1.Quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao rừng phòng hộ

Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao rừng phòng hộ có quyền sau đây:

– Các quyền quy định tại Điều 73 của Luật này;

– Được Nhà nước bảo đảm kinh phí bảo vệ và phát triển rừng;

– Khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ theo quy định tại Điều 55 của Luật này và được chia sẻ lợi ích từ rừng theo chính sách của Nhà nước;

– Được chuyển đổi diện tích rừng được giao cho hộ gia đình, cá nhân trong cùng xã, phường, thị trấn; cá nhân được để lại quyền sử dụng rừng cho người thừa kế theo quy định của pháp luật.

Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao rừng phòng hộ có nghĩa vụ quy định tại Điều 74 của Luật này.

2. Quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao rừng sản xuất

Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao rừng sản xuất có quyền sau đây:

– Các quyền quy định tại Điều 73 của Luật này;

– Đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên, được khai thác lâm sản theo quy định tại Điều 58 của Luật này và được chia sẻ lợi ích từ rừng theo chính sách của Nhà nước;

– Đối với rừng sản xuất là rừng trồng, được khai thác lâm sản theo quy định tại Điều 59 của Luật này; được chia sẻ lợi ích từ rừng theo chính sách của Nhà nước; được sở hữu cây trồng, vật nuôi và tài sản khác gắn liền với rừng trồng do chủ rừng đầu tư;

– Được chuyển đổi diện tích rừng được giao cho hộ gia đình, cá nhân trong cùng xã, phường, thị trấn; cá nhân được để lại quyền sử dụng rừng cho người thừa kế theo quy định của pháp luật.

Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao rừng sản xuất có nghĩa vụ quy định tại Điều 74 của Luật này.

3.Quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước cho thuê rừng sản xuất

Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước cho thuê rừng sản xuất có quyền sau đây:

– Các quyền quy định tại Điều 73 của Luật này;

– Được chia sẻ lợi ích từ rừng theo hợp đồng thuê rừng; được sở hữu cây trồng, vật nuôi và tài sản khác gắn liền với rừng trồng do chủ rừng đầu tư;

– Khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng tự nhiên theo quy định tại Điều 58, rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định tại Điều 59 của Luật này;

– Cá nhân được để lại quyền sử dụng rừng cho người thừa kế theo quy định của pháp luật.

Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước cho thuê rừng sản xuất có nghĩa vụ quy định tại Điều 74 của Luật này.

4.Quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất để trồng rừng sản xuất, rừng phòng hộ

Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất để trồng rừng sản xuất, rừng phòng hộ có quyền sau đây:

– Các quyền quy định tại Điều 73 của Luật này;

– Được sở hữu cây trồng, vật nuôi và tài sản khác trên đất trồng rừng sản xuất do chủ rừng đầu tư;

– Được sở hữu cây trồng xen, vật nuôi và tài sản khác trên đất trồng rừng phòng hộ do chủ rừng đầu tư;

– Khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ theo quy định tại Điều 55, rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định tại Điều 59 của Luật này;

– Được chia sẻ lợi ích từ rừng trong trường hợp trồng rừng bằng vốn ngân sách nhà nước;

– Được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê rừng sản xuất là rừng trồng; thế chấp, góp vốn bằng giá trị rừng sản xuất là rừng trồng;

– Cá nhân được để lại quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng, quyền sử dụng rừng cho người thừa kế theo quy định của pháp luật.

Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất để trồng rừng sản xuất, rừng phòng hộ có nghĩa vụ quy định tại Điều 74 của Luật này.

5.Quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước cho thuê đất để trồng rừng sản xuất

Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước cho thuê đất để trồng rừng sản xuất có quyền sau đây:

– Các quyền quy định tại Điều 73 của Luật này;

– Được sở hữu cây trồng, vật nuôi và tài sản khác trên đất trồng rừng; khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định tại Điều 59 của Luật này;

– Được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê rừng sản xuất là rừng trồng; thế chấp, góp vốn bằng giá trị rừng sản xuất là rừng trồng trong thời gian thuê đất; cá nhân được để lại quyền sở hữu rừng cho người thừa kế theo quy định của pháp luật.

Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước cho thuê đất để trồng rừng sản xuất có nghĩa vụ quy định tại Điều 74 của Luật này.

 Quyền và nghĩa vụ của cộng đồng dân cư được Nhà nước giao rừng tín ngưỡng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất

Cộng đồng dân cư được giao rừng tín ngưỡng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất có quyền sau đây:

– Các quyền quy định tại Điều 73 của Luật này;

– Được Nhà nước bảo đảm kinh phí bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ giao cho cộng đồng dân cư;

– Được hướng dẫn sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp, canh tác dưới tán rừng, chăn thả gia súc theo Quy chế quản lý rừng; được hỗ trợ phát triển kinh tế rừng, hỗ trợ phục hồi rừng bằng cây lâm nghiệp bản địa;

– Khai thác lâm sản trong rừng đặc dụng là rừng tín ngưỡng theo quy định tại Điều 52, rừng phòng hộ theo quy định tại Điều 55, rừng sản xuất là rừng tự nhiên theo quy định tại Điều 58, rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định tại Điều 59 của Luật này; được chia sẻ lợi ích từ rừng theo chính sách của Nhà nước; được sở hữu cây trồng, vật nuôi và tài sản khác trên đất trồng rừng do chủ rừng đầu tư.

Cộng đồng dân cư được giao rừng tín ngưỡng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất có nghĩa vụ sau đây:

– Các nghĩa vụ quy định tại Điều 74 của Luật này;

– Hoàn thiện, thực hiện hương ước, quy ước bảo vệ và phát triển rừng phù hợp với quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;

– Bảo đảm duy trì diện tích rừng được giao;

– Không được phân chia rừng cho các thành viên trong cộng đồng dân cư;

– Không được chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho quyền sử dụng rừng; thế chấp, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng rừng.

Quyền và nghĩa vụ của đơn vị vũ trang được Nhà nước giao rừng đặc dụng là khu bảo vệ cảnh quan, rừng phòng hộ, rừng sản xuất

Đơn vị vũ trang được Nhà nước giao rừng đặc dụng là khu bảo vệ cảnh quan, rừng phòng hộ, rừng sản xuất có quyền sau đây:

– Các quyền quy định tại Điều 73 của Luật này;

– Được Nhà nước bảo đảm kinh phí cho hoạt động bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ;

– Khai thác lâm sản trong rừng đặc dụng là khu bảo vệ cảnh quan theo quy định tại Điều 52, rừng phòng hộ theo quy định tại Điều 55, rừng sản xuất là rừng tự nhiên theo quy định tại Điều 58, rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định tại Điều 59 của Luật này.

Đơn vị vũ trang được Nhà nước giao rừng đặc dụng là khu bảo vệ cảnh quan, rừng phòng hộ, rừng sản xuất có nghĩa vụ sau đây:

– Các nghĩa vụ quy định tại Điều 74 của Luật này;

– Bảo đảm duy trì diện tích rừng được giao;

– Không được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng rừng; thế chấp, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng rừng.

Quyền và nghĩa vụ của tổ chức khoa học và công nghệ, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp về lâm nghiệp được Nhà nước giao khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học; vườn thực vật quốc gia; rừng giống quốc gia

Tổ chức khoa học và công nghệ, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp về lâm nghiệp được Nhà nước giao khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học; vườn thực vật quốc gia; rừng giống quốc gia có quyền sau đây:

– Các quyền quy định tại Điều 73 của Luật này;

– Khai thác lâm sản trong khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học; vườn thực vật quốc gia; rừng giống quốc gia theo quy định tại Điều 52 của Luật này;

– Hợp tác, liên kết với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ;

– Được bán sản phẩm rừng trồng, cây giống lâm nghiệp và lâm sản khác theo Quy chế quản lý rừng.

Tổ chức khoa học và công nghệ, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp về lâm nghiệp được Nhà nước giao khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học; vườn thực vật quốc gia; rừng giống quốc gia có nghĩa vụ sau đây:

– Các nghĩa vụ quy định tại Điều 74 của Luật này;

– Không được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng rừng; thế chấp, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng rừng;

– Thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp về lâm nghiệp.

Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước cho thuê đất để trồng rừng sản xuất

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước cho thuê đất để trồng rừng sản xuất có quyền sau đây:

– Các quyền quy định tại Điều 73 của Luật này;

– Được sở hữu cây trồng, vật nuôi và tài sản khác do doanh nghiệp đầu tư trên đất được thuê theo quy định của pháp luật;

– Khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định tại Điều 59 của Luật này.

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước cho thuê đất để trồng rừng sản xuất có nghĩa vụ quy định tại Điều 74 của Luật này.

Hơn 25 năm qua, Luật Bảo vệ và phát triển rừng đã tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng, đa dạng hóa các thành phần kinh tế tham gia; kinh tế lâm nghiệp từ chủ yếu dựa vào khai thác sang bảo vệ, phục hồi rừng tự nhiên và trồng rừng mới, gắn phát triển kinh tế lâm nghiệp với phát huy vai trò môi trường sinh thái, quốc phòng an ninh và an sinh xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình vận dụng vào thực tiễn Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 vẫn còn những tồn tại, bất cập, Luật vẫn mang tính chất khung, thiếu cụ thể. Điều này dẫn đến việc phải ban hành khoảng gần 100 văn bản dưới luật để quy định chi tiết, tạo ra một lĩnh vực phát luật về bảo vệ phát triển rừng đa tầng, cồng kềnh, có không ít mâu thuẫn và chồng chéo.  Do vậy ngày 15/11/2017, Quốc hội đã thông qua Luật Lâm nghiệp thay thế Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2017 nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế mà Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 chưa đáp ứng.
Luật Lâm nghiệp năm 2017, có 12 Chương với 108 Điều, có hiệu lực từ ngày 01/01/2019.  Luật Lâm nghiệp quy định về quy hoạch lâm nghiệp; quản lý rừng; bảo vệ rừng; phát triển rừng, sử dụng rừng; chế biến thương mại lâm sản; quyền và nghĩa vụ của chủ rừng; định giá rừng, đầu tư, tài chính trong lâm nghiệp; khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế về lâm nghiệp; quản lý nhà nước về lâm nghiệp và Kiểm lâm. So với Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004, Luật Lâm nghiệp năm 2017 có rất nhiều điểm mới, nhiều quy định bổ sung được Luật hóa thay vì các quy định trong các thông tư, nghị định trước đây. Trong đó, nổi bật là những điểm mới cơ bản sau:
          Thứ nhất:  Luật Lâm nghiệp đã mở rộng phạm vi điều chỉnh xác định lâm nghiệp là một ngành kinh tế kỹ thuật đặc thù, từ hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, chế biến và thương mại lâm sản, gồm tất cả các hoạt động gắn liền với sản xuất hàng hóa và dịch vụ liên quan đến rừng (Điều 2). Luật đã khẳng định lâm nghiệp là ngành kinh tế – xã hội có liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm lâm nghiệp, từ quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng đến chế biến và thương mại lâm sản; khẳng định ngành Lâm nghiệp vừa thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, vừa phát huy giá trị xã hội là thích ứng với biến đổi khí hậu với đòi hỏi phải quản lý bền vững.
          Thứ hai: Luật quy định một số điểm mới khác về định nghĩa rừng (khoản 3 Điều 2) được xác định theo 03 tiêu chí diện tích, chiều cao cây, độ tàn che của cây rừng để phù hợp với thực tiễn Việt Nam và đáp ứng yêu cầu chung của quốc tế. Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 chưa quy định cụ thể 02 yếu tố là chiều cao và diện tích.
          Thứ ba: Về phân loại rừng (Điều 5): Ngoài các quy định về 03 loại rừng như Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004, Luật Lâm nghiệp năm 2017 còn bổ sung thêm như sau: Đối với rừng đặc dụng có thêm rừng tín ngưỡng; rừng bảo vệ môi trường đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao; vườn thực vật quốc gia; rừng giống quốc gia; đối với rừng phòng hộ có thêm rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư; rừng phòng hộ biên giới.
          Thứ tư: Luật đã thể chế hóa chế định sở hữu rừng (Điều 7) theo quy định của Hiến pháp năm 2013; theo đó, quy định 2 nhóm hình thức sở hữu rừng: (i) Rừng sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu gồm rừng tự nhiên, rừng trồng do Nhà nước đầu tư toàn bộ, rừng trồng do Nhà nước thu hồi, được tặng cho hoặc trường hợp chuyển quyền sở hữu rừng trồng khác theo quy định của pháp luật (ii) Rừng thuộc sở hữu của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư gồm rừng trồng do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đầu tư; nhận chuyển nhượng, tặng cho, nhận thừa kế rừng từ chủ rừng khác theo quy định của pháp luật. Luật Lâm nghiệp đã mở rộng thêm một đối tượng chủ rừng đó là Cộng đồng dân cư, trong khi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng không công nhận.
          Thứ năm: Thay thế Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng ở 4 cấp bằng quy hoạch lâm nghiệp quốc gia: Theo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004, quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng được lập ở 4 cấp: Trung ương, tỉnh, huyện và xã. Luật Lâm nghiệp 2017 đã có thay đổi rất cơ bản là thay thế quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng ở 4 cấp bằng quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia để phù hợp với Luật Quy hoạch. Khoản 2 – Điều 11 của Luật Lâm nghiệp 2017 đã quy định các nội dung quy hoạch lâm nghiệp, trong đó có các nội dung về định hướng phát triển 3 loại rừng, kết cấu hạ tầng lâm nghiệp và phát triển thị trường, vùng nguyên liệu, chế biến lâm sản. Do đặc thù của ngành nên trong Luật Lâm nghiệp đã có các quy định về nguyên tắc, căn cứ, nội dung quy hoạch; trách nhiệm lập, lấy ý kiến, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch lâm nghiệp quốc gia.
          Thứ sáu: Luật quy định quản lý chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên. Không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia; dự án cấp thiết khác do Chính phủ phê duyệt (Điều 14). Luật hóa cụ thể những điều kiện khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, đặc biệt là phải có phương án trồng rừng thay thế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc sau khi hoàn thành trách nhiệm nộp tiền trồng rừng thay thế. Nội dung này, Nghị định 23/2006/NĐ-CP ngày 03/03/2006 không quy định cụ thể. Về thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng rừng có sự thay đổi rất lớn khi quy định thẩm quyền của Quốc Hội, Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng nhân dân tỉnh, trong khi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng chỉ quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND tỉnh (Điều 19, Điều 20).
          Thứ ba: Đổi mới chính sách lâm nghiệp; không quy định giao rừng có thu tiền sử dụng rừng mà thay thế bằng hình thức cho thuê rừng. Nhà nước cho các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân thuê rừng sản xuất; đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ chỉ áp dụng hình thức cho thuê môi trường rừng và thuộc quyền của chủ rừng; nhà nước bảo đảm nguồn lực cho hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và các hoạt động phục vụ quản lý nhà nước về lâm nghiệp; nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hoạt động lâm nghiệp. Luật đã mở rộng hơn quyền hưởng lợi của chủ rừng đối với rừng tự nhiên phục hồi, rừng nghèo. Rừng là nguồn tài nguyên thiên nhiên có khả năng tái sinh nên việc quy định rõ các hình thức sở hữu rừng nhằm thừa nhận thành quả lao động, kết quả đầu tư của người làm nghề rừng; tạo động lực khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào rừng nghèo và hưởng lợi từ rừng; bảo đảm quản lý rừng tốt hơn, hiệu quả hơn.
          Thứ tám: Quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác (Điều 21). Đây là một quy định hết sức quan trọng, là điều kiện để đảm bảo vốn rừng luôn được duy trì và phát triển. Đặc biệt, thay đổi đáng kể ở đây là chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác là rừng tự nhiên thì diện tích rừng phải trồng rừng thay thế gấp 3 lần diện tích rừng chuyển đổi, bên cạnh đó quy định thêm về việc nộp tiền trồng rừng thay thế mà Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 không quy định.
          Thứ chín: Luật quy định quản lý rừng bền vững (Điều 27, Điều 28), đây là nguyên tắc xuyên suốt của hoạt động lâm nghiệp; rừng được quản lý bền vững cả về diện tích rừng, chất lượng rừng, đảm bảo hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng an ninh, bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao giá trị dịch vụ môi trường rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu. Chủ rừng phải thực hiện các quy định của Nhà nước về quản lý rừng bền vững; Chủ rừng là tổ chức phải xây dựng, thực hiện phương án quản lý rừng bền vững. Nội dung này được tiếp tục thể hiện ở các quy định về quyền lợi và nghĩa vụ của chủ rừng; Tại Điều 56: Chủ rừng là tổ chức phải có phương án quản lý rừng bền vững được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; Tại Điểm b Khoản 2 Điều 79: Lập và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phương án quản lý rừng bền vững và thực hiện phương án đã được phê duyệt.
          Thứ mười: quy định về dịch vụ môi trường rừng (Điều 61 đến Điều 65). Đây là điểm mới tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho việc chuyển hướng khai thác lợi ích tiềm năng của rừng, từ sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ sang sản phẩm phi gỗ, tạo nguồn tài chính bền vững để đầu tư trực tiếp vào rừng. Các tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ môi trường rừng phải chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng; tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng được chi trả cho những người bảo vệ và phát triển rừng. Do đó, Luật hóa được mối quan hệ giữa bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng và bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng.
          Mười một: Quy định về chế biến và thương mại lâm sản (Điều 66 đến Điều 72), vì giá trị của ngành lâm nghiệp tập trung ở khâu này. Luật tập trung quy định rõ chính sách phát triển thị trường lâm sản theo hướng khuyến khích phát triển sản xuất, tạo cú hích cho chế biến lâm sản trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế lâm nghiệp; quy định hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực trong chế biến lâm sản; nhà nước xây dựng và vận hành Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam. Chính sách phát triển thị trường lâm sản theo hướng hỗ trợ tổ chức, cá nhân hợp tác, liên kết chuỗi sản xuất, chế biến tiêu thụ lâm sản.
          Mười hai:  Quy định về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (Điều 95). Đây là nội dung rất quan trọng, quy định rõ về tổ chức, nguyên tắc hoạt động và nguồn tài chính của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, làm cơ sở để thực hiện các hoạt động liên quan đến huy động tài chính và hoạt động chi trả dịch vụ môi trường rừng.
          Mười ba: Quy định về khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế về lâm nghiệp (Điều 96 đến Điều 99). Đây là cơ sở pháp lý cho việc thiết lập các hợp tác trong lĩnh vực lâm nghiệp mang tầm quốc tế, là hành lang pháp lý cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia vào công tác bảo vệ và phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản, hỗ trợ và đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực lâm nghiệp tại Việt Nam.
          Mười bốn: Về đổi mới tổ chức quản lý ngành lâm nghiệp. Luật đã quy định khung về cơ quan có chức năng tham mưu quản lý nhà nước chuyên ngành về lâm nghiệp và tổ chức kiểm lâm. Trên cơ sở đó Chính phủ quy định chi tiết về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và hoạt động của các cơ quan này, tạo sự linh hoạt và đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong hoạt động lâm nghiệp. Đối với Kiểm lâm có chức năng quản lý, bảo vệ rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp; là lực lượng chuyên ngành về phòng cháy và chữa cháy rừng. Trong luật quy định cụ thể một số cơ chế, chính sách, thẩm quyền để bảo đảm hành lang pháp lý cần thiết cho lực lượng Kiểm lâm tổ chức hoạt động bảo vệ rừng, đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn hành vi xâm hại rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng hiệu quả hơn.