Luật lâm nghiệp (năm 2017) quy định: Chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng; giao đất, cho thuê đất để trồng rừng; tự phục hồi, phát triển rừng; nhận chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế rừng theo quy định của pháp luật.
Theo đó, ở Việt Nam có các loại chủ rừng là: (1) Ban quản lý rừng đặc dụng, ban quản lý rừng phòng hộ. (2) Tổ chức kinh tế bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và tổ chức kinh tế khác được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 7 Điều này. (3) Đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân được giao rừng (sau đây gọi là đơn vị vũ trang). (4) Tổ chức khoa học và công nghệ, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp về lâm nghiệp. (5) Hộ gia đình, cá nhân trong nước. (6) Cộng đồng dân cư. (7) Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước cho thuê đất để trồng rừng sản xuất.
Các chủ rừng có chung 7 quyền quy định tại điều 73 luật lâm nghiệp và 7 nghĩa vụ theo điều 74 của luật. Ngoài ra mỗi loại chủ rừng lại có những quyền và nghĩa vụ riêng được quy định từ điều 75 đến điều 89 trong luật lâm nghiệp.

1. Quyền và nghĩa vụ của chủ rừng 

Quyền chung của chủ rừng

Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định của pháp luật.

Được hưởng lâm sản tăng thêm từ rừng do tự đầu tư vào rừng tự nhiên, rừng trồng là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.

Sử dụng rừng phù hợp với thời hạn giao rừng, cho thuê rừng và thời hạn giao đất, cho thuê đất trồng rừng theo quy định của Luật này và pháp luật về đất đai.

Được cung ứng dịch vụ môi trường rừng và hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng.

Được hướng dẫn về kỹ thuật và hỗ trợ khác theo quy định để bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học rừng; được hưởng lợi từ công trình hạ tầng phục vụ bảo vệ và phát triển rừng do Nhà nước đầu tư.

Được Nhà nước bồi thường giá trị rừng, tài sản do chủ rừng đầu tư, xây dựng hợp pháp tại thời điểm quyết định thu hồi rừng.

Được Nhà nước hỗ trợ kinh phí đối với chủ rừng phát triển rừng sản xuất khi bị thiệt hại do thiên tai.

Hợp tác, liên kết với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài để bảo vệ và phát triển rừng.

Được bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp khác.

Nghĩa vụ chung của chủ rừng

Quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng bền vững theo Quy chế quản lý rừng, quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Thực hiện quy định về theo dõi diễn biến rừng.

Trả lại rừng khi Nhà nước thu hồi rừng theo quy định của Luật này.

Bảo tồn đa dạng sinh học rừng, thực vật rừng, động vật rừng.

Phòng cháy và chữa cháy rừng; phòng, trừ sinh vật gây hại rừng.

Chấp hành sự quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Thực hiện nghĩa vụ tài chính và các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật

2. Quyền và nghĩa vụ của ban quản lý rừng đặc dụng

Ban quản lý rừng đặc dụng có quyền sau đây:

– Các quyền quy định tại Điều 73 của Luật này;

– Được hưởng chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng theo quy định tại Điều 94 của Luật này;

– Khai thác lâm sản trong rừng đặc dụng theo quy định tại Điều 52, rừng sản xuất là rừng tự nhiên theo quy định tại Điều 58, rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định tại Điều 59 của Luật này;

– Được cho thuê môi trường rừng; hợp tác, liên kết kinh doanh du lịch sinh thái; nghỉ dưỡng, giải trí trừ phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng theo phương án quản lý rừng bền vững được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

– Tiến hành hoạt động khoa học và công nghệ, giảng dạy, thực tập, hợp tác quốc tế.

Ban quản lý rừng đặc dụng có nghĩa vụ sau đây:

– Các nghĩa vụ quy định tại Điều 74 của Luật này;

– Lập và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững và thực hiện phương án đã được phê duyệt;

– Hỗ trợ cộng đồng dân cư trong vùng đệm ổn định đời sống, phát triển kinh tế – xã hội theo quy định tại Điều 54 của Luật này;

Khoán bảo vệ và phát triển rừng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư tại chỗ theo quy định của Chính phủ.

3. Quyền và nghĩa vụ của ban quản lý rừng phòng hộ

Ban quản lý rừng phòng hộ có quyền sau đây:

– Các quyền quy định tại Điều 73 và điểm đ khoản 1 Điều 75 của Luật này;

– Cho thuê môi trường rừng; hợp tác, liên kết kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí theo phương án quản lý rừng bền vững được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

– Được hưởng chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng theo quy định tại Điều 94 của Luật này;

– Khai thác lâm sản trong rừng đặc dụng là khu bảo vệ cảnh quan theo quy định tại Điều 52, rừng phòng hộ theo quy định tại Điều 55, rừng sản xuất là rừng tự nhiên theo quy định tại Điều 58, rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định tại Điều 59 của Luật này.

Ban quản lý rừng phòng hộ có nghĩa vụ sau đây:

– Các nghĩa vụ quy định tại Điều 74 của Luật này;

– Lập và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững và thực hiện phương án đã được phê duyệt;

– Khoán bảo vệ và phát triển rừng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư tại chỗ theo quy định của Chính phủ.

Ở đây trước tiên xác định với đối tượng là chủ rừng theo quy định pháp luật. Còn được xác định là ban quản lý rừng phòng hộ. Trong tính chất quản lý được cơ quan nhà nước có thẩm quyền trao. Đảm bảo trong quản lý, sử dụng hay khai thác và mang đến các lợi ích kinh tế, xã hội. Hiệu quả cũng được đảm bảo với tính chất phòng hộ, giúp con người đạt được chất lượng, điều kiện sống tốt nhất.

Các quyền dành cho nhóm đối tượng này được quy định tại Điều 76 của Luật Lâm nghiệp năm 2017 và các quy định khác có liên quan. Mang đến các khía cạnh được phép triển khai trong tìm kiếm lợi ích của ban quản lý rừng. Cũng như được nhà nước trao, đảm bảo các quyền lợi nhất định. 

4. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế được Nhà nước giao rừng giống quốc gia xen kẽ trong diện tích rừng đã giao

Tổ chức kinh tế được Nhà nước giao rừng giống quốc gia xen kẽ trong diện tích rừng đã giao có quyền sau đây:

– Các quyền quy định tại Điều 73 của Luật này;

– Được Nhà nước bảo đảm kinh phí đầu tư để duy trì và phát triển rừng giống theo kế hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

– Khai thác lâm sản trong rừng giống quốc gia theo quy định tại Điều 52 của Luật này;

– Bán sản phẩm để tạo nguồn thu và được quản lý, sử dụng nguồn thu theo quy định của pháp luật về tài chính.

 Tổ chức kinh tế được Nhà nước giao rừng giống quốc gia xen kẽ trong diện tích rừng đã giao có nghĩa vụ sau đây:

– Các nghĩa vụ quy định tại Điều 74 của Luật này;

– Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch duy trì và phát triển rừng giống được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

5. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế được Nhà nước giao rừng phòng hộ, rừng đặc dụng là khu bảo vệ cảnh quan

Tổ chức kinh tế được Nhà nước giao rừng phòng hộ, rừng đặc dụng là khu bảo vệ cảnh quan có quyền sau đây:

– Các quyền quy định tại Điều 73 của Luật này;

– Được hưởng chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ theo quy định tại Điều 94 của Luật này;

– Khai thác lâm sản trong rừng đặc dụng là khu bảo vệ cảnh quan theo quy định tại Điều 52, rừng phòng hộ theo quy định tại Điều 55 của Luật này;

– Cho thuê môi trường rừng; hợp tác, liên kết đầu tư phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp theo phương án quản lý rừng bền vững được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Tổ chức kinh tế được Nhà nước giao rừng phòng hộ, rừng đặc dụng là khu bảo vệ cảnh quan có nghĩa vụ sau đây:

– Các nghĩa vụ quy định tại Điều 74 của Luật này;

– Lập và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững và thực hiện phương án đã được phê duyệt;

– Ký hợp đồng khoán bảo vệ và phát triển rừng cho hộ gia đình; cá nhân, cộng đồng dân cư tại chỗ theo quy định của Chính phủ.

Quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế được Nhà nước cho thuê rừng sản xuất

Tổ chức kinh tế được Nhà nước cho thuê rừng sản xuất có quyền sau đây:

– Các quyền quy định tại Điều 73 của Luật này;

– Được chia sẻ lợi ích từ rừng theo hợp đồng thuê rừng;

– Được sở hữu cây trồng, vật nuôi và tài sản khác gắn liền với rừng do chủ rừng đầu tư;

– Khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng tự nhiên theo quy định tại Điều 58, rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định tại Điều 59 của Luật này.

Tổ chức kinh tế được Nhà nước cho thuê rừng sản xuất có nghĩa vụ sau đây:

– Các nghĩa vụ quy định tại Điều 74 của Luật này;

– Lập và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phương án quản lý rừng bền vững và thực hiện phương án đã được phê duyệt.

Quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để trồng rừng

Tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất để trồng rừng phòng hộ bằng vốn ngân sách nhà nước có quyền và nghĩa vụ sau đây:

– Các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 73 và Điều 74 của Luật này;

– Được tổ chức trồng rừng theo dự toán thiết kế do cơ quan chủ quản nguồn vốn phê duyệt;

– Khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ theo quy định tại Điều 55 của Luật này và được chia sẻ lợi ích từ rừng theo chính sách của Nhà nước.

Tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất để trồng rừng phòng hộ bằng vốn tự đầu tư có quyền và nghĩa vụ sau đây:

– Các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 73 và Điều 74 của Luật này;

– Được sở hữu cây trồng xen, vật nuôi và tài sản khác trên đất trồng rừng phòng hộ;

– Khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ theo quy định tại Điều 55 của Luật này.

Tổ chức kinh tế được Nhà nước cho thuê đất để trồng rừng sản xuất bằng vốn tự đầu tư có quyền và nghĩa vụ sau đây:

– Các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 73 và Điều 74 của Luật này;

– Được sở hữu cây trồng, vật nuôi và tài sản khác trên đất trồng rừng;

– Khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định tại Điều 59 của Luật này;

– Được chuyển nhượng, cho thuê rừng sản xuất là rừng trồng; thế chấp, góp vốn bằng giá trị rừng sản xuất là rừng trồng.