Căn cứ pháp lý:
– Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018;
– Nghị định số 59/2019/NĐ-CP.
1. Khái niệm về trách nhiệm giải trình
Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã đưa ra quan niệm về trách nhiệm giải trình, theo đó: “Trách nhiệm giải trình là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền làm rõ thông tin, giải thích kịp thời, đầy đủ về quyết định, hành vi của mình trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao”.
Tại Khoản 1, Điều 15 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định về trách nhiệm giải trình như sau: Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm giải trình về quyết định, hành vi của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tác động trực tiếp bởi quyết định, hành vi đó. Người thực hiện trách nhiệm giải trình là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người được phân công, người được ủy quyền hợp pháp để thực hiện trách nhiệm giải trình.
2. Khái quát về giải trình trong nền công vụ
Giải trình trong nền công vụ thường được nhìn nhận ở nhiều góc độ. Có giải trình ở khía cạnh chính trị – giải trình của các chính khách trước người dân về trách nhiệm của mình đối với các vấn đề thuộc lĩnh vực mình quản lý; có giải trình ở khía cạnh pháp lý đó là giải trình của công chức, viên chức khi để xảy ra các sự việc ảnh hưởng đến tính đúng đắn trong thực thi nhiệm vụ, công vụ. Tuy vậy, về bản chất, nội dung của “giải trình” không thay đổi. Điều này cũng đúng với giải trình trong tất cả các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, chỉ khi gắn với cụm từ “trách nhiệm”, trạng thái của giải trình mới được nhấn mạnh, thiên về tính chính trị, pháp lý và đạo đức của cá nhân người giải trình. “Trách nhiệm” ở đây được hiểu là việc phải làm, mang tính tự thân của chủ thể và cũng là “trách nhiệm” theo quy định buộc phải thực hiện giải thích, trình bày, làm rõ các nghĩa vụ pháp lý phải thực hiện và xác định rõ đã thực hiện được đến đâu, vì sao. Bên cạnh đó còn thể hiện trách nhiệm pháp lý – phải chịu hậu quả và tinh thần sẵn sàng chịu hậu quả về các hành vi của mình.
Theo đó, nội dung này được quy định chi tiết tại Chương II Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ. Cụ thể như sau:
3. Nội dung và điều kiện giải trình
Căn cứ Điều 3 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định về nội dung giải trình nhưu sau:: Cơ sở pháp lý của việc ban hành quyết định, thực hiện hành vi. Thẩm quyền ban hành quyết định, thực hiện hành vi. Trình tự, thủ tục ban hành quyết định, thực hiện hành vi. Nội dung của quyết định, hành vi.
Về điều kiện tiếp nhận yêu cầu giải trình được quy định tại Điều 4 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP: Cá nhân yêu cầu giải trình có năng lực hành vi dân sự đầy đủ hoặc có người đại diện theo quy định của pháp luật; cơ quan, tổ chức, đơn vị yêu cầu giải trình có người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình. Quyết định, hành vi của cơ quan, tổ chức, đơn vị được yêu cầu giải trình tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có yêu cầu giải trình (Điều 4).
4. Quy định về từ chối giải trình và nội dung không thuộc phạm vi giải trình
Trách nhiệm giải trình đối với cấp trên: Nhà quản lý phải dựa vào các quy định của pháp luật, tuân thủ các quy chế, quy tắc, các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên có liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn được giao để làm rõ nguyên nhân thành-bại của công việc mình phụ trách, đồng thời phải gắn trách nhiệm của cá nhân đối với kết quả công tác của cơ quan, đơn vị. Thực hiện giải trình với cấp trên là cách để người lãnh đạo thể hiện năng lực và bản lĩnh của mình trong quá trình điều hành tại đơn vị, là minh chứng cho khả năng “dám nghĩ, dám làm, dám chịu” của người lãnh đạo, quản lý hiện đại.
Trách nhiệm giải trình với cấp dưới: Khoa học lãnh đạo, quản lý chỉ ra rằng: Người đứng đầu tổ chức như là người dẫn đường, chỉ lối, huy động sự tập trung trí tuệ, năng lực của thuộc cấp để mưu sự việc chung. Vì vậy, muốn hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, nhà quản lý phải có khả năng giải trình với cấp dưới của mình. Giải trình không chỉ diễn ra sau khi công viêc hoàn thành mà phải giải trình trong cả 3 khâu: chuẩn bị, thực hiện và kết thúc nhiệm vụ. Giải thích cho cộng sự và cấp dưới nắm được mục tiêu, yêu cầu của công việc; nhiệm vụ của từng người; nhận thức được nguồn lực hiện có, những thuận lợi, khó khăn, rủi ro có thể gặp phải để chủ động phương án ứng phó. Giải trình với cấp dưới còn có ý nghĩa động viên, huy động sự tích cực, chủ động, sáng tạo của cấp dưới đối với nhiệm vụ được giao; giải trình sau khi kết thúc hoạt động là sự phân tích, đánh giá kết quả, ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm…, từ đó tiến hành “luận công, ban thưởng” phù hợp.
5. Trách nhiệm giải trình trước nhân dân
Trách nhiệm giải trình trước nhân dân: Đây là công việc tưởng dễ, nhưng thực chất cực kỳ khó khăn. Thứ nhất, nhân dân với tư cách là người làm chủ xã hội, cán bộ, công chức là “công bộc của nhân dân”. Người đầy tớ lúc nào cũng cảm thấy khó khăn, áp lực khi phải giải trình, giải thích mọi việc với ông chủ của mình, đó là tâm lý chung. Thứ hai, nhân dân là tập hợp nhiều người với mọi thành phần xã hội, khác nhau về nhận thức, trình độ, góc độ nhìn nhận vấn đề nên…, do đó, để mọi người cùng hiểu một hay một nhóm vấn đề quả thật không dễ chút nào. Thứ ba, không bao giờ trong xã hội có thống nhất tuyệt đối về tư tưởng, do đó khi tiếp cận một vấn đề cụ thể, nhà nước thường gặp phải sự “phản ứng” của những người hoặc nhóm người không cùng quan điểm. Cuối cùng, không phải vấn đề nào cũng có thể giải trình một cách cụ thể trước nhân dân, nhất là những công việc mang tính kỹ thuật của nền hành chính, những quy định trong nội bộ của tổ chức hoặc các vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh… Nhưng, dù khó khăn đến đâu, không trước thì sau, không sớm thì muộn, cán bộ có thẩm quyền cũng phải giải thích để nhân dân thấu hiểu, bởi suy cho cùng mọi hoạt động của Nhà nước và của đội ngũ cán bộ, đảng viên đều hướng đến mục đích chung: Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.
Bản chất Nhà nước Việt Nam được hiến định trong Hiến pháp năm 2013 là “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”. Do đó, thực hiện trách nhiệm giải trình trước nhân dân là một nghĩa vụ đương nhiên của nhà nước. Tuy nhiên, không phải ai, không phải bất cứ khi nào và không phải bất cứ việc gì của nhà nước cũng phải giải trình trước nhân dân. Việc giải trình, giải thích công việc của nhà nước, chức trách nhiệm vụ của cán bộ, công chức trước nhân dân phải thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật. Bởi trong một nhà nước pháp quyền, pháp luật phải được thượng tôn. Bác Hồ dạy “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền” là như vậy!
Bên cạnh đó, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương còn phải thực hiện trách nhiệm giải trình với các tổ chức đồng cấp (giải trình ngang). Lý thuyết hệ thống cho chúng ta thấy, mọi công việc của nhà nước đều phải đặt trong một chỉnh thể với các mối quan hệ đa chiều, tạo thành một hệ thống có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Vì vậy, các cấp, các ngành khi thực thi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn theo thẩm quyền (theo chức năng hoặc theo lãnh thổ) thì việc phối hợp và cung cấp thông tin cho nhau cũng được xem là một trách nhiệm giải trình. Bởi xét công việc nhà nước rất phức tập, nhiều ngành, lĩnh vực, bao trùm lên không gian của cả quốc gia và hơn thế nữa, nên việc phân công, phân nhiệm và phân cấp quản lý chỉ mang tính tương đối. Vì vậy, giải trình ngang là cách tốt nhất để tạo sự thống nhất, đồng bộ, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của nhà nước.
6. Trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong thi hành pháp luật ?
Trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong thi hành pháp luật có thể hiểu là trách nhiệm, nghĩa vụ của người đứng đầu trong việc phải làm rõ thông tin, giải thích kịp thời, đầy đủ về những hoạt động do cơ quan thực hiện nhằm hiện thực hóa các yêu cầu của pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống và phải chịu trách nhiệm về hiệu quả thi hành pháp luật theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Người thực hiện trách nhiệm giải trình là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người được phân công, người được ủy quyền hợp pháp để thực hiện trách nhiệm giải trình.
Để tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật sau khi được ban hành, theo quy định tại Điều 183 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì “văn bản quy phạm pháp luật phải được tổ chức thi hành kịp thời, hiệu quả”. Để nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật, ngày 26/02/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 242/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn 2018 – 2022. Mục tiêu chung của Đề án là triển khai thực hiện một số giải pháp cơ bản đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật, hướng đến mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tăng cường hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật; từng bước khắc phục được những hạn chế, bất cập hiện nay trong tổ chức thi hành pháp luật, tạo tiền đề cho sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động tổ chức thi hành pháp luật.
Theo quy định của pháp luật, trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong quá trình thi hành pháp luật được thực hiện thông qua quá trình thực hiện các nhóm hoạt động cơ bản:
– Ban hành văn bản hướng dẫn thi hành các văn bản của cấp trên hoặc để cụ thể hóa, chi tiết hóa hoặc cho phù hợp với đặc điểm cụ thể của ngành, địa phương mà cơ quan hành chính nhà nước thực hiện công việc quản lý;
– Xây dựng, ban hành hoặc thực hiện các chiến lược, chương trình, kế hoạch, quy hoạch triển khai văn bản pháp luật của cấp trên hoặc do mình đã ban hành;
– Quyết định các biện pháp để tổ chức thi hành pháp luật;
– Tổ chức bộ máy, nhân sự, trang thiết bị, ngân sách và các điều kiện bảo đảm khác để tổ chức thi hành pháp luật;
– Tổ chức hoạt động phổ biến, tuyên truyền pháp luật;
– Tiến hành các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị trong quá trình thi hành pháp luật.