Căn cứ pháp lý:

– Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015;

– Nghị định số 34/2016/NĐ-CP.

1. Thẩm quyền kiểm tra, xử lý đối với văn bản có chứa quy phạm pháp luật?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 128 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP thì thẩm quyền kiểm tra, xử lý đối với văn bản có nội dung chứa QPPL được thực hiện như sau:

(1) Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện kiểm tra, xử lý văn bản có chứa QPPL do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt ban hành nhưng không được ban hành bằng hình thức thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, nghị quyết của Hội đồng nhân dân, quyết định của Ủy ban nhân dân; văn bản có chứa QPPL hoặc có thể thức như văn bản QPPL do Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt ban hành.

 Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp kiểm tra, xử lý văn bản thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp;

(2) Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ kiểm tra, xử lý đối với các văn bản có chứa QPPL nhưng không được ban hành bằng hình thức văn bản QPPL, văn bản có chứa QPPL hoặc có thể thức như văn bản QPPL do Bộ trưởng Bộ Tư pháp hoặc Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Tư pháp ban hành;

(3) Giám đốc Sở Tư pháp kiểm tra, xử lý đối với các văn bản có chứa QPPL do Hội đồng nhân dân hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành nhưng không được ban hành bằng hình thức nghị quyết của Hội đồng nhân dân hoặc quyết định của Ủy ban nhân dân; các văn bản có chứa QPPL hoặc có thể thức như văn bản QPPL do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành;

(4) Trưởng Phòng Tư pháp kiểm tra, xử lý đối với các văn bản có chứa QPPL do Hội đồng nhân dân hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành nhưng không được ban hành bằng hình thức nghị quyết của Hội đồng nhân dân hoặc quyết định của Ủy ban nhân dân; các văn bản có chứa QPPL do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc chức danh khác ở cấp xã ban hành.

2. Trình tự, thủ tục xử lý văn bản có chứa quy phạm pháp luật được thực hiện như thế nào?

Trình tự, thủ tục kiểm tra, xử lý đối với văn bản có chứa QPPL được thực hiện theo quy định tại khoản 2 và 3 Điều 122, Điều 124 và khoản 1 Điều 129 của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, cụ thể:

– Đối với văn bản thuộc thẩm quyền xử lý của Bộ trưởng Bộ Tư pháp:

+ Khi kiểm tra, phát hiện văn bản trái pháp luật, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL kết luận kiểm tra, gửi cơ quan, người đã ban hành văn bản xem xét, xử lý.

+ Trường hợp cơ quan, người đã ban hành văn bản trái pháp luật không xử lý hoặc Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL không nhất trí với kết quả xử lý thì Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp tiến hành xử lý theo thẩm quyền quy định.

– Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ xử lý văn bản trái pháp luật do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành theo thủ tục tương tự như thủ tục xử lý văn bản QPPL do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tiến hành.

– Đối với văn bản thuộc thẩm quyền xử lý của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xử lý:

+ Khi kiểm tra, phát hiện văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, Giám đốc Sở Tư pháp, Trưởng phòng Tư pháp kết luận kiểm tra, gửi cơ quan đã ban hành văn bản để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

+ Trường hợp cơ quan đã ban hành văn bản trái pháp luật không xử lý theo thời hạn quy định hoặc Giám đốc Sở Tư pháp, Trưởng phòng Tư pháp không nhất trí với kết quả xử lý thì Giám đốc Sở Tư pháp, Trưởng phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp xử lý theo thẩm quyền.

3. Trình tự thực hiện việc kiểm tra văn bản theo thẩm quyền như thế nào?

Theo quy định tại Điều 115 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP thì trình tự thực hiện việc kiểm tra văn bản theo thẩm quyền được thực hiện như sau:

(1) Tiếp nhận văn bản thuộc đối tượng kiểm tra.

Cơ quan kiểm tra văn bản phải mở “Sổ văn bản đến” để theo dõi việc gửi và tiếp nhận văn bản thuộc đối tượng kiểm tra.

(2) Thủ trưởng cơ quan kiểm tra văn bản phân công người kiểm tra văn bản.

(3) Người kiểm tra văn bản tiến hành xem xét, đánh giá tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của văn bản được kiểm tra.

(4) Báo cáo kết quả kiểm tra văn bản và đề xuất hướng xử lý:

– Khi phát hiện văn bản được kiểm tra có dấu hiệu trái pháp luật, người kiểm tra văn bản lập Phiếu kiểm tra văn bản, báo cáo Thủ trưởng cơ quan kiểm tra về kết quả kiểm tra và đề xuất hướng xử lý;

– Căn cứ vào tính chất, mức độ trái pháp luật của văn bản và hậu quả gây ra, người kiểm tra văn bản có thể đề xuất: hình thức xử lý văn bản trái pháp luật; xử lý trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền đã ban hành văn bản trái pháp luật; xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, công chức đã tham mưu soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, ban hành văn bản trái pháp luật trong trường hợp người đó có lỗi.

(5) Kết luận kiểm tra văn bản:

– Thủ trưởng cơ quan kiểm tra văn bản xem xét, kết luận theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, kết luận về nội dung trái pháp luật của văn bản;

– Kết luận kiểm tra được gửi cho cơ quan, người đã ban hành văn bản để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

(6) Trường hợp cơ quan, người đã ban hành văn bản không xử lý văn bản trái pháp luật hoặc cơ quan kiểm tra văn bản không nhất trí với kết quả xử lý thì cơ quan kiểm tra văn bản trình cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định.

Hồ sơ trình cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, xử lý văn bản gồm: báo cáo của cơ quan kiểm tra văn bản; văn bản được kiểm tra; cơ sở pháp lý để kiểm tra; Phiếu kiểm tra văn bản; ý kiến của các cơ quan (nếu có); kết luận kiểm tra của cơ quan kiểm tra văn bản; các văn bản giải trình, thông báo kết quả xử lý của cơ quan có văn bản được kiểm tra (nếu có) và các tài liệu khác có liên quan (nếu có).

Cơ quan kiểm tra văn bản phải mở “Sổ theo dõi xử lý văn bản trái pháp luật” để theo dõi, đôn đốc việc xử lý văn bản.     

4. Phiếu kiểm tra văn bản phải có những nội dung gì?

Khi phát hiện nội dung của văn bản được kiểm tra có dấu hiệu trái pháp luật, người kiểm tra văn bản phải báo cáo kết quả kiểm tra và đề xuất xử lý thông qua “Phiếu kiểm tra văn bản” theo Mẫu số 01 Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 34/2016/NĐ-CP.

Phiếu kiểm tra cần phải có những nội dung sau: Tên người kiểm tra văn bản; cơ quan/đơn vị công tác; tên, số, ký hiệu; ngày, tháng, năm ban hành, cơ quan ban hành và trích yếu văn bản được kiểm tra; dấu hiệu trái pháp luật được phát hiện; căn cứ pháp lý để đối chiếu và ý kiến của người kiểm tra về dấu hiệu trái pháp luật cũng như đề xuất xử lý; chữ ký của người kiểm tra văn bản.

Mẫu số 01 Phụ lục III – Nghị định số 34/2016/NĐ-CP:

PHIẾU KIỂM TRA VĂN BẢN CÓ DẤU HIỆU TRÁI PHÁP LUẬT

Người kiểm tra văn bản: ………

Cơ quan/đơn vị công tác: …….

Văn bản được kiểm tra: ……….

STT

 

Dấu hiệu trái pháp luật

 

Căn cứ pháp lý

 

Ý kiến của người kiểm tra

 

Ý kiến của người kiểm tra

 

Đề xuất xử lý

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

5. Thủ tục xử lý văn bản trái pháp luật trong trường hợp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ

Thủ tục xử lý văn bản trái pháp luật trong trường hợp Bộ trưởng, Thủtrưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ?

Điều 123 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định thủ tục xử lý văn bản trái pháp luật trong trường hợp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ như sau:

(1) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý văn bản trái pháp luật thì hồ sơ kiến nghị gửi đến Bộ Tư pháp, đồng thời gửi đến Văn phòng Chính phủ.

(2) Đối với văn bản trái pháp luật, không còn ý kiến khác nhau về tính hợp hiến, hợp pháp và hướng xử lý thì trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xử lý theo quy định tại Điều 118 của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP.

(3) Đối với văn bản còn có ý kiến khác nhau về tính hợp hiến, hợp pháp hoặc có đề nghị xem xét lại quyết định xử lý (trường hợp cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra, xử lý văn bản vẫn quyết định xử lý theo quy định thì cơ quan, người có văn bản được kiểm tra có quyền đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý văn bản xem xét lại quyết định xử lý) thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiến hành xử lý văn bản theo thủ tục sau:

– Cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra văn bản báo cáo về văn bản trái pháp luật cần phải xử lý;

– Bộ trưởng Bộ Tư pháp báo cáo về tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản bị kiến nghị xử lý và đề xuất hướng xử lý;

– Cơ quan, người ban hành văn bản bị kiến nghị xử lý giải trình về những nội dung liên quan đến văn bản;

– Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thảo luận về tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản;

– Bộ trưởng Bộ Tư pháp kết luận, đề xuất hướng xử lý văn bản và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.