Gia đình văn hóa là gia đình hạnh phúc, hòa thuận, tiến bộ, làm tốt nghĩa vụ công dân và đoàn kết với xóm giềng. Mỗi gia đình cần phải đảm bảo đủ những yêu cầu cơ bản để có thể trở thành gia đình văn hoá. Mặt khác còn có gia đình văn hóa tiêu biểu. Vậy gia đình văn hóa tiêu biểu là gì? Báo cáo gia đình văn hóa tiêu biểu theo từng khu vực được quy định thế nào? Hãy xem nội dung trình bày sau.
1. Gia đình văn hóa tiêu biểu là gì?
Một gia đình có văn hóa là gia đình chuẩn mực trong nếp sống của từng thành viên, có đạo đức tốt, được mọi người yêu quý và tích cực trong lao động, làm kinh tế giỏi.
Gia đình văn hóa tiêu biểu cũng là một danh hiệu được chính quyền cấp xã công nhận và cấp bằng khen đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Để được công nhận là gia đình văn hóa tiêu biểu, chính quyền cấp xã sẽ xem xét nhiều yếu tố và những gia đình nổi bật trong xã để trao bằng khen, là tấm gương mẫu mực cho các gia đình khác phấn đấu và noi theo.
2. Tiêu chuẩn của danh hiệu Gia đình văn hóa
Theo Điều 6 Nghị định 122/2018/NĐ-CP, tiêu chuẩn Gia đình văn hóa quy định như sau:
– Gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng; pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương nơi cư trú, gồm các tiêu chí sau:
+ Các thành viên trong gia đình chấp hành các quy định của pháp luật; không bị xử lý kỷ luật tại nơi công tác và học tập;
+ Chấp hành hương ước, quy ước của cộng đồng nơi cư trú;
+ Treo Quốc kỳ trong những ngày lễ, sự kiện chính trị của đất nước theo hướng dẫn;
+ Có tham gia một trong các hoạt động văn hóa hoặc văn nghệ ở nơi cư trú; thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao;
+ Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội theo hướng dẫn;
+ Tham gia bảo vệ di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh, cảnh quan thiên nhiên của địa phương;
+ Thực hiện các quy định về vệ sinh môi trường, đổ rác và chất thải đúng giờ, đúng nơi quy định;
+ Tham gia trọn vẹn các phong trào từ thiện, nhân đạo, đền ơn đáp nghĩa, khuyến học khuyến tài; sinh hoạt cộng đồng ở nơi cư trú;
+ Không vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh;
+ Không vi phạm quy định phòng, chống cháy nổ;
+ Không vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông như: Lấn chiếm lòng đường, hè phố, tham gia giao thông không đúng quy định.
– Gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ; tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng, gồm các tiêu chí sau:
+ Ông, bà, cha, mẹ và các thành viên trong gia đình được quan tâm, chăm sóc, phụng dưỡng;
+ Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, bình đẳng, hòa thuận, thủy chung;
+ Thực hiện tốt chính sách dân số; thực hiện bình đẳng giới;
+ Các thành viên trong gia đình tham gia bảo hiểm y tế và được chăm sóc sức khỏe;
+ Các thành viên trong gia đình có nếp sống lành mạnh, văn minh, ứng xử có văn hóa trong gia đình, cộng đồng và xã hội;
+ Tương trợ, giúp đỡ mọi người trong cộng đồng khi khó khăn, hoạn nạn.
– Tổ chức lao động, sản xuất, kinh doanh, công tác, học tập đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả, gồm các tiêu chí sau:
+ Kinh tế gia đình ổn định và phát triển từ nguồn thu nhập chính đáng;
+ Tham gia các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội do địa phương tổ chức;
+ Người trong độ tuổi lao động tích cực công tác và có thu nhập chính đáng;
+ Trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường;
+ Sử dụng nước sạch;
+ Có công trình phụ hợp vệ sinh;
+ Có phương tiện nghe, nhìn và thường xuyên được tiếp cận thông tin kinh tế, văn hóa – xã hội.
3. Các trường hợp không xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa
Điều 7 Nghị định 122/2018/NĐ-CP, các trường hợp không xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa bao gồm:
Thành viên trong gia đình vi phạm một trong các trường sau:
– Bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính theo hướng dẫn của Luật xử lý vi phạm hành chính.
– Không hoàn thành nghĩa vụ quân sự và nghĩa vụ nộp thuế.
– Bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng; phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường.
– Có tảo hôn hoặc hôn nhân cận huyết thống.
– Có bạo lực gia đình bị xử phạt hành chính.
– Mắc các tệ nạn xã hội, ma túy, mại dâm, trộm cắp, tổ chức đánh bạc hoặc đánh bạc.
– Tham gia tụ tập đông người gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.
4. Mẫu báo cáo gia đình văn hóa tiêu biểu theo từng khu vực
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
———-
BÁO CÁO TÓM TẮT THÀNH TÍCH GIA ĐÌNH
Tôi tên là: ………………………………………….
Ở tại: ……………………………………………….
Nghề nghiệp: ……………………………………
Tôi xin báo cáo tóm tắt thành tích về xây dựng Gia đình văn hoá 5 năm (…………):
1. Gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, tích cực tham các phong trào thi đua ở địa phương:
– Gia đình tôi luôn gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.- Thực hiện nghiêm chỉnh kế hoạch hoá gia đình.
– 5 năm qua, gia đình tôi luôn đi đầu trong công tác xã hội, tích cực đóng góp hàng triệu đồng cho công tác từ thiện, đền ơn đáp nghĩa,…
– Thường xuyên tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với dân cư nơi gia đình tôi sinh sống.
– 5 năm qua, tôi tích cực tham gia công tác ở tổ dân cư.
Với cương vị là tổ phó dân cư 4 năm và 1 năm là tổ trưởng tổ dân cư, tôi vận động bà con chấp hành tốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, bà con đóng góp các khoản quy định đạt 100%.
2. Gia đình hoà thuận, hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng:
– Gia đình tôi luôn hoà thuận, hạnh phúc, vợ, chồng giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.
– Vợ chồng đều là giáo viên nên luôn mẫu mực trong nếp sống, nếp nghĩ, nếp làm; chăm sóc con chu đáo, giáo dục con chăm ngoan, lễ phép. Con tôi đã đạt 9 năm liền là học sinh giỏi.
– Gia đình tôi có lối sống giản dị, chan hoà với mọi người được mọi người tin yêu, mến phục.
– Cùng với tổ dân cư, gia đình tôi góp phần vào bảo vệ trật tự, an ninh nơi thôn xóm nên thôn xóm an vui ổn định.
– Tích cực kêu gọi mọi người nâng cao ý thức giữ vệ sinh môi trường, cùng tích cực dọn vệ sinh, đường làng, ngõ xóm nên khu dân cư chúng tôi cư trú luôn sạch sẽ.
– Tương trợ, giúp đỡ hàng xóm láng giềng gặp khó khăn, tham gia sửa điện cho các hộ gia đình trong xóm khi cần, tạo mối đoàn kết, thân thiện, chân tình.
3. Tổ chức lao động sản xuất kinh doanh, công tác học tập đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả:– Gia đình tôi, vợ chồng đều là cán bộ công chức gương mẫu, luôn yêu nghề, hết lòng vì giáo dục thế hệ trẻ nên được cấp trên ghi nhận. Từ năm …………đến nay vợ chồng tôi đều được công nhận là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, riêng năm …………., bản thân tôi được công nhận là chiến sĩ thi đua cấp tỉnh.
– Từ những đóng góp của gia đình tôi, gia đình tôi được công nhận là gia đình văn hoá tiêu biểu nhiều năm liền ở tổ dân cư. Năm ………………., gia đình tôi được Uỷ ban nhân dân xã ……… công nhận là Gia đình văn hoá tiêu biểu.
…….., ngày…tháng…năm…
Người báo cáo