Mẫu di chúc chung của vợ chồng và cách lập di chúc chung?

Đối với tài sản chung vợ chồng thì một trong hai vợ chồng không thể tự mình định đoạt tài sản chung, trong đó có phần để lại di chúc với toàn bộ tài sản chung của vợ chồng. Vậy, nếu vợ chồng muốn lập di chúc chung thì phải thực hiện như thế nào?

1. Mẫu di chúc chung của vợ chồng:

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

DI CHÚC

Hôm nay, ngày … tháng … năm …., tại ……

Chúng tôi là:

Chồng là ông: …

CMND/CCCD số: … cấp ngày: …/…/…, tại: …

Hộ khẩu thường trú …

Và vợ là bà: …

Hộ khẩu thường trú: …

Trong lúc sức khỏe chúng tôi còn tốt, tinh thần hoàn toàn minh mẫn, sáng suốt, vợ chồng chúng tôi hoàn toàn tự nguyện lập bản di chúc này để phòng sau khi có sự chuyển biến đột ngột về sức khỏe, chẳng may chúng tôi mất đi thì các con của chúng tôi sẽ căn cứ vào nội dung Di chúc này để phân chia tài sản của chúng tôi, tránh những tranh chấp, đảm bảo được tình thương yêu đoàn kết trong gia đình.

I. DI SẢN ĐỂ LẠI THỪA KẾ

Tại thời điểm lập di chúc này, chúng tôi quyết định định đoạt tài sản chung của vợ chồng chúng tôi khi còn sống bao gồm:…

Hiện nay, toàn bộ khối tài sản trên thuộc quyền sở hữu, sử dụng của chúng tôi và do chúng tôi cùng quản lý sử dụng.

II. NGƯỜI ĐƯỢC HƯỞNG DI SẢN

Nay vợ, chồng chúng tôi cùng nhau lập bản Di chúc này để định đoạt toàn bộ Di sản của chúng tôi nêu tại mục I của Di chúc này như sau:

Sau khi cả hai chúng tôi đều qua đời (chết) thì Di sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của chúng tôi được nêu tại mục I của Di chúc này sẽ giao những người thừa kế có tên dưới đây:

Ông/bà: … Sinh năm: …

CMND/CCCD số: … Cấp ngày: … Tại: …

Hộ khẩu thường trú: …

Chúng tôi khẳng định rằng ngoài các con của chúng tôi nêu trên, chúng tôi không để lại di sản thừa kế nêu tại Di chúc này cho bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào khác. 

Sau khi chúng tôi chết mong rằng các con của chúng tôi thực hiện đúng ý nguyện mà chúng tôi căn dặn tại Di chúc này.  Chúng tôi mong rằng các con, các cháu sống hòa thuận, vui vẻ, đoàn kết. 

Bản Di chúc này là bản cuối cùng do chúng tôi lập để định đoạt tài sản hợp pháp của chúng tôi. Bản Di chúc này được thay thế cho tất cả các bản Di chúc đã lập trước đó.

Sau khi cán bộ Tư pháp ông/bà … lắng nghe nguyện vọng của chúng tôi thì đã ghi chép, đánh máy và in Di chúc này, đọc cho chúng tôi toàn văn bản Di chúc này và chúng tôi đã tự mình đọc lại bản Di chúc, hiểu rõ, đồng ý toàn bộ nội dung ghi trên Di chúc và ký vào từng trang của Di chúc để công nhận rằng toàn bộ nội dung Di chúc được ghi chép, đánh máy, in ấn là hoàn toàn phù hợp với ý nguyện của chúng tôi.

Chúng tôi khẳng định lập Di chúc này trong trạng thái tinh thần hoàn toàn minh mẫn, sáng suốt, tự nguyện, không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép.

Chúng tôi cam đoan chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ nội dung Di chúc này.

Di chúc này được lập trên khổ giấy A4, bằng tiếng Việt, gồm … trang, … bản và được giao cho … mỗi người một bản.

NGƯỜI LẬP DI CHÚC

 (Ký, ghi rõ họ tên)       

2. Hướng dẫn cách viết di chúc chung vợ chồng

Về thông tin của người lập di chúc: Cần ghi rõ ràng, đầy đủ họ và tên, ngày sinh, giấy tờ chứng minh nhân thân, địa chỉ thường trú của cả vợ và chồng.

Về thông tin tài sản được định đoạt trong di chúc: vợ chồng muốn định đoạt tài sản chia thừa kế chung phải điển rõ, chính xác, đúng thông tin tài sản chung của vợ chồng.

– Đối với tài sản là bất động sản chẳng như quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở hoặc tài sản gắn liền trên đất thì ghi rõ cụ thể các thông tin về vị trí thửa đất, số tờ bản đồ, số thửa, diện tích đất, nguồn gốc sử dụng đất, diện tích xây dựng, diện tích sàn, số tầng, năm hoàn thành xây dựng của căn nhà, các thông tin về giấy tờ sở hữu như cơ quan cấp, ngày tháng cấp, số phát hành, … Còn với tài sản là động sản như xe ô tô, xe máy thì phải nêu được thông tin về biển số xe, số giấy đăng ký ô tô, ngày tháng năm cấp đăng ký xe, các thông tin chứng minh về chủ sở hữu, nhãn hiệu, số loại, màu sơn, số khung, số máy, loại xe….

– Đối với tài sản là thẻ tiết kiệm thì phải nêu rõ trong bản di chúc các thông tin liên quan về ngân hàng nơi lập thẻ tiết kiệm, số tiền tiết kiệm, kỳ hạn gửi tiết kiệm, lãi suất gửi tiết kiệm, …

Về thông tin của người được hưởng di sản và phần di sản được hưởng: Người lập di chúc muốn định đoạt tài sản của mình cho người khác sau khi chết thì phải nêu rõ các thông tin về nhân thân của người thừa kế, trong đó lưu ý nêu rõ các giấy tờ chứng minh mối quan hệ giữa người để lại di sản và người thừa kế, cũng như phần di sản mà người đó được hưởng cũng phải được quy định một cách cụ thể, rõ ràng, chi tết.

Kết thúc bản di chúc, người lập di chúc ký và ghi rõ họ tên. Di chúc do vợ chồng viết thì không cần người làm chứng và không phải công chứng hoặc chứng thực. Di chúc do người khác viết giúp thì phải có người làm chứng thì phải người làm chứng xác nhận về việc lập di chúc và ký, ghi rõ họ tên để làm căn cứ. Di chúc để bảo đảm tính hiêu lực thì nên được công chứng ở văn phòng công chứng hoặc được chứng thực bởi cán bộ Tư pháp ở Ủy ban nhân dân cấp xã.

3. Quyền lập di chúc chung của vợ chồng:

Di chúc chung vợ chồng được quy định tại Bộ luật dân sự năm 2005, tuy nhiên hiện nay, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã không còn quy định về di chúc chung vợ chồng nhưng hiện pháp luật cũng không cấm lập di chúc chung vợ chồng và điều chỉnh về việc lập di chúc như theo quy định chung.

Do đó, hai vợ chồng có thể lựa chọn lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung vợ chồng. Tuy nhiên, người thừa kế chỉ được hưởng di sản theo di chúc nếu người lập di chúc chết. Như vậy, trường hợp lập di chúc chung vợ chồng thì cả hai vợ chồng đều chết hoặc người vợ hoặc chồng chết sau cùng thì di chúc đó mới có hiệu lực pháp luật và những người được hưởng thừa kế theo di chúc mới thực hiện được các thủ tục tiếp theo để hưởng di sản.

Có thể thấy, việc lập di chúc chung vợ chồng sẽ có thủ tục, tính chất phức tạp hơn, di chúc chung thể hiện ý chí chung nên khi muốn sửa đổi, thay thế nội dung di chúc cũng cần có sự đồng ý thống nhất của hai vợ chồng. Bởi vậy, điều kiện hưởng di chúc cũng khó khăn hơn và nếu xảy ra tranh chấp cũng khó áp dụng luật để giải quyết một cách rõ ràng.

4. Điều kiện có hiệu lực của di chúc chung vợ chồng:

Di chúc chung của vợ chồng cũng là một loại di chúc thể hiện ý chí của vợ chồng trước khi chết về tài sản chung. Di chúc chung phải tuân thủ các điều kiện nhất định theo quy định của luật dân sự thì di chúc chung của vợ chồng mới phát sinh hiệu lực. Theo đó, để di chúc chung của vợ chồng có hiệu lực thì phải tuân thủ quy định tại Điều 630 Bộ luật dân sự năm 2015. Cụ thể như sau:

– Di chúc chung cả vợ chồng phải được lập khi cả hai vợ chồng có tinh thần còn minh mẫn, sáng suốt trong quá trình lập di chúc, không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép.

– Nội dung của di chúc chung vợ chồng lập không vi phạm điều cấm của luật, không có điều kiện trái với đạo đức xã hội.

– Hình thức của di chúc thực hiện đúng theo quy định khi lập di chúc, không trái với quy định của pháp luật.

Để thuận lợi và dễ dàng trong quá trình thực hiện cho người được hưởng di sản thừa kế sau này khi thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo di chúc thì vợ chồng khi lập di chúc nên phân định rõ ràng tài sản riêng mỗi người trong khối tài sản chung của vợ chồng và định đoạt ý chí bằng cách lập di chúc riêng mỗi người.

5. Có nên lập di chúc chung vợ chồng?

Trước đây, Bộ luật dân sự 2005 có quy định riêng về việc lập di chúc chung của vợ chồng để định đoạt tài sản chung của vợ, chồng. Tuy nhiên, việc lập di chúc chung của vợ, chồng trên thực tế còn gặp nhiều vấn đề vướng mắc.

Thứ nhất, trường hợp muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung thì vợ chồng phải được sự đồng ý của người kia; nếu một trong hai người vợ, chồng đã chết thì người còn lại chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản riêng của mình trong khối tài sản chung đó.

Thứ hai, di chúc chung của vợ chồng có hiệu lực kể từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm vợ, chồng cùng chết. Do đó, trong một số trường hợp, khi có tranh chấp, thời hiệu khởi kiện đối với người chết trước có thể đã hết. Điều này gây ảnh hưởng đến quyền lợi của những người thừa kế của người chết trước vì để yêu cầu chia di sản thừa kế thì hiệu lực chung phải chờ đến thời điểm di chúc chung có hiệu lực mới được chia di sản. Ngoài ra, việc lập di chúc chung còn ảnh hưởng đến cả quyền lợi của người còn lại khi không thể tự định đoạt được tài sản của mình trong khối tài sản chung của vợ chồng trong di chúc chung đó.

Thứ ba, việc áp dụng quy định về di chúc chung của vợ, chồng sẽ không còn ý nghĩa nếu một trong hai người chết trước mà người còn lại muốn thay đổi nguyện vọng, sửa đổi di chúc.

Do đó, hiện nay, di chúc chung của vợ chồng đã hủy bỏ tại Bộ luật dân sự 2015 có hiệu lực từ 01/01/2017. Tuy nhiên, pháp luật không còn quy định nhưng cũng không cấm việc vợ, chồng lập di chúc chung. Di chúc chung của vợ chồng có hiệu lực khi đáp ứng điều kiện về nội dung và hình thức theo quy định của pháp luật dân sự về di chúc. Tuy nhiên, việc lập di chúc chung vẫn còn phức tạp về thời điểm hiệu lực của di chúc và khi muốn sửa đổi di chúc cũng gặp nhiều khó khăn.

Chính vì vậy, vợ chồng muốn lập di chúc chung nên cân nhắc về việc lập di chúc riêng để việc thực hiện thuận lợi hơn.

Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:

– Bộ luật dân sự năm 2015;

– Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com