1. Khái niệm hợp đồng

Hợp đồng là một khái niệm phổi biến trong xã hội hiện nay, hợp đồng có ý nghĩa minh chứng cho sự thiết lập một quan hệ liên quan đến chuyển giao, trao đổi về các lợi ích vật chất, phi vật chất đáp ứng như cầu của con người trong cuộc sống. Việc giao kết hợp đồng dựa trên ý chí của các bên nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật.

Pháp luật Việt Nam hiện nay đưa ra rất nhiều khái niệm về hợp đồng dựa trên các loại hợp đồng khác nhau như: hợp đồng dân sự, hợp đồng kinh tế, hợp đồng lao động,… Nhưng dù là loại hợp đồng gì thì cũng phải được xác lập dựng trên những nội dung cơ bản do pháp luật quy định như: xác lập, thay đổi, chấm dứt một quan hệ. Trong đó, sự thỏa thuận giữa các bên cũng là điều tiên quyết để đi đến ký kết một hợp đồng.

– Khái niệm hợp đồng dân sự: Căn cứ Điều 385 Bộ luật Dân sự 2015:

“Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về xác lập, thay đổi và chấm dứt các quyền và nghĩa vụ dân sự”.

– Khái niệm hợp đồng kinh tế: Hợp đồng kinh tế là sự thỏa thuận giữa các bên về việc thực hiện một công việc, có thể là công việc sản xuất, trao đổi hàng hóa, dịch vụ, nghiên cứ, ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật và các thỏa thuận khác có mục đích kinh doanh, trong đó có sự ràng buộc quyền và nghĩa vụ của các bên.

Chúng ta có thể hiểu chung nhất hợp đồng được định nghĩa như sau: Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi, chấm dứt các quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm trong một giao dịch dân sự, giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ. 

 

2. Khái niệm về tranh chấp hợp đồng

Tranh chấp hợp đồng là sự mâu thuẫn về ý chí giữa các bên trong quan hệ hợp đồng. Sự mẫu thuẫn này thường là sự bất đồng quan điểm về giải quyết các vấn đề phát sinh trong khi thực hiện hợp đồng hoặc do vi phạm hợp đồng dẫn đến không thể thỏa thuận được với nhau.

Dựa vào khái niệm trên, chúng ta có thể nhận thấy đặc điểm quan trọng của tranh chấp hợp đồng là việc phát sinh từ trong quan hệ hợp đồng, các bên trong tranh chấp hợp đồng là các bên tham gia giao kết hợp đồng này. Ngoài ra, bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong quan hệ hợp đồng là những người chịu tác động từ vấn đề phát sinh khi thực hiện hợp đồng đó.

Tranh chấp trong hợp đồng thường xuất phát từ việc một trong hai bên vi phạm nghĩa vụ đã giao kết. Việc vi phạm này làm phương hại đến lợi ích của các bên trong quan hệ hợp đồng, thường là ảnh hưởng đến yếu tố lợi ích vật chất hoặc phi vật chất của bên còn lại. Điều này dẫn đến việc bên bị phương hại đến lợi ích hoặc các bên sẽ yêu cầu một bên khác, có thể là Tòa án, trọng tài thương mại, cơ quan nhà nước có thẩm quyền hay tổ chức khác để giải quyết vấn đề tranh chấp ấy.

Việc giao kết hợp đồng dựa trên nguyên tắc tự do ý chí, tự do thảo thuận giữa các bên và không vi phạm điều cấm của pháp luật. Việc giải quyết những vấn đề tranh chấp trong hợp đồng cũng vậy. Việc giải quyết tranh chấp trước hết là việc tôn trọng sự thỏa thuận giữa các bên và tuân thủ các quy định của luật. Bên cạnh đó, vấn đề tôn trọng sự bình đẳng giữa các bên cũng là yếu tố quan trọng khi giải quyết tranh chấp.

 

3. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự

Thứ nhất: Nguyên tắc tôn trọng ý chí của các bên

Như đã phân tích ở trên, hợp đồng đươc giao kết dựa trên sự thỏa thuận nên, việc giải quyết tranh chấp trong hợp đồng trước hết phải căn cứ vào sự tôn trọng ý chí, tự định đoạt của các bên. Ngay cả trong việc giải quyết tranh chấp tại Tòa án, vấn đề thỏa thuận và hòa giải cũng là vấn đề được đề cập trước hết. 

Thứ hai: Nguyên tắc bình đẳng

Mọi các nhân, tổ chức đều bình đẳng trước pháp luật, cho nên việc giải quyết tranh chấp hợp đồng dựa trên nguyên tắc bình đẳng là một vấn đề quan trọng. Trong quan hệ hợp đồng, nghĩa vụ của bên này sẽ đồng thời là quyền lợi của bên kia và ngược lại. khi thực hiện giải quyết tranh chấp, quyền lợi của các bên cần được giải quyết một cách công bằng và bình đẳng.

Thứ ba: Nguyên tắc tuân thủ pháp luật

Hợp đồng được tạo lập dựa trên quy định của pháp luật, nên việc giải quyết tranh chấp trong hợp đồng cũng phải tuân thủ nguyên tắc này. 

 

4. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp trong hợp đồng thương mại

Hợp đồng thương mại khác hợp đồng dân sự ở chủ thể của hợp đồng thương mịa là các thương nhân hoặc một bên là thương nhân, một bên không phải thương nhân. Nhưng về cơ bản viêc giải quyết tranh chấp thương mại đều phải tuân thủ những nguyên tắc giống như ở tranh chấp về hợp đồng dân sự.

Ngoài những nguyên tắc nêu trên, tranh chấp hợp đồng thương mại cần tuân thủ nguyên tắc bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng. Khi thực hiện việc ký kết một hợp đồng thương mại với người tiêu dùng, thương nhân phải chịu trách nhiệm về hàng hóa, dịch vụ của mình phải đảm bảo chất lượng. Khi hàng hóa xảy ra vấn đề, người tiêu dùng là bên yếu thế hơn, họ có quyền yêu cầu bồi thường cho phần quyền lợi mà họ bị xâm phạm đến và được pháp luật bảo vệ.

Bên cạnh nguyên tắc tuân thủ pháp luật, khi giải quyết tranh chấp cần thiết phải áp dụng những thói quen trong hoạt động thương mại được thiết lập giữa các bên và tập quán thương mại. Trường hợp những vấn đề tranh chấp phát sinh trong việc thực hiện hợp đồng mà chưa được pháp luật điều chỉnh một cách rõ ràng, tập quán thương mại và thói quen trong hoạt động thương mại được Tòa án, trọng tài thương mại áp dụng như một căn cứ để giải quyết tranh chấp giữa các bên. 

 

5. Phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng

5.1. Phương thức thương lượng

Thương lượng trong giải quyết tranh chấp hợp đồng là việc bàn bạc nhằm thống nhất giải quyết vấn đề phát sinh trong hợp đồng. Trong hợp đồng dân sự, và hợp đồng thương mại, khi xảy ra tranh chấp đây là phương hướng đầu tiên để các bên có thể thưc hiện. Đây không phải là một quy định bắt buộc, nhưng pháp luật khuyến khích các bên thương lượng với nhau trước khi đưa ra Tòa án hay Trọng tài bởi nó nhanh chóng, tiết kiệm chi phí và đảm bảo được nguyên tắc tôn trọng sự thỏa thuận và ý chí của các bên.

 

5.2. Phương thức hòa giải

Hòa giải là việc các bên yêu cầu một bên thứ ba làm trung gian giữa hai bên để tiến hành thỏa thuận những vấn đề tranh chấp phát sinh trong hợp đồng. Đối với hợp đồng dân sự liên quan đến đất đai, hòa giải là thủ tục bắt buộc, còn với tranh chấp thương mại và tranh chấp dân sự khác thì đây không phải là quy định bắt buộc. Tuy nhiên, pháp luật khuyến khích các bên hòa giải trước khi đưa ra Tòa án hoặc Trọng tài để giải quyết vì phương thức này sẽ không mất nhiều chi phí và thời gian, có thể hai bên vẫn giữ được quan hệ hợp tác.

 

5.3. Giải quyết tranh chấp bởi trọng tài

Trọng tài thương mại là phương thức áp dụng cho tranh chấp trong hoạt động thương mại. Các bên có thể lựa chọn một tổ chức Trọng tài để giải quyết vụ việc khi hai bên có thỏa thuận Trọng tài. Trọng tài hoạt động theo nguyên tắc xét xử một lần nên sẽ tiết kiệm thời gian. Việc không công khai khi giải quyết tranh chấp bởi Trọng tài cũng là một ưu điểm khi hai bên vẫn bảo vệ được uy tín nhất định trong kinh doanh.

 

5.4. Giải quyết tranh chấp bởi Tòa án

Tòa án là con đường giải quyết tranh chấp cho mọi vấn đề, mọi loại tranh chấp hợp đồng. Khi không thỏa thuận, thương lượng hoặc hòa giải được. Một trong các bên làm đơn yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng. Lợi thế của Tòa án là việc bản án, quyết định của Tòa có hiệu lực cưỡng chế thi hành. Bên cạnh đó, chi phí giải quyết tranh chấp bởi Tòa án thấp hơn so với giải quyết tranh chấp Trọng tài.

Mọi vướng mắc về tranh chấp hợp đồng, cần Luật sư của LVN Group tư vấn, hãy gọi ngay: 1900.0191 để được tư vấn pháp luật trực tuyến.