1. Giới thiệu tác giả

Sách Luật đặc xá và quy định mới nhất về tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự do tác giả Văn Lập hệ thống

2. Giới thiệu hình ảnh sách

Sách Luật đặc xá và quy định mới nhất về tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự

Sách Luật đặc xá và quy định mới nhất về tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự

Tác giả: Văn Lập hệ thống

Nhà xuất bản thế giới

3. Tổng quan nội dung sách

Ngày 19-11-2018, tại kỳ họp thứ 6, khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Luật Đặc xá số 30/2018/QH14 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01-7-2019). Điểm mới của Luật là người bị phạt tù bất kỳ tội gì chưa thực hiện xong nghĩa vụ bồi thường thiệt hại hoặc nghĩa vụ dân sự khác nhưng có thỏa thuận không yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc đồng ý bồi thường thiệt hại sau khi được đặc xá cũng được đặc xá Một điểm đáng chú ý nữa là bổ sung nhiều trường hợp không được đề nghị đặc xá, trong đó: Không đề nghị đặc xá với người trước đó đã được đặc xá; Người có từ 02 tiền án trở lên; Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội khác…

Đồng thời, người bị kết án về các tội sau cũng không được đề nghị đặc xá: Tội phản bội Tổ quốc; Tội bạo loạn, Tội gián điệp, Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ; Tội phá hoại cơ sở vật chất kỹ thuật của nước CHXHCN Việt Nam; Tội phá rối an ninh; Tội chống phá cơ sở giam giữ. Cũng theo Luật này, người được đặc xá có quyền được chính quyền địa phương giúp đỡ để hòa nhập công đồng; tạo điều kiện về việc làm, ổn định cuộc sống và được hưởng các quyền khác như người đã chấp hành xong án phạt tù theo quy định…

Bên cạnh đó, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành những quy định mới liên quan đến việc tạm giam, tạm giữ, thi hành án dân sự cụ thể như: Chỉ thị số 05/CT-VKSTC ngày 15-5-2018 về tăng cường trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân trong kiểm sát việc bắt, tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự; TT số 12/2018/TT-BCA ; TT số 06/2018/TT-BCA ngày 12-02-2018 về quy định tiêu chuẩn thi đua trong chấp hành án phạt tù và xếp loại chấp hành án phạt tù cho phạm nhân; QĐ số 39/QĐ-VKSTC ngày 26-01-2018 về biểu mẫu nghiệp vụ công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự.

Cuốn Sách “Luật đặc xá và quy định mới nhất về tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự” do Văn Lập hệ thống nhằm mục đích phổ biến tới bạn đọc những văn bản pháp luật nêu trên.

Nội dung cuốn sách bao gồm những phần chính sau:

Phần I. Luật Đặc xá được quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6, khóa XIV (có hiệu lực từ ngày 01/7/2019)

Tại phần này tác giả trích nguyên văn Luật đặc xá 2018.

Phần II. Luật thi hành tạm giữ, tạm giam và hướng dẫn thi hành mới nhất

Tại phần này tác giả trích dẫn toàn bộ nội dung Luật đặc xá và Nghị định hướng dẫn.

Phần III. Quy định về công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự

Tại phần này tác giả trình bày các văn bản hướng dẫn về công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự: Hướng dẫn, Thông tư, Nghị quyết, Quyết định…

Phần IV. Hướng dẫn chi tiết việc tha tù trước thời hạn có điều kiện

Phần này tác giả trình bày các văn bản hướng dẫn thực hiện việc tha tù trước thời hạn có điều kiện: Nghị quyết, Công văn, Hướng dẫn, Thông tư liên tịch, Thông tư….

Phần V. Quy định về chế độ thông tin, báo cáo quản lý và đánh gái kết quả nghiệp vụ

Phần này tác giả trình bày nội dung của Quyết định 279 và Quyết định 379.

Phần VI. Biểu mẫu nghiệp vụ công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự và tha tù trước thời hạn có điều kiện

Phần này tác giả trình bày toàn văn Quyết định số 39 năm 2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành biểu mẫu nghiệp vụ về công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự (Gồm 80 biểu mẫu)

Một số điểm mới của Luật đặc xá năm 2018 xin trích dẫn để bạn đọc tham khảo:

Các tội không được đề nghị đặc xá theo Luật Đặc xá 2018

Luật Đặc xá 2018 quy định cụ thể người bị kết án phạt tù về 16 tội sau không được đề nghị đặc xá dù có đủ các điều kiện quy định tại Điều 11 Luật này. Cụ thể:

– Tội phản bội Tổ quốc; Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; Tội gián điệp; Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ; Tội bạo loạn; Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; Tội phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

– Tội phá rối an ninh; Tội chống phá cơ sở giam giữ; Tội khủng bố; Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; Tội chống loài người; Tội phạm chiến tranh; Tội tuyển mộ, huấn luyện hoặc sử dụng lính đánh thuê; Tội làm lính đánh thuê.

Nếu Luật Đặc xá 2007 quy định bản án hoặc quyết định của Tòa án đối với người đó đang có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm thuộc trường hợp không được đề nghị đặc xá thì khoản 2 Điều 12 Luật Đặc xá 2018 thu hẹp hơn đối tượng không được đề nghị đặc xá, theo đó bản án, phần bản án hoặc quyết định của Tòa án phải bị kháng nghị theo hướng tăng nặng trách nhiệm hình sự mới không được đề nghị đặc xá.

Chưa bồi thường thiệt hại xong, vẫn được đặc xá

Điều 11 Luật Đặc xá 2018 quy định theo hướng cụ thể hơn thời gian chấp hành đối với từng loại tội mới đủ điều kiện được đề nghị đặc xá. Cụ thể:

– Người bị kết án về tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế – xã hội; tội phá hoại chính sách đoàn kết; người bị kết án từ 10 năm tù trở lên về một trong các tội quy định tại Chương các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người của Bộ luật Hình sự do cố ý;

– Đã chấp hành án phạt tù ít nhất là 17 năm đối với trường hợp bị phạt tù chung thân nhưng đã được giảm xuống tù có thời hạn, nếu sau khi đã được giảm xuống tù có thời hạn mà tiếp tục được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù thì thời hạn được giảm sau đó không được tính vào thời gian đã chấp hành án phạt tù;…

Điểm mới của Luật Đặc xá 2018 đó là việc quy định trường hợp đã thi hành được một phần nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác nhưng do lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn thuộc trường hợp chưa có điều kiện thi hành tiếp phần còn lại theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự đối với người bị kết án phạt tù không thuộc các tội tham nhũng hoặc tội khác do Chủ tịch nước quyết định thì cũng thuộc đối tượng được đề nghị đặc xá tại điểm đ khoản 1 Điều 11.

Trường hợp phải thi hành nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác đối với tài sản không thuộc sở hữu của Nhà nước thì phải được người được thi hành án đồng ý hoãn thi hành án hoặc không yêu cầu thi hành án đối với tài sản này.

Người đang chấp hành án phạt có quyền làm đơn đề nghị đặc xá

Theo đó, trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày Quyết định về đặc xá được niêm yết, phổ biến và trước khi giám thị trại giam lập danh sách người đủ điều kiện để báo cáo Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp gửi Tổ thẩm định liên ngành thì người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhưng đã được giảm xuống tù có thời hạn căn cứ Điều 11, Điều 12 Luật Đặc xá 2018 được làm đơn đề nghị đặc xá.

Đây là quy định mới được ban hành tại Luật Đặc xá 2018, bởi Luật Đặc xá 2007 không cho phép người đang chấp hành án phạt tù có quyền này. Theo Luật Đặc xá cũ, chỉ giám thị trại giam, giám thị trại tạm giam mới được đề nghị đặc xá.

Trình Chủ tịch nước ban hành Quyết định về đặc xá trước 60 ngày

Theo đó Chính phủ chủ trì, phối hợp với Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, xây dựng tờ trình của Chính phủ và dự thảo Quyết định về đặc xá.

Tờ trình và dự thảo Quyết định về đặc xá phải được trình Chủ tịch nước chậm nhất là 60 ngày trước thời điểm đặc xá để Chủ tịch nước xem xét, ban hành Quyết định về đặc xá. Nội dung này không được quy định cụ thể tại Luật Đặc xá 2007.

Văn phòng Chủ tịch nước chủ trì công bố Quyết định đặc xá

Luật Đặc xá 2007 không quy định rõ trách nhiệm của Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại Giao. Khắc phục vấn đề này, Luật Đặc xá 2018 quy định chi tiết trong từng điều luật riêng để các cơ quan chủ động thực hiện nhiệm vụ của mình. Theo đó:

– Điều 26 quy định Văn phòng Chủ tịch nước có trách nhiệm rà soát, kiểm tra danh sách, hồ sơ những người được Hội đồng tư vấn đặc xá hoặc Chính phủ đề nghị, trình Chủ tịch nước quyết định; Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức công bố Quyết định đặc xá;….

– Điều 31 quy định trách nhiệm của Bộ Tư pháp là đơn vị chỉ đạo cơ quan thi hành án dân sự phối hợp với trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an tỉnh… trong việc: Cung cấp thông tin, giấy tờ có liên quan đến nghĩa vụ thi hành phần dân sự trong bản án, quyết định hình sự của người đủ điều kiện được đề nghị đặc xá;…

– Điều 32 quy định Bộ Ngoại giao đề xuất Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định đặc xá cho người được đặc xá trong trường hợp đặc biệt là người nước ngoài;…

4. Đánh giá bạn đọc

Sách Luật đặc xá và quy định mới nhất về tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự đã trình bày đầy đủ các văn bản pháp luật liên quan đến đặc xá, tạm giữ và tạm giam. Với mục đích phổ biến quy định pháp luật mới về đặc xá, tạm giữ, tạm giam đến với bạn đọc, nội dung cuốn sách đáp ứng được mục đích này. 

Nội dung sách đơn thuần chỉ là quy định pháp luật, không có những phân tích, bình giải các quy định pháp luật, do đó đối với những cá nhân có nhu cầu nghiên cứu chuyên sâu về mặt lý luận và thực tiễn trong lĩnh vực này thì không nên lựa chọn cuốn sách này.

5. Kết luận

Cuốn sách đơn thuần chỉ là tổng hợp các văn bản pháp luật mới về đặc xá, tạm giữ và tạm giam. Bạn đọc sở hữu cuốn sách sẽ dễ dàng và thuận tiện trong việc tra cứu. Xong nếu bạn cần những tài liệu phân tích chuyên sâu về vấn đề này thì đây không phải là một lựa chọn tối ưu.

Hy vọng những chia sẻ trên đây của chúng tôi sẽ là một nguồn tư liệu đánh giá chất lượng sách hiệu quả tin cậy của bạn đọc. Nếu thấy chia sẻ của chúng tôi hữu ích, bạn hãy lan tỏa nó đến với nhiều người hơn nhé!