Cơ sở pháp lý có liên quan và được sử dụng trong bài viết:

 – Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 25 tháng 11 năm 2015;

– Nghị định 76/2021/NĐ-CP về quy định tiêu chí phân loại cảng biển.

1. Khái niệm cảng biển

– Cảng biển là khu vực bao gồm vùng đất cảng và vùng nước cảng, được xây dựng kết cấu hạ tầng, lắp đặt trang thiết bị cho tàu thuyền đến, rời để bốc dỡ hàng hóa, đón trả hành khách và thực hiện dịch vụ khác. Cảng biển có một hoặc nhiều bến cảng. Bến cảng có một hoặc nhiều cầu cảng.

– Cảng dầu khí ngoài khơi là công trình được xây dựng, lắp đặt tại khu vực khai thác dầu khí ngoài khơi cho tàu thuyền đến, rời để bốc dỡ hàng hóa và thực hiện dịch vụ khác.

– Kết cấu hạ tầng cảng biển bao gồm cầu cảng, vùng nước trước cầu cảng, kho, bãi, nhà xưởng, trụ sở, cơ sở dịch vụ, hệ thống giao thông, thông tin liên lạc, điện, nước và các công trình phụ trợ khác được xây dựng, lắp đặt cố định tại vùng đất cảng và vùng nước trước cầu cảng.

– Khu nước, vùng nước bao gồm vùng đón trả hoa tiêu, vùng kiểm dịch, vùng quay trở tàu, khu neo đậu, khu chuyển tải, khu tránh bão trong vùng nước cảng biển.

– Cảng quân sự, cảng cá và cảng, bến thủy nội địa nằm trong vùng nước cảng biển chịu sự quản lý nhà nước về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, phòng chống cháy, nổ và phòng ngừa ô nhiễm môi trường theo quy định của Bộ luật hàng hải và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Tiêu chí xác định cảng biển

– Có vùng nước nối thông với biển.

– Có điều kiện địa lý tự nhiên đáp ứng yêu cầu xây dựng cầu, bến cảng, khu neo đậu, chuyển tải và luồng hàng hải cho tàu biển đến, rời, hoạt động an toàn.

– Có lợi thế về giao thông hàng hải.

– Là đầu mối giao thông phục vụ cho việc vận chuyển hàng hóa trong nước; vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và trung chuyển bằng đường biển.

3. Tiêu chí phân loại cảng biển

Tiêu chí để đánh giá, phân loại các cảng biển tại Việt Nam

Về tiêu chí này, gồm: tiêu chí về phạm vi ảnh hưởng của cảng biển và tiêu chí về quy mô của cảng biển.

– Tiêu chí về phạm vi ảnh hưởng của cảng biển

Tiêu chí về phạm vi ảnh hưởng của cảng biển được đánh giá trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, qua các chỉ tiêu sau:

a) Cảng biển phục vụ cho việc phát triển kinh tế – xã hội của cả nước hoặc liên vùng và có chức năng trung chuyển quốc tế hoặc cảng cửa ngõ quốc tế;

b) Cảng biển phục vụ cho việc phát triển kinh tế – xã hội của cả nước hoặc liên vùng;

c) Cảng biển phục vụ cho việc phát triển kinh tế – xã hội của vùng;

d) Cảng biển phục vụ cho việc phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

– Tiêu chí về quy mô của cảng biển

Tiêu chí về quy mô của cảng biển được đánh giá trên cơ sở sản lượng hàng hóa thông qua và cỡ trọng tải tàu được tiếp nhận tại cảng biển, thông qua các chỉ tiêu sau:

a) Sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển;

b) Cỡ trọng tải tàu tiếp nhận tại cảng biển.

4. Phương pháp đánh giá, phân loại cảng biển

Việc đánh giá, phân loại cảng biển theo phương thức chấm điểm. Thang điểm đánh giá là 100 điểm. Thang điểm đánh giá được xác định cụ thể đối với từng tiêu chí và thể hiện chi tiết tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 76/2021/NĐ-CP về quy định tiêu chí phân loại cảng biển.

Cảng biển được đánh giá và phân thành 04 loại

a) Cảng biển đặc biệt: có tổng số điểm chấm đạt trên 90 điểm;

b) Cảng biển loại I: có tổng số điểm chấm đạt trên 70 điểm đến 90 điểm;

c) Cảng biển loại II: có tổng số điểm chấm đạt từ 50 điểm đến 70 điểm;

d) Cảng biển loại III: có tổng số điểm chấm dưới 50 điểm.

Căn cứ để đánh giá, phân loại hiện trạng cảng biển

a) Số liệu về phạm vi ảnh hưởng của cảng biển được căn cứ theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

b) Số liệu về quy mô của cảng biển sử dụng số liệu thống kê hàng hóa thông qua cảng biển trung bình trong 03 năm gần nhất của Cục Hàng hải Việt Nam và sử dụng số liệu về cỡ trọng tải tàu tiếp nhận tại cảng biển theo các quyết định công bố mở bến cảng, cầu cảng của Cục Hàng hải Việt Nam trong năm gần nhất.

Việc phân loại cảng biển khi lập quy hoạch hoặc điều chỉnh quy hoạch cảng biển phải căn cứ vào số liệu về hàng hóa, cỡ trọng tải tàu dự kiến từng thời kỳ quy hoạch và các tiêu chí quy định tại Nghị định 76/2021/NĐ-CP về quy định tiêu chí phân loại cảng biển.

5. Quy trình đánh giá, phân loại cảng biển

Cục Hàng hải Việt Nam định kỳ 05 năm một lần vào tháng 01 của năm đầu tiên hoặc căn cứ tình hình phát triển thực tế tại cảng biển lập danh mục cảng biển, đánh giá, phân loại cảng biển trình Bộ Giao thông vận tải.

Hồ sơ trình gồm:

a) Tờ trình đề nghị xếp loại cảng biển và công bố danh mục cảng biển;

b) Dự thảo Quyết định công bố danh mục cảng biển;

c) Các tài liệu liên quan.

Bộ Giao thông vận tải trên cơ sở báo cáo của Cục Hàng hải Việt Nam, lấy ý kiến các Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cơ quan có liên quan, tổ chức thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp loại cảng biển và công bố danh mục cảng biển.

Hồ sơ trình gồm:

a) Tờ trình Thủ tướng Chính phủ xếp loại cảng biển và công bố danh mục cảng biển;

b) Báo cáo thẩm định của Bộ Giao thông vận tải;

c) Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công bố danh mục cảng biển;

d) Các tài liệu liên quan.

6. Nội dung quản lý cảng biển

Ban quản lý và khai thác cảng

Ban quản lý và khai thác cảng do Chính phủ thành lập, được giao vùng đất, vùng nước cảng biển để quy hoạch, đầu tư, xây dựng, phát triển, khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển, khu hậu cần sau cảng.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban quản lý và khai thác cảng

– Xây dựng trình Bộ Giao thông vận tải xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển tổng thể vùng đất, vùng nước cảng biển được giao.

– Xây dựng và trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển được giao.

– Đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển theo quy hoạch được phê duyệt.

– Đăng ký đầu tư, thẩm tra và cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án đầu tư khu hậu cần sau cảng tại vùng đất, vùng nước cảng biển được giao.

– Ban hành các quy chế quản lý các hoạt động trong vùng đất, vùng nước cảng biển được giao.

– Tổ chức quản lý việc đầu tư, khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển và kết cấu hạ tầng hậu cần sau cảng.

– Tổ chức đấu thầu cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng cầu cảng, bến cảng biển.

– Kiểm tra, giám sát hoạt động của các nhà khai thác tại cảng biển, khu đất hậu cần sau cảng.

– Kiểm soát, cung cấp trang thiết bị và bảo đảm an toàn trong các hoạt động của cảng và đi lại của tàu thuyền trong khu vực quản lý.

– Cung cấp dịch vụ hoa tiêu, lai dắt, logistics và các dịch vụ liên quan khác trong khu vực vùng đất, vùng nước được giao.

– Bảo dưỡng, duy tu và sửa chữa kết cấu hạ tầng cảng biển trong vùng đất, vùng nước cảng biển được giao.

– Quyết định mức thu phí dịch vụ tại vùng đất, vùng nước được giao trên cơ sở khung phí dịch vụ do cơ quan có thẩm quyền quy định.

Quyết định mức giá dịch vụ tại vùng đất, vùng nước được giao trên cơ sở khung giá dịch vụ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định.

– Nhiệm vụ và quyền hạn khác do Chính phủ giao.

Cơ cấu tổ chức Ban quản lý và khai thác cảng, khu vực áp dụng mô hình Ban quản lý và khai thác cảng

– Hội đồng thành viên của Ban quản lý và khai thác cảng bao gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các ủy viên.

– Chủ tịch, các thành viên của Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc của Ban quản lý và khai thác cảng do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, trong đó phải có đại diện các cơ quan: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi áp dụng mô hình Ban quản lý và khai thác cảng.

– Chính phủ quy định chi tiết về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và khu vực áp dụng mô hình Ban quản lý và khai thác cảng.

Cảng vụ hàng hải

– Cảng vụ hàng hải là cơ quan trực thuộc cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải, thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hàng hải tại cảng biển và khu vực quản lý được giao.

-Giám đốc Cảng vụ hàng hải là người chỉ huy cao nhất của Cảng vụ hàng hải.

– Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức và hoạt động của Cảng vụ hàng hải.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Giám đốc Cảng vụ hàng hải

– Tham gia xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển cảng biển trong khu vực quản lý và tổ chức giám sát thực hiện sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

– Tổ chức thực hiện quy định về quản lý hoạt động hàng hải tại cảng biển và khu vực quản lý; kiểm tra, giám sát luồng, hệ thống báo hiệu hàng hải; kiểm tra hoạt động hàng hải của tổ chức, cá nhân tại cảng biển và khu vực quản lý.

– Cấp phép, giám sát tàu thuyền đến, rời và hoạt động tại cảng biển; không cho phép tàu thuyền đến, rời cảng khi không có đủ điều kiện cần thiết về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, lao động hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường.

– Chủ trì điều phối hoạt động giao thông hàng hải tại cảng biển và khu vực quản lý.

– Thực hiện quyết định bắt giữ tàu biển của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

– Tạm giữ tàu biển quy định tại Điều 114 của Bộ luật này.

– Chủ trì tổ chức tìm kiếm, cứu người gặp nạn trong vùng nước cảng biển; huy động người và các phương tiện cần thiết để thực hiện việc tìm kiếm, cứu nạn hoặc xử lý sự cố ô nhiễm môi trường.

– Tổ chức thực hiện việc đăng ký tàu biển, đăng ký thuyền viên khi được cơ quan có thẩm quyền giao; thu, quản lý, sử dụng các loại phí, lệ phí cảng biển theo quy định của pháp luật.

– Tổ chức thực hiện thanh tra hàng hải, điều tra, xử lý theo thẩm quyền các tai nạn hàng hải tại cảng biển và khu vực quản lý.

– Chủ trì, điều hành việc phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước tại cảng biển.

– Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải theo thẩm quyền.

Phối hợp hoạt động quản lý nhà nước tại cảng biển

– Các cơ quan quản lý nhà nước về hàng hải, an ninh, kiểm dịch, hải quan, thuế, văn hóa, thể thao và du lịch, phòng chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường và các cơ quan quản lý nhà nước khác thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn tại cảng biển theo quy định của pháp luật. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các cơ quan này có trách nhiệm phối hợp hoạt động và chịu sự điều hành trong việc phối hợp hoạt động của Giám đốc Cảng vụ hàng hải.

– Các cơ quan quản lý nhà nước hoạt động thường xuyên tại cảng biển được đặt trụ sở làm việc trong cảng. Doanh nghiệp cảng có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan này thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

 

(MK LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

Trên đây là nội dung Luật LVN Group đã sưu tầm và biên soạn. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi số: 1900.0191 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng!

Luật LVN Group (Sưu tầm và biên tập).