Hiệu lực của kết luận thanh tra

Đối với dư luận xã hội, một trong những vấn đề được mong đợi nhất trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng là các Thông báo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ tại các đơn vị, bộ, ngành, địa phương. Bởi khi các Kết luận được công khai, rất nhiều điểm yếu, hạn chế và hành vi vi phạm pháp luật bắt đầu lộ diện. Tại các kết luận thanh tra, một phần rất được quan tâm là những đề nghị, kiến nghị của Thanh tra Chính phủ đối với Chính phủ, các đơn vị chức năng về cách thức xử lý sai phạm. Vậy, hiệu quả, hiệu lực sau các kết luận thanh tra đã phản ánh rõ quyết tâm xử lý sai phạm của các đơn vị chức năng hay chưa?

Nhiều sai phạm được phát hiện

Thời gian qua, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã tiến hành thanh tra và ban hành các thông báo kết luận thanh tra tại nhiều địa phương, đơn vị, bộ, ngành. Theo đó, rất nhiều hạn chế, khuyết điểm, sai phạm đã được phát hiện và được Thanh tra Chính phủ công khai bước đầu. Xin được nêu một số thí dụ cụ thể: Cuối năm 2015, TTCP đã có Thông báo số 25/TB-TTCP về công tác quản lý nhà nước về trang thiết bị và công trình y tế tại Bộ Y tế (giai đoạn 2011- 2014). Nhiều sai phạm đã được nêu ra, đáng chú ý là Viện Trang thiết bị và Công trình y tế (Viện) cấp 1.398 giấy thông báo lô hàng được miễn kiểm tra chất lượng dẫn tới 1.398 TBYT không được kiểm tra chất lượng nhưng vẫn lưu thông trên thị trường. Mặc dù Viện không có chức năng và ngành nghề kinh doanh thẩm định kết quả đấu thầu nhưng vẫn tiến hành thẩm định kết quả đấu thầu; quá trình thẩm định không phát hiện sai phạm trong việc đấu thầu mua sắm TBYT dẫn đến việc lựa chọn nhà thầu thiếu chính xác, không thẩm định trọn vẹn các tiêu chí…

TTCP cũng đã công bố kết luận thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại Tổng công ty Lương thực Miền Nam và một số đơn vị thành viên giai đoạn 2012-2013. Các đồng chí lãnh đạo TTCP cho biết: Quá trình thanh tra tập trung vào việc bảo lãnh vốn vay, sử dụng vốn, đầu tư ngoài ngành, mua bán hàng hoá, quản lý sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng; thực hiện chính sách tạm trữ lương thực và xuất khẩu gạo. Theo đó, Tổng công ty Lương thực Miền Nam đã thực hiện cho vay và bảo lãnh vay vốn cho một số đơn vị (Công ty cổ phần Tô Châu, Công ty TNHH Bình Tây, Công ty TNHH MTV Lương thực Sài Gòn, Công ty Lương thực Hậu Giang) không đúng quy định, vượt thẩm quyền.

Theo kết luận của TTCP về việc quản lý sử dụng vốn tại Khu công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc giai đoạn 2004-2012, việc điều chỉnh quy hoạch khu công nghệ cao này còn chậm, thuyết minh quy hoạch có một số nội dung sai lệch, chưa phù hợp với thực tiễn, cập nhật số liệu hiện trạng chưa chính xác, thiếu quy định về các khu vực cấm xây dựng. Việc lập dự toán và thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng có nhiều vi phạm trong các giai đoạn thiết kế, lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế – dự toán làm tăng không đúng giá trị tổng dự toán các gói thầu với số tiền hơn 40,1 tỷ đồng; thi công xây lắp, điều chỉnh giá theo hướng dẫn và nghiệm thu thanh toán với tổng số tiền vi phạm hơn 10,2 tỷ đồng. Tại dự án dò mìn khu vực 600 ha, hồ sơ hoàn công và chứng từ thanh quyết toán có nhiều mâu thuẫn và chưa đủ căn cứ pháp lý, số liệu hạch toán về chi phí nhân công và chi phí máy thi công của đơn vị thi công chênh lệch tới hơn 7,1 tỷ đồng (chiếm 35% giá trị quyết toán). Mặt khác, TTCP cũng chỉ rõ, Ban quản lý khu CNC Hòa Lạc tổ chức các đoàn đi công tác, trao đổi kinh nghiệm và học tập ở nước ngoài, có tới 32 đoàn đi không báo cáo kết quả chuyến đi, 20 đoàn không có kế hoạch được duyệt, quyết định cho 21 người đi nước ngoài không đúng thành phần…

Tại các kết luận thanh tra, TTCP luôn đề cập cụ thể các kiến nghị về cách thức xử lý đối với các tập thể, cá nhân sai phạm.

Nhiều sai sót, vi phạm được quy trách nhiệm cho cơ chế

Thông báo Kết luận thanh tra (KLTT) số 446 của TTCP nêu rõ một số vi phạm của Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc, đáng chú ý là: Vi phạm trong lập dự toán và thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng; thanh, quyết toán khu vực dò mìn 600 ha chưa rõ ràng; đền bù giải phóng mặt bằng sai đối tượng, sai quy định; gây lãng phí ngân sách nhà nước khi không giải phóng mặt bằng dứt điểm; tổ chức các đoàn đi công tác nước ngoài không đúng quy định, đối tượng…

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Phạm Đại Dương (Giám đốc Ban quản lý thời gian thanh tra và ban hành kết luận thanh tra) cho biết: Khu CNC Hòa Lạc là một mô hình khá mới, không có tiền lệ ở nước ta. Dự án từ khi bắt đầu được thực hiện đến nay đã trải qua một giai đoạn tương đối dài, trong thời gian triển khai dự án đã có nhiều sự thay đổi về quy định pháp lý, một số quy định của pháp luật chưa theo kịp thực tiễn, nhất là có sự thay đổi về địa giới hành chính (năm 2008 sáp nhập tỉnh Hà Tây vào TP Hà Nội)… cho nên trong quá trình triển khai dự án không thể tránh khỏi những thiếu sót. Ngay trong quá trình thực hiện thanh tra và sau khi KLTT được chính thức ban hành, Ban quản lý đã báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ, chủ động tổ chức rút kinh nghiệm, khắc phục những tồn tại, thiếu sót được đoàn thanh tra kiến nghị như: đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc; góp ý kiến với các bộ, ngành trong công tác xây dựng văn bản pháp luật có liên quan và trực tiếp điều chỉnh tới hoạt động của khu CNC như các Nghị định của Chính phủ về Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư… để trên cơ sở đó xây dựng khung giá đất áp dụng trong Khu CNC Hòa Lạc… Tuy nhiên, Thứ trưởng Phạm Đại Dương cho rằng, một số kiến nghị được nêu trong kết luận TTCP liên quan các cơ chế, chính sách không đi kịp với đặc thù phát triển khu CNC, do đó, cần phải có sự điều chỉnh phù hợp. Ban quản lý đã báo cáo và Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý xây dựng để ban hành Nghị định về cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu CNC Hòa Lạc. Nghị định được ban hành sẽ vừa tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách vừa huy động các nguồn lực cho quá trình xây dựng và phát triển Khu CNC Hòa Lạc.

Một trong những vi phạm của Viện Trang thiết bị và Công trình Bộ Y tế được TTCP xác định là ban hành 1.398 giấy thông báo miễn kiểm tra chất lượng dẫn tới số lượng lớn TBYT chưa bảo đảm chất lượng được lưu hành trên thị trường. Tuy nhiên, Viện đã dẫn ra các quy định theo Thông tư 37/2001/TTLT/BKHCN-TCHQ và khẳng định đây là việc làm phù hợp và Thông tư này đang còn hiệu lực thi hành. Trong văn bản báo cáo giải trình với lãnh đạo Bộ Y tế về kết luận của TTCP, Viện cũng dẫn giải nhiều quy định để cho rằng việc làm của mình là đúng, như: việc lập hồ sơ mời thầu; sửa đổi hồ sơ mời thầu; quy trình thẩm định hồ sơ dự thầu… Từ những giải trình nêu trên, Viện đã có những bước thực hiện kiểm điểm khá nhẹ nhàng đối với những cá nhân và tập thể, như: kiểm điểm rút kinh nghiệm từng đơn vị; hạ một bậc danh hiệu thi đua; Viện trưởng nghiêm túc kiểm điểm tại Hội nghị công chức, viên chức… Đối với những sai phạm về kinh tế được nêu trong kết luận của TTCP, Viện ban hành Quyết định mới về cơ chế quản lý tài chính, xây dựng lại quy chế chi tiêu nội bộ… Đây là những nội dung mà TTCP đề nghị Bộ Y tế chấn chỉnh, tổ chức kiểm điểm, xử lý hoặc kiến nghị xử lý… đối với Viện.

Đối với Tổng Công ty Lương thực Miền Nam, ngay sau khi Thanh tra Chính phủ ban hành thông báo kết luận thanh tra tại đây, Tổng công ty đã có văn bản giải trình đưa ra nhiều lập luận và kiến nghị đối với TTCP nhằm làm rõ hơn kết luận của TTCP về những vi phạm tại đơn vị này. Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực Miền Nam Huỳnh Thế Năng, người không có nhiều liên quan các sai phạm của đơn vị này bởi khi về nhận nhiệm vụ Tổng Giám đốc thì Tổng công ty đang ở giai đoạn xử lý hậu quả của những sai phạm trước đó, cho rằng: Cần thực thi nghiêm túc các kết luận của thanh tra. Trong đó, cần thiết nhất là tái cơ cấu bộ máy. Theo ông Năng, một trong những nguyên nhân dẫn đến sai phạm của Tổng công ty và các công ty con là do bộ máy không còn phù hợp điều kiện sản xuất, kinh doanh và cạnh tranh. Bộ máy càng cồng kềnh thì sức ỳ càng lớn và không đủ sức vận hành trong khi các hoạt động kinh doanh ngày càng đòi hỏi sự nhanh nhạy, chính xác.

Ông Năng cũng lưu ý, một số khoản tiền mà TTCP đề nghị thu hồi đang được Tổng công ty tích cực triển khai và khẳng định: Đây không phải là tiền thất thoát, lãng phí. Nhưng, việc thu hồi một số khoản tiền cần chờ đợi quyết định của Bộ Tài chính; những khoản tiền liên quan các đối tác nước ngoài thì cần có thời gian.

Đáng chú ý, trong kết luận của TTCP nêu rõ một trong những sai phạm lớn của Tổng công ty là đầu tư không phù hợp mục tiêu, không xin ý kiến cấp trên… gây thua lỗ. Về nội dung này, Tổng Công ty Lương thực Miền Nam cũng có những giải trình cụ thể và cho rằng, Tổng công ty chỉ là một bên tham gia góp vốn, quyết định chủ trương đầu tư. Việc tổ chức mua-bán, giám định, đăng kiểm thuộc về bên đối tác… Mặt khác, còn khá nhiều kết luận của TTCP chưa được Tổng công ty hoàn toàn chấp nhận. Đáng chú ý, trong khoảng 30 nội dung giải trình, Tổng Công ty Lương thực Miền Nam cũng đưa ra những văn bản quy định liên quan để từ đó kiến nghị TTCP xem xét lại nhiều nội dung kết luận cho chính xác và phù hợp.

Có thể thấy, nhiều sai phạm dù đã được TTCP phát hiện, quy trách nhiệm cụ thể nhưng trong thực tiễn, các đơn vị bị thanh tra đều đưa những lý lẽ riêng để giải trình và có một số điểm do Thanh tra kết luận nhưng đơn vị chưa thật sự “tâm phục, khẩu phục”. Đáng chú ý, như đã nêu ở trên, nhiều sai phạm trong đó được quy cho sự chậm trễ trong đổi mới cơ chế, chính sách và từ kết luận của TTCP, các đơn vị mới “khẩn trương” đề xuất, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo cấp trên ban hành những quy định mới phù hợp…

Cần kiên quyết hơn nữa trong xử lý sai phạm

Sau hai lần gửi Giấy giới thiệu và nhiều lần hẹn công tác bị hoãn tổng thời gian chờ đợi khoảng… gần ba tháng, chúng tôi cũng gặp được uỷ quyền lãnh đạo TTCP để trao đổi về những nội dung quan tâm về hiệu lực, hiệu quả sau các kết luận thanh tra. Dù nhiệt tình và trách nhiệm nhưng người uỷ quyền lãnh đạo Vụ Tổng hợp của TTCP không thể gửi tới những thông tin thật sự cần thiết cho chúng tôi, đồng thời đưa ra rất nhiều quy định khác nhau về việc phát ngôn đối với báo chí trong việc thực hiện các kết luận thanh tra. Nội dung trao đổi được chúng tôi gửi đến một Vụ chức năng của TTCP chuẩn bị tài liệu, nhưng theo hướng dẫn của ngành thì trực tiếp trả lời, gửi tới thông tin cho báo chí lại là việc của một vụ chức năng khác…

Tuy nhiên, đối với một số vấn đề cụ thể, các đồng chí lãnh đạo các vụ chức năng của TTCP cho biết: Trong thực tiễn thanh tra, có nhiều sai phạm, thiếu sót của các đơn vị dù đã được Thanh tra kết luận nhưng lỗi, nguyên nhân lại nằm ở cơ chế, chính sách chưa phù hợp với quá trình và mô hình hoạt động của đơn vị trong thời kỳ mới. Có những vấn đề đã được kết luận là sai phạm nhưng thẩm quyền xử lý lại phải được sự đồng ý và có ý kiến chỉ đạo của Chính phủ. Những nội dung, vướng mắc như nêu trên đều hiện diện trong kết luận của TTCP đối với nhiều thông báo kết luận thanh tra, trong đó có của Tổng công ty Lương thực Miền Nam, Bộ Y tế và Khu CNC Hòa Lạc. Thậm chí, có những kết luận thanh tra nêu rõ ràng những sai phạm của các đơn vị, kiến nghị cách thức xử lý cụ thể nhưng lại chưa thể tiến hành ngay… Bởi liên quan nhiều đơn vị chức năng khác nhau và mỗi đơn vị này lại có những ý kiến phản hồi của riêng mình, dựa trên những văn bản quy định cụ thể… Vì vậy, trên thực tiễn, có những KLTT sau khi ban hành thì việc tiếp thu, thực hiện còn một số hạn chế nhất định mà trách nhiệm không hẳn thuộc về TTCP và cũng chưa thể khẳng định thuộc về đơn vị được thanh tra…

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com