hành trái phiếu Chính phủ là Bộ Tài chính. Bộ Tài chính tổ chức phát hành hoặc ủy quyền cho Kho bạc Nhà nước tổ chức phát hành và thực hiện các nghĩa vụ của chủ thể tổ chức phát hành. Chủ thể phát hành trái phiếu phải đảm bảo quản lý, sử dụng vốn trái phiếu đúng mục đích, hiệu quả và bố trí nguồn vốn trả nợ đầy đủ, đúng hạn. Sau khi quyết định, Kho bạc Nhà nước sẽ công bố kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ ra công chúng. Các thông tin gồm có: Khối lượng phát hành dự kiến, kỳ hạn, lãi suất,… Những thông tin này giúp cho các nhà đầu tư chủ động nguồn vốn để tham gia vào các đợt phát hành trái phiếu.
Trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn chuẩn là 3 năm, 5 năm, 7 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm, 30 năm và 50 năm. Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định các kỳ hạn khác của trái phiếu trong từng thời kỳ.
Mệnh giá phát hành: Trái phiếu Chính phủ có mệnh giá là một trăm nghìn (100.000) đồng hoặc là bội số của một trăm nghìn (100.000) đồng. Đồng tiền phát hành, thanh toán là đồng Việt Nam. Trường hợp phát hành trái phiếu Chính phủ tại thị trường trong nước bằng ngoại tệ, đồng tiền phát hành, thanh toán là ngoại tệ tự do chuyển đổi thực hiện theo đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trái phiếu Chính phủ được phát hành dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử tùy thuộc vào phương thức phát hành. Mỗi đợt phát hành thì chủ thể tổ chức phát hành quyết định cụ thể về hình thức trái phiếu Chính phủ.
Lãi suất trái phiếu Chính phủ do Kho bạc Nhà nước quyết định trong khung lãi suất do Bộ Tài chính quy định. Trái phiếu được phát hành theo lãi suất cố định (được tính theo tỷ lệ phần trăm cố định, NĐT sẽ nhận được số tiền lãi giống nhau vào mỗi tháng hoặc mỗi năm), lãi suất thả nổi (phụ thuộc vào thị trường trái phiếu) hoặc lãi suất chiết khấu theo thông báo của Kho bạc Nhà nước (đối tượng mua trái phiếu không được hưởng lãi tuy nhiên sẽ được mua trái phiếu với mức giá ưu đãi hơn rất nhiều). Lãi suất của trái phiếu chính phủ thấp hơn so với các loại hình đầu tư khác, được coi là ít rủi ro, an toàn nhất.
Trái phiếu Chính phủ được phát hành theo phương thức đấu thầu phát hành (phương thức bán trái phiếu Chính phủ thông qua tổ chức đấu thầu về lãi suất cho đối tượng mua trái phiếu), bảo lãnh phát hành (bán trái phiếu Chính phủ thông qua tổ hợp bảo lãnh phát hành) và phát hành riêng lẻ (bán trực tiếp trái phiếu Chính phủ cho từng đối tượng mua).
Phương thức thanh toán lãi, gốc đối với trái phiếu Chính phủ như sau: Đồng tiền sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu cùng loại với đồng tiền khi phát hành. Trường hợp sử dụng ngoại tệ làm đồng tiền phát hành, thanh toán trái phiếu phải đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối. Bộ Tài chính trực tiếp chuyển tiền sử dụng nhà nước vào tài khoản của đại lý để thanh toán gốc, lãi cho chủ sở hữu trái phiếu khi đến hạn thanh toán. Tiền lãi được thanh toán theo định kỳ 06 tháng một lần, hoặc 12 tháng một lần, hoặc thanh toán 01 lần vào ngày đáo hạn cùng với thanh toán gốc. Chủ thể phát hành thông báo cụ thể phương thức thanh toán lãi trái phiếu đối với từng đợt phát hành. Tiền gốc được thanh toán 01 lần vào ngày đáo hạn hoặc thanh toán trước hạn theo thông báo của chủ thể phát hành đối với từng đợt phát hành.
Trường hợp cho vay lại trái phiếu thì khi đến hạn thanh toán gốc, lãi trái phiếu, người vay lại trả trực tiếp vào tài khoản của đại lý thanh toán hoặc chuyển trả vào Quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài theo quy định cụ thể tại các hợp đồng cho vay lại để Bộ Tài chính chuyển tiền cho đại lý thanh toán thực hiện chi trả cho chủ sở hữu trái phiếu.
4. Ưu và nhược điểm của trái phiếu Chính phủ:
– Về ưu điểm:
+ Mức độ rủi ro thấp, cung cấp cho nhà đầu tư một khoản thu nhập ổn định khi nhà đầu tư được hưởng trong thời gian nắm giữ.
+ Nhà đầu tư được đảm bảo mức độ tin cậy bởi uy tín của Nhà nước, cụ thể là ngân sách nhà nước. So với các chủ thể phát hành khác thì nhà đầu tư sẽ có lòng tin hơn rất nhiều.
+ Những thông tin này của trái phiếu Chính phủ được niêm yết công khai, cập nhật liên tục, hàng ngày trên Cổng thông tin điện tử của Sở Giao dịch chứng khoán, dễ dàng nắm bắt được.
+ Chủ thể được mua Trái phiếu Chính phủ được chọn lọc, lựa chọn đủ điều kiện để thực hiện các giao dịch tiếp theo.
+ Nhà đầu tư không phải chịu mức thuế thu nhập cá nhân từ khoản lợi nhuận thu được từ trái phiếu.
+ Nhà đầu tư không còn nhu cầu tiếp tục sở hữu trái phiếu này và muốn rút vốn thì nhà đầu tư có thể thực hiện cầm cố trái phiếu, chuyển nhượng qua các sàn giao dịch, các tổ chức tài chính, ngân hàng.
– Về nhược điểm:
+ Mức lợi tức của trái phiếu chính phủ khá thấp so với việc sử dụng vốn đầu tư vào nhiều sản phẩm chứng khoán; hay kênh đầu tư khác lợi nhuận hơn.
+ Quy trình để đầu tư vào trái phiếu Chính phủ không đơn giản; phải đáp ứng đủ điều kiện mới có thể mua được trái phiếu Chính phủ.