1. Mẫu kế hoạch bảo đảm an toàn giao thông

Luật LVN Group xin giới thiệu: Mẫu kế hoạch bảo đảm an toàn giao thông (phụ lục 8a) ban hành kèm theo Thông tư số: 63/2014/TT-BGTVT ngày 07 tháng 11 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải

Tên doanh nghiệp, HTX:……..

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số:………….. /…………..

…………, ngày…… tháng……năm…..

KẾ HOẠCH BẢO ĐẢM AN TOÀN GIAO THÔNG

I. Tổ chức đảm bảo an toàn giao thông của đơn vị vận tải

1. Cơ cấu tổ chức: mô hình, chức năng nhiệm vụ các phòng, ban.

2. Người phụ trách bộ phận an toàn: họ tên, trình độ, chuyên ngành.

3. Tổ chức bộ phận theo dõi an toàn giao thông của đơn vị vận tải (chỉ áp dụng đối với đơn vị vận tải đăng ký kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, xe buýt, xe taxi, vận chuyển công-ten-nơ).

4. Công tác lắp đặt, theo dõi, sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình; trang bị máy tính, đường truyền kết nối mạng.

5. Công tác tuyển dụng, ký kết hợp đồng lao động, khám sức khỏe cho lái xe.

II. Kế hoạch tổ chức vận tải an toàn

1. Đối với hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định, xe buýt:

– Kế hoạch đảm bảo an toàn phương tiện: tổng số phương tiện, số xe vận doanh bình quân, kế hoạch bảo dưỡng định kỳ, sửa chữa phương tiện, nội dung kiểm tra kỹ thuật an toàn phương tiện trước khi đưa xe ra hoạt động hàng ngày (bao gồm kiểm tra trạng thái hoạt động của thiết bị giám sát hành trình xe).

– Lịch trình vận tải cho các chuyến xe trong một chu kỳ vận tải (một vòng xe chạy, bao gồm thời gian dừng đón, trả khách và thời gian dừng nghỉ bắt buộc) trên các tuyến đảm bảo không chạy quá tốc độ.

– Kế hoạch tổ chức lao động cho lái xe và nhân viên phục vụ: tổng số lái xe có giấy phép lái xe đúng quy định, số lái xe bình quân đủ điều kiện làm việc; số giờ lái xe làm việc trong ngày (24 tiếng)/số giờ xe hoạt động trên tuyến trong ngày (24 tiếng).

– Các nội dung đảm bảo an toàn giao thông khác.

2. Đối với hoạt động vận tải hành khách bằng xe taxi và vận tải hàng hóa:

– Kế hoạch đảm bảo an toàn phương tiện: tổng số phương tiện, số xe vận doanh bình quân, kế hoạch bảo dưỡng định kỳ các phương tiện, nội dung kiểm tra kỹ thuật an toàn phương tiện trước khi đưa xe ra hoạt động hàng ngày (bao gồm kiểm tra trạng thái hoạt động của thiết bị giám sát hành trình xe).

– Kế hoạch tổ chức lao động cho lái xe: tổng số lái xe có giấy phép đúng quy định, số lái xe bình quân đủ điều kiện làm việc, số giờ lái xe làm việc trong ngày (24 tiếng).

– Các nội dung đảm bảo an toàn giao thông khác.

III. Tuyên truyền, giáo dục về an toàn giao thông

Kế hoạch tổ chức tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông và giáo dục đạo đức nghề nghiệp, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ (nếu có).

IV. Kiểm tra, giám sát về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông

1. Theo dõi, giám sát việc thực hiện quy định về trật tự, an toàn giao thông của lái xe thông qua thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô:

– Xây dựng phương pháp và biểu mẫu thống kê số lần vi phạm theo các tiêu chí về hành trình, vận tốc, thời gian lái xe liên tục, dừng đỗ không đúng quy định;

– Thủ tục, phương tiện, cách thức cảnh báo cho lái xe trong khi đang điều khiển phương tiện;

– Biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả khi xảy ra tai nạn giao thông đối với phương tiện của đơn vị.

2. Thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm các quy định về trật tự, an toàn giao thông của lái xe và nhân viên phục vụ trên xe (nếu có).

Đại diện doanh nghiệp, HTX
(Ký tên, đóng dấu)

2.Điều kiện hưởng bảo hiểm dân sự khi tham gia giao thông?

Thưa Luật sư, em đi xe máy đang di chuyển trên QL.3 theo đúng làn đường bên phải của mình thì đột nhiên có 1 người điều khiển xe máy đi ngược chiều và đi sai làn đường tông vào xe em. Kết quả là em gẫy tay, xe em hỏng nặng. Còn người đàn ông kia tử vong tại chỗ + xe hư hỏng. Vậy cho em hỏi trong trường hợp này thì bên nào sẽ được hưởng bảo hiểm ạ?
Xin chân thành cảm ơn Luật sư!

>> Tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến qua tổng đài: 1900.0191

Luật sư tư vấn:

Nghị định 03/2021/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới Quy định những trường hợp mà doanh nghiệp bảo hiểm khong phải bồi thường bao gồm:

“Điều 13. Loại trừ trách nhiệm bảo hiểm

Doanh nghiệp bảo hiểm không bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp sau:

1. Hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe cơ giới, người lái xe hoặc người bị thiệt hại.

2. Người lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy không thực hiện trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Trường hợp người lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy nhưng đã thực hiện trách nhiệm dân sự của chủ xe Cơ giới thì không thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm.

3. Người lái xe chưa đủ độ tuổi hoặc quá độ tuổi điều khiển xe cơ giới theo quy định pháp luật về giao thông đường bộ; người lái xe không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không hợp lệ (có số phôi ghi ở mặt sau không trùng với số phôi được cấp mới nhất trong hệ thống thông tin quản Lý Giấy phép lái xe) hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa hoặc sử dụng Giấy phép lái xe hết hạn sử dụng tại thời điểm xảy ra tai nạn hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không phù hợp đối với xe cơ giới bắt buộc phải có Giấy phép lái xe. Trường hợp người lái xe bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe có thời hạn hoặc bị thu hồi Giấy phép lái xe thì được coi là không có Giấy phép lái xe.

4. Thiệt hại gây ra hậu quả gián tiếp bao gồm: giảm giá trị thương mại, thiệt hại gắn liền với việc sử dụng và khai thác tài sản bị thiệt hại.

5. Thiệt hại đối với tài sản do lái xe điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, sử dụng ma túy và chất kích thích bị cấm theo quy định của pháp luật.

6. Thiệt hại đối với tài sản bị mất cắp hoặc bị cướp trong tai nạn.

7. Thiệt hại đối với tài sản đặc biệt bao gồm: vàng, bạc, đá quý, các loại giấy tờ có giá trị như tiền, đồ cổ, tranh ảnh quý hiếm, thi hài, hài cốt.

8. Chiến tranh, khủng bố, động đất

Như vậy, trường hợp này bên người bị tử vong là bên có lỗi, hay nói cách khác là hành vi cố ý gây thiệt hại thuộc khoản 1 nêu trên. Do đó, bên bị tử vong sẽ không được doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường. Còn bạn tham gia giao thông đúng quy định, bị người có lỗi cố ý gây tai nạn nên bạn sẽ được nhận bồi thường từ doanh nghiệp bảo hiểm.

>> Tham khảo bài viết liên quan: Trường hợp không được bảo hiểm bồi thường thiệt hại ?

3. Một số quy định của Luật giao thông đường bộ?

Xin chào Luật sư của LVN Group, Tôi muốn hỏi ngay ngã ba hay ngã tư giao lộ thường có nhánh rẻ trái hoặc phải (thường gọi là tiểu đảo) vậy phải bắt buộc là xe cơ giới muốn quẹo trái hay phải là phải chạy vào nhánh rẽ đó đúng không ạ? Nếu tôi tới giao lộ rẽ thì có vi phạm luật giao thông không vậy? Và khi xe chạy vào nhánh đó khi đèn đỏ mình phải dừng lại hay vẫn cứ tiếp tục di chuyển ?
Nhờ Luật sư của LVN Group giải đáp giùm ạ.Tôi xin cảm ơn Luật sư!

>> Luật sư tư vấn Luật dân sự trực tuyến, gọi:1900.0191

Trả lời:

Điều 10 và Điều 11 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có quy định như sau:

Điều 10.Hệ thống báo hiệu đường bộ

1. Hệ thống báo hiệu đường bộ gồm hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; tín hiệu đèn giao thông, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu hoặc tường bảo vệ, rào chắn.

2. Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông quy định như sau:

a) Tay giơ thẳng đứng để báo hiệu cho người tham gia giao thông ở các hướng dừng lại;

…”

Điều 11.Chấp hành báo hiệu đường bộ

1. Người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ.

2. Khi có người điều khiển giao thông thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.

3. Tại nơi có biển báo hiệu cố định lại có báo hiệu tạm thời thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của báo hiệu tạm thời.

4. Tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ và nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường.

Những nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, nếu thấy người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường thì phải giảm tốc độ, nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường bảo đảm an toàn.

Theo đó, người tham gia giao thông phải có trách nhiệm chấp hành báo hiệu đường bộ như: Biển báo hiệu cố định, vạch kẻ đường. Hay còn goị là tiểu đảo. Do đóngay ngã ba hay ngã tư giao lộ thường có nhánh rẻ trái hoặc phải bắt buộc là xe cơ giới muốn rẽ trái hay phải là phải chạy vào nhánh rẽ đó. Khi đến giao lộ rẽ bạn sẽ không bị vi phạm giao thông. Khi xe chạy vào đó khi đèn đỏ thì bạn vẫn tiếp tục di chuyển bình thường.

4. Hỏi đáp về luật giao thông đường bộ?

Kính chào Luật LVN Group, Tôi có một vấn đề mong các Luật sư của LVN Group giải đáp: Tôi đi từ ngõ nhỏ ra đường lớn và đang băng qua đường nơi có biển báo giao nhau với đường ưu tiên. Tôi đi rất chậm, quan sát và nhường đường. Khi đã đi gần hết đoạn đường phải sang thì có một thanh niên lao xe máy đâm vào phần cửa bên tay lái của tôi, nếu đường đó có phân làn thì chắc chắn cậu ta đã đi sai làn vì cậu ta đi sát mép đường phía bên tay trái. Trong trường hợp này tôi có sai luật không, thưa Luật sư của LVN Group?

Tôi xin chân thành cảm ơn!

>>Luật sư tư vấn pháp luật dân sư gọi:1900.0191

Trả lời:

Căn cứ khoản 3, điều 24, Luật giao thông đường bộ 2008, tại nơi ​đường giao nhau giữa đường không ưu tiên và đường ưu tiên hoặc giữa đường nhánh và đường chính thì xe đi từ đường không ưu tiên hoặc đường nhánh phải nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên hoặc đường chính từ bất kỳ hướng nào tới.

Bạn đã giảm tốc độ, quan sát và nhường đường, điều này hoàn toàn đúng với quy định của pháp luật.

Căn cứ Khoản 1, điều 9, Luật giao thông đường bộ 2008, người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ.

Theo như lời kể của bạn, thanh niên điều khiển xe máy đâm vào phía tay lái tức là bên trái theo chiều sang đường của bạn (vuông góc với đường ưu tiên) khi bạn gần đi hết đoạn đường cũng là mép đường bên trái theo hướng đi của thanh niên. Như vậy, người này đi sai luật.

5.Giải đáp bị khởi kiện do gây tai nạn giao thông?

Xin chào Luật LVN Group! Em có câu hỏi mong được giải đáp: Bố em gây ra tai nạn giao thông làm cho một cụ già 85 tuổi bị thương nặng. Thời điểm xảy ra tai nạn cách đây đã một tháng. Hiện tại, tình hình của bà cũng đã ổn định nhưng chân bị thương nặng, công an cũng đã đề nghị bố em cố gắng giải quyết bằng dân sự với gia đình bị nạn, nhưng gia đình họ có vẻ như không chịu trả lời dứt khoát.
Vậy trong trường hợp này, người nhà bị nạn kéo dài miết như vậy có được không? và nếu đưa ra kiện tụng thì bố em bị xử như thế nào? thời điểm gây ra tai nạn bố em không có bằng lái xe ?
Mong được Luật sư của LVN Group giải đáp sớm, em xin cảm ơn!

Trả lời

Căn cứ vào thông tin mà bạn cung cấp, bố của bạn đã điều khiển phương tiện giao thông, gây tai nạn giao thông cho người khác và làm thiệt hại tới sức khỏe cho người đó. Do đó, căn cứ theo quy định của BLDS, bố bạn phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân kể cả trong trường hợp không có lỗi vì tai nạn này là do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra (theo quy định tại khoản 1 Điều 601 Bộ Luật Dân sự 2015 và định nghĩa tại Luật Giao thông đường bộ: nguồn nguy hiểm cao độ có bao gồm cả phương tiện giao thông, vận tải cơ giới,…). Vấn đề bồi thường thiệt hại nếu hai bên không thể tự thỏa thuận được thì bên người bị thiệt hại có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại về sức khỏe. Trong trường hợp này, gia đình người bị thiệt hại là bên có quyền khởi kiện đối với bố của bạn là người đã gây tai nạn và xâm phạm đến sức khỏe của người bị hại. Mặc dù, pháp luật không quy định cụ thể về thời hạn thỏ thuận của các bên, tuy nhiên, thời hiệu khởi kiện một vụ án dân sự về tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là hai năm kể từ ngày xảy ra sự kiện bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Theo đó, Tòa án sẽ căn cứ vào quy định tại Điều 609 BLDS và hướng dẫn tại Nghị quyết số 03/2006/NQ_HĐTP.

Theo thông tin mà bạn cung cấp, người bị thiệt hại về sức khỏe là cụ bà 85 tuổi, do đó thể tạo ra thu nhập trong lao động nữa. Căn cứ vào Điều 609 BLDS và hướng dẫn tại Nghị Quyết 03/2006/NQ_HĐTP, cụ bà được hưởng các khoản tiền bồi thường bao gồm:

-Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại bao gồm: tiền thuê phương tiện đưa người bị thiệt hại đi cấp cứu tại cơ sở y tế; tiền thuốc và tiền mua các thiết bị y tế, chi phí chiếu, chụp X quang, chụp cắt lớp, siêu âm, xét nghiệm, mổ, truyền máu, vật lý trị liệu… theo chỉ định của bác sĩ; tiền viện phí;…

– Trong trường hợp sau khi điều trị, cụ bà bị mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc (trường hợp liệt hai chân và hoặc được giám định bị suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn từ 81% trở lên) thì phải bồi thường chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại. Chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại bao gồm: chi phí hợp lý hàng tháng cho việc nuôi dưỡng, điều trị người bị thiệt hại và chi phí hợp lý cho người thường xuyên chăm sóc người bị thiệt hại. Chi phí hợp lý cho người thường xuyên chăm sóc người bị thiệt hại được tính bằng mức tiền công trung bình trả cho người chăm sóc người tàn tật tại địa phương nơi người bị thiệt hại cư trú. Về nguyên tắc, chỉ tính bồi thường thiệt hại cho một người chăm sóc người bị thiệt hại do mất khả năng lao động

– Ngoài ra, người bị thiệt hại cũng được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm. Việc xác định mức độ tổn thất về tinh thần cần căn cứ vào sự ảnh hưởng đến nghề nghiệp, thẩm mỹ, giao tiếp xã hội, sinh hoạt gia đình và cá nhân…Mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại trước hết do các bên thoả thuận. Nếu không thoả thuận được, thì mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại phải căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần, nhưng tối đa không quá 30 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường.

Ngoài việc phải bồi thường thiệt hại cho bên bị thiệt hại, bố của bạn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử phạt hành chính về hành vi tham gia giao thông của mình. Về vấn đề xử lý hành vi gây tai nạn giao thông của bố bạn, do bạn không cung cấp chi tiết về nội dung cụ thể và những đánh giá của bên phía công an, do đó chúng tôi chỉ đưa ra một số trường hợp mà bố bạn có thể bị xử lý như sau:

Theo quy định tại Điều 260 Bộ Luật Hình sự 2015:

Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;

b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng;

c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;

….”

Căn cứ vào quy định trên, nếu bố bạn do vi phạm các quy định về an toàn giao thông dẫn đến gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của cụ già kia và lại có thêm tình tiết “chưa có bằng lái xe” (như thông tin mà bạn cung cấp) thì bố bạn có thể bị phạt tù từ 3 đến 10 năm.

Tuy nhiên, nếu chưa đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm trên, bố bạn cũng có thể chịu trách nhiệm hành chính tức bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông. Căn cứ theo quy định tại Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ_CP về xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới, theo đó, bố bạn đã điều khiển xe cơ giới khi không có giấy phép lái xe. Căn cứ vào dung tích xi lanh của xe mà bố bạn có thể bị phạt như sau:

– Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng trong trường hợp bố bạn điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh dưới 175m3 hoặc các loại xe tương tự.

– Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng trong trường hợp bố bạn điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 175m3 trở lên, xe ô tô, máy kéo hoặc các loại xe tương tự xe ô tô.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi số: 1900.0191 hoặc gửi qua email:Tư vấn pháp luật dân sự miễn phí qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật giao thông – Công ty luật LVN Group