1. Phiên tòa trực tuyến là gì? 

Theo quy định tại Điều 3 Dự thảo Thông tư về Quy chế tổ chức phiên tòa trực tuyến (Dự thảo 2) thì phiên tòa trực tuyến được định nghĩa như sau:

“Điều 3. Từ ngữ được sử dụng trong Quy chế

1. Phiên tòa trực tuyến là việc tổ chức phiên tòa xét xử vụ án theo trình tự luật định có sử dụng các thiết bị điện tử, liên kết với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại các điểm cầu, nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia tất cả trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng trực diện, liên tục, công khai, có sự chứng kiến của các chủ thể vào cùng một thời điểm.

2. Điểm cầu trung tâm: là không gian tổ chức phiên tòa xét xử vụ án tại trụ sở Tòa án hoặc địa điểm do Tòa án lựa chọn, được tổ chức theo quy định tại Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC ngày 28/7/2017 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định về phòng xử án, có sự tham gia của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng khác theo quy định của pháp luật và bảo đảm các yêu cầu về trang thiết bị công nghệ hỗ trợ tổ chức phiên tòa trực tuyến.

3. Điểm cầu thành phần: là không gian tổ chức phiên tòa xét xử vụ án do Tòa án tổ chức hoặc chấp nhận, có sự tham gia của một số chủ thể tham gia tố tụng và được tổ chức theo quy định của Thông tư này.”

Như vậy, phiên tòa trực tuyến là một trong những hình thức tổ chức phiên tòa xét xử vụ án theo trình tự luật định, trong đó có sử dụng các thiết bị điện tử, liên kết với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại các điểm cầu, nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia tất cả trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng trực diện, liên tục, công khai, có sự chứng kiến của các chủ thể vào cùng một thời điểm.

Hiện nay, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 33/2021/QH15 về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Nay việc tổ chức phiên tòa trực tuyến được hướng dẫn tại Thông tư liên tịch 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP với một số điểm đáng chú ý.

2. Các trường hợp tổ chức phiên tòa trực tuyến

Theo Nghị quyết 33/2021/QH15, Tòa án nhân dân được tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm các vụ án sau đây:

– Các vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản;

– Có tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng.

Tuy nhiên, không tổ chức phiên tòa trực tuyến với các trường hợp sau:

– Vụ án hình sự, dân sự, hành chính liên quan đến bí mật nhà nước;

– Vụ án hình sự về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của Bộ luật Hình sự;

– Vụ án hình sự về một trong các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI của Bộ luật Hình sự.

3. Phiên tòa trực tuyến được tổ chức thông qua các điểm cầu

Trong đó, điểm cầu trung tâm là không gian tổ chức phiên tòa xét xử vụ án tại trụ sở Tòa án hoặc địa điểm do Tòa án lựa chọn, được tổ chức theo quy định tại Thông tư 01/2017/TT-TANDTC.

Tại điểm cầu trung tâm có sự tham gia của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật và bảo đảm các yêu cầu về trang thiết bị công nghệ hỗ trợ tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Điểm cầu thành phần là không gian tổ chức phiên tòa xét xử vụ án do Tòa án tổ chức hoặc chấp nhận, có sự tham gia của các chủ thể và được tổ chức theo quy định của Thông tư liên tịch 05/2021.

4. Yêu cầu đối với các điểm cầu trong phiên tòa trực tuyến

*Phòng xử án tại điểm cầu trung tâm được tổ chức theo quy định tại Thông tư 01/2017/TT-TANDTC và bảo đảm một số yêu cầu cụ thể như sau:

– Phòng xử án được trang bị hệ thống trực tuyến bao gồm trang thiết bị điện tử, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin riêng biệt với trang thiết bị công nghệ thông tin thông thường khác của Tòa án.

– Phòng xử án trang bị các thiết bị phục vụ phiên tòa trực tuyến như sau:

+ Hệ thống chiếu sáng;

+ Hệ thống đường truyền và thiết bị mạng, hệ thống âm thanh (loa, micro, tăng âm, bộ trộn âm thanh);

+ Thiết bị hiển thị hình ảnh tại điểm cầu trung tâm và các điểm cấu thành phần phiên tòa trực tuyến, thiết bị giải mã tín hiệu truyền hình, phần mềm truyền hình trực tuyến, thiết bị camera ghi hình toàn bộ diễn biến phiên tòa, thiết bị lưu trữ dữ liệu;

+ Máy chiếu vật thể dùng để trình chiếu tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa;

+ Thiết bị lưu điện.

* Phiên tòa trực tuyến chỉ được kết nối tối đa không quá 03 điểm cầu thành phần và phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

– Đối với phiên tòa dân sự, hành chính phải bảo đảm không gian tại điểm cầu lịch sự, nghiêm túc, yên tĩnh, ánh sáng phù hợp không gian, tránh ngược sáng, màu sắc phản cảm, bảo đảm hình ảnh, không gian xung quanh người tham gia được hiển thị đầy đủ trên màn hình trình chiếu; các thiết bị điện tử phù hợp bảo đảm việc truyền âm thanh và hình ảnh tại phiên tòa được thực hiện rõ nét, không gián đoạn,

– Đối với phiên tòa hình sự mà có đương sự không tham gia phiên tòa tại điểm cầu thành phần đặt tại cơ sở giam giữ hoặc điểm cầu trung tâm thì điểm cầu thành phần mà đương sự đó tham gia phải bảo đảm các yêu cầu quy định tại điểm a khoản 2 Điều 4 Thông tư liên tịch 05/2021;

– Đối với phiên tòa hình sự mà điểm cầu thành phần đặt tại cơ sở giam giữ thì phải bảo đảm các yêu cầu quy định tại điểm a khoản 2 Điều 4 Thông tư liên tịch 05/2021; bố trí quốc huy và bục khai báo cho bị cáo bảo đảm phù hợp với quy định Thông tư 01/2017/TT-TANDTC.

Trường hợp có người tham gia tố tụng khác thì phải bố trí vị trí phù hợp, nhưng phải bảo đảm trang nghiêm, an toàn.

Đối với bị cáo là người dưới 18 tuổi thì việc bố trí vị trí cho bị cáo, người đại diện, người bào chữa phải phù hợp với quy định về phòng xử án và giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên.

5. Nguyên tắc tổ chức phiên tòa trực tuyến:

Theo quy định tại Điều 2 Dự thảo Thông tư về Quy chế tổ chức phiên tòa trực tuyến (Dự thảo 2) thì dự kiến phiên tòa trực tuyến được tổ chức phải đảm bảo 4 nguyên tắc sau đây:

“Điều 2. Nguyên tắc tổ chức phiên tòa trực tuyến

1. Tuân thủ các quy định về trình tự, thủ tục tố tụng của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính.

2. Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo, đương sự và người tham gia tố tụng.

3. Bảo đảm bí mật, an toàn, an ninh thông tin, dữ liệu theo quy định của pháp luật.

4. Bảo đảm các yêu cầu về trật tự, sự tôn nghiêm của Tòa án; bảo đảm việc xét xử, giải quyết được tiến hành công khai, bình đẳng, dân chủ, nghiêm minh, khách quan, đúng pháp luật.”

 6. Vụ án lần đầu được áp dụng phương thức xét xử phiên tòa trực tuyến: 

Ngày 8/1, TAND Tối cao tổ chức kết nối, giám sát 3 phiên tòa trực tuyến tại Hà Nội, Hải Phòng và Bắc Giang. Đây là lần đầu tiên hình thức xét xử trực tuyến được áp dụng.

Tại đầu cầu Bắc Giang, tòa án tỉnh này xét xử bị cáo Nguyễn Văn Tuấn, 27 tuổi, về tội Cướp giật tài sản. Anh ta bị VKS cáo buộc tối 26/9/2021 giật túi xách của cô gái 20 tuổi, trong chứa điện thoại cùng nhiều đồ đạc.

Phiên tòa được tổ chức ở 3 điểm cầu gồm HĐXX ở TAND tỉnh Bắc Giang; bị cáo Tuấn hầu tòa từ Trại tạm giam Công an tỉnh; người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan ở điểm cầu TAND huyện Tân Yên.

Chủ tọa phiên tòa đã điều hành, xét hỏi và cho các bên tranh luận trực tuyến; không gặp trục trặc nào về đường truyền, kết nối. Tại tòa, Tuấn nhận tội và bị tuyên 3 năm 3 tháng tù.

Chuẩn bị trước phiên trực tuyến trên, TAND tỉnh Bắc Giang đã 2 lần diễn tập trong các ngày 23-24/12/2021. Tỉnh cũng lắp đặt hệ thống phục vụ xét xử online tại các trụ sở tòa án cùng trại tạm giam của công an.

Hai phiên tòa trực tuyến khác diễn ra trong sáng 8/1 gồm: TAND Cấp cao tại Hà Nội xử phúc thẩm bị cáo Phạm Tiến Giang, đã bị tuyên sơ thẩm 2 năm tù về tội Vi phạm quy định tham gia giao thông đường bộ; TAND TP Hải Phòng xử một phụ nữ kiện quyết định hành chính về bồi thường đất của UBND huyện Thủy Nguyên.

Tất cả phòng xét xử trực tuyến trong 3 vụ án trên được lắp đặt camera quét nhiều góc độ, thiết bị giải mã hình ảnh, trình chiếu tài liệu, thiết bị lưu điện, đường truyền mạng riêng kết nối thẳng về TAND Tối cao.

Hệ thống phần mềm xét xử trực tuyến có các chức năng như: Quản lý thông tin, hồ sơ vụ án; điều khiển thiết bị camera, âm thanh, trình chiếu tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa; chức năng quay video toàn bộ diễn biến phiên tòa; chuyển đổi giọng sang văn bản để hỗ trợ Thư ký ghi biên bản phiên tòa.

Cũng trong sáng 8/1, TAND Tối cao còn khánh thành Trung tâm giám sát, điều hành, phầm mềm trợ lý ảo cho thẩm phán, nền tảng xét xử trực tuyến.

Dự khánh thành và theo dõi các phiên tòa trực tuyến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, đây là giải pháp kịp thời, phù hợp và hiệu quả để chủ động thích ứng an toàn với tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động tố tụng tại tòa.

Trước đó năm 2021, Quốc hội ra Nghị quyết 33/2021 cho phép xét xử trực tuyến, trừ vụ liên quan bí mật Nhà nước; nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia; nhóm tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh.

Theo Nghị quyết, phiên tòa trực tuyến được tổ chức tại phòng xử án, có sử dụng các thiết bị điện tử kết nối với nhau thông qua môi trường mạng; cho phép bị cáo, bị hại, đương sự tham gia phiên tòa tại địa điểm ngoài phòng xử án nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi, tham gia đầy đủ cùng một thời điểm.

7. Kinh nghiệm từ một số quốc gia về xét xử tại phiên tòa trực tuyến:

1.Áo

Năm 2004, tại Áo đã áp dụng quy định cho phép nghe các bên, chuyên gia và người làm chứng trong tố tụng dân sự; bị cáo và người làm chứng trong tố tụng hình sự trình bày qua video. Trong lĩnh vực tố tụng dân sự, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến/qua video đã được quy định tại Điều 589(3) của Bộ luật tố tụng dân sự, Luật quản lý Tòa án và Đạo luật phòng chống Covid. Mặc dù Hiến pháp của Áo đã quy định các bên trong tranh chấp phải có mặt tại phiên tòa, các phiên tòa dân sự và hình sự phải được mở công khai, tuy nhiên hệ thống pháp luật của Áo cho phép  một số ngoại lệ cho phép các bên có thể tham gia phiên tòa trực tuyến. Đồng thời, việc sử dụng phương tiện thông tin điện tử để tương tác giữa Tòa án và các bên với tư cách là một bộ phận của trình tự tố tụng được coi là một đặc điểm quan trọng của hệ thống tư pháp của Áo.

Điều 171 và Điều 277 của Bộ luật tố tụng dân sự của Áo cũng quy định việc sử dụng nền tảng họp/xét xử trực tuyến như sau: “Nếu kỹ thuật cho phép, Tòa án có thể thu nhận chứng cứ thông qua phương tiện kỹ thuật để chuyển hóa chữ và hình ảnh, trừ trường hợp việc thu nhận chứng cứ trực tiếp tại tòa án là thích hợp hoặc cần thiết hơn vì lý do đặc biệt có xem xét đến nguyên tắc kinh tế mang tính thủ tục…”. Trong Bộ luật tố tụng hình sự, cũng có một điều khoản liên quan đến việc xét xử trực tuyến theo đó để tạo điều kiện cho việc xét xử trực tuyến, tất cả Tòa án, cơ quan công tố và nhà tù được trang bị nền tảng/hệ thống họp trực tuyến. Tuy nhiên trong thực tiễn, việc sử dụng công nghệ trong các vụ xử dân sự và hình sự trong thực tiễn cũng bị hạn chế trong một số tình huống ngoại lệ.

Ngày 16/3/2020, Đạo luật chống Covid có hiệu lực đã tạo ra cơ sở pháp lý cho việc thực thi các biện pháp nhằm ngăn chặn việc lây lan của dịch bệnh Covid -19. Cân nhắc xu hướng sử dụng các phương tiện điện tử và các nền tảng họp trực tuyến trong các phiên xét xử trực tiếp, Đạo luật phòng chống Covid – 19 chủ yếu mở rộng việc sử dụng các công cụ hiện có để thúc đẩy chức năng quản lý hệ thống Tòa án từ xa. Nói một cách cụ thể hơn, các bên có thể thỏa thuận lựa chọn phương án xét xử trực tuyến mà không cần phải đến Tòa. Sự chấp thuận của các bên là bắt buộc, việc xét xử trực tuyến mà không có sự chấp thuận của các bên được coi là vi phạm quyền xét xử công bằng. Tại Áo, luật yêu cầu sự chấp thuận của các bên và bị can trong tố tụng dân sự và hình sự. Theo Đạo luật này, bên cạnh một số biện pháp khác đã điều chỉnh trình tự và thủ tục của Tòa án trong các vụ án dân sự để ứng phó với dịch bệnh đảm bảo quyền được xét xử kịp thời của các bên đương sự. Luật ứng phó đại dịch Covid cho phép, trong một khoảng thời gian giới hạn, các phiên xét xử được tổ chức trực tuyến với sự đồng ý của các bên trong tố tụng dân sự. Luật cũng cho phép tổ chức các phiên xét xử trực tuyến trong các vụ án hình sự, đặc biệt là liên quan đến việc giam giữ các nghi phạm hoặc bị can. Tuy nhiên, các phiên tòa xét xử có bồi thẩm đoàn chỉ có thể được tổ chức trực tuyến trong những trường hợp đặc biệt. Trong tố tụng hành chính, luật chỉ quy định rằng các bên “có thể” được xét xử trực tuyến. Tuy nhiên, trong quyết định ngày 8/10/2020, Tòa án Hiến pháp nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xét xử trực tuyến – để bảo vệ quyền của họ đối với một phiên tòa công bằng.

Nền tảng công nghệ chính được Tòa án ở Áo sử dụng là Zoom (các quốc gia như: Bang Michigan của Hoa Kỳ, Tây Ban Nha (tòa án Madrid), Vương quốc Anh, Ba Lan, Thụy Sĩ (tòa án thương mại Zurich), Singapore, Tòa án tối cao của Victoria, New Zealand cũng sử dụng nền tảng công nghệ này). Việc sử dụng công nghệ mới phụ thuộc vào sự hợp tác của các Thẩm phán và tình hình tại từng Tòa án. Quy mô của các phòng xử án – trong các phòng lớn, vẫn có thể thực hiện các phiên xét xử trực trực tuyến với các thiết bị kỹ thuật có sẵn. Các Tòa án nơi các Thẩm phán đã làm việc với các hồ sơ điện tử thường có thiết bị kỹ thuật tốt hơn. Tuy nhiên, ở một số quốc gia châu Âu, Zoom và các hệ thống thuộc sở hữu tư nhân khác bị coi là không đáng tin cậy vì lý do bảo vệ dữ liệu, mặc dù chúng ổn định và thân thiện với người dùng.

2.Đức

Đầu những năm 2000, việc xét xử qua video đã được đưa ra áp dụng tại Đức. Các phiên xét xử video tại các Tòa án đã được giới thiệu vào năm 1998 để bảo vệ nhân chứng trong các phiên tòa hình sự. Điều 128a của Bộ luật Tố tụng dân sự đã tạo ra cơ sở pháp lý, các quy định tương tự đã được quy định trong các Luật Tố tụng Hành chính và Gia đình. Tuy nhiên, trong thủ tục tố tụng hình sự, chỉ có nhân chứng mới có thể tham gia trực tuyến từ xa, một cách tiếp cận khá khác so với các quy định ở các nước châu Âu khác. Mặc dù đã có cơ sở pháp lý, nhưng các cuộc xét xử trực tuyến không được sử dụng nhiều trước đại dịch Covid ở Đức, tuy nhiên, quốc gia này có một số kinh nghiệm về các phiên xét xử trực tuyến tại các Tòa án thuế khi các bên và Tòa án sử dụng nền tảng “Máy chủ Truyền thông Video của Cisco (VCS)”.

Ở Đức không yêu cầu sự chấp thuận về mặt pháp lý (tương tự như ở Ireland, San Marino và Tây Ban Nha), Tòa án có thể quyết định tổ chức một phiên xét xử từ xa theo đơn của một bên hoặc thậm chí chính thức. Tuy nhiên, trên thực tế, một cuộc xét xử trực tuyến không được tiến hành trái với mong muốn của các bên. Trong tố tụng hình sự, các phiên xét xử trực tuyến được giới hạn trong việc nghe các nhân chứng trình bày. Ngoài ra, thường có những quy tắc đặc biệt trong tố tụng hình sự và mong muốn của các bên được cân nhắc.

Nền tảng công nghệ chính được Tòa án ở Đức sử dụng là CISCO Webex.  Tại Diễn đàn Thường trực Quốc tế về các Tòa án Thương mại đã đưa ra một bản ghi nhớ vào tháng 5/2020 để hỗ trợ các Tòa án trong việc lựa chọn và sử dụng các nền tảng kỹ thuật. Trong việc chọn một nền tảng cho các cuộc xét xử video, bảo mật dữ liệu có tầm quan trọng đặc biệt. Do đó, ở Đức các hệ thống này được sử dụng trên các máy chủ riêng của Tòa án (tại cơ sở). Các Tòa án đã tuân thủ cách hiểu truyền thống về “phiên xét xử công khai” liên quan đến phiên xét xử trực tuyến. Các Thẩm phán chỉ có thể tiến hành các phiên xét xử trực tuyến từ phòng xử án của họ, phòng xử án phải được công khai. Về mặt kỹ thuật, có thể dễ dàng phát trực tiếp các phiên xét xử và do đó cho phép một số lượng lớn công dân quan tâm đến xem. Việc sử dụng các ứng dụng được quản lý tại Đức hoặc Liên minh Châu Âu là khuyến khích, vì các ứng dụng này trực tiếp tuân theo các quy định bảo vệ dữ liệu của Liên minh Châu Âu.

3.Ý

Ở Ý, sự nguy hiểm của các phiên tòa xét xử Mafia những năm 1990 đã ảnh hưởng đáng kể đến việc phát triển và sử dụng các phiên xử trực tuyến qua video tại các Tòa án. Các quy định pháp luật khác nhau cho phép xét xử trực tuyến qua video đã được sử dụng trong cơ quan tư pháp Ý trong hơn 20 năm. Bộ Tư pháp Ý cung cấp các hệ thống nghe nhìn an toàn phục vụ cho hoạt động của Tòa án.

Kể từ năm 1992, Điều 147 Bộ luật tố tụng hình sự Ý quy định “cộng tác viên”, các đặc vụ chìm và những người khác có thể phải đối mặt với nguy cơ gây áp lực hoặc nguy hiểm cho sự an toàn của họ và gia đình, do vậy họ có thể làm chứng thông qua công nghệ trực tuyến. Trong trường hợp này, Thẩm phán sau khi cân nhắc mọi mặt có thể quyết định xét xử video mà không cần sự đồng ý của họ. Tại nơi nhân chứng có mặt, một cán bộ sẽ được bố trí để đảm bảo tính thường xuyên của việc kiểm tra chéo. Tòa án Hiến pháp được kêu gọi để ra phán quyết về tính hợp pháp của phương pháp thẩm tra chéo (từ xa) này, cho rằng quy định của luật phù hợp với Hiến pháp và các nguyên tắc của thủ tục tố tụng. Cuộc chiến chống tội phạm có tổ chức trong các phiên tòa xét xử Mafia những năm 1990 không chỉ cho thấy sự cần thiết phải bảo vệ nhân chứng mà còn cho thấy lợi thế của việc không chuyển tội phạm nguy hiểm từ nhà tù an toàn đến phòng xử án. Từ năm 1998, Luật tố tụng hình sự của Ý đã quy định rằng trong các phiên tòa xét xử tội phạm có tổ chức hoặc khủng bố, các bị cáo bị giam trong tù được tham gia bằng hội nghị truyền hình. Hội nghị truyền hình được thực hiện bằng cách kích hoạt đường truyền truyền hình giữa nơi giam giữ bị can và phòng xử án. Hơn nữa, một bị can bị giam giữ ở nước ngoài không thể được chuyển đến Ý cũng có thể tham dự phiên xét xử hình sự thông qua hội nghị truyền hình.

Cơ sở pháp lý cho các cuộc xét xử trực tuyến đã được đưa ra trước đại dịch, luật đã được sửa đổi để thích ứng trong thời gian đại dịch Covid – 19. Các quy tắc tố tụng được áp dụng sau trường hợp khẩn cấp về y tế trong đại dịch Covid-19 đã mở rộng khả năng sử dụng xét xử trực tuyến trong các phiên tòa hình sự. Đặc biệt, Luật n.27/2020 quy định rằng từ ngày 9/3/2020 đến ngày 30/6/2020 (thời hạn sau đó kéo dài đến ngày 31/7/2020), các phiên xét xử hình sự không có sự tham gia của nhân chứng mà không phải là cảnh sát tư pháp thì có thể được tổ chức thông qua các kết nối từ xa được do Bộ Tư pháp quyết định. Nếu không có sự đồng ý của người bị buộc tội, những quy định này không áp dụng đối với các phiên xét xử chung thẩm và đối với những phiên tòa mà nhân chứng, các bên, nhà tư vấn và chuyên gia cần được thẩm tra lời khai. Trong đợt đại dịch thứ hai, các quy định tương tự đã được thông qua vào cuối tháng 10/2020 có hiệu lực cho đến ngày 31/1/2021. Nếu cần thiết, các quy tắc này có thể được gia hạn thêm. Tại Tòa Giám đốc thẩm tối cao hầu hết các phiên tòa xét xử, dân sự và hình sự, đều được tổ chức trực tuyến. Các vụ án dân sự vẫn được xét xử trực tiếp, nhưng các phiên xét xử công khai về hình sự thường được tổ chức trực tuyến trên cơ sở kháng cáo được nộp và kết tội bằng văn bản của công tố viên, trừ khi Bộ trưởng Tư pháp hoặc người bào chữa yêu cầu một phiên xét xử trực tiếp.