Ngược lại, ngôi đình làng vừa thể hiện được sự uy nghiêm của chốn tâm linh nhưng cũng là nơi diễn ra rất nhiều hoạt động của đời sống thường nhật của cộng đồng thôn, làng. Cụ thể, đây vừa là nơi hay diễn ra các lễ hội truyền thống, vừa là nơi tổ chức các sinh hoạt văn hóa cộng đồng… Nhưng có lẽ điều đặc biệt nhất chính là các hoạt động vừa mang tính tâm linh, vừa mang màu sắc chính trị được diễn ra trên chiếc chiếu đình.

1. Yếu tố tâm linh, cách bài trí và vai trò của đình làng

Khi tìm hiểu về ngôi đình làng, một số vấn đề nhất thiết phải quan tâm như: sự hiện diện của các yếu tố tâm linh của các ngôi đình làng, vị trí đặt ngôi đình làng, kiến trúc và bày biện nội thất của các ngôi đình làng, tiếp đến là cách thức tổ chức sinh hoạt của ngôi đình làng và thành phần tham gia cũng như mục đích tham gia sinh hoạt của những thành viên tại đây…

Trước tiên, nói về những yếu tố tâm linh trong ngôi đình làng, bất cứ ngôi đình nào cũng đều thờ thành hoàng của làng. Đây là yếu tố bắt buộc, thành hoàng của mỗi làng có thể là khác nhau nhưng tựu chung đều là những người được cho là có công lao to lớn đối với làng và được sự ghi nhận của dân làng và qua nhiều đời được tôn là thành hoàng của làng. Thành hoàng là người gánh vác trách nhiệm tâm linh bảo vệ dân làng. Ngoài thành hoàng làng, tùy theo mỗi ngôi đình làng còn có thể thờ thêm các vị thần, thánh khác do mỗi làng tôn thờ nhằm mục đích: tri ân các vị thánh, hoặc việc thờ cúng các vị thần này theo sắc phong của Nhà vua. Nhà vua sắc phong công lao cho vị thánh và giao nhiệm vụ cho vị thánh đó giám hộ, bảo vệ thôn, làng ngược lại thôn, làng có bổn phận thờ cúng vị thánh của làng mình, qua đó cũng thể hiện tri ân công đức vị thánh và cũng là tri ân nhà vua.[1]

Về cách bài trí và nội thất của ngôi đình làng: Đình làng khi xây dựng  thông thường được làng xã chọn khu đất cao thoáng rộng và khu đất để xây đình thường đặt ở ngoài làng xóm. Rất hiếm khi xây trong làng[2](hiện nay nhiều ngôi đình đã nằm cùng với nhà dân hoặc xen kẽ với dân là do sự phát triển tự nhiên về dân số). Tuy nhiên, về nội thất của ngôi đình làng bên trong đều được bày biện ngoài các ban thờ, các tượng của các vị thánh, của thành hoàng, bài vị, sắc phong của làng… nhằm vinh danh những người có công với làng. Nhưng một phần cũng không thể thiếu trong mỗi ngôi đình là các loại binh khí (thường là thập bát binh khí) theo các cách thức khác nhau, nhưng phổ biến là chúng được bố trí thành 2 hàng trước hoặc cạnh ban thờ chính điện trong đình làng.

Việc vinh danh, tôn thờ những người có công to lớn đối với làng, vị trí của nơi đặt đình làng cùng với cách thức bày biện nội thất ngôi đình đã làm toát lên vai trò đây là nơi quan trọng bảo vệ, che chở cho thôn, làng trước các biến cố của đời sống tự nhiên và xã hội và làm chúng ta mường tượng về một cơ quan đầu não của làng… Điều này càng được minh chứng rõ hơn khi xem xét về cách thức tổ chức và truyền tải các quyết định từ các cuộc họp của các bô, lão chốn chiếu đình đến dân làng.

>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi:   1900.0191

Về thành phần tham gia vào ngôi đình làng:

Thứ nhất, về thành phần giới tính: Yêu cầu nhất thiết của những người tham gia vào ngôi đình phải là nam giới, điều này xuất phát từ quan niệm của người xưa cho rằng chỉ có đàn ông là có đủ tư cách tham gia vào đình làng vì nhiều lý do khác nhau nhưng điểm mấu chốt theo quan điểm truyền thống chủ đạo cho rằng: “đàn bà và tiểu nhân là một”. Đây là chốn linh thiêng của làng nên không chấp nhận những hạng người không đủ tư cách.

Thứ hai, về độ tuổi: Mặc dù lịch sử nước ta cũng đã ghi nhận những: Nguyễn Hiền, Lê Văn Hưu, Lương Thế Vinh, Lê Quý Đôn…, những người đã thành danh từ rất sớm nhưng tựu chung độ tuổi chín theo các cụ phải là: “tam thập, nhi lập”, nghĩa là độ tuổi trưởng thành đối với người đàn ông là 30 tuổi. Nhưng đó mới là độ tuổi trưởng thành, và một câu nói cũng có phần ảnh hưởng rất quan trọng là: “khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già” cũng được cổ nhân hết sức lưu ý. Vậy những người đàn ông mới trưởng thành đã được coi là “khôn” theo các cụ để được tham gia vào đình làng chưa? Chắc có lẽ là chưa, vì độ tuổi được tham gia đình làng chí ít phải là nửa đời người và theo quan niệm cũ đó là 50 (một cái năm mươi).

Thứ ba, thành phần bản xứ: Đây cũng là một đòi hỏi hết sức quan trọng trong việc xem xét có được tham dự vào đình làng hay không. Đối với đa số các làng thì chỉ có những người bản xứ đảm bảo yêu cầu về độ tuổi và giới tính mới được tham gia vào sinh hoạt tại đình làng. Thành phần dân ngụ cư cùng lắm chỉ được tham gia vào những việc lặt vặt giúp đỡ các bô, lão trong các sinh hoạt của đình làng và họ đã cho đó là vinh dự rồi. Thành phần ngụ cư tuyệt đối không được bén mảng và tham gia ý kiến trong các cuộc họp của các bô, lão tại đình.

2. Cách tổ chức hoạt động và hình thức truyền tải các nội dung liên quan đến đời sống dân làng trong các cuộc họp chốn chiếu đình đến đời sống cộng đồng

Từ những yêu cầu chặt chẽ trên về thành phần tham gia đình làng, chúng ta đã mường tượng ra một cơ quan trọng yếu trong đời sống thôn, làng. Đây không phải là nơi để ai cũng có thể “vui đâu, chầu đấy” tham gia vào đó. Nó không phải là nơi mọi người có thể nương nhờ như chốn cửa chùa. Mà thực tế đây là một nơi diễn ra những hoạt động khá phức tạp. Nó phức tạp ngay từ chính các quy định quen thuộc vốn đã thành lệ của nó.

Trước tiên là việc tham gia vào “chiếu đình”: Tùy từng phong tục mỗi làng hiện nay là khác nhau nên độ tuổi được tham gia vào “chiếu đình” cũng khác nhau, chẳng hạn có nơi là 50, có nơi là 60 tuổi. Tuy nhiên, đối với các lệ làng cổ thì tuổi trình lão là 49 tuổi và 50 là tuổi chính thức được tham gia chiếu đình. “Chiếu đình” là nơi những người được sắp xếp theo thứ tự và thứ bậc của các hàng chiếu trải ở trong đình. Chiếu trên cùng dành cho những các cụ có vai vế nhất trong làng (thường là dựa trên lứa tuổi) theo thứ bậc: cụ nhất, cụ nhị, cụ tam… tiếp đến chiếu thứ hai và đến chiếu cuối cùng dành cho những người mới tham gia. Tuy vậy, ở mỗi đình làng cũng có những lệ khá khắt khe. Chẳng hạn, có người trong làng bận công tác ở xa, đến tuổi trình lão và tham gia các cụ mà không làm các thủ tục tham gia (thường là bằng các lễ trình lão) thì nếu sau đó được chấp thuận tham gia về sau thì vẫn phải ngồi chiếu dưới thậm chí dưới cả những người ít tuổi hơn nhưng đã tham gia trước đó. Hay những người chỉ đẻ được con gái thì dù cao tuổi nhưng vẫn phải ngồi chiếu dưới trong đình vì sự phân biệt đối xử của mỗi lệ làng và thường thì lệ làng cho rằng những người đó là vô phúc nên không có người kế tục để duy trì dòng dõi và đóng góp tiếp theo cho làng nên họ xứng đáng phải nhận thân phận như vậy.

Về ngôi thứ trong đình làng và dòng họ: đây cũng là một điều hết sức quan trọng và có tính bắt buộc, khi ra đình không phải tuân thủ nguyên tắc ngôi thứ của dòng họ mà phải tuân thủ nguyên tắc ngôi thứ của lệ làng.

Các quyết định của làng: đây là những vấn đề thường hay được bàn luận và thông qua trong lúc trà dư, tửu hậu của các ngày lễ tuần (thường được tổ chức vào các ngày mồng một hoặc mười lăm hàng tháng âm lịch) hay tại các cuộc họp thường kỳ, bất thường được các bô, lão và những người được giao nhiệm vụ trực tuần thực hiện. Thông thường trong các phiên họp kiểu này ngoài việc thông qua những vấn đề liên quan đến nội bộ của sinh hoạt đình làng thì những vấn đề liên quan đến đời sống dân làng cũng được bàn luận và xem xét tại đây. Nội dung các vấn đề do các cụ bàn bạc đều được những người được giao nhiệm vụ làm thư ký ghi chép cẩn thận vào một cuốn sổ được cất trong đình. Tuy các vấn đề được thông qua bằng con đường phi pháp lý nhưng nó lại có tính cưỡng chế hết sức to lớn đối với dân làng. Bởi lẽ, đây là dòng truyền tải mềm nhưng nó thuận và phù hợp với văn hóa và truyền thống người Việt, những vấn đề được các bô lão – những người đức cao vọng trọng trong làng thông qua được truyền tải đến dân làng thông qua gia đình và dòng tộc hết sức nhẹ nhàng nhưng lại mang đầy sức mạng cưỡng chế bởi các giá trị truyền thống. Nó thể hiện ở chỗ, với một truyền thống văn hóa coi trọng các giá trị tập thể hơn các giá trị cá nhân thì tiếng nói của người đàn ông cao tuổi nhất trong các gia đình gia trưởng bao giờ cũng là tiếng nói quan trọng nhất và được các thành viên trong gia đình chấp nhận như là một loại tín ngưỡng tôn giáo. Điều tương tự trong dòng tộc cũng vậy, tiếng nói của trưởng tộc bao giờ cũng là tiếng nói rất quan trọng. Việc phải đối những ý kiến của những người đứng đầu trong gia đình, dòng tộc này bị coi là không thể chấp nhận được và có thể bị gán cho “tội” bất hiếu – một trong những “trọng tội” theo quan niệm của các giá trị truyền thống hoặc có thể bị khai trừ khỏi dòng họ tùy theo tội mà những người bất tuân phạm phải.

3. Rào cản đối với pháp luật của nhà nước và hơi hướng của quyền lực chính trị nơi chốn chiếu đình

Với vai trò là những người đàn ông trưởng thành trong các gia đình, những người đã tham gia vào bô, lão ở đình làng cũng là những người hiểu rất rõ, về nhu cầu của gia đình, dòng tộc mình. Tiếng nói của các bô, lão thực chất chính là tiếng nói của các gia đình, dòng tộc trong thôn, làng được bày tỏ nơi chiếu đình nên những vấn đề được thảo luận và thông qua tại các cuộc họp tại đình làng của các bô, lão là rất phù hợp với nhu cầu của thôn, làng do nó được xuất phát từ chính nhu cầu của thôn, làng. Điều này khác hẳn với các đạo luật có tính cưỡng chế mạnh mẽ từ nhà nước nhưng chứa đựng đầy yếu tố quan liêu trong đó.

Do đó, có thể lý giải được tại sao mỗi lũy tre làng là một đường biên giới đối với pháp luật của nhà nước.

Và một điều cũng hết sức thú vị khi nghiên cứu về ngôi đình làng, thực chất bên trong chứa đựng vấn đề gì? Khi nghiên cứu về ngôi đình làng thì cũng có rất nhiều góc độ cần được xem xét và tìm hiểu, chẳng hạn dưới góc độ tâm linh, văn hóa.., nhưng đối với tác giả có lẽ vấn đề thú vị nhất khi tìm hiểu về ngôi đình làng đó là xem xét nó dưới góc độ của một số hoạt động mang màu sắc chính trị. Điều này không phải do óc tưởng tượng phong phú của tác giả nghĩ ra, do đó, tác giả xin đề cập đến một vài vấn đề cụ thể để chứng tỏ sự hiện diện của hoạt động này:

Thứ nhất, sự hiện diện của quyền lực trong thực tiễn từ các phiên họp của các bô, lão. Khi đi tìm hiểu về các lệ làng từ các tài liệu cũ, tác giả thấy rằng có rất nhiều lệ làng được thông qua tại các phiên họp này. Chẳng hạn, trước kia nhiều làng vẫn có lệ con gái đi lấy chồng xa phải đóng góp một số lượng gạch nhất định để xây dựng đường làng.

Thứ hai, sự hiện diện của quyền lực mang yếu tố triết lý và tâm linh. Như đã trình bày trên, đình làng là nơi vinh danh, tôn thờ các vị thánh – những người có sức mạnh và có khả năng trừng phạt, răn đe đối những người có tâm địa hoặc hành động xấu xa. Điều này được thể hiện ở chính các câu nói của người xưa: “trời đánh, thánh vật”. Từ góc độ triết lý có thể thấy rằng sự hiện diện của yếu tố quyền lực bao giờ cũng đi kèm với đó là một sự cưỡng chế, sự cưỡng chế nhằm đảm bảo cho quyền lực được thực thi và duy trì. Còn từ yếu tố tâm linh ta cũng thấy rằng rõ ràng sự xuất hiện của quyền lực đã biến chốn chiếu đình không phải là nơi bình yên đối với mọi người như chốn cửa chùa.

Thứ ba, nơi mọi người mong muốn đóng góp. Rõ ràng nếu xem xét dưới góc độ kinh tế và nhu cầu, chốn chiếu đình không phải là nơi túng thiếu để cần có những tấm lòng từ thiện, những nhà hảo tâm. Nhưng ở đây thường được các bậc mạnh thường quân rất hay gửi gắm và cung tiến nhất là những người tha hương, những người thành đạt.., ngoài ra còn có những người thuộc thân phận thấp hèn như những người ngụ cư. Cũng sẽ có ý kiến cho rằng những đóng góp này chỉ đơn thuần là xuất phát từ tâm mong làm việc nghĩa nhưng theo nghiên cứu và tìm hiểu của tác giả thì thành phần này tuy cũng có nhiều nhưng cũng có không ít người mong muốn được thể hiện mình với mục đích nâng cao địa vị nơi chốn chiếu đình hoặc muốn thay đổi thân phận thông qua các khoản đóng góp này. Cụ thể là, có những người trước khi đóng góp cũng đã thỏa thuận phải có bia công đức để vinh danh họ tại nơi đó… Rõ ràng chốn chiếu đình đã có sự hiện diện của yếu tố quyền lực nơi đây…

Trên đây là một vài điều mạn đàm về ngôi đình làng và vai trò của nó đối với đời sống của người Việt. Kính mong nhận được các ý kiến đóng góp của các độc giả quan tâm đến vấn đề này.

Mọi ý kiến đóng góp xin được chia sẻ tại blog hoặc gửi trực tiếp cho tác giả theo địa chỉ: [email protected]

Xin chân thành cảm ơn!


Bài viết đã được đăng trên Blog của Ths. Đinh Thế Hưng – http://dinhthehung.wordpress.com

[1] Trương Vĩnh Khang – http://dantri.com.vn/c202/s202-419739/le-lang-phep-vua-ngam-qua-ngoi-dinh-cua-nguoi-viet.htm

[2] Trương Vĩnh Khang – đã dẫn.

SOURCE: TÁC GIẢ CUNG CẤP –THS. CAO VIỆT THĂNG – Viện Nhà nước và Pháp luật

Theo: http://thongtinphapluatdansu.wordpress.com

(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)