1. Hiểu thế nào về điều kiện dự tuyển đại học?

Tại Điều 5 Thông tư 09/2020/TT-BGDĐT, có quy định về điều kiện dự tuyển đại học như sau:

Điều 5. Điều kiện dự tuyển

1. Thí sinh đã tốt nghiệp chương trình THPT của Việt Nam (theo hình thức giáo dục chính quy hoặc giáo dục thường xuyên) hoặc đã tốt nghiệp trình độ trung cấp (trong đó, người tốt nghiệp trình độ trung cấp nhưng chưa có bằng tốt nghiệp THPT phải học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định của Luật Giáo dục và các văn bản hướng dẫn thi hành) hoặc đã tốt nghiệp chương trình THPT của nước ngoài (đã được nước sở tại cho phép thực hiện, đạt trình độ tương đương trình độ THPT của Việt Nam) ở nước ngoài hoặc ở Việt Nam (sau đây gọi chung là tốt nghiệp THPT).

2. Có đủ sức khoẻ để học tập theo quy định hiện hành. Đối với người khuyết tật được cấp có thẩm quyền công nhận bị dị dạng, dị tật, suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt và học tập thì hiệu trưởng các trường xem xét, quyết định cho dự tuyển vào các ngành học phù hợp với tình trạng sức khoẻ.

3. Trong độ tuổi quy định đối với những trường, ngành có quy định về tuổi.

4. Đạt các yêu cầu sơ tuyển, nếu đăng kí xét tuyển (ĐKXT) hoặc dự thi vào các trường có quy định sơ tuyển.

5. Có hộ khẩu thường trú thuộc vùng tuyển quy định, nếu ĐKXT hoặc dự thi vào các trường có quy định vùng tuyển.

6. Quân nhân; sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ trong Công an nhân dân tại ngũ chỉ được dự tuyển vào những trường do Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Công an quy định sau khi đã được cấp có thẩm quyền cho phép đi học; quân nhân tại ngũ sắp hết hạn nghĩa vụ quân sự theo quy định, nếu được Thủ trưởng từ cấp trung đoàn trở lên cho phép, thì được dự tuyển theo nguyện vọng cá nhân, nếu trúng tuyển phải nhập học ngay năm đó, không được bảo lưu sang năm học sau.

=> Như vậy, đáp ứng các điều kiện nêu trên thì sẽ được dự thi đại học, cao đẳng. Luật không có quy định bắt buộc phải kết nạp đoàn mới được thi đại học.

 

2. Giấy tờ cần khi nhập học đại học?

Khi nhập học, các trường yêu cầu tân sinh viên nộp các giấy tờ sau:

– Giấy báo nhập học (bản chính)

– Sơ yếu lý lịch có chứng thực

– Giấy chứng nhận tốt nghiệp trung học phổ thông tạm thời (nếu tốt nghiệp năm 2022) hoặc bằng tốt nghiệp trung học phổ thông đối (nếu tốt nghiệp trước năm 2022)

– Học bá trung học phổ thông. 

– Bản sao Căn cước công dân/Chứng minh nhân dân

– Bản sao Giấy khai sinh.

– Phiếu khám sức khoẻ do phòng khám quận, huyện cấp.

– Hồ sơ, giấy chứng nhận thuộc đối tượng được miễn, giảm, hỗ trợ chi phí học tập (nếu có)

– Ảnh thẻ

– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký Nghĩa vụ quân sự, Giấy xác nhận đăng ký vắng mặt (đối với nam)

Có thể thấy, hầu hết các trường đại học không bắt buộc phải nộp sổ đoàn viên khi nhập học, vì vậy nếu mất sổ đoàn sinh viên vẫn được nhập học bình thường.

 

3. Vai trò của sổ đoàn viên?

Sổ đoàn viên có vai trò hết sức quan trọng. Sổ đoàn viên được tạo lập nhằm mục đích có thể cho biết được lý lịch cá nhân của mỗi đoàn viên. Sổ đoàn viên sẽ cho ta biết những thông tin cơ bản và chính xác của mỗi đoàn viên. Đoàn viên Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh khai báo sẽ chịu trách nhiệm trước những thông tin đưa ra của mình đối với Chi đoàn.

Không chỉ vậy, sổ đoàn viên còn có vai trò giúp theo dõi quá trình hoạt động của từng Đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Đứng trong bất kỳ tổ chức nào cũng có những quy định và cần được theo dõi. Chi đoàn sẽ nhận xét được ưu, khuyết điểm, khen thưởng, kỷ luật và kết quả phân loại đoàn viên vào sổ của từng đoàn viên để nhằm mục đích có thể thông qua đó đánh giá quá trình hoạt động của Đoàn viên trong từng năm sinh hoạt.

 

4. Xử lý thế nào khi mất sổ đoàn viên?

Theo quy định tại Điểm c Mục 6 Hướng dẫn số 22 HD/TWĐTN, trường hợp do thất lạc hồ sơ đoàn viên thì thủ tục chuyển sinh hoạt đoàn phải có bản tường trình và xác nhận của cơ sở đoàn nơi chuyển đi, được làm lại hồ sơ tại nơi chuyển đến. Trường hợp còn thẻ đoàn viên hoặc những văn bản xác nhận là đoàn viên, đảm bảo các quy định tại Điều lệ Đoàn thì làm lại sổ đoàn viên tại nơi chuyển đến. Các trường hợp khác thì bồi dưỡng, xét kết nạp đoàn viên như Điều 1, Điều lệ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

=> Khi hồ sơ đoàn viên bị mất, thất lạc có thể xin cấp lại theo trình tự, thủ tục nhất định.

 

5. Thủ tục cấp lại sổ đoàn viên

Trường hợp mất sổ đoàn viên, Nghị quyết kết nạp đoàn hoặc toàn bộ hồ sơ đoàn viên (sổ đoàn viên, Nghị quyết kết nạp đoàn, thẻ đoàn viên) tiến hành cấp lại theo các bước như sau:

– Hướng dẫn đoàn viên làm bản tường trình về quá trình từ khi kết nạp đoàn và tham gia hoạt động Đoàn đến khi bị thất lạc hồ sơ, nếu nguyên nhân bị thất lạc hồ sơ, có xác nhận của cơ sở Đoàn mà Đoàn viên sinh hoạt trước khi chuyển đến đơn vị hiện tại. Trường hợp tổ chức cơ sở Đoàn làm mất hồ sơ của Đoàn viên đang tham gia sinh hoạt Đoàn tại đơn vị thì phải báo cáo với Đoàn cấp trên trực tiếp, tiến hành cấp lại đầy đủ hồ sơ cho đoàn viên và phải thực hiện kiểm điểm các cá nhân có liên quan trước tập thể chi đoàn.

– Căn cứ vào xác nhận trong bản tường trình và hồ sơ còn lại, tiến hành làm lại toàn bộ hồ sơ hoặc bổ túc hồ sơ thiếu đối với đoàn viên không vi phạm kỷ luật, không bỏ sinh hoạt Đoàn theo quy định của Điều lệ, không bị xoá tên khỏi danh sách đoàn viên. Hồ sơ mới được làm lại dựa trên thông tin trước đó của người đoàn viên về ngày kết nạp đoàn, nơi kết nạp đoàn và toàn bộ quá trình tham gia sinh hoạt đoàn, thành tích của đoàn viên từ khi kết nạp đến thời điểm hiện tại vào sổ đoàn viên mới. Đồng thời Ban chấp hành Đoàn cơ sở ra quyết định khôi phục hồ sơ đoàn viên (theo mẫu) và xác nhận trong hồ sơ mới của đoàn viên, quy trình cụ thể:

  • Bổ sung đầy đủ thông tin của đoàn viên trong sổ đoàn viên.
  • Đối với Nghị quyết kết nạp đoàn viên: điền đầy đủ thông tin về ngày kết nạp, đơn vị kết nạp,… Ở phía góc trái của mẫu Nghị quyết, Ban Chấp hành Đoàn cơ sở ký xác nhận khôi phục hồ sơ đoàn viên với nội dung sau: Khôi phục hồ sơ đoàn viên … theo quyết định số:… ngày … tháng … năm … của Ban Chấp hành Đoàn … về việc khôi phục hồ sơ đoàn viên.
  • Ghi nhận lại toàn bộ quá trình phấn đấu, thành tích của đoàn viên vào phần nhận xét, đánh giá của sổ đoàn viên.
  • Tiếp tục quản lý đoàn viên theo số quyết định khôi phục đoàn viên, đính kèm quyết định khôi phục vào sổ đoàn viên mới cho đoàn viên.

– Trường hợp mất sổ đoàn, còn thẻ đoàn, chi đoàn yêu cầu đoàn viên điền đầy đủ các thông tin trong sổ đoàn, photo thẻ đoàn và gửi về đoàn cơ sở, đoàn cơ sở cấp lại sổ đoàn, ghi lại nghị quyết và hoàn tất hồ sơ đoàn viên, ra quyết định khôi phục hồ sơ đoàn viên, ở phía góc trái của mẫu Nghị quyết, Ban Chấp hành Đoàn cơ sở ký xác nhận khôi phục hồ sơ đoàn viên với nội dung sau: Khôi phục hồ sơ đoàn viên … theo quyết định số: … ngày … tháng … năm … của Ban Chấp hành Đoàn … về việc khôi phục hồ sơ đoàn viên.

– Tạo điều kiện cho đoàn viên phấn đấu kết nạp lại nếu gián đoạn sinh hoạt Đoàn quá lâu (từ 1 năm trở lên) hoặc không có xác nhận của Đoàn cơ sở trước khi chuyển đến Đoàn cơ sở mới.

Trên đây là những tư vấn của Luật LVN Group về vấn đề “Chưa vào Đoàn, mất sổ đoàn có được nhập học đại học không?”. Nếu có bất kỳ vướng mắc nào cần hỗ trợ, quý bạn đọc vui lòng liên hệ đến tổng đài tư vấn trực tuyến: 1900.0191 để được giải đáp nhanh chóng nhất! Trân trọng!