1. Khái quát về văn phòng công chứng

Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch, tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng. (Theo Khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng năm 2014).

Tổ chức hành nghề công chứng bao gồm Phòng công chứng và Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật Công chứng năm 2014 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Như vậy, có thể hiểu một cách chung nhất, có thể hiểu văn phòng công chứng là một hình thức của tổ chức hành nghề công chứng, thực hiện chức năng của tổ chức hành nghề công chứng, được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật Công chứng và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

 

2. Nguyên tắc thành lập Văn phòng công chứng

Tại Điều 18 Luật Công chứng năm 2014 có quy định về thành lập văn phòng công chứng, được sửa đổi với Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018 và được hướng dẫn bởi Điều 16 Nghị định 29/2015/NĐ-CP như sau:

– Việc thành lập tổ chức hành nghề công chứng phải tuân theo quy định của Luật Công chứng năm 2014 và phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

– Văn phòng công chứng thành lập tại các địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của Chính phủ.

 

3. Một quận/huyện được thành lập bao nhiêu văn phòng công chứng?

Trước hết, quy định về thành lập và đăng ký hoạt động văn phòng công chứng

Theo Khoản 1 Điều 23 Luật Công chứng năm 2014 về việc thành lập và đăng ký hoạt động Văn phòng công chứng:

Các công chứng viên thành lập Văn phòng công chứng phải có hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định. Hồ sơ để nghị thành lập Văn phòng công chứng gồm đơn đề nghị thành lập và đề án thành lập Văn phòng công chứng, trong đó nêu rõ sự cần thiết thành lập, dự kiến về tổ chức, tên gọi, nhân sự, địa điểm đặt trụ sở, các điều kiện vật chất và kế hoạch triển khai thực hiện; bản sao quyết định bổ nhiệm công chứng viên tham gia thành lập Văn phòng công chứng.

Mặt khác, những điều kiện về Văn phòng công chứng được quy định tại Điều 22 Luật Công chứng năm 2014, theo đó, Văn phòng công chứng cần đáp ứng các điều kiện:

– Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật Công chứng năm 2014 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đối với loại hình công ty hợp danh.

– Văn phòng công chứng phải có từ hai công chứng viên trở lên. Văn phòng công chứng không có thành viên góp vốn.

– Người đại diện theo pháp luật của Văn phòng công chứng là Trưởng Văn phòng. Trưởng Văn phòng công chứng phải là công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng và đã hành nghề công chứng từ 02 năm trở lên.

– Tên gọi của Văn phòng công chứng phải bao gồm cụm từ “Văn phòng công chứng” kèm theo họ tên của Trưởng Văn phòng hoặc họ tên của một công chứng viên hợp danh khác của Văn phòng công chứng do các công chứng viên hợp danh thỏa thuận, không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của một tổ chức hành nghề công chứng khác, không được vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

– Văn phòng công chứng phải có trụ sở đáp ứng các điều kiện do Chính phủ quy định.

Tại Khoản 1 Điều 17 Nghị định 29/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Công chứng quy định về trụ sở của Văn phòng công chứng như sau:

Trụ sở của Văn phòng công chứng phải có địa chỉ cụ thể, có nơi làm việc cho công chứng viên và người lao động với diện tích tối thiểu theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc tại các đơn vị sự nghiệp, có nơi tiếp người yêu cầu công chứng và nơi lưu trữ hồ sơ công chứng.

– Văn phòng công chứng có con dấu và tài khoản riêng, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính bằng nguồn thu từ phí công chứng, thù lao công chứng và các nguồn thu hợp pháp khác. Văn phòng công chứng sử dụng con dấu không có hình quốc huy. Văn phòng công chứng được khắc và sử dụng con dấu sau khi có quyết định cho phép thành lập. Thủ tục, hồ sơ xin khắc dấu, việc quản lý, sử dụng con dấu của Văn phòng công chứng được thực hiện theo quy định của pháp luật về con dấu.

Dựa trên những quy định về văn phòng công chứng, về thành lập và đăng ký hoạt động văn phòng công chứng được nêu ra trên đây, có thể thấy không có quy định nào về giới hạn cụ thể số lượng Văn phòng công chứng được thành lập tại một quận/huyện.

Tuy nhiên, thời gian gần đây đã xuất hiện những tình trạng, hiện tượng chưa phù hợp với Chính sách của Nhà nước về phát triển nghề công chứng, cụ thể:

– Văn phòng công chứng được thành lập không căn cứ vào nhu cầu công chứng; việc chuyển trụ sở Văn phòng công chứng từ các huyện vào trung tâm các quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, gây ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của nghề công chứng, tiềm ẩn nguy cơ vi phạm pháp luật của một số tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên, đồng thời không đáp ứng được nhu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch của cá nhân, tổ chức tại các huyện, các vùng xa trung tâm.

– Chất lượng đội ngũ công chứng viên chưa đồng đều, còn có hiện tượng vi phạm pháp luật, đạo đức hành nghề. Việc ứng dụng công nghệ thông tin chưa tương xứng với sự phát triển các nhu cầu giao dịch trong hoạt động công chứng, chưa đáp ứng yêu cầu ngăn ngừa các hành vi lừa đảo, lợi dụng công chứng để hợp pháp hóa các giao dịch bất hợp pháp, gây mất trật tự an toàn xã hội.

– Công tác quản lý nhà nước còn thiếu công cụ hỗ trợ cần thiết trong bối cảnh xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động công chứng. Tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên chưa phát huy được trách nhiệm tự quản.

Xuất phát từ thực tiễn đó, Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ về Chính sách phát triển nghề công chứng đặt ra định hướng là không tập trung nhiều tổ chức hành nghề công chứng trên cùng một địa bàn cấp huyện; phát triển tổ chức hành nghề công chứng có kiểm soát gắn với địa bàn dân cư, đảm bảo kịp thời, đầy đủ yêu cầu công chứng của cá nhân.

Đồng thời, phát triển đội ngũ Công chứng viên có chất lượng, số lượng phù hợp với nhu cầu xã hội, gắn việc bảo đảm quyền hành nghề với việc chịu trách nhiệm trước pháp luật và người yêu cầu công chứng của đối tượng này.

Ngoài ra, Nghị quyết cũng khuyến khích cá nhân, tổ chức thực hiện công chứng hợp đồng, giao dịch để bảo đản an toàn pháp lý cho các bên tham gia, góp phần giảm công việc của cơ quan hành chính, giảm biên chế và chi ngân sách Nhà nước.

Đặc biệt, Nghị quyết còn khẳng định sẽ đấu tranh quyết liệt phòng, chống tội phạm, lợi dụng công chứng để hợp pháp hóa các giao dịch bất hợp pháp…

Như vậy, không được tập trung nhiều tổ chức hành nghề công chứng nói chung và văn phòng công chứng nói riêng trên cùng một địa bàn quận/huyện. Tuy nhiên về số lượng văn phòng công chứng được thành lập trên một địa bàn quận, huyện chưa có quy định cụ thể. Do đó, khi có nhu cầu thành lập Văn phòng công chứng thì vẫn có thể chuẩn bị hồ sơ gửi đến cơ quan có thẩm quyền để được xem xét thành lập.

Trên đây là toàn bộ nội dung bài viết của Luật LVN Group liên quan đến vấn đề: Một quận/huyện được thành lập bao nhiêu văn phòng công chứng? Mọi thắc mắc chưa rõ hay có nhu cầu hỗ trợ vấn đề pháp lý khác, quý khách hàng vui lòng liên hệ với bộ phận tư vấn pháp luật qua số hotline: 1900.0191 hoặc gửi yêu cầu tư vấn qua email: [email protected] để được hỗ trợ và giải đáp kịp thời. Xin trân trọng cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm đến bài viết của Luật LVN Group.