Vẻ đẹp khuất lấp của người vợ nhặt và người đàn bà hàng chài

Hình ảnh người vợ nhặt trong ” Vợ nhặt ” của Kim Lân? Hình ảnh người đàn bà làng chài trong ” Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu? Dàn bài phân tích chi tiết Vẻ đẹp khuất lấp của người vợ nhặt và người đàn bà hàng chài? Phân tích Vẻ đẹp khuất lấp của người vợ nhặt và người đàn bà hàng chài số 1? Phân tích Vẻ đẹp khuất lấp của người vợ nhặt và người đàn bà hàng chài số 2?

Gấp lại hai tác phẩm “Vợ nhặt” của Kim Lân và ” Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyên Minh Châu, điểm gặp gỡ của hai nhà văn là đều hướng đến tái hiện những thân phận nhỏ bé, bất hạnh, những nạn nhân đáng thương của hoàn cảnh. Đó là người vợ nhặt trong “Vợ nhặt” và người đàn bà hàng chài trong “Chiếc thuyền ngoài xa”. Bài viết dưới đây sẽ đi phân tích Vẻ đẹp khuất lấp của người vợ nhặt và người đàn bà hàng chài. 

1. Hình ảnh người vợ nhặt trong ” Vợ nhặt ” của Kim Lân:

Chị xuất hiện trước mặt Tràng lần thứ hai với thân hình gầy sọp, quần áo tả tơi như tô đỉa, khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn hai con mắt. Chị ăn nói cong cớn, chỏng lỏn, trơ trẽn. Tràng mời ăn giầu, chị không ăn mà nói thẳng: “Có ăn gì thì ăn, chả ăn giầu”. Và chỉ chờ Tràng nói: “Đấy, muốn ăn gì thì ăn” thì mắt chị sáng lên rồi ngồi sà xuống “cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì”. Ăn xong cầm dọc chiếc đũa quệt ngay miệng thở: “Hà, ngon!”. Thế rồi Tràng nói đùa: “Này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về”. “Ai ngờ thị về thật”, chấp nhận theo không người đàn ông về làm vợ mà chẳng rõ ngọn ngành. Người đọc có thể dễ dàng nhận thấy, đó là người đàn bà chẳng còn lòng tự trọng, chẳng còn nhân cách. Nhưng đọc kĩ, ta sẽ thấy ở chị những nét đẹp khuất lấp mà không dễ gì phát hiện ra ngay.

– Đó là một cô gái nhanh nhẹn, vui vẻ, hoạt bát khi chị chạy đến đẩy xe thóc cho Tràng lên dốc tỉnh lần đầu.

– Chị thấy e thẹn, ngượng ngùng khi về qua xóm ngụ cư: kéo nón che nghiêng nửa mặt, đầu hơi cúi xuống.

– Chị theo Tràng về nhà làm vợ cũng là vì khát vọng được sống và hạnh phúc. Trong lòng chị cũng yêu và quý mến Tràng thực sự qua những biểu hiện của chị với Tràng trên đường về nhà.

– Chị thở dài thấy buồn, cám cảnh trước “cái nhà vắng teo, đứng rúm ró trên mảnh vườn mọc lổn nhổn những búi cỏ dại”.

– Chị ngồi khép nép ở mép giường và nhìn Tràng bỗng thấy ngượng nghịu.

– Khi chị được hai mẹ con Tràng yêu thương, chị cảm nhận được hạnh phúc của mái ấm gia đình mặc dù trong bữa ăn đón chị về vô cùng thảm hại. Chị đã trở thành người phụ nữ hiền thục, chăm chỉ, dậy sớm cùng mẹ chồng thu dọn nhà cửa sạch sẽ…

– Chị còn là người mở ra, “khai sáng” cho cái đầu ngờ nghệch của Tràng khi nghe tiếng trống thúc thuế ngoài đình: “Ở đây vẫn phải đóng thuế cơ à? – Trên mạn Thái Nguyên, Bắc Giang người ta không chịu đóng thuế nữa đâu. Người ta còn phá cả kho thóc của Nhật chia cho người đói nữa đấy”.

=> Rõ ràng thẳm sâu trong mỗi con người, có biết bao điều đẹp đẽ mà ta mới nhìn không thể thấy. Nếu đặt chị vợ nhặt vào một hoàn cảnh sung sướng đầy đủ khác, có lẽ chị chẳng thể có những vẻ lấm láp về nhân cách như thế.

2. Hình ảnh người đàn bà làng chài trong ” Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu: 

Người đàn bà hàng chài là nhân vật chính, có vai trò quan trọng với việc thể hiện tư tưởng của tác phẩm. Nhân vật này được khắc hoạ sắc nét, theo lối tương phản giữa bề ngoài và bên trong, giữa thân phận và phẩm chất.

Cô có ngoại hình xấu xí, thô kệch nhưng ẩn chứa bên trong là một tấm lòng nhân hậu, vị tha, độ lượng, giàu đức hi sinh. Phía sau vẻ cam chịu, nhẫn nhục vẫn là một người có khát vọng hạnh phúc, can đảm, cứng cỏi. Phía sau vẻ quê mùa, thất học lại là một người phụ nữ thấu hiểu, sâu sắc lẽ đời.

Người đàn bà hàng chài là nạn nhân của đói nghèo, của những trận bạo lực gia đình. Nhân vật người đàn bà được Nguyễn Minh Châu tái hiện rõ nét theo lối tương phản giữa bề ngoài và bên trong, giữa thân phận và phẩm chất.

Bên trong vẻ ngoài cam chịu, nhẫn nhục vô nghĩa lí khi chấp nhận chung sống với người chồng vũ phu, chấp nhận cuộc sống như địa ngục lại là một tấm lòng vị tha, độ lượng, giàu đức hi sinh của một người đàn bà hiểu biết. Người đàn bà hàng chài không chịu bỏ chồng vì muốn các con có một mái ấm với cả bố và mẹ, được ăn no, chị ta hiểu được cái khắc nghiệt của cuộc sống mưu sinh trên biển không thể thiếu bàn tay chèo lái của người đàn ông, và trên hết là người đàn bà ấy hiểu bản chất của người chồng không xấu, hắn ta bạo tàn, vô tình như thực tại cũng vì quá nghèo khổ.

Thông qua câu chuyện của người đàn bà ở tòa án huyện, ta mới vỡ nhẽ ra rằng người đàn bà ấy không cam chịu một cách vô nghĩa lí, không nhẫn nhục một cách mù quáng, chị ta chấp nhận hi sinh bản thân để bảo vệ hạnh phúc gia đình, bảo vệ những điều tốt đẹp mà chị ta trân trọng. Như vậy phía sau vẻ thô kệch, quê mùa lại là người phụ nữ thấy hiểu lẽ đời, một người giàu tình thương.

3. Dàn bài phân tích chi tiết Vẻ đẹp khuất lấp của người vợ nhặt và người đàn bà hàng chài: 

A, Mở bài: Giới thiệu hai tác giả, tác phẩm

Kim Lân là nhà văn chuyên viết về nông thôn và cuộc sống người dân quê, có sở trường về truyện ngắn. Vợ nhặt là truyện ngắn xuất sắc, viết về tình huống “nhặt vợ” độc đáo, qua đó thể hiện niềm tin mãnh liệt vào phẩm chất tốt đẹp của những con người bình dị trong nạn đói thê thảm.

Nguyễn Minh Châu là nhà văn tiêu biểu thời chống Mĩ, cũng là cây bút tiên phong thời đổi mới. Chiếc thuyền ngoài xa là truyện ngắn xuất sắc ở thời kì sau, viết về lần giáp mặt của một nghệ sĩ với cuộc sống đầy nghịch lí của một gia đình hàng chài, qua đó thể hiện lòng xót thương, nỗi lo âu đối với con người và những trăn trở về trách nhiệm của người nghệ sĩ.

B, Thân bài

Vẻ đẹp khuất lấp

– Nhìn về hình thức bên ngoài của mỗi người chúng ta chưa chắc đã có thể phản ánh hết toàn diện điểm tốt và xấu của một người, nếu chỉ nhìn bên ngoài chúng ta sẽ không thể cảm nhận được những gì khuất lấp bên trong. Có thể cái xấu xa, thấp hèn núp đằng sau vẻ đẹp cao sang, lịch lãm bên ngoài; có thể cái đẹp, cái cao thượng nấp sau vẻ thô kệch, xấu xí, lấm láp bề ngoài… Nguyễn Minh Châu luôn tâm niệm: thiên chức của nhà văn là suốt đời đi tìm những hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người để nâng đỡ, ca ngợi.

– Hình ảnh người vợ nhặt và ngưòi đàn bà hàng chài đã chứa đựng những mâu thuẫn giữa bề ngoài và bên trong như thế, nếu chỉ nhìn họ với con mắt hời hợt thì không thể thấy hết được những vẻ đẹp ẩn chứa bên trong tâm hồn mỗi người. Cái giống nhau ở họ là cả hai người con gái trong hai tác phẩm đều vô danh tính, có ngoại hình xấu xí, nhạt nhòa trong bao số phận nghèo khổ, thua thiệt, bị cuộc sống dồn đẩy vào những hoàn cảnh trớ trêu, éo le nhưng họ vẫn luôn giữ được phẩm chất đẹp đẽ, giản dị mang nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam.

Làm rõ đối tượng thứ nhất: Nhân vật người vợ nhặt

Giới thiệu chung: Tuy không được miêu tả thật nhiều nhưng người vợ nhặt vẫn là một trong ba nhân vật quan trọng của tác phẩm. Nhân vật này được khắc hoạ sống động, theo lối đối lập giữa bề ngoài và bên trong, ban đầu và về sau.

Một số vẻ đẹp khuất lấp tiêu biểu:

– Phía sau tình cảnh trôi dạt, vất vưởng, là một lòng ham sống mãnh liệt.

– Phía sau vẻ nhếch nhác, dơ dáng, lại là một người biết điều, ý tứ.

– Bên trong vẻ chao chát, chỏng lỏn, lại là một người phụ nữ hiền hậu, đúng mực, biết lo toan.

Làm rõ đối tượng thứ 2: Nhân vật người đàn bà chài

Giới thiệu chung: Là nhân vật chính, có vai trò quan trọng với việc thể hiện tư tưởng của tác phẩm. Nhân vật này được khắc hoạ sắc nét, theo lối tương phản giữa bề ngoài và bên trong, giữa thân phận và phẩm chất.

Một số vẻ đẹp khuất lấp tiêu biểu:

– Bên trong ngoại hình xấu xí, thô kệch là một tấm lòng nhân hậu, vị tha, độ lượng, giàu đức hi sinh.

– Phía sau vẻ cam chịu, nhẫn nhục vẫn là một người có khát vọng hạnh phúc, can đảm, cứng cỏi.

– Phía sau vẻ quê mùa, thất học lại là một người phụ nữ thấu hiểu, sâu sắc lẽ đời.

Chi tiết đầy dư vị hóm hỉnh, trong nạn đói thê thảm. Vẻ đẹp được khắc sâu ở người đàn bà hàng chài là những phẩm chất của một người mẹ nặng gánh mưu sinh, hiện lên qua các chi tiết đầy kịch tính, trong tình trạng bạo lực gia đình…

C, Kết bài:

– Khái quát những nét giống nhau và khác nhau tiêu biểu.
– Có thể nêu những cảm nghĩ của bản thân.

4. Phân tích Vẻ đẹp khuất lấp của người vợ nhặt và người đàn bà hàng chài số 1: 

Trong quá trình sáng tác, mỗi người nghệ sĩ luôn tự tìm tòi và khai phá những góc nhìn riêng biệt của mình trong các đề tài văn học. Mỗi tác giả luôn luôn mong muốn có thể tìm kiếm cho mình những lối đi riêng, những phong cách nghệ thuật riêng. Kim Lân và Nguyễn Minh Châu không phải là một ngoại lệ. Ấy vậy mà trong những trang văn để lại cho đời của hai cây viết này, bạn đọc vẫn nhìn thấy được sự đồng điệu giữa 2 tác giả khi cũng viết về vẻ đẹp khuất lấp của 2 nhân vật – 2 người phụ nữ trong tác phẩm của mình. Đó là hình ảnh người mẹ tảo tần với đức hy sinh thầm lặng cho những đứa con – người đàn bà hàng chài trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” (Nguyễn Minh Châu) và hình ảnh của người vợ nhặt trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Kim Lân.

Nhân vật người vợ nhặt xuất thân trong truyện ngắn vợ nhặt và được xây dựng với những tính cách qua ngòi bút góc nhìn của Kim Lân. Tại đây ông đã cho ta thấy một vẻ đẹp tiêu biểu của người phụ nữ, dù có trải qua khốn khổ vẫn đẹp sáng một tâm hồn hướng về cái đẹp, cái thiện.

Phía sau cảnh tình bị trôi dạt trong đói nghèo là một trái tim ham sống đến mãnh liệt và tột cùng. Người đàn bà ấy đã chỉ vì “cơm trắng mấy giò” vì “4 cái bát bánh đúc” đã theo Tràng về làm vợ. Phía sau cái nhếch nhác và đói khổ lại là một tâm hồn có hiểu biết có ý tứ biết bao. Khi mới về nhà Tràng thị rất ý tứ, chỉ dám ngồi mép giường, những hành động ngại ngùng thật nữ tính.

Bên trong cái chao chát, chỏn lỏn lúc gặp Tràng, lại là một tâm hồn cực kì hiền lành và hiền hậu, đúng mực biết lo toan cho gia đình. Sáng sớm Tràng thức dậy đã thấy nhà cửa sạch tinh tươm, là cô vợ mới của Tràng đã giúp Tràng đó.

Còn, đối với người đàn bà hàng chài. Cuộc sống mưu sinh đã nhấn chìm bà thành một con người xấu xí, nghèo đói. Người đàn bà là nhân vật chính trong câu truyện, giữ vai trò quan trọng thể hiện nội dung tư tưởng của tác phẩm. Qua nhân vật này ta thấy được sự khắc họa rõ nét và sinh động của nhà văn, theo lối tương phản giữa vẻ bên ngoài và tâm hồn đẹp bên trong. Giữa ngoại hình và phẩm chất của bà.

Người đàn bà hàng chài có vẻ bề ngoài không mấy ưa nhìn. Khi ngoại hình xấu xí, thô kệch, nhưng lại là một người mẹ hi sinh, nhân hậu và bao dung. Trái tim không khi nào vơi tình yêu dành cho con cái của mình. Chỉ cần nhìn thấy chúng ăn no bà đã thấy hạnh phúc. Phía sau vẻ thất học, quê mùa thì ấy lại là một người hiểu biết sâu sắc lẽ đời.

Chính bà đã khiến đẩu và Phùng nhận thức lại được hoàn cảnh và cảm thông sâu sắc trân trọng hơn đối với người phụ nữ ấy. Hóa ra đằng sau đó lại là một con người khác hẳn, đẹp đẽ quá, đáng quý đáng trân trọng.

Cả hai nhân vật đều có nét tương đồng, là những người nhỏ bé, nạn nhân của cuộc sống, nhưng trong họ đều có những vẻ đẹp đáng trân trọng, ngợi ca. Cả hai đều được khắc họa chân thực. Nhưng cũng có khác biệt, vẻ vợ nhặt chủ yếu là hình ảnh của cô con dâu mới. Còn người đàn bà hàng chài được khắc họa chủ yếu thông qua phẩm chất của người mẹ mưu sinh, qua các chi tiết kịch tính, qua nạn bạo lực gia đình.

Cả hai nhà văn đã làm nổi bật lên vẻ đẹp người phụ nữ, họ sống trong hoàn cảnh khác nhau nhưng đều hiện lên vẻ đẹp và một đời sống tâm hồn đáng quý. Từ đó khẳng định tư tưởng nhân đạo và ngòi bút hiện thực sâu sắc của nhà văn.

5. Phân tích Vẻ đẹp khuất lấp của người vợ nhặt và người đàn bà hàng chài số 2: 

Tôi vẫn còn nhớ những ám ảnh mà bức ảnh “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu để lại trong tâm thức của mình. Biết bao nhiêu những nghiệt ngã sau vẻ đẹp tưởng chừng hoàn mỹ đến vậy để cho bạn đọc thấy được những khía cạnh khác của xã hội những năm 80 đầy “giông bão”. Và tôi cũng chưa một lần quên đi cảm giác như được tận mắt chứng kiến người đàn bà bán rẻ nhân phẩm của mình để giành lấy sự sống, thật khó khăn ở nạn đói 1945 thảm khốc trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân. Nhân vật xuất hiện trong câu chuyện của Nguyễn Minh Châu hay Kim Lân đều là những người phụ nữ với vẻ ngoài không được đẹp đẽ nhưng lại mang trong mình một vẻ đẹp khuất lấp, một sức sống mãnh liệt. Để rồi, hình ảnh của người đàn bà hàng chài và người vợ nhặt đã sống như thế, in đậm trong trái tim của bạn đọc nhiều thế hệ.

Người vợ nhặt trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Kim Lân không được ưu ái về ngoại hình xuất thân đồng thời khi thị xuất hiện trong tác phẩm, đến cả tính cách của thị cũng khiến người đọc phải ngã ngửa. Đó là một người đàn bà chao chát, chỏng lỏn, là một con người khá vô duyên, xấu xí. Khi Tràng hò bông đùa một câu hò thị cũng xấp mải chạy đến đẩy xe bò cho anh. Sau đó mấy hôm, thị xuất hiện trước mặt Tràng lần nữa và khiến Tràng phải giật mình vì vẻ ngoài của mình. Sự đen đúa, xám xịt vì đói khiến thị trở nên khó nhận dạng, thế nhưng vẫn cái tính cách trơ trẽn ấy, thị chạy lại đòi Tràng mời ăn và khi được Tràng mời ăn bánh đúc thì thị cúi đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc chẳng nhìn ai. Mãi đến khi đánh chén xong xuôi thị mới ngẩng đầu lên, cầm đôi đũa quẹt ngang miệng và chép miệng khen ngon. Ở người vợ nhặt lúc này, người ta không tìm thấy một chút biểu hiện của sự nhẹ nhàng, duyên, dáng, tinh tế của những người phụ nữ. Chỉ có ở đây một người đàn bà cố phần thô thiển, trâng tráo. Thế rồi không đợi Tràng phải mở lời lần thứ hai thị đã gật đầu cái rụp theo Tràng về nhà đồng ý làm vợ anh. Người vợ nhặt ở phần đầu câu chuyện càng bỗ bã, vô duyên bao nhiêu thì đến phần sau thị lại khéo léo, tế nhị bấy nhiêu. Thị biết thẹn thùng khi theo Tràng về nhà, biết ý tứ ngồi mớm ở mép giường. Biết gia cảnh nhà Tràng, thị cũng chỉ nén một tiếng thở dài chứ không sừng sộ, bỏ đi. Thị còn rụt rè, lo sợ khi gặp mẹ chồng. Sáng hôm sau, thị dậy thật sớm cùng mẹ dọn dẹp nhà cửa, phát quang ruộng vườn. Thị bỗng hóa thân thành một nàng dâu hiền thảo, một cô Tấm giữa đời thực. Khi mẹ chồng bưng ra mời cô con dâu mới nồi cháo cám, thị cũng không hề có những phản ứng thô thiển như lúc trước mà chỉ lặng lẽ và miếng cháo chát nghẹn vào miệng. Rồi thị kể cho Tràng và mẹ nghe những câu chuyện về những người đi phá kho thóc, gieo vào lòng họ những niềm tin về một tương lai tươi sáng.

Người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của nhà văn Nguyễn Minh Châu thì ban ban đầu khi nghệ sĩ Phùng gặp gỡ và chứng kiến lần đầu tiên đã cho thấy đây cũng là một người đàn bà có ngoại hình không lấy gì làm đẹp đẽ. Đã vậy, chị lại cam chịu, cam chịu một cách hèn mọn, để chồng đánh mình, con xông vào can thì chị ngăn cản. Khi Phùng và Đẩu gọi chị đến tòa án và khuyên chị li hôn chị lại một mực từ chối. Người phụ nữ ban đầu bước vào tòa án với vẻ ngoài rụt rè, nhút nhát bỗng dưng chuyển mình thay đổi thành một con người làm chủ, chủ động giải thích về hoàn cảnh của mình. Hóa ra chính chị lại là người chu đáo, tỉ mỉ. Chị biết nghĩ cho từng thành viên trong gia đình, biết cân nhắc nặng nhẹ lớn nhỏ, biết nhìn xa trông rộng. Chị hiểu rằng li hôn không phải là cách giải quyết tốt nhất ngược lại còn khiến cho mọi việc trở nên tồi tệ hơn. Sau khi nghe chị giải thích cả Phùng và Đẩu mới ngộ ra được nhiều điều, hóa ra họ cũng chỉ hiểu được phần nổi của câu chuyện, chỉ nắm được lí thuyết suông mà không biết rằng, thực tế cuộc sống còn rất nhiều khía cạnh, rất nhiều điều mà họ không biết tới. Chính người đàn bà hàng chài lúc này mới là người dạy cho họ những bài học về đường đời sâu sắc, thấm thía và thực tế.

Cả hai người phụ nữ đều là những con người chăm chỉ, dịu dàng, nhu mì. Họ biết chịu đựng, biết nhẫn nhịn và biết hi sinh. Dù cuộc sống đã đẩy họ vào những hoàn cảnh tăm tối nhưng họ luôn cố gắng vươn lên, nhìn về tương lai phía trước chứ không bi lụy vì thực tại, vì quá khứ. Thực ra chính họ mới chính là những người phụ nữ tốt đẹp nhất, mang trong mình những vẻ đẹp đáng quý của con người Việt Nam.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com