Giới thiệu về tác giả Trương Hán Siêu? Giới thiệu về tác phẩm Bạch Đằng giang phú? Nội dung Bạch Đằng giang phú? Dàn ý Phân tích đoạn 1 Phú sông Bạch đằng? Bài văn mẫu phân tích đoạn một trong bài Phú sông Bạch đằng?
Bạch Đằng giang phú là bài phú tiêu biểu nhất trong nền văn học trung đại Việt Nam, bài phú như gợi nhắc về những trang sử hào hùng nhưng cũng không kém phần đau thương của đất nước. Hãy tham khảo bài viết dưới đây về Phân tích đoạn 1 Phú sông Bạch đằng.
1. Giới thiệu về tác giả Trương Hán Siêu:
Trương Hán Siêu quê ở huyện Yên Ninh, phủ Trường Yên, nay thuộc Thành Phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, ông được nhận xét là người có học vấn uyên thâm, luôn chính trực và đặc biệt có tài văn chương và nghị chính sự, “văn võ song toàn” cùng tấm lòng yêu nước cao đẹp. Ông được vua Trần rất mực kính trọng đến nỗi “Nhà vua chỉ gọi ông là thầy chứ không gọi tên”, theo như sách Đại Việt sử ký toàn thư đã viết. Ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình: Hàn Lâm học sĩ, Hành khiển, Hữu ti Lang trung ở Môn hạ, Tả Tư Lang kiêm chức Kinh Lược sứ ở Lạng Giang, Gián nghị Đại phu tham chính sự…
Ông đã sáng tác rất nhiều tác phẩm thơ ca, nổi tiếng nhất là bài Bạch Đằng giang phú, Dục Thúy sơn, Cúc hoa bách vịnh, Quá Tống độ, Quang Nghiêm tự bi ký, Linh Tế tháp ký, Hoá Châu tác
2. Giới thiệu về tác phẩm Bạch Đằng giang phú:
Bạch Đằng giang phú được đánh giá là tác phẩm tiêu biểu của văn học trung đại yêu nước thời kì lịch sử Lý – Trần, là đỉnh cao nghệ thuật của thể thơ phú và được xem là áng thiên cổ hùng văn trong nền văn học dân tộc Việt Nam. Tác phẩm vừa có ý nghĩa tổng kết lại chiến thắng vang dội trên sông Bạch Đằng của quân dân nhà Trần trong cuộc chiến với quân giặc Mông – Nguyên, là áng văn hào hùng, niềm tự hào dân tộc, lòng tự tôn về truyền thống anh hùng bất khuất đấu tranh để bảo vệ chủ quyền đất nước và đạo nghĩa nhân đạo của dân tộc Việt Nam.
Sông Bạch Đằng là một nhánh sông nhỏ đổ ra biển Đông ngự tại vị trí giữa thị xã Quảng Ninh và Hải Phòng nơi gắn liền với các chiến tích lịch sử hào hùng của đất nước trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm.
Trương Hán Siêu khi đi dạo chơi sông Bạch Đằng đã sáng tác ra bài phú này. Không rõ bài phú được viết năm nào, chỉ ước đoán vào khoảng 50 năm sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên – Mông thắng lợi của quân dân nhà Trần dưới sự lãnh đạo của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn.
3. Nội dung Bạch Đằng giang phú:
Bạch Đằng giang phú được viết theo thể phú, nguyên tác được viết bằng chữ Hán. Cấu trúc của bài thơ theo hình thức đối đáp giữa hai bên là chủ và khách. Khách chính là người yêu thiên nhiên, có thú vui là du ngoạn khắp nơi, tâm hồn tự do phóng khoáng, và đặc biệt tâm huyết với lịch sử hào hùng của dân tộc. Khách tìm đến con sông Bạch Đằng này không chỉ với tình yêu thiên nhiên cảnh trí mà còn với tấm lòng ngưỡng mộ muốn tận mắt trải nghiệm nơi xảy ra trận đánh oanh liệt và khát vọng sự tò mò muốn khám phá, tìm hiểu về những trang sử của dân tộc Đại Việt, khách muốn noi theo gương của vị sử gia nổi tiếng Trung Quốc thời Hán là Tử Trường. Còn chủ là những vị bô lão thấu hiểu thiên văn địa lý ở nơi ven sông Bạch Đằng cũng vừa là người dân địa phương, hoặc cũng có thể vừa là những nhân chứng lịch sử được tận mắt chứng kiến hoặc trực tiếp từng tham gia cuộc chiến. Cũng có thể đây là nhân vật mang tính chất hư cấu, mà tác giả muốn xây dựng lên để có thể dễ dàng bộc bạch những cảm xúc, tâm trạng nghĩ suy về đất nước, dân tộc.
4. Dàn ý Phân tích đoạn 1 Phú sông Bạch đằng:
4.1. Mở Bài:
Giới thiệu về tác giả Trương Hán Siêu và tác phẩm Bạch Đằng giang phú.
Dẫn dắt người đọc vào yêu cầu của đề bài là phân tích khổ 1 bài “Bạch Đằng giang phú”: đây là bài phú xuất sắc nhất trong thể phú của văn học trung đại Việt Nam, đặc biệt trong đoạn một của bài phú, tác giả không chỉ ngợi ca truyền thống chống giặc ngoại xâm anh hùng bất khuất kiên cường của dân tộc Đại Việt mà còn là lòng tự hào về cảnh sắc hùng vĩ tươi đẹp của quê hương đất nước.
4.2. Thân Bài:
Giới thiệu về nhân vật “khách” trong bài phú:
– Thực chất là sự phân thân của chính tác giả Trương Hán Siêu.
– Là kẻ thích đi ngao du và khám phá về lịch sử dân tộc trên khắp bốn phương đất nước
Hành trình du ngoạn, khám phá của nhân vật “khách”:
– Mục đích đến sông Bạch Đằng là đi du ngoạn.
– Liệt kê các địa danh trong bài phú.
Cảnh vật thiên nhiên hùng vĩ, bi tráng trên sông Bạch Đằng lịch sử:
– Đó là vẻ đẹp kì vĩ, tráng lệ, thơ mộng.
– Và cũng mang vẻ đẹp hoang vắng có chút đìu hiu, buồn lặng.
Trạng thái và tình cảm của kẻ “khách” trước cảnh trí thiên nhiên nơi sông Bạch Đằng:
– Thấy tự hào vô cùng cảnh sắc quê hương đất nước và sự anh dũng và hùng mạnh của dân tộc trước quân xâm lược, quân cướp nước
– Buồn thương tiếc nuối vì dân tộc đã phải gồng mình lên chiến đấu, đổ biết bao xương máu tại nơi đây
4.3. Kết Bài:
Khẳng định lại Ý nghĩa đoạn 1 bài “Bạch Đằng giang phú: tác giả đưa người đọc trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, từ niềm tự đến nỗi buồn thương tiếc nuối.
Nếu cảm nhận cá nhân về nội dung và phòng cách nghệ thuật của nhà thơ sử dụng trong bài.
5. Bài văn mẫu phân tích đoạn một trong bài Phú sông Bạch đằng:
Giáo sư Nguyễn Đình Chú từng nhận xét rằng “Giá trị của phú là ở chỗ không chỉ làm sống dậy hào khí chiến đấu của trận Bạch Đằng mà còn làm sáng chân lý muôn đời của dân tộc”. Và “Bạch Đằng giang phú” là một bài phú xuất sắc nhất như thế, đằng sau khí thế chiến thắng anh hùng của trận chiến ác liệt trên sông Đằng bài phú là niềm tự hào dân tộc cùng tư tưởng nhân nghĩa sáng ngời. Đặc biệt trong đoạn một của bài phú này, tác giả Trương Hán Siêu đã ngợi ca dáng vẻ cao đẹp của con sông Bạch Đằng đầy dấu tich lịch sử của dân tộc.
Vẻ đẹp cảnh trí thiên nhiên của con sông Bạch Đằng được tác giả Trương Hán Siêu khắc họa qua cái nhìn và sự cảm nhận của nhân vật “khách”, và có thể hiểu nhân vật “khách” chính là sự phân thân của tác giả. Ngay từ những dòng đầu tiên tác giả đã giới thiệu với đọc giả về tính cách, thú vui của kẻ khách là thích du ngoạn khắp nơi, tâm hồn tự do và tràn đầy sự phóng khoáng:
“Khách có kẻ… Lướt bể chơi trăng mải miết”
Nhân vật “khách” đã liệt kê ra hàng loạt những địa danh nổi tiếng qua kiến thức hiểu biết và qua trải nghiệm thực tế đi du ngoạn khắp nơi của chính mình. Trong đó có một loạt các địa danh vô cùng nổi tiếng của Trung Hoa như: Sông Nguyên, sông Tương, Cửu Giang, Vũ Huyệt, Đầm Vân Mộng, Tam Ngô, Ngũ Hồ, Bách Việt.
“Sớm gõ thuyền chừ Nguyên Tương,
Chiều lần thăm chừ Vũ huyệt.
Cửu Giang, Ngũ Hồ, Tam Ngô, Bách Việt.
Nơi có người đi, đâu mà chẳng biết.
Đầm Vân Mộng chứa vài trăm trong dạ cũng nhiều,.”
Kẻ khách khẳng định “Nơi có người đi, đâu mà chẳng biết” để nói lên tri thức sâu rộng, phong phú của mình. Hơn thế “khách” còn nhắc tới “tráng chí bốn phương vẫn còn tha thiết” như lời bày tỏ về giấc mơ hoài bão to lớn và bản lĩnh khoáng đạt trong tấm lòng của mình. Ngoài các địa danh nổi tiềng trên đất Trung Hoa, kẻ khách còn nhắc tới những địa danh gắn liền với các sự kiện lịch sử trên đất Việt như: cửa Đại Than, bến Đông Triều, sông Bạch Đằng:
“Qua cửa Đại Than, ngược bến Đông Triều,
Đến sông Bạch Đằng, thuyền bơi một chiều”.
Ta có thể thấy khách là một kẻ có tấm lòng yêu thiên nhiên chân thành say đắm, vốn hiểu biết sâu rộng lại cộng thêm thú vui đầy say mê luôn muốn được thỏa thích thưởng ngoạn, ngắm nhìn vẻ đẹp thiên nhiên. Và với tấm lòng yêu thiên nhiên tha thiết ấy, nhân vật khách đã khắc nét nên cảnh trí thiên nhiên nơi con sông Bạch Đằng vô cùng tinh tế và sống động, mang nhiều nét đẹp khác biệt:
“Đến sông Bạch Đằng, thuyền bơi một chiều.
Bát ngát sóng kình muôn dặm,
Thướt tha đuôi trĩ một màu.
Nước trời một sắc, phong cảnh: ba thu.
Bờ lau san sát, bến lách đìu hiu
Sông chìm giáo gãy, gò đầy xương khô”
Sông Bạch Đằng với vẻ “sóng kình muôn dặm” nhưng cũng không kém phần trữ tình với hình ảnh “Thướt tha đuôi trĩ một màu”. Trên từng đợt sóng dữ ấy là đoàn thuyền nối nhau như đuôi chim trĩ trôi trên sông vượt qua từng đợt sóng kình. Đất trời cùng sông nước hòa hợp với nhau “nước trời: một sắc” cùng một màu xanh trong còn phong cảnh cũng đẹp nhất trong tháng thứ ba của mùa thu. Cảnh sắc đất trời hiện lên thơ mộng, nhưng cũng đượm buồn với bờ lau, bến lách kết hợp với các từ láy “san sát”, “đìu hiu” khiến càng thêm hoang vắng và cô quạnh. Những bờ lau trắng nối nhau cạnh bờ sông, bến lách đìu hiu, thê lương. Đây là nơi chiến địa sinh tử với biêt bao con người ngã xuống, dưới sông là giáo gươm, trên gò là xương khô. Đó là minh chứng cho trang sử hào hùng không tránh khỏi tiếc thương và mất mát, hy sinh.
“Buồn vì cảnh thảm, đứng lặng giờ lâu.
Thương nỗi anh hùng đâu vắng tá,
Tiếc thay dấu vết luống còn lưu!”
Trước khung cảnh nơi đây người ta chỉ còn cảm thấy nỗi buồn vì chiến tranh, buồn vì lịch sử cũng mai một theo thời gian.
Như vậy với đoạn mở đầu của “Bạch Đằng giang phú”, Trương Hán Siêu đã khiến người đọc đi qua nhiều trạng thái cảm xúc khác nhau, từ niềm tự hào về lịch sử dân tộc đến nỗi tiếc nuối vì thời gian khiến những giá trị lịch sử bị phai mờ, mai một. Từ đó khơi dậy ý thức về bảo vệ và gìn giữ giá trị lịch sử, ghi nhớ công ơn sự hi sinh của thế hệ đã ngã xuống để tạo nên nên nền hòa bình cho đất nước Việt Nam.